Người Little Saigon nói về phim “Những ngày cuối cùng ở VN”

Ngọc Lan, thông tín viên RFA
2015.01.31
IMG_8325-622.jpg Ông Lê Tất Giao, cựu sĩ quan quân đội VNCH, nêu cảm nghĩ sau khi xem phim Last Days in Vietnam.
RFA PHOTO/Ngọc Lan

Cuối tuần qua, bộ phim tài liệu Last Days in Vietnam - Những ngày cuối cùng ở Việt Nam của nữ đạo diễn Rory Kennedy đã được trình chiếu miễn phí tại tòa soạn nhật báo Người Việt ở miền Nam California. Đây là cuốn phim đang được đề cử tranh giải Oscar 2015 cho thể loại phim tài liệu.

Tiếng thở dài và những giọt nước mắt

Đông đảo đồng hương gốc Việt sống quanh vùng Little Saigon và cả những người ở các thành phố khá xa đã đến xem cuốn phim này trong tâm tình vừa muốn tìm hiểu về một thời điểm đặc biệt khốc liệt của lịch sử Việt Nam vừa muốn chứng kiến sự thật mà phim nói đến là như thế nào.

Xem cuốn phim này tôi rất buồn nhiều khi tôi muốn đứng lên đi về sớm, không muốn xem nhưng mà tôi cố ở lại để xem cho hết cuốn phim. Tôi buồn cho cảnh tang thương của xứ sở nhưng mà tôi rất kính phục ông đại sứ Martin.
-Ông Lê Tất Giao

Nhiều tiếng thở dài, nhiều giọt nước mắt rơi xuống và cả những tiếng nấc bật lên trong khoảng thời gian Những Ngày Cuối Cùng ở Việt Nam hiện lên màn ảnh.

Mời quý thính giả nghe tâm tình của ông Hùng Vũ, một cư dân ở San Gabriel Valley thuộc Los Angeles County:

“Tôi rất cảm động sau khi xem phim. Tôi là một trong những người may mắn được được di tản sang Mỹ năm 1975 bằng không vận C141 của Hoa Kỳ. Tôi rất may mắn hơn nhiều người. Nhưng kinh nghiệm của tôi sau 40 năm ở Mỹ, thành công tất cả mọi thứ, có một điều tôi nhận thấy là tôi đã mất tình quê hương. Và tôi không hề có hạnh phúc. Và tôi không thể thấy được tình đồng hương của những người ở bên Mỹ, ngay cả trong gia đình tôi, tôi cũng thấy nó biến đổi rất nhiều. Tôi chỉ mong tất cả những người may mắn sang Mỹ hiểu rằng lý do chúng ta được sang đây là bởi vì chúng ta là những người tị nạn, chúng ta có bổn phận cứu giúp những người còn lại ở Việt Nam.”

Ông Triết Nguyễn, 70 tuổi, từ tiểu bang Alabama về Little Saigon xem phim cũng không giấu được sự xúc động:

“Xem xong cuốn phim vừa chiếu, quan trọng nhất là tôi không cầm được nước mắt. Cái cảm xúc đầu tiên của tôi là tôi bị mất tất cả. Tôi là người di tản từ miền Trung vào và bài hát mà Trịnh Công Sơn viết “người chết hai lần, thịt da nát tan.” Điều đó là điều tôi thấy rất rõ ràng. Mẹ chết, mẹ ngồi dựa vào gốc cây, con xé áo quấn trên đầu lạy 3 lạy rồi ra đi. Những điều đó tôi đã trải qua. Ngày hôm nay xem lại cuốn phim tôi thấy ông đại sứ Martin quả là một người nhân bản. Tôi xin cám ơn ông hết lời.”

