Hơn năm năm sau thảm họa môi trường Formosa dân vẫn còn chịu tác động
2021.05.21
“Thứ nhất là về mặt tâm lý thì thực sự bản thân cha từ khi về đây cũng cảm thấy đây là một môi trường rất khắc nghiệt và một tương lai rất là mờ mịt. Bởi vì cứ mở mắt ra là mình thấy cảnh khói bụi. Mở mắt ra mà thì mình ngửi được cái mùi hôi thối từ Formosa thải ra. Rồi cộng với những lời hứa của chính quyền cũng như Formosa từ tháng 4/2016 đến nay vẫn chưa được thực hiện. Cộng thêm những cái vấn đề nó lại tiếp tục xảy ra như là vấn đề xỉ thải tiếp tục đưa đến các vùng quê để san lấp mặt bằng các công trình và đường”.
Đó là trình bày của Linh mục Nguyễn Hồng Lĩnh, người về quản nhiệm Giáo xứ Đông Sơn, xã Kỳ nam, Hà Tĩnh ba năm về trước. Giáo xứ Đông Sơn nằm cách địa giới hành chính Nhà máy Gang thép Hưng nghiệp Formosa chỉ 3 km. Nhà máy này vào tháng tư năm 2016 đã gây ra thảm họa ô nhiễm môi trường khi xả thải hóa chất trực tiếp ra biển phá hủy môi trường sinh sống và mưu sinh của hàng trăm nghìn người dân ven biển bốn tỉnh miền Trung.
Năm năm trước, cả nước và nhiều nơi trên thế giới sửng sốt trước hình ảnh hàng tấn cá chết trôi trên bờ biển. Đến nay, theo Linh mục Nguyễn Hồng Lĩnh, người dân tiếp tục phải sống trong một môi trường không ai có thể yên tâm và cảm thấy bình an được. Ông trình bày tiếp:
“Hơn thế nữa là từ khi cha về đây đến giờ, tỷ lệ người ung thư, ở các vùng khác Ccha chưa nói, nhưng ở trong giáo xứ của cha cũng kiếm lên đến tầm khoảng 60% những người chết mà nguyên nhân dẫn đến cái chết là ung thư. Chắc chắn cũng chưa thể có một cái bằng chứng khoa học nào hoặc ai có thể chứng minh được rằng là vấn đề của Formosa là nguyên nhân dẫn đến việc ung thư. Nhưng mà nhìn thấy cảnh người chết vì ung thư nhiều như thế thì chính bản thân cha và nhiều người cũng đặt lại vấn đề là môi trường chúng ta đang sống này nó như thế nào mà khiến cho bệnh ung thư trong những năm gần đây, mà tỷ lệ người mắc dẫn đến cái chết nhiều như thế”.
Nhiều người dân, cho dù đã được Formosa và chính quyền địa phương hứa hẹn bồi thường nhưng cho đến nay vẫn chưa nhận được đồng nào.
Một cư dân (giấu tên vì lý do an toàn) ở huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh, làm nghề pha chế mắm ruốc và nước mắm truyền thống vào ngày 23 tháng 3 chia sẻ với Đài Á Châu Tự Do:
“Sau nhiều năm đi đòi hỏi từ các cấp bộ, ngành ra tới Trung ương, bây giờ cũng đã gần năm năm thì kết quả là tháng ba năm 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có đối thoại với Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh và đã ra Quyết Định số 92, cho thêm hàng hải sản tẩm ướp vào danh mục được đền bù vì sự cố môi trường biển. Hiện tại bây giờ là 23/3/2021 rồi mà chúng tôi chưa nhận được thông tin gì từ chính quyền. Chúng tôi mỗi tháng một lần đi lên chỗ tiếp dân thì đều nghe là chưa làm kịp, chưa điều tra kịp, chưa hoàn tất thủ tục pháp lý”.
Đối với những ngư dân đã vượt qua được thời gian bi thảm nhất sau khủng hoảng ảnh hưởng đến kinh tế khu vực, sản lượng hải sản đánh bắt được cũng không còn như trước.
Giám mục Nguyễn Thái Hợp, chủ chăn Giáo Phận Vinh và Giáo Phận Hà Tĩnh trước đây, nhận xét:
“Khi biển không còn là nguồn lợi thiên nhiên, không còn là nơi sinh sống, không còn là tương lai của họ mà trở nên thảm họa thì chính vì vậy những đứa con của họ bắt đầu học hết lớp 9 hay là có nhiều đứa khá hơn đến lớp 12, phải gồng gánh đi vào Nam ra Bắc. Nhất là đi ra nước ngoài. Có những trường hợp đi ra nước ngoài bằng bất cứ giá nào, đa số là đi chui.”
Bà Nancy Bùi, Phó Chủ tịch Hội Công lý cho Nạn nhân Formosa là người trực tiếp liên hệ với hàng nghìn nạn nhân vụ thảm họa môi trường năm 2016. Bà nói, chính quyền Việt Nam hô hào hỗ trợ công ăn việc làm nhưng thực chất không như lời nói:
“Họ nói họ giúp đỡ những người này đi lao động nước ngoài. Nhưng tất cả những người mà lao động nước ngoài ở vùng đó, theo chính con số của nhà nước là trên 14.000 người được giúp đỡ ra nước ngoài. Hỏi những người đó thì họ nói là họ không được giúp đỡ một đồng nào. Hay là bất kỳ một phương tiện nào. Tất cả chỉ là lời hứa. Họ không nhận được gì hết”.
