Vợ góa cụ Lê Đình Kình chính thức gửi đơn tố giác vụ giết chồng bà
2020.03.04
Chính thức tố giác
Vào ngày 3 tháng 3 năm 2020, bà Dư Thị Thành, vợ góa của ông Lê Đình Kình chính thức làm Đơn Tố Giác Tội Phạm gửi đến một số cơ quan chức năng yêu cầu điều tra, làm rõ hành vi giết người theo Khoản 1, Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đối với chồng bà là ông Lê Đình Kình.
Ông Lê Đình Kình, người được coi là thủ lĩnh tinh thần của người dân trong việc giữ đất Đồng Tâm, đã bị bắn chết vào ngày 9 tháng 1 năm 2020, khi hàng ngàn cảnh sát cơ động được điều đến làng Hoành, xã Đồng Tâm để bảo vệ các mục tiêu khi xây dựng hàng rào sân bay Miếu Môn cách đó khoảng hơn 3 km.
Trong đơn, bà tả chi tiết những vết tích trên thân thể mà bà gọi là ‘tan nát’ của ông Lê Đình Kình khi gia đình nhận xác về, như: “Đầu bị bắn một viên đạn, ngực bị bắn một viên đạn, đầu gối bị bắn rất nhiều viên đạn khiến chân như gần đứt lìa, bụng và ngực ông bị mổ toang như để khám nghiệm dù không ai trong gia đình tôi được chứng kiến việc đó…”. Bà cũng trình bày rõ mọi việc diễn ra từ lúc 3 giờ sáng ngày 9 tháng 1 như thế nào ngay tại nhà bà.
RFA trò chuyện với bà qua điện thoại vào tối ngày 4 tháng 3 năm 2020 thì được bà cho biết bà đã gởi đơn hôm 3 tháng 3 năm 2020 với mong muốn minh oan cho chồng bà, ông Lê Đình Kình. Bà nói:
Chính mắt tôi chứng kiến mọi chuyện lúc 3 giờ sáng. Tôi chỉ muốn yêu cầu các cơ quan chức năng minh oan cho ông Kình chồng tôi, từ đó giải quyết cho các cháu đang trong trại giam. - Cụ bà Dư Thị Thành
“Chính mắt tôi chứng kiến mọi chuyện lúc 3 giờ sáng. Tôi chỉ muốn yêu cầu các cơ quan chức năng minh oan cho ông Kình chồng tôi, từ đó giải quyết cho các cháu đang trong trại giam. Các cháu bị thương nặng quá mà giam ở trại thì tôi lo ngại lắm. Ông Hiểu với cháu Chức bị nặng quá mà mang về trại thì không biết có sống nổi không.
Đơn tố giác về hành vi giết cụ Kình tôi không biết họ sẽ giải quyết như thế nào. Tôi mong trước hết họ cho các cháu đi viện chăm sóc sức khỏe chứ nguy hiểm quá. Tôi chỉ biết gửi bưu điện thôi chứ chẳng biết làm thế nào. Chỉ mong minh bạch mọi chuyện cho gia đình không bị oan. Minh oan cho ông Kình. Oan ức quá!”
Bà Thành nói thêm rằng, bà chỉ mong các cơ quan chức năng cũng như truyền thông trong, ngoài nước lên tiếng để mọi chuyện được sáng tỏ chứ hiện nay bà không được tiếp xúc với con, cháu bà trong trại giam, mà phía công an cũng không nghe trình bày của bà.
Luật sư Ngô Anh Tuấn, một người trợ giúp pháp lý cho người dân Đồng Tâm trong vụ tranh chấp đất đai, nói với RFA về lá đơn của bà Dư Thị Thành:
“Đích thân bà Dư Thị Thành, vợ người bị hại làm và nộp đơn thì chắc chắn họ phải phản hồi. Đơn được gửi cho ba cơ quan là Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao; Ông Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công An; Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an. Nếu không có sự phản hồi nào thì đại diện cho người bị hại, chúng tôi có quyền khiếu nại đi các nơi.”
Theo nhận định của Luật sư Ngô Anh Tuấn thì tuy đơn được gửi đến ba nơi, nhưng ông hy vọng cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao có khả năng phản hồi cao nhất, bởi đây là cơ quan độc lập hơn hai nơi kia (đều là phía công an) trong trường hợp này.
