Các tỉnh tự coi thi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020: liệu có tiêu cực?

RFA
2020.04.21
000_Hkg10192215 Các em học sinh sau khi làm bài thi tốt nghiệp THPT tại một trường ở Hà Nội.
AFP

Báo trong nước ngày 21/4 loan tin dẫn nội dung cuộc họp về phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020 do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam họp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ, ngành trung ương cho hay các ý kiến đã thống nhất giao Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo, tổ chức kỳ thi.

Tại cuộc họp, Bộ Giáo dục Đào tạo đưa ra phương án đổi tên gọi kỳ thi “Trung học Phổ thông Quốc gia” thành kỳ thi “Tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2020”, nếu dịch bệnh được kiểm soát và học sinh đi học trở lại trước ngày 15 tháng 6.

Một nội dung nữa được thống nhất trong cuộc họp là năm nay, các trường đại học, cao đẳng sẽ tự chủ về tuyển sinh. Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông có mục tiêu chính là công nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông.

Trong đó, người đứng đầu địa phương sẽ chịu trách nhiệm trong từng mắt xích quy trình tổ chức thi như quản lý đề, in sao đề, coi thi, chấm thi, công bố kết quả…

Bên cạnh đó, việc tổ chức coi thi do địa phương quyết định và có chuyển đổi giáo viên coi thi giữa các trường trong tỉnh.

Hội đồng thi của tỉnh chịu trách nhiệm quản lý, in sao đề thi. Trong những ngày thi thực hiện quản lý đề thi, bài thi tại điểm thi. Sau khi thi kết thúc, Hội đồng thi quản lý bài thi, tổ chức chấm thi, công bố kết quả thi.

Với kinh nghiệm giảng dạy lâu năm, Thầy giáo Đỗ Việt Khoa, hiện đang là giáo viên Trường Trung học Phổ thông Thường Tín, huyện Thường Tín, Hà Nội phản đối việc này:

“Tôi cho rằng trong điều kiện hiện nay giao về các tỉnh là không thể được bởi vì cách đây 3 năm đã từng có cán bộ các Sở ở tỉnh phát ngôn rằng Bộ phải tin ở chúng tôi chứ nhưng trên thực tế bùng nổ gian lận. Tỉnh nào gian lận không may bị báo chí, dư luận phát hiện thì còn xử lý, không thì cũng chịu. Việc như năm kia, chúng ta phát hiện dựa trên sự tình cờ chứ các công cụ phát hiện của Bộ hầu như không có. Một số tỉnh còn phi tang các dĩa mềm dữ liệu cũ. Tôi nói thật sự càng giao cho nhiều con người về các tỉnh thì càng mất tin tưởng vì phong trào thành tích, quyền lợi, quyền lực họ sẵn sàng bất chấp dù biết sai phạm. Trong đó đặc biệt bị phát hiện ở năm 2018 mà đến hết 2019 vẫn chưa xử lý xong, đầu 2020 chúng ta vẫn còn lúng túng trong việc xử lý cho thấy gian lận có tổ chức, có lớp lang bảo vệ nhau và rất tinh vi, lách được những kiểm soát của Bộ. Do đó không được phép đặt niềm tin ở các tỉnh, không được phép giao toàn quyền cho các tỉnh tự lo tổ chức, tổ chức xin sao đề. Chỉ có thể giao cho các tỉnh quyền như thế trong kì thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông, còn liên quan đến cả kết quả vào đại học mà giao cho họ thì kết quả sẽ rất thảm họa.”

Vào năm 2018, Việt Nam áp dụng việc sử dụng điểm thi tốt nghiệp phổ thông trung học làm tiêu chí để xét tuyển vào đại học thay vì tổ chức một kỳ thi vào đại học riêng như trước kia.

