Cần phóng sinh đúng cách để không gây hại môi trường

RFA
2019.05.22
0522-01 Thả cá phóng sinh.
Nguồn: tienphong.vn

Tổng cục Môi trường thuộc Bộ Tài nguyên – Môi trường và Trung ương Giáo hội Phật giáo vào sáng ngày 22/5 đã có buổi hội thảo về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. Trong đó có nhiều ý kiến đưa ra về việc phóng sinh không đúng cách đang gây hại cho môi trường sống của các sinh vật.

Ra chùa thấy phóng sinh thì hậu quả sau đó là chim nằm chết đầy chùa chứ không thấy con chim nào được bay về môi trường cũ hết.- Linh

Phát biểu trong buổi hội thảo, ông Nguyễn Thanh Vĩnh – Cục phó cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học cho rằng việc phóng sinh nếu không thực hiện đúng cách sẽ trở thành sát sinh như việc thả các sinh vật ngoại lai để rồi những loài này ăn chính các loài tôm, cá bản địa.

Do đó, ông bày tỏ mong muốn các chùa nên khuyên Phật tử phóng sinh đúng cách.

Từ Sài Gòn, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Phùng Chí Sỹ thuộc Trung tâm Công nghệ Môi trường tại giải thích tác hại khi thả các loài ngoại lai:

“Hiện nay ở Việt Nam có rất nhiều loài ngoại lai, nếu thả lung tung ra thì sẽ rất hại đến môi trường sống, đến các loại động vật, sinh vật khác sinh sống vì sẽ cạnh tranh sức sống, tranh giành điều kiện dinh dưỡng, môi trường của các loài khác. Do đó những loài khác sẽ bị ảnh hưởng, thậm chí bị tiêu diệt.”

Ngoài ra, theo Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu biến đổi khí hậu, thuộc Đại học Cần Thơ cho rằng không chỉ phóng sinh những sinh vật ngoại lai gây ra việc lấn át những loài bản địa, mà còn nhiều trường hợp khác:

“Ngay cả khi thả những loài bản địa, phải xem xét mật độ thả như vậy có phù hợp trong thủy sinh hay điều kiện sống không, thả quá mức thì nó cũng chết. Hoặc là nếu mình phóng sinh chim thì lại kích thích những người đi bắt chim bán cho người phóng sinh và con chim khi phóng thích ra như vậy cũng đã yếu đi, có thể bị bắt lại hoặc chết đi, như vậy không có ý nghĩa gì hết.”

Người dân khấn niệm trước khi phóng sinh chim, cá.
Người dân khấn niệm trước khi phóng sinh chim, cá.
Nguồn: plo.vn

Đồng ý với việc phóng sinh sai cách không mang lại ý nghĩa gì mà còn ảnh hưởng đến điều kiện sống của các loài bị bắt, chị Linh, một Phật tử hiện đang ở Sài Gòn cho rằng nếu có thể thì cần ban hành luôn lệnh cấm phóng sinh:

“Thả cá thì không biết, nhưng chim thì thấy nhiều, cứ thả rồi bắt, bắt xong thả, thành phần kinh doanh nhiều hơn. Ra chùa thấy phóng sinh thì hậu quả sau đó là chim nằm chết đầy chùa chứ không thấy con chim nào được bay về môi trường cũ hết. Nói chung là nên dẹp (phóng sinh) đi vì không có cầu thì sẽ không cung. Như vậy chỉ làm tội cho những con đó thêm thôi chứ không tích đức gì.”

Tuy nhiên, theo Thượng tọa Thích Tuệ Hải, trụ trì chùa Long Hương tại Đồng Nai, mỗi năm phóng sinh một vài lần theo nhu cầu Phật tử lại cho rằng tùy theo tình hình mỗi chùa chứ không phải chùa nào cũng vậy:

“Nếu thật sự các loài vật được sinh sống đúng môi trường là điều tốt. Thường thì về miền Tây thả cá, gặp những người bắt chim thì mình mua rồi thả. Thả chim một lần vài ngàn con chim bay ra, mấy con còn yếu mình đem về nuôi để cho nó mạnh rồi thả bay đi.”

