Ông Nguyễn Phú Trọng với quyền lực mới có thực hiện cải cách hay không?
2018.10.23
Ngày 23/10/2018, Ông Nguyễn Phú Trọng đương kim Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, được Quốc hội Việt Nam bầu lên làm Chủ tịch nước. Ông là ứng cử viên duy nhất, và được nói là được gần 100% phiếu bầu.
Kính Hòa Đài RFA có cuộc phỏng vấn Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, Đại học Georges Mason, Hoa Kỳ về vai trò mới của ông Nguyễn Phú Trọng với tư cách đảm nhiệm cả hai chức vụ, Chủ tịch nước và Tổng bí thư Đảng Cộng sản.
Kính Hòa: Giáo sư có ngạc nhiên hay không về việc ông Nguyễn Phú Trọng đảm nhiệm hai chức vụ? Liệu điều này có phải là một giải pháp tình thế như ông ấy từng nói hay không?
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng: Tôi không ngạc nhiên, vì việc này người ta nói đến lâu rồi, và gần đây trong mấy tháng thì rộ lên. Những người nghiên cứu không lấy gì làm ngạc nhiên cả. Nước Việt Nam là nước cộng sản duy nhất hiện nay mà ông lãnh đạo đảng không phải là lãnh đạo nhà nước, thành ra giải quyết cái vấn đề bất thường như vậy là đúng rồi. Cái chết của ông Chủ tịch nước Trần Đại Quang là cơ hội để người ta giải quyết vấn đề đó. Thành ra nói rằng đó là tình thế thì cũng không sai, nhưng theo ý tôi thì nó là giải pháp mang tính cơ chế.
Kính Hòa: Việc này sẽ có lợi có hại gì cho Việt Nam, cho Đảng Cộng sản? Việc tập trung quyền lực như thế có giúp chiến dịch chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng có hiệu quả hơn không?
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng: Việc hợp nhất hai chức danh đó theo tôi là có lợi vì nó tránh cảnh ngáng chân nhau. Ngày xưa tam đầu chế ngáng chân nhau, còn giờ thì làm được cơ chế chỉ huy thống nhất, giúp Việt Nam làm được những việc nhanh chóng, kịp thời, mà có khi còn cần phải kín đáo nữa, để đói phó với tình trạng thế giới và khu vực ngày nay thay đổi nhanh chóng và bất lường.
Điều lợi thứ hai là nó phá vỡ một rào cản về mặt ngoại giao, là người lãnh đạo tối cao của đảng lại không phải người đứng đầu đất nước. Điều này sẽ tạo dễ dàng cho những người kế tục ông Trọng sau này.
Chuyện chống tham nhũng thì ông Trọng đánh tham nhũng trong hai năm qua ngày càng mạnh, và tôi nghĩ là việc chống tham nhũng sẽ tiếp tục. Trước đây có hai chổ chống tham nhũng, của ông Trọng và của ông Dũng ngáng nhau. Nên bây giờ ông ấy sẽ làm mạnh hơn, ông ấy sẽ tiếp tục.
Nhưng tập trung quyền lực đánh tham nhũng là một chuyện, nhưng tận diệt được tham nhũng hay không là chuyện khác. Nó đòi hỏi khả năng và những định chế khác hẳn. Bởi vì tập trung quyền lực có thể tạo ra sự lạm quyền và có thể lại dẫn đến tham nhũng. Bản chất quyền lực là dễ tha hóa, mà tha hóa là dẫn đến tham nhũng thôi, cho nên cần có những định chế khác để kiểm soát.
Kính Hòa: Trên cương vị mới này Giáo sư có nghĩ là ông Nguyễn Phú Trọng sẽ đến thăm nước Mỹ một lần nữa, như những lời đồn đoán dạo gần đây không?
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng: Tôi nghĩ là có, vấn đề là lúc nào thôi.
Ông Trọng là người có quyền lực mới, thì những chuyến đi của ông ấy là để tự giới thiệu mình. Sau đó là thăm dò các nguyên thủ khác, lập một quan hệ cá nhân. Thứ ba là đưa ra nhưng tín hiệu ngoại giao, như là đi nước nào trước nước nào sau, là điều quan trọng.