Các sinh viên đeo khẩu trang trong một lớp học tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội ngày 2 tháng 3 năm 2020
Các sinh viên đeo khẩu trang trong một lớp học tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội ngày 2 tháng 3 năm 2020
AFP

Tuy nhiên, ngay trong kỳ thi năm 2018, các cơ quan chức năng đã phát hiện một loạt vụ gian lận điểm thi tại nhiều tỉnh trên cả nước. Những tỉnh có nhiều gian lận bị điều tra là Hà Giang, Sơn La, Hoà Bình, Lạng Sơn.

Dưới góc nhìn cá nhân, Cô Hồng, hiện đang dạy một trường cấp 3 ở Sài Gòn lại cho rằng mọi việc đều có hai mặt. Cô lập luận:

“Nếu tất cả thuộc tỉnh tự lo thì về mặt tiêu cực người ta có thể thay đổi kết quả thay trắng đổi đen… Nhưng về mặt tích cực thì người ta chủ động, rút ngắn quy trình xuống, thay vì phải trình các nơi thì bây giờ các tỉnh tự xử lý, bớt thời gian trình ký. Tức để các tỉnh chủ động hơn trong các kế hoạch, phát huy được khả năng sáng tạo của từng tỉnh, sáng kiến hay được đưa vào quá trình tổ chức để hiệu quả hơn, cải thiện tốt hơn. Tuy nhiên không thể tránh khỏi việc những ý tưởng đó không tích cực mà mang tác dụng ngược thì sẽ xảy ra hậu quả không mong muốn.”

Vẫn theo cô Hồng, nếu đã có quy định người lãnh đạo mỗi tỉnh sẽ chịu trách nhiệm trong các mắt xích của quy trình thi, thì việc giao cho các tỉnh tự quản lý sẽ giúp tiết kiệm chi phí.

“Ví dụ trên Bộ in ấn rồi gửi người giao mà gửi thì không dám vì sợ lộ đề nên bắt buộc người của Bộ cử giao đề thi, phiền toái, vừa mất thời gian vừa tốn kém. Bây giờ thời buổi công nghệ, người ta có thể vận chuyển đề thi thông qua thư điện tử. Thật ra nếu có trường hợp tiêu cực lộ đề thì file cứng hay file mềm, một người đã cố ý thì cũng sẽ lộ thôi.”

Hiện tại, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên nhiều trường trên cả nước vẫn chưa mở cửa, học sinh vẫn tiếp tục học online.

Tính đến ngày 21/4, chỉ có ba tỉnh trên cả nước cho học sinh quay trở lại trường là Cà Mau, Thái Bình và Thanh Hóa.

Theo nội dung được thống nhất tại buổi họp sáng 21/4, kỳ thi tốt nghiệp phổ thông năm nay vẫn được tổ chức vào giữa tháng 8 do bị đẩy lùi vì dịch bệnh COVID-19.

Trên các diễn đàn, nhiều phụ huynh bày tỏ việc tiếp thu kiến thức online sẽ phần nào không được hoàn thiện như cách đến lớp học trực tiếp, đồng thời lịch thi vào tháng 8 có phần bất lợi cho các sĩ tử năm nay.

Thầy Đỗ Việt Khoa cho rằng các vị phụ huynh không nên lo lắng vì những nguyên nhân sau:

“Những ý kiến về tổ chức lịch thi cũng không quan trọng lắm vì dù nghỉ chống dịch nhưng các em vẫn được dạy học online, dạy học trên truyền hình, giáo viên vẫn kèm cặp dạy thường xuyên. Nên không phải gì đáng lo ngại, thời điểm thi không phải là vấn đề quan trọng vì nếu thiệt thì cả nước đều thiệt, có lợi thì cả nước đều lợi.”

Việc học sinh cấp ba hoàn tất kì thi tốt nghiệp và chuẩn bị ứng thí vào các trường đại học, cao đẳng luôn là mối quan tâm của các bậc phụ huynh và cũng là áp lực đối với học sinh. Yêu cầu cần phải tốt nghiệp và đậu đại học để sau này có tấm bằng vào đời khiến nhiều phụ huynh chạy chọt cho con cái; thế rồi bệnh thành tích dẫn đến bao gian lận lâu nay trong thi cử, tuyển sinh.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.