Tại buổi hội thảo, đáp lại kêu gọi của Cục phó Nguyễn Thanh Vĩnh, Thượng tọa Thích Minh Quang – Phó chánh văn phòng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể các địa phương về những loại động vật nên phóng sinh cũng như vị trí phóng sinh sao cho hợp lý.

Đồng tình với quyết định này, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Phùng Chí Sỹ cho biết:

“Hiện nay mỗi một vùng sinh thái đều có những kết quả phân tích, đánh giá về chủng loài và đa dạng sinh học của khu vực đấy nên người ta sẽ biết ở đấy có có những loài động vật, thủy sinh, thực vật nào sinh sống. Họ biết loài ngoại lai từ trước giờ ở đó không có. Tác hại của ngoại lai người ta cũng phải biết. Người ta phải biết thả xuống đâu, thả chỗ nào cho phù hợp chứ không phải chỉ vì không sát sinh mà phóng thích các loài lung tung thì không đúng.

Phóng sinh không đúng chỗ cũng chết. Có những loài sống nước ấm, mà mình cho vào nước lạnh nó sẽ chết, loài sống ở nước lợ, nước ngọt mà cho vào nước mặn cũng chết. Cho nên trước khi phóng sinh phải tìm hiểu xem hướng dẫn coi loài này vốn tính ở đâu, thường sống vùng nào và có nên thả hay không.”

Nếu mình phóng sinh chim thì lại kích thích những người đi bắt chim bán cho người phóng sinh và con chim khi phóng thích ra như vậy cũng đã yếu đi, có thể bị bắt lại hoặc chết đi, như vậy không có ý nghĩa gì hết.- TS. Nguyễn Anh Tuấn

Tuy nhiên đó chỉ là trên lý thuyết, trong thực tế, việc phóng sinh không hề được tính toán kỹ càng như vậy, theo lời Thượng tọa Thích Tuệ Hải:

“Ở Việt Nam nói mình phải làm theo hướng dẫn của Giáo hội chỉ là lý thuyết thôi, vì người ta đánh bắt từ nhiều nguồn rồi về bán. Đoàn Phật tử mình đến đó mỗi lần mua một vài tấn cá rồi thả ngược lại sông chứ không thể nào lựa cá sông thả sông, cá biển thả biển theo kiểu thả đúng môi trường được.”

Theo quan niệm của Phật giáo, phóng sinh là kéo dài sự sống cho sinh vật đang gặp nạn, giải thoát các loài sinh vật khỏi việc giam cầm, giết mổ.

Tuy nhiên trong thời gian gần đây, việc phóng sinh đang ngày càng gây ra nhiều tác động xấu khi nhiều người không tìm hiểu và thả những loài vật nguy hiểm, gây hại ra môi trường.

Bên cạnh đó, những trường hợp biến tướng của phóng sinh mà báo chí trong nước hay đăng tải như những người bán chim phóng sinh thường cắt bớt lông cánh, lông đuôi của chim để chúng không thể bay xa rồi bắt lại để tiếp tục bán cho những người sau. Dù việc này bị lên án mạnh mẽ nhưng tình trạng này vẫn còn diễn ra mỗi dịp rằm tháng giêng, rằm tháng bảy.

Do đó, theo bạn Linh và cả Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, không cần phải đợi đến dịp lễ tết mới ra chùa mua chim, mua cá phóng sinh, mà mỗi người có thể phóng sinh bằng cách giúp đỡ các loài vật gặp nạn và trả về môi trường sống của chúng. Việc làm này không chỉ cứu giúp mạng sống của sinh vật mà còn giúp đỡ môi trường sinh thái được bảo tồn.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.