Bà Ngân Nguyễn, cư dân Little Saigon, một trong những người lên chiếc trực thăng cuối cùng để di tản khỏi Sài Gòn từ tòa nhà DAO. RFA PHOTO/Ngọc Lan.
Bà Ngân Nguyễn, cư dân Little Saigon, một trong những người lên chiếc trực thăng cuối cùng để di tản khỏi Sài Gòn từ tòa nhà DAO. RFA PHOTO/Ngọc Lan.

Cô Nhã Lan, một kỹ sư đang làm việc tại hãng Boeing, bày tỏ cảm nghĩ:

“Nó chỉ là một phim tài liệu nhưng thực sự phim tài liệu này đã giúp cho rất nhiều người, ngay cả chính Nhã Lan. Vì ngày 30 tháng 4, Nhã Lan còn ở tuổi thiếu niên nên cũng không rõ lý do tại sao mà miền Nam của mình mất trong tay của miền Bắc. Thực sự một tiếng rưỡi phim này, là phim tài liệu nó không có sự hư cấu, qua một tiếng rưỡi phim này chúng ta thấy chúng ta mất miền Nam nhưng từ xưa đến giờ, chính Nhã Lan cũng có câu hỏi tại sao Hoa Kỳ lại bỏ rơi miền Nam Việt Nam và một tiếng rưỡi phim này đã trả lời phần nào tại sao.”

Là một trong những người có mặt trên chuyến trực thăng cuối cùng rời khỏi Sài Gòn từ tòa nhà DAO, bà Ngân Nguyễn, khán giả xem đang sống tại thành phố Garden Grove nhớ lại:

“Khi chúng tôi lên chiếc trực thăng cuối cùng ở tòa nhà DAO thì chúng tôi cứ tưởng nó bay thẳng ra ngoài mẫu hạm, nhưng không, nó vào Tân Sơn Nhất, từ đó họ mới đổi lên chiếc trực thăng lớn hơn để chở người ra ngoài chiếc mẫu hạm Midway. Đêm 29 pháo kích đã làm tan nát phi trường rồi. Khi chúng tôi lên được được chiếc mẫu hạm Midway thì cũng đã gần sáng và mới thấy những chiếc trực thăng của phi công Việt Nam mình đáp trên những chiếc mẫu hạm đó. Và chiếc nào đáp xong thì họ cứ xô xuống biển, y như quý vị thấy trong phim.

Sáng hôm sau chúng tôi được đưa ra ngoài khơi quốc tế để lên những chiếc tàu hàng dân sự của Hoa Kỳ, chuyển hết từ 3.000 đến 5.000 người Việt Nam mình từ chiếc Midway ra hết bên ngoài. Rồi từ đó chúng tôi đi 11 ngày cho tới Guam.

Điều đầu tiên tôi muốn nói là cảm ơn Tổng Thống Ford đã ra lệnh cuộc di tản này. Tôi xin được cám ơn cả ông đại sứ Graham Martin. Cám ơn nhân dân Mỹ. Cám ơn nước Mỹ đã cưu mang chúng ta.”

Xin mượn lời của ông Lê Tất Giao, 78 tuổi, cư dân Garden Grove, từng là cựu Đại Úy Y sĩ làm việc ở Tổng Y viện Duy Tân Đà Nẵng trước 1975, thay cho lời kết:

“Xem cuốn phim này tôi rất buồn nhiều khi tôi muốn đứng lên đi về sớm, không muốn xem nhưng mà tôi cố ở lại để xem cho hết cuốn phim. Tôi buồn cho cảnh tang thương của xứ sở nhưng mà tôi rất kính phục ông đại sứ Martin, người Mỹ đã có tấm lòng đại lượng, nhân ái, đã cứu giúp những người Việt Nam muốn trốn khỏi cộng sản trong giờ phút cuối cùng với sức ông có thể làm được. Tôi kính phục ông lắm. Và chứng tỏ tinh thần người Mỹ dù sao cũng có những người tốt để cứu những người muốn thoát khỏi nạn cộng sản để đi tìm tự do.”

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.