“Khỏa thân” vì môi trường – “Lệch” từ đời thực tới hành vi

RFA
2019.10.10
ma-pi-leng Nhóm 4 người đàn ông khỏa thân tại khu vực đèo Mã Pí Lèng.
RFA Edited

Lúng túng trong xử lý

Trên mạng xã hội vào ngày 8/10 lan truyền hình ảnh 4 người đàn ông khỏa thân đi xe motor trên đèo Mã Pí Lèng (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang). Đặc biệt, nhóm người này còn đứng tạo dáng phản cảm để chụp ảnh trước tòa nhà Panorama, nơi đang gây nhiều tranh cãi. Tài khoản Facebook Trần Chí Hiếu người có biệt danh Hiếu Orion, 1 trong 4 thành viên khỏa thân cho biết nhóm bạn của ông thực hiện việc này với mục đích nhằm kêu gọi bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, việc làm của nhóm ông Hiếu không nhận được sự đồng tình của mọi người ngược lại khiến dư luận xã hội phản ứng gay gắt. Thậm chí một nhóm luật sư cho rằng hành vi của nhóm ông Hiếu là phản cảm, trái thuần phong mỹ tục và có thể xử phạt lên tới 50 triệu đồng.

Trung Tá Lã Văn Việt, chỉ huy công an huyện Mèo Vạc trả lời với báo chí trong nước cho rằng, “Pháp luật hiện tại chưa quy định cụ thể về xử phạt hành vi này nên chúng tôi chỉ nhắc nhở, yêu cầu nhóm người này dỡ bỏ những hình ảnh phản cảm trên.” (trích báo Giadinh.net.vn đăng 8/10)

Luật sư Diệp Năng Bình trả lời trên VTC News đăng ngày 9/10 khẳng định rằng, theo Nghị định 174/2013 của chính phủ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện có quy định “Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa, lưu trữ, sử dụng thông tin, dịch vụ có nội dung cờ bạc, lô đề hoặc phục vụ chơi cờ bạc, lô đề; dâm ô đồi trụy, mê tín dị đoan, trái đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc”. Do đó, hành vi này dù được truyền thông dưới bất kỳ thông điệp nào thì cũng cần xử phạt nghiêm để không thể tiếp diễn các hành động phản cảm tương tự.

Luật sư Ngô Anh Tuấn từ Hà Nội trao đổi với RFA về vấn đề này vào ngày 10/10, ông có nhận định rằng đối với sự việc này rất khó xử phạt mặc dù đa phần dư luận nhận định rằng nó gây phản cảm nhưng vì hành lang pháp lý chưa rõ ràng nên khó thực hiện.

“Những hành vi này chỉ rõ vi phạm hay không vi phạm là do áp lực về số đông thì người ta phạt thôi chứ không có quy định, chế tài cụ thể nào để xử phạt. Thay vì những người đó không phải là đàn ông mà thay vào là người phụ nữ thì nó sẽ được đưa qua một hướng khác liên quan đến vấn đề thuần phong mỹ tục. Nếu những người phụ nữ khỏa thân như thế thì nhiều người sẽ đánh giá mức độ nghiêm trọng cao hơn, không phải ở những nơi công cộng khác như bãi tắm…nếu khỏa thân như vậy sẽ bị đưa vào diện kích thích tình dục chẳng hạn, còn đối với người đàn ông thì chưa biết. Vì thực tế tại VN chưa có tiền lệ như thế nên các cơ quan nhà nước có vẻ hơi lúng túng.”

Luật sư Ngô Anh Tuấn còn cho biết thêm, vì chưa có quy định chi tiết cụ thể nên mỗi người suy diễn một cách khác nhau, diễn đạt không theo quy định, thông tư, nghị định nào cả mà khi sự việc xảy ra thì người ta chỉ suy nghĩ chung chung theo các quy định có sẵn của pháp luật bằng nhiều cách khác nhau và việc xử phạt hay không là do cảm quan của họ.

Luật sư Đặng Đình Mạnh từ Sài Gòn nhận định rằng xử phạt là cần thiết “Hiện nay theo luật pháp Việt Nam không cho phép nói nôm na khỏa thân đi ngoài nơi công cộng thì xử phạt là đều hết sức đúng đắng. Mọi người đều có thể biểu lộ bất cứ việc gì như những vấn đề thuần phong mỹ tục thì nên biểu lộ những nơi kín đáo hoặc những nơi riêng tư, còn những nơi công cộng nó sẽ ảnh hưởng lớn đến những người khác, nên ai đặt vấn đề xử phạt thì điều đó là đúng đắn.”

Còn theo ông Nguyễn Lân Thắng, một nhà hoạt động xã hội tại Hà Nội và là một nhà quan sát, nhận định với chúng tôi rằng, đối với hành động của nhóm người này thì anh không đồng tình nhưng để xử phạt thì không nên, mà chỉ lên án hành động này mà thôi.