Riêng đối với nước Mỹ thì đây là một đối tác rất quan trọng của Việt Nam. Trong lần ông ấy sang nước Mỹ trước đây, ông ấy có nói trong một buổi họp mặt gồm một số thân hào nhân sĩ, một số người Việt Nam, rằng nước Mỹ là địa bàn cực kỳ quan trọng của nền ngoại giao Việt Nam. Ông ấy đã nói thế thì chuyện đến Mỹ cũng là phải thôi.
Nhưng thời điểm thì có thể phải sao cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ, để xem lãnh đạo Mỹ là ai mà còn tiếp xúc. Muốn đi là một chuyện, nhưng người Mỹ họ có sẵn sàng ở thời điểm đó hay không? Đi thì sẽ tăng uy tín của ông Trọng lên rất nhiều.
Thử thách lớn nhất của ông Nguyễn Phú Trọng là tìm được người kế tục mình.
-Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng.
Kính Hòa: Có những lời đồn đãi về sức khỏe của ông Trọng, thì Giáo sư có thấy rằng vấn đề sức khỏe có gây trở ngại cho ông ấy khi đảm nhiệm cả hai việc tới đây không?
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng: Tôi nghĩ rằng sự đảm nhiệm này là tránh sự ngáng chân, chứ thực sự đâu có làm nhiều hơn nữa. Công việc cũng dễ hơn, chống tham nhũng thì nhân danh chính phủ. Mà ông Thủ tướng hoàn toàn nằm dưới quyền ông ấy. Ông ấy bổ nhiệm rồi truất phế,… Chứ không như ngày xưa là không kiểm soát được ông Thủ tướng Dũng.
Vấn đề quan trọng là ông ấy để lại cái gì, bởi vì bản lĩnh của người lãnh đạo là có tìm được một người kế vị có khả năng, tạo được sự chuyển giao quyền lực, ôn hòa, thông suốt. Đó là thử thách lớn nhất.
Việc chống tham nhũng chỉ là chuyện cấp thời, quan trọng là ông ấy có duy trì cho người kế tục không? Nếu không thì nó lại trở về như cũ mà thôi.
Ông Đặng Tiểu Bình phải thử thách tới ba ông rồi mới tìm được ông Giang Trạch Dân. Ông ấy phải chờ ông Giang Trạch Dân làm được Chủ tịch nước, Tổng Bí thư, Quân ủy trung ương rồi ông ấy mới hoàn toàn về hưu.
Kính Hòa: Ông Nguyễn Phú Trọng đã nắm hết quyền lực, nhưng sớm hay muộn thì cũng về hưu, hoặc vì lý do nào đó không còn làm nữa, thì Giáo sư đoán là Việt Nam sau Nguyễn Phú Trọng sẽ như thế nào?
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng: Việc đó phụ thuộc chuyện ông ấy làm bây giờ, và nhất là việc tìm được người kế vị của ông ấy, có tiếp tục được chính sách của ông ấy không? Nếu ông ấy không làm được chuyện đó thì lại xảy ra tranh giành quyền lực, Việt Nam lại nát ra. Những người mới lại có thể có chính sách hoàn toàn khác. Còn nếu ông ấy dọn đường được cho người kế nhiệm thì người ta cứ tiếp tục con đường của ông ấy thôi, tiếp tục được chính sách, và có thể còn mở hơn. Và nên nhớ rằng sự tập quyền trong các nước cộng sản thì có hai cách, hoặc là trở thành độc tài như ông Stalin, hoặc họ có thể làm những cải cách lớn bởi vì không ai cản, ví dụ như ông Kroutchev, hay ông Gorbachev làm được những cải cách lớn.
Kính Hòa: Phương Tây hay nhìn ông Trọng như một người trung thành với Mác Lê Nin, thì bây giờ với sự tập trung quyền lực, Giáo sư có nghĩ rằng ông Trọng có thực hiện được những cải cách lớn không?
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng: Người ta hay bảo ông ấy bảo thủ, ông ấy thân Tàu, vì ông ấy học về xây dựng đảng, nhưng mà khi ông ấy có quyền lực lón để làm những chuyện lớn thì tôi nghĩ rằng ông ấy phải tìm cách tự chế. Và điều thứ hai là chắc chắn ông Trọng không thể làm một mình được. Ông ấy phải kiếm những người phụ tá, và vấn đề là những người phụ tá như thế nào. Việc đó sẽ thể hiện đường lối của đảng cộng sản đi về phía nào.
Kính Hòa: Xin cảm ơn Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng.