Thêm bản án xói mòn niềm tin vào công lý tại Việt Nam!

RFA
2023.04.27
Thêm bản án xói mòn niềm tin vào công lý tại Việt Nam! Bà Lê Thị Dung, nguyên Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên
Screen shot video clip

Bà Lê Thị Dung, nguyên Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) bị Tòa án nhân dân huyện Hưng Nguyên kết án năm năm tù giam vì gây thiệt hại số tiền gần 45 triệu đồng trong phiên sơ thẩm hôm 24 tháng 4 năm 2023.

Theo hồ sơ vụ án được truyền thông Nhà nước đăng tải, trong quá trình làm Bí thư chi bộ, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên, bà Lê Thị Dung đã chủ trì xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, trong đó có một số khoản chi không đúng quy định pháp luật.

Sau khi bản án được tuyên, một số nhân sĩ trí thức lên tiếng trên Facebook cá nhân bày tỏ sự bất bình về mức án như thế.

Giáo sư Mạc Văn Trang viết: “Cần xem lại vụ án… 45 triệu đồng mà kết án bà Lê Thị Dung năm năm tù thì chắc 99% các Hiệu trưởng, Trưởng phòng, Viện trưởng các Viện... đi tù hết. Vụ án có gì đó ẩn khuất?”

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu thì nhận định đây là một vụ án oan do sự không hoàn chỉnh của luật pháp; sự không độc lập của tòa án; tác động của quyền lực và tiền bạc; chủ quan và mục đích cá nhân; trình độ thẩm phán và kiểm sát viên yếu.

Tôi cho một ví dụ, ngay tại trường Đại học mở  bán công thành phố Hồ Chí Minh, một bí thư đảng ủy, chủ tịch hội đồng nhà trường đứng tên cá nhân 50 ngàn mét vuông đất của nhà trường trong 10 năm qua mà không ai xử lý, cũng chẳng ai kết luận gì. Vậy tôi hỏi rằng, hệ thống pháp luật Việt Nam ở đâu? Chỉ đạo của Bộ giáo dục như thế nào trong trường hợp này? - Nhà giáo Đinh Kim Phúc

Nhà giáo Thái Hạo viết: “Bản án bất công. Một cái lỗi chi sai (không phải tội tham nhũng) với số tiền nhỏ (chưa tới 45 triệu) mà phải ngồi tù năm năm, như thế là quá tàn bạo. So sánh với những vụ án trăm tỷ ngàn tỷ mà chỉ bị án treo hay tù vài năm suốt thời gian qua, sự bất bình lại càng tăng lên. Lỗi này của cô Dung (nếu đúng là cô đã chi sai) thì chỉ cần xuất toán, truy thu và kỷ luật về mặt đảng là xong, ấy thế mà tòa án huyện Hưng Nguyên lại hình sự hóa và đẩy một cô giáo vào tù.”

Nhà giáo Đinh Kim Phúc, nguyên giảng viên trường Đại học Cần Thơ, nguyên giảng viên trường Đại học Mở thành phố Hồ Chí Minh nhận định:

“Thứ nhất, vấn đề của cô hiệu trưởng này gọi là chi sai, tham lạm thì phải xem lại các quy chế của Bộ giáo dục và Đào tạo, của địa phương dành cho hệ giáo dục thường xuyên. Những chi tiêu nội bộ nào hiệu trưởng được quyền duyệt với những chứng từ nào và chi tới đâu. Nếu là tham lạm thì xử tù, nhưng nếu chi sai thì tôi cho rằng các cấp chính quyền cũng như tòa án nên xem lại cái mức án của mình đối với cô giáo này. Nếu chi sai vì cô ta không hiểu những những từ ngữ trong hệ thống kế toán với những quy định chồng chéo, nhưng câu chữ khó hiểu trong hệ thống tài chánh thì phải xử khác.

Tôi cho một ví dụ, ngay tại trường Đại học mở thành phố Hồ Chí Minh, một bí thư đảng ủy, chủ tịch hội đồng nhà trường đứng tên cá nhân 50 ngàn mét vuông đất của nhà trường trong 10 năm qua mà không ai xử lý, cũng chẳng ai kết luận gì. Vậy tôi hỏi rằng, hệ thống pháp luật Việt Nam ở đâu? Chỉ đạo của Bộ giáo dục như thế nào trong trường hợp này?" 