“Hành động của những người đàn ông này theo tôi có lẽ cũng đã có sự tính toán nhưng họ hơi bị coi thường dư luận không nghĩ rằng những chuyện đó lại gây phẫn nộ lớn như vậy. Về khía cạnh pháp lý việc này cũng nằm trong quyền biểu đạt tự do ngôn luận, xét cho cùng những hành động đó cũng không gây hại đến lợi ích của một chủ thể hay cá nhân nào, nên nếu nó đi ngược lại với giá trị chung của xã hội thì chỉ nên là sự lên án thôi không nên có biện pháp hành chính, chế tài xử phạt những người này. Tự họ làm tự họ trách nhiệm trước truyền thông với những hành động của mình.”

Mơ hồ trong văn bản

Trước đây một vài trường hợp “khoe thân” nơi công cộng đã từng bị dư luận lên án như hình ảnh cặp đôi chụp ảnh khỏa thân tại Đà Lạt. Cô gái không mảnh vải che thân tạo dáng dưới hồ sen tại Bắc Giang. Năm 2018, Á hậu Thư Dung cùng ê kíp của mình cũng bị phản ứng dữ dội khi chụp ảnh hở hang tại Tuyệt tình Cốc, Đà Lạt...Bên cạnh đó, sự việc người mẫu Ngọc Trinh ăn mặc được cho là lố lăng tại thảm đỏ LHP Cannes 2019 cũng gây mất thuần phong mỹ tục Việt Nam và gần đây nhất là việc một nữ du khách quay video bán khỏa thân lấy nón lá che ngực tại phố cổ Hội An (Quảng Nam).

Tuy nhiên, điều đáng nói là việc ăn mặc phản cảm bị dư luận lên án vẫn cứ lặp đi lặp lại. Đúng là các cơ quan liên quan đang lúng túng trong việc xử lý. Tại sao vậy?

Luật sư Diệp Năng Bình trả lời trên VTC News cho rằng tại Nghị Định 73/2010 có quy định về xử phạt vi phạm quy định về nếp sống văn minh nhưng Nghị định đó đã hết hiệu lực kể từ 28/12/2013 và được thay thế bởi Nghị Định 167/2013. Tuy nhiên Nghị định mới lại bỏ quên mục xử phạt về hành vi vi phạm nếp sống văn minh.

Mới nhất có Nghị định 45/2019 vừa có hiệu lực từ 1/8/2019 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực du lịch. Các hành vi được nêu ra cũng khá chung chung và một điều quan trọng là các văn bản dưới luật hướng dẫn rõ ràng chưa được ban hành do đó, cũng khó có thể phạt nhóm người nói trên.

Ớ góc độ khác, Luật sư Ngô Anh Tuấn nhận định “Tôi không quan tâm họ bảo vệ môi trường vì không ai quy định điều đó mà họ tự mạc định thôi, tôi chỉ quan tâm việc đã có vi phạm pháp luật về hành chính hay chưa, đủ đến mức xử phạt vi phạm hành chính hay chưa. Theo các quy định hiện tại thì theo tôi nó chưa đủ để xử phạt vì luật pháp chưa quy định rõ ràng thì việc bỏ trống một hai trường hợp là chuyện bình thường, tôi thấy chúng ta hay làm kiểu chạy theo dư luận và cố gắng làm hài lòng dư luận thì không được, rõ ràng quy định pháp luật chưa có thì cho qua cũng được thì mới biết được mình sai, mình thiếu, mình yếu chứ cố gắng ngượng ép như thế thì cũng chỉ được vài trường hợp mà thôi.”

Còn nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng cho rằng, “… việc này đúng ra nhà nước cũng quan tâm và lo lắng việc này, thật ra không phải là chuyện Mã Pí Lèng mà là việc tự do biểu đạt, tất nhiên hành động của nhóm 4 người đàn ông này thì hiện tại dư luận không tán thành, phản đối nhưng lỡ sau này một nhóm khác người ta khỏa thân để biểu tình vì dân chủ vì tự do vì đa nguyên đa đảng chẳng hạn thì đến lúc đó nhà nước sẽ xử lý như thế nào, thì đó mới là vấn đề chính quyền người ta thật sự quan tâm, lo lắng đối với những chuyện đó trong tương lai.”

Ngoài ra, anh Thắng còn cho hay trong một xã hội như hiện nay thì những chuyện bất bình thường như vậy chắc chắn sẽ xảy ra và đã từng xảy ra. Không xảy ra chỗ này cũng xảy ra nơi khác, không nhóm người này cũng có nhóm khác thực hiện và chỉ đến khi xã hội đạt mức bình ổn thì những hiện tượng phi văn hóa sẽ tự nhiên mất đi.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.