Các cơ sở hải sản khô điêu đứng vì chưa được bồi thường

Lan Hương, phóng viên RFA
2017.07.28
000_9Y4W7.jpg Những con cá chết nằm trên một bãi biển ở huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình hôm 20/4/2016.
AFP photo

 

Hơn một năm sau thảm họa môi trường biển Formosa, ở 4 tỉnh Bắc Trung Bộ nhiều chủ cơ sở hàng hải sản khô và đông lạnh phản ánh với Đài Á Châu Tự Do rằng họ vẫn chưa được bồi thường thiệt hại, khiến cuộc sống của họ gặp muôn vàn khó khăn, nhiều hộ bị phá sản.

Tiền không thấy bóng!

Cửa hàng hải sản khô của chị Tính, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh, chủ yếu bán các sản phẩm khô, sứa, nước mắm, ruốc,… Để gây dựng được cửa hàng này chị phải ngược xuôi vay mượn ngân hàng và bà con họ hàng đến gần chục tỷ đồng. Gia đình chị đang ăn nên làm ra thì thảm họa môi trường do công ty Formosa xả thải ra biển xảy ra, khiến cuộc sống gia đình chị giờ lâm vào đường cùng.

Chị Tính cho biết cơ sở của chị nằm trong diện được bồi thường vì phải chịu tác động của thảm họa, hàng ế ẩm không bán được. Cách đây hơn một năm, cơ quan chức năng tới cân đong số hải sản của gia đình chị để quy ra mức bồi thường và hứa hẹn sẽ đền bù sớm nhất có thể nhưng đến nay vẫn chưa có động tĩnh gì:

Bọn chị rất mệt mỏi! Nào là đơn từ từ cấp xã đến cấp huyện, tỉnh, và ra tới bộ luôn. Bộ thì nói về tỉnh giải quyết, tỉnh thì nói về huyện. Bọn chị cũng thấp cổ bé họng, cũng chỉ kêu được mức độ nào đó thôi.

"Nào là đơn từ từ cấp xã đến cấp huyện, tỉnh, và ra tới bộ luôn. Bộ thì nói về tỉnh giải quyết, tỉnh thì nói về huyện".
- Người dân

Hiện số hải sản còn trong kho chị Tính chạy chọt khắp mọi nơi để bán, vớt vát được đồng nào hay đồng đó. Tuy nhiên, hàng thu hoạch khi xảy ra thảm họa nên dân không mấy người dám mua, có mua giá cũng bèo bọt, lại cộng thêm khoản nợ kếch xù lãi mẹ đẻ lãi con. Chị Tính than thở:

Mười tỷ mua hàng thì bán ra chỉ được hai tỉ thôi, còn lại tám tỉ là âm nợ. Nợ ngân hàng bây giờ điêu đứng luôn, tháng nào người ta cũng đòi tiền lãi. Rồi còn nợ bên ngoài nữa, nợ ngoài bây giờ chồng chất, lãi mẹ đẻ lãi con. Nhà chị vô đường cùng rồi!

Tình cảnh tương tự cũng xảy ra với cơ sở của anh Hoan, xã Thạch Bằng. Tiền bồi thường gia đình anh không được nhận, hàng không bán được, để lâu hư hỏng bốc mùi khiến các hộ lân cận phàn nàn:

Ví dụ số cá nhiễm độc thì họ hủy và đền 100%, tức là số hàng mà họ đã kiểm tra. Còn hàng không bán được thì họ tạm ứng 30% giá trị lô hàng. Nhưng hàng khô và sứa còn lại thì họ không giải quyết một cái gì hết. Bây giờ người dân đang kêu mà người ta không trả lời được. Tỉnh nhà không trả lời và ngoài tỉnh cũng không trả lời. Tỉnh nhà chỉ nói là phải chờ chính phủ!

Anh Hoan cho biết cả gia đình anh và các hộ cùng cảnh ngộ đề đều gửi đơn từ cầu cứu đi khắp các nơi từ địa phương đến trung ương nhưng tình hình vẫn dậm chân tại chỗ và không có một cơ quan chức năng nào đứng ra trực tiếp nhận trách nhiệm:

Nói thật người dân bây giờ rất điêu đứng, rất vất vả về kinh tế. Hàng thì không tiêu thụ được, một số tiêu thụ được thì người ta đã bán đi lỗ đến 80%, tức là bán theo hàng thức ăn gia súc. Rồi nợ nần bây giờ chồng chất rất nhiều. Nợ ngân hàng không nói, nhưng còn nợ dân nữa. Ví dụ 10 tỷ tiền hàng, vay ngân hàng 5 tỷ thì phải vay dân 4,5 tỷ.