Theo cơ quan chức năng, do bà Lê Thị Dung không nhận tội, không khắc phục hậu quả nên tòa đã tuyên mức án năm năm. Bà Dung cho rằng, quy chế chi tiêu nội bộ đã được xây dựng công khai, minh bạch, đã gửi cho Phòng Tài chính và Kho bạc Nhà nước huyện Hưng Nguyên để kiểm soát chi. Quá trình thực hiện thanh toán công khai, đúng quy chế chi tiêu nội bộ, không có cơ quan có thẩm quyền khẳng định quy chế chi tiêu nội bộ của trung tâm là sai.

Bà Lê Thị Dung bị cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Hưng Nguyên khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam từ ngày 30 tháng 3 năm 2022.

Trong một video clip do Đài truyền hình Pháp Luật thực hiện trước khi bị bắt, bà Dung nói:

Tôi thấy việc kỷ luật là không có cơ sở pháp lý. Việc kỷ luật tôi là hoàn toàn vô căn cứ. Đoàn đã làm đi làm lại nhưng vẫn không khách quan, công tâm. Vì vậy cho nên cả ba cơ sở để xử lý kỷ luật tôi tôi đều không vi phạm.”

Một luật sư không muốn nêu tên nói với RFA rằng, hệ thống luật pháp của Việt Nam tạo ra dân oan, đẩy người dân vào vòng lao lý với những bản án bất công. Vị luật sư này so sánh bản án của bà Dung với bản án của ông Nguyễn Quang Tuấn, cựu giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội. Ông Tuấn và đồng phạm gây thiệt hại hơn 53 tỉ đồng trong vụ nâng giá vật tư y tế nhưng chỉ bị ba năm tù giam.

Tháng 11 năm ngoái, cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang và các đồng phạm gây thiệt hại cho Nhà nước 3,84 triệu USD nhưng ông Quang chỉ bị 30 tháng tù treo.

Tôi nói thêm, chữ “thỏa hiệp” rất quan trọng vì nó mang tính chất mờ ám, không rõ ràng. Nó là con dao hai lưỡi. Có khi bị cáo nhận tội tại phiên phúc thẩm thì được giảm án như thỏa hiệp trước đó. Có khi nhận tội xong thì bị giữ nguyên mức án, vì đã nhận tội rõ ràng, dù bị cáo thật sự không có tội. Những trường hợp như thế xảy ra rất nhiều. - Luật sư

Vị luật sư ẩn danh nói thêm về trường hợp bà Dung:

Bản án của cô này là quá nặng. Có thể nơi xử nghĩ vụ xử này sẽ không ồn ào, không thu hút dư luận vì cô này không phải là một quan chức lớn. Bây giờ dư luận trên mạng xã hội lên tiếng thì có thể có những kết quả sau trong phiên phúc thẩm: Thứ nhất vẫn y án năm năm. Thứ hai là sửa lại án thành ba năm và cho hưởng án treo bằng cách lặng thầm thỏa hiệp với cô giáo trước đó. Ví dụ khuyên cô nhận tội để được giảm án. Chuyện này đã xảy ra rất nhiều. Thứ ba là hủy bản án điều tra lại nếu dư luận lên tiếng mạnh mẽ. Nhưng dư luận xã hội mạnh mẽ cỡ nào cũng không mạnh bằng một ông không biết luật chỉ đạo vụ xử. Mà ông này thường nằm trong ban nội chính.

Tôi nói thêm, chữ “thỏa hiệp” rất quan trọng vì nó mang tính chất mờ ám, không rõ ràng. Nó là con dao hai lưỡi. Có khi bị cáo nhận tội tại phiên phúc thẩm thì được giảm án như thỏa hiệp trước đó. Có khi nhận tội xong thì bị giữ nguyên mức án, vì đã nhận tội rõ ràng, dù bị cáo thật sự không có tội. Những trường hợp như thế xảy ra rất nhiều.”

Bà Bùi Thị Minh Hằng, một nhà hoạt động dân chủ và nhân quyền Việt Nam từng nói “Việt Nam là một cường quốc dân oan”, bởi vì ngay từ khâu bắt bớ, điều tra họ đã có ép cung, nhục hình để hoàn thành kế hoạch sáu tháng đầu năm, sáu tháng cuối năm. Trong lĩnh vực tư pháp mà có kế hoạch thì làm sao không có án oan?!

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.