Trong buổi trò chuyện với RFA tối 4 tháng 3 năm 2020, bà Dư Thị Thành nhiều lần xót xa, nghẹn lời khi nhắc đến những người con, cháu của bà đang bị bắt giam với tình hình sức khỏe tồi tệ qua những thông tin từ luật sư mà bà được biết.
"Họ không thể im lặng được!"
Luật sư Lê Văn Hòa, một trong số các luật sư tham dự buổi hỏi cung của Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP Hà Nội đối với hai bị can Lê Đình Công, Lê Đình Chức viết trên facebook cá nhân của ông rằng, ông Chức vẫn sống chứ không chết như tin đồn. Vết thương vỡ đầu trong rạng sáng 9/1/2020 đã gây hiện tượng có lúc nhớ lúc quên và nửa người bên trái vẫn bị liệt. Ông Lê Đình Công đi lại và trí nhớ bình thường, các vết thâm trên mặt khi xuất hiện trên VTV tháng trước nay không còn nữa.
Luật sư Lê Văn Hòa gợi ý gia đình có thể viết đơn gửi Cơ quan Điều tra xin phép gửi thuốc men để nhờ Trại tạm giam chuyển cho người thân để trị bệnh và bồi dưỡng sức khỏe.
Tôi nghĩ họ sẽ không im lặng được trong trường hợp này, bởi đối với một cái chết thì phải có nguyên nhân, phải có lý do. Do đó họ phải có văn bản phản hồi rõ ràng. - LS. NGô Anh Tuấn
Luật sư Hà Huy Sơn cho RFA biết tình trạng ông Bùi Viết Hiểu và bà Trần Thị Phượng vào tối 4 tháng 3 năm 2020:
“Ngày hôm qua tôi có gặp ông Bùi Viết Hiểu sinh năm 1943, là thương binh. Tôi gặp khi tham dự buổi hỏi cung với điều tra viên. Tại buổi hỏi cung ông Hiểu cho biết từ khi bị bắt là ngày 9 tháng 1, họ đưa ông vào viện mổ. Đến ngày 17 tháng 1 thì đưa về Bệnh xá Trại tạm giam 02 CA Hà Nội cho đến nay. Mổ nội soi hành tá tràng, thủng 3 lỗ; đứt 2 đoạn đại tràng; mổ bó bột bàn chân bị vỡ xương. Hiện ông đang phải đeo túi hậu môn nhân tạo. Đó là tình trạng sức khỏe mà ông Hiểu cho tôi biết.
Người thứ hai là chị Trần Thị Phượng sinh năm 1984. Chị Phượng ra đầu thú ngày 11 tháng 1. Sức khỏe chị Phượng hiện bình thường. Chị cho biết trước có bị đánh vào đầu. Thời gian đầu chị bị đau không gội đầu được. Đến ngày hôm qua tôi gặp thì tình trạng này đã đỡ rồi.”
Luật sư Hà Huy Sơn cho biết nhìn bên ngoài thì ông Hiểu và bà Phượng làm việc minh mẫn, còn tình trạng đau đớn thì ông không thấy thể hiện ra nên ông không khẳng định được họ có đau đớn gì không.
Bà Dư Thị Thành cho RFA biết bà không được vào thăm con, cháu, cũng không ai trong chính quyền nghe bà nói nên cách duy nhất bà có thể làm là gởi đơn qua đường bưu điện. Nếu không nhận được phản hồi thì bà gửi lại.
Luật sư Ngô Anh Tuấn bày tỏ hy vọng:
“Tôi nghĩ họ sẽ không im lặng được trong trường hợp này, bởi đối với một cái chết thì phải có nguyên nhân, phải có lý do. Do đó họ phải có văn bản phản hồi rõ ràng. Chúng tôi sẽ dựa trên văn bản đó để có những yêu cầu tiếp theo. Họ không thể im lặng được!”
Ngoài đơn tố giác tội phạm của cụ bà Dư Thị Thành, một đơn tố giác khác cũng được công khai hôm 20 tháng 1 năm 2020. Đơn này do các nhân sĩ trí thức cũng nhiều người quan tâm ký tên. Tính đến hôm nay đã có khoảng 100 chữ ký.