Nhiều người cho biết họ đã bị lâm vào nợ nần vì sau thảm họa môi trường họ mất kế sinh nhai. Một người dân giấu tên vì lý do an toàn nói với RFA:
“Còn có người vay tiền rồi đi làm lao động mà họ không trả được nợ, họ mất nhà mất cửa. Họ nói: ‘Hồi trước tôi đâu có phải như vậy, bây giờ tôi không trả được nợ, bây giờ phải đi trốn ở đâu đó để đỡ cái cảnh người ta đến nhà người ta đòi nợ, người ta chửi bới’. Đau thương lắm, nói không hết”.
Sau nhiều năm đi đòi công lý từ địa phương đến Trung Ương, một số nạn nhân của Formosa gần đây có được một chút hy vọng khi Tòa Thượng Thẩm của Đài Loan hôm 9 tháng 4 đưa ra phán quyết rằng trong vụ kiện Công ty Cổ phần Thép Formosa Hà Tĩnh, 13 trong 24 bị đơn phải chịu trách nhiệm đền bù cho nạn nhân thảm họa do công ty gây ra.
Giám mục Hợp nhận định:
“Đây là một bước đầu, một bước đầu chưa như chúng tôi muốn, cũng như chưa làm hài lòng các nạn nhân vì nhiều điều kiện nữa nhưng mà dù sao đã bắt đầu công lý, đã thực hiện và trả lại quyền lợi cũng như danh dự cho các nạn nhân. Thì đó là một niềm vui”.
Một trong mối quan tâm là làm sao khôi phục môi trường thiên nhiên. Giám mục Hợp nói, đối với người dân ở đây phán quyết là một bước đầu khích lệ nhưng còn quá sớm để ăn mừng:
“Trong phán quyết của tòa nói là phải trả lại cái môi trường trong sạch cho Việt Nam. Nhưng rồi cũng không có một cái cụ thể làm sao trả lại môi trường như đã có trước đây. Và cơ quan nào thực hiện việc trả lại môi trường đó. Thì chúng tôi rất có thể đang suy nghĩ để yêu cầu Tòa án phải có một công ty hay là một cơ quan độc lập để thi hành chuyện đó, và tất nhiên các Công ty Formosa phải trả tiền cho công ty độc lập này. Đây là một vấn đề nổi cộm và chúng tôi chắc chắn sẽ phải yêu cầu tòa án nói rõ hơn làm sao để thực hiện điều này, nếu không mọi sự sẽ đâu vào đó”.
Hội Công lý cho Nạn nhân Formosa hỗ trợ 7.875 nguyên đơn trong vụ kiện Formosa tại Đài Loan. Bà Nancy Bùi giải thích đây chỉ là một tỷ lệ rất nhỏ của hàng trăm nghìn nạn nhân bốn tỉnh, nhưng vì không đủ thời gian thu thập hồ sơ nên phải giới hạn.
Hội Công lý cho Nạn nhân Formosa đã hội ý với đoàn luật sư và quyết định kháng cáo tiếp để buộc toàn bộ 24 bị đơn, bao gồm 18 công ty và sáu cá nhân, tổng giám đốc, phải chịu trách nhiệm đền bù, không chỉ 13 bị đơn như Tòa Thương Thẩm đã phán quyết. Bà Nancy giải thích:
“Trong vụ này số tiền đền bù rất lớn, cho gần 8.000 người và thiệt hại của mỗi người cũng rất lớn. Khi mình tính ra thì cũng vài trăm triệu là ít. Nên mình muốn có mặt đủ bên bị đơn để đảm bảo cho tiền đền bù của người dân. Đó là thứ nhất. Thứ hai là những công tý đó phải có mặt đầy đủ để họ lo việc, thứ nhất là ngừng việc xả thải, thứ hai là làm sạch vùng biển và theo dõi để không tiếp tục xả thải ở đó nữa. Tất cả những điều kiện này mà chỉ có 13 bị đơn thôi thì theo luật sư tính toán phần đền bù sẽ không được bảo đảm”.
Vụ kiện có thể còn kéo dài vài năm nữa và dù biết rằng các nạn nhân đã phải chờ rất lâu cho đến tuyệt vọng nhưng người hỗ trợ công lý cho các nạn nhân cho biết vì sao các nạn nhân Formosa quyết tâm:
“Họ là những người mình phải nói là rất can đảm. Họ quá uất ức. Mình đặt mình vào cái thể của họ: tự nhiên mình bị mất hết, rồi gia đình cũng tan hoang hết, mọi chuyện thay đổi cuộc đời mình mà công ty không đền bù. Trong khi công ty làm cho thảm họa xảy ra càng ngày lại càng lớn mạnh hơn, lại càng to lớn hơn. Nên tất cả điều đó mình uất ức chứ. Nên họ quyết tâm họ làm, dù là bị điều tra, bị gọi lên, nhiều người giúp làm đơn cũng có một số đã bị bắt, còn một số đang đi trốn”.