Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Trung Quốc không có đối thoại chính thức tại Singapore

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói việc người đồng nhiệm Trung Quốc từ chối gặp ông là “đáng tiếc”.
2023.06.02
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Trung Quốc không có đối thoại chính thức tại Singapore Lối vào địa điểm tổ chức Đối thoại Shangri-La lần thứ 20 tại Singapore ngày 2/6/2023
Reuters/Caroline Chia

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã mời người đồng nhiệm Trung Quốc, Thượng tướng Lý Thượng Phúc họp song phương bên lề Đối thoại Shangri-La nhưng Bộ trưởng Trung Quốc đã từ chối lời mời này.

Quyết định của Trung Quốc là “đáng tiếc” – ông Austin phát biểu trước khi đến quốc đảo vốn đã đăng cai hội nghị quốc phòng thường niên này từ năm 2002.

“Các bạn đã từng nghe tôi nói nhiều lần về tầm quan trọng của việc các quốc gia có năng lực [quốc phòng] lớn có thể trao đổi với nhau để có thể quản lý khủng hoảng và ngăn ngừa mọi việc không vượt ra khỏi vòng kiểm soát một cách không cần thiết” – các hãng thông tấn dẫn phát biểu tại Tokyo của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ hôm thứ Năm (1/6/2023).

“Tôi hoan nghênh bất cứ cơ hội trao đổi nào với ông Lý” – ông Austin nói và thêm rằng: “Theo tôi các bộ quốc phòng nên trao đổi một cách đều đặn với nhau và cần có những kênh liên lạc cởi mở”.

2S.jpeg
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc (giữa) duyệt đội danh dự cùng Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen (phải) trong chuyến thăm chính thức Singapore ngày 1/6/2023. Ảnh: AP

Về phần mình, Trung Quốc nói rằng “đối thoại không thể thiếu nguyên tắc và liên lạc không thể không có ngưỡng”.

Hôm thứ Tư, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Đàm Khắc Phi nói rằng “những khó khăn hiện tại trong việc trao đổi giữa quân đội hai nước hoàn toàn là do phía Mỹ”.

“Một mặt, Mỹ luôn nói rằng họ muốn tăng cường liên lạc nhưng mặt khác họ phớt lờ những quan ngại của Trung Quốc và tạo ra những trở ngại một cách giả tạo, làm xói mòn nghiêm trọng sự tin cậy lẫn nhau giữa quân đội hai nước”.

Người phát ngôn của Trung Quốc không giải thích thêm về những trở ngại này nhưng Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ hôm thứ Ba (30/5) đã cáo buộc chiến đấu cơ J-16 của Trung Quốc đã có hành động “hung hăng không cần thiết” khi ngăn chặn máy bay do thám RC-135 của Lực lượng Không quân Mỹ trong tuần trước.

Bắc Kinh hồi đáp bằng cách gọi đó là một cáo buộc có tính phóng đại và nói rằng máy bay do thám của Mỹ đã "xâm nhập" vào khu vực huấn luyện của quân đội Trung Quốc ở Biển Đông và "lực lượng không quân... đã xử lý tình huống một cách chuyên nghiệp theo quy định của pháp luật".

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, người mới nhậm chức trong tháng 3/2023, đã bị Mỹ đưa vào danh sách trừng phạt từ năm 2018 vì đã mua các máy bay chiến đấu SU-35 và các thiết bị có liên quan tới hệ thống tên lửa S-400 của Nga.

Đây có thể là một trở lực nữa đối với một cuộc gặp chính thức giữa tướng Lý và Bộ trưởng Austin.

Các tiêu điểm

Năm 2019, ông Ngụy Phượng Hòa, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc khi đó đã có cuộc gặp trực tiếp với người đồng nhiệm Mỹ Patrick Shanahan.

Ông Ngụy cũng có cuộc gặp bên lề Đối thoại Shangri-La với ông Lloyd Austin vào năm 2022 khi diễn đàn này được tái tổ chức sau một vài năm gián đoạn do đại dịch COVID-19.

Các nhà phân tích nói rằng việc thiếu vắng cuộc gặp song phương giữa Mỹ và Trung Quốc cho thấy những trở ngại trong quan hệ quân sự giữa hai cường quốc.

Tuy nhiên “sự cạnh tranh Mỹ-Trung là một tiêu điểm của Đối thoại Shangri-La vì nó ảnh hưởng lớn tới tình hình/động năng trong và cả bên ngoài khu vực” – ông Ian Chong, Phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Singapore nói.

Tờ Global Times, phiên bản tiếng Anh của tờ Nhân dân Nhật báo – cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, trong một xã luận hôm thứ Năm nói rằng trái bóng đang nằm trong sân của Mỹ.

Thẳng thắn mà nói, kết quả và hiệu quả của Đối thoại Shangri-La phụ thuộc nhiều vào cách xử sự của Mỹ ở hội nghị này” – tờ này cảnh báo và lên án Mỹ luôn cố gắng “chiếm vị trí trung tâm và quyết định không khí/tính chất” của diễn đàn.

Bất chấp những lời lẽ này, vẫn có những hy vọng rằng phái đoàn Mỹ và Trung Quốc sẽ gặp “không chính thức và ở quy mô nhỏ” – Bà Hoàng Thị Hà - Điều phối viên Chương trình Nghiên cứu Chiến lược và Chính trị Khu vực thuộc Viện nghiên cứu ISEAS - Yusof Ishak tại Singapore nói.

Các quốc gia Đông Nam Á “rất muốn xem liệu Mỹ và Trung Quốc có nối lại liên lạc hay không, đặc biệt là thông qua kênh quân sự và quốc phòng" - bà Hà nói với Đài Á Châu Tự do (RFA).

