“Đừng sợ” thông điệp gửi đến xã hội dân sự Việt Nam

Kính Hòa RFA
2019.03.27
000_A4698 Biểu tình chống Formosa tại Hà Nội, 1/5/2016. Cuộc biểu tình lớn nhất Việt Nam từ sau năm 1975.
AFP

Một nhóm hoạt động dân sự tại Việt Nam vừa thực hiện một bộ phim tài liệu mang tên Đừng sợ, kể lại những hoạt động dân sự vì môi trường, dân chủ tại Việt Nam trong những năm qua. Trong đó có đề cập đến ông Hoàng Bình, người hoạt động môi trường sau thảm họa Formosa đang bị nhà nước Việt Nam bỏ tù.

Đại diện nhóm làm phim cho đài RFA cuộc trao đổi sau đây.

Nhóm làm phim: Bộ phim này khái quát phong trào xã hội dân sự từ năm 2006 đến nay, với nhiều người đấu tranh cho chủ quyền biển đảo, cho dân chủ, bị nhà cầm quyền câu lưu bỏ tù, nhưng họ không chùn bước.

Trong bối cảnh đó thì thảm họa Formosa là cú hích lớn cho xã hội dân sự Việt Nam, lần đầu tiên một phong trào có sự chuẩn bị kỹ càng. Nhân sự kiện Formosa, những người hoạt động dân chủ đứng lên thực hiện cái quyền của họ.

Vụ Formosa là một cái lõi để bộ phim đó mô tả xã hội dân sự từ 2008 đến nay.

Thông điệp bộ phim đưa ra là công chúng đã sẳn sàng cho một xã hội dân sự lành mạnh phát triển. Còn chính quyền thì họ đang chờ đợi một điều gì?

Trong bộ phim này anh Hoàng Bình là một điểm nhấn của bộ phim. Điều đặc biệt là chính anh Hoàng Bình là người cùng tham gia với nhóm làm phim, cùng bị chính quyền truy đuổi một cách gắt gao.

RFA:  Khi làm phim có một nhân vật bị chính quyền bỏ tù như vậy thì có ngại những cái mà chính quyền cho là nhạy cảm không?

Nhóm làm phim: Thật ra thì toàn bộ phim là một sự nhạy cảm: chuyện Formosa, chuyện đền bù, chuyện bắt bớ, chuyện biểu tình,…thêm anh Hoàng Bình nữa thì cũng không quá nhiều.

Hơn nữa bộ phim cũng là sự tri ân tới ah Hoàng Bình nói riêng, và những tù nhân lương tâm khác, kể cả những người như Nguyễn Văn Hóa, Bạch Hồng Quyền, … những người đã đồng hành cùng nhóm làm phim. Bộ phim là sự tri ân đối với họ.

RFA: Nhóm làm phim định phổ biến bộ phim như thế nào?

Nhóm làm phim: Phổ biến càng nhiều càng tốt, trong và ngoài nước, Hà Nội, Hồ Chí Minh, và dĩ nhiên là gốc gác của bộ phim là miền Trung. Tất nhiên sẽ chiếu bí mật thôi, mời những người quan tâm, nhân sĩ trí thức, nghệ sĩ, để họ hiểu thêm bức tranh của xã hội dân sự hiện tại.

Chúng tôi rất mong muốn nó được