Ở một địa phương khác tại Lộc Hà là xã Cẩm Xuyên, người dân cũng lên tiếng với chúng tôi về hoàn cảnh tương tự. Cô Lự theo nghề buôn bán hải sản khô cho khách du lịch đã hai chục năm nay. Nghề này tuy chẳng mang lại giàu sang phú quý nhưng cũng nuôi sống gia đình cô suốt bao nhiêu năm ròng. Rồi một ngày thảm họa Formosa ập đến, đẩy gia đình cô vào tình trạng phá sản, nợ nần như “chúa chổm” và lo ăn từng ngày:

Không ngờ vào ngày 20/4, do thảm họa môi trường biển, khách du lịch không có. Bọn em bán hàng thì họ trả về. Bây giờ hàng hóa hư hỏng, hơn một năm trời không có công ăn việc làm. Vất vả, khổ lắm!

Biểu tình chống Formosa
Biểu tình chống Formosa
RFA

Nghe mọi người nói những trường hợp như vậy thì gửi đơn lên các cấp chính quyền để được giải quyết. Cô Lự cũng chạy đôn chạy đáo gửi đơn từ đến tất cả các cơ quan chuyên trách từ trung ương đến địa phương nhưng các cấp đùn đẩy trách nhiệm cho nhau rồi nói người dân cứ về chờ. Chờ mòn mỏi đã hơn một năm nay, gia đình cô 6 người con đang ăn học trong khi cha mẹ mất nghề nghiệp, ôm khoản nợ gần hai chục tỷ đồng:

Từ một cân mực giá chín trăm đến một triệu nhưng nay nếu mà bán chỉ được mười ngàn mà họ cũng không muốn mua cho vì hàng hư hỏng rồi. Cơ sở của tôi giờ thiệt hại nhiều lắm, giờ còn nợ gần hai chục tỷ! Công sức bao nhiêu năm gây dựng của bọn tôi bây giờ mất hết trơn!

"Cơ sở của tôi giờ thiệt hại nhiều lắm, giờ còn nợ gần hai chục tỷ! Công sức bao nhiêu năm gây dựng của bọn tôi bây giờ mất hết trơn!"
- Người dân

Không chỉ ở Hà Tĩnh

Tình trạng này không chỉ xảy ra tại các địa phương ở Hà Tĩnh mà còn ở cả các tỉnh khác nơi chịu tác động của thảm họa môi trường Formosa. Đài Á Châu Tự Do đã trò chuyện với một hộ kinh doanh hải sản khô ở Quảng Bình và được chị cho biết rằng cơ sở của chị chịu rất nhiều thiệt hại từ thảm họa Formosa nhưng khi làm đơn gửi lên chính quyền họ lại nói là cửa hàng của chị không được xếp vào danh sách được đền bù:

Năm ngoái họ nói tôi là hộ ven sông chứ không phải ven biển, nên không được đền bù.

Người dân này nói với chúng tôi rằng hiện tại chị đang rất tuyệt vọng vì hải sản do chịu tác động của thảm họa nên không bán được, nhưng không được chính quyền công nhận điều đó để đền bù cho gia đình chị. Cơ ngơi hơn chục năm chị gây dựng giờ đây phải bán hết đi để trả nợ. Chị nói rằng có lẽ sẽ phải đi xuất khẩu lao động để kiếm tiền nuôi các con.

Chúng tôi đã liên lạc với các lãnh đạo huyện Lộc Hà, và lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh để hỏi về vấn đề đền bù thiệt hại cho các cơ sở hải sản khô và đông lạnh nhưng gọi nhiều lần họ hoặc không nghe máy hoặc từ chối trả lời.

Thảm họa môi trường biển xảy ra vào tháng 4 năm ngoái tại khu vực Bắc Trung Bộ do nhà máy Formosa Hà Tĩnh xả thải chất độc ra biển làm cá và hải sản chết hàng loạt. Nhà máy này sau đó đã thừa nhận trách nhiệm và đền bù thiệt hại với số tiền 500 triệu đô la. Tuy nhiên người dân thường xuyên biểu tình để phản đối chính sách bồi thường thiếu minh bạch và công bằng của Chính phủ Hà Nội.

Ngày 14 tháng 6 vừa qua, phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã ra chỉ thị yêu cầu các địa phương phải hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ chịu tác động trước ngày 30 tháng 6 năm nay.

Đến ngày 10/7 vừa qua, truyền thông trong nước cũng loan tin nói rằng bốn tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng từ sự cố môi trường biển do Formosa gây ra gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế đã cơ bản hoàn thành việc chi trả bồi thường, trong đó thấp nhất là tỉnh Hà Tĩnh, đạt 85%.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.