“Tất cả mọi người [quốc gia] đều có lợi khi Washington và Bắc Kinh giảm bớt thái độ thù địch đối với nhau” – nhà phân tích này nói.

3S.jpeg
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin phát biểu tại Phiên toàn thể đầu tiên của Đối thoại Shangri-La lần thứ 19 tại Singapore ngày 11/6/2022. Ảnh: Reuters/Caroline Chia

Ông Lý Thượng Phúc và ông Lloyd Austin dự kiến sẽ có các bài phát biểu riêng rẽ tại diễn đàn Shangri-La. Ông Lý sẽ nói về sáng kiến an ninh mới của Trung Quốc và ông Austin nói về vai trò lãnh đạo của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Trong ba ngày diễn ra Đối thoại Shangri-La, 600 đại biểu từ 49 quốc gia sẽ thảo luận về môi trường an ninh phức tạp ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và cuộc chiến ở Ukraine.

“Các chủ đề thảo luận khác là tình hình ở Myanmar và cuộc chiến ở Ukraine, đặc biệt là khi nói đến vấn đề an ninh lương thực” - ông Ian Chong từ Đại học Quốc gia Singapore nói với RFA.

Theo nhà nghiên cứu này, tình hình căng thẳng gia tăng ở Eo biển Đài Loan cũng sẽ được thảo luận vì “bất cứ cuộc khủng hoảng nào ở Đài Loan sẽ ảnh hưởng một cách khá trực tiếp tới khu vực vì ở đây có các chuỗi cung ứng, các tuyến đường vận tải biển, hàng không và các đường cáp ngầm dưới biển đi tới khu vực Đông Bắc Á”.

“Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ Đài Loan chỉ có hiện diện bán chính thức mang tính biểu tượng ở diễn đàn” – nhà phân tích này nói và cho biết Trung Quốc vốn xem Đài Loa là một tỉnh của mình và sẽ kiên quyết phản đối sự tham gia chính thức nào của Đài Loan.

“Gặp gỡ nhiều hơn với các chuyên gia Đài Loan tại Đối thoại Shangri-La chắc chắn sẽ mang lại cái nhìn sâu hơn về tình hình hai bên Eo biển Đài Loan” – Norah Huang, nghiên cứu viên từ viện nghiên cứu Prospect Foundation của Đài Loan nói.

Ông Lai I-chung,  Chủ tịch của tổ chức nghiên cứu này đang tham dự diễn đàn với tư cách là khách mời của Ban tổ chức , tức Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế.

Theo IISS, Đối thoại Shangri-La trong 20 năm qua là “một hội nghị độc đáo nơi các bộ trưởng tranh luận về các thách thức an ninh cấp bách nhất của khu vực, tham gia vào các cuộc hội đàm song phương quan trọng và cùng nhau đưa ra những cách tiếp cận mới mẻ”.

Các diễn giả tại sự kiện năm nay bao gồm bộ trưởng quốc phòng Đức, Australia, Anh, Canada, Thụy Điển, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Philippines, Indonesia và Campuchia.

Malaysia và Việt Nam - hai thành viên Đông Nam Á quan trọng – lần này tỏ ra ít nổi bật và sẽ không có bất kỳ bài phát biểu nào tại diễn đàn. Việt Nam giảm bớt hiện diện của mình tại đây và chỉ gửi đến một phái đoàn nhỏ do một thứ trưởng quốc phòng dẫn đầu.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Nguyễn Văn
04/06/2023 11:30

Thay vì đối thoại để hiểu nhau hơn, hoặc ít nhất cũng là để tránh hiểu lầm nếu có xảy ra xung đột hoặc chiến tranh, nhưng Tàu Cộng lại chọn thái độ hung hăng bằng hành động cắt mặt máy bay và bám đuôi tàu Mỹ. Điều này không có lợi cho Tàu Cộng vì không làm Mỹ thay đổi chiến thuật từ trước nay hay chùn bước nhượng bộ mà chỉ làm khu vực thêm dạy sóng và khối NATO cũng nhảy vào nhập cuộc. Pháp, Đức, Ý, Canada cũng theo Mỹ gửi chiến hạm tới tuần tra Biển Đông và eo biển Đài Loan càng làm Tàu Cộng bị thất thế.

Không đối thoại là tự chọn giải pháp bế tắc. Hoàn toàn không giải quyết được vấn đề gì mà chỉ làm tăng thêm nghi ngờ, thiếu tin tưởng nhau, và từ đó sẽ không còn coi là bạn để hợp tác, không chỉ là quốc phòng, mà còn trên nhiều lãnh vực khác như kinh tế, đầu tư thương mại, hoặc như khoa học kỹ thuật, y học, v.v. mà sẽ từ từ, thay vì hợp tác, thì sẽ là ngăn cách và chia rẽ của hai cường lớn lớn mạnh nhất thế giới.

Tàu cộng càng hành động hung hăng, càng bắt nạt các nước nhỏ, thì càng bị thế giới bao vây và cô lập. Chiến tranh cũng không giải quyết được vấn đề theo ý mình khi đối thủ mạnh hơn mình. Chỉ có đối thoại mới gỡ bỏ được xung khắc lợi ích và Tàu Cộng mới còn cơ hội phát triển kinh tế như nhiều thập niên qua và hội nhập với thế giới bên ngoài.Tại sao không đối thoại để cùng nhau phát triển. Điều này có lợi cho nước Tàu trong tương lai hơn là xung khắc với Mỹ và thế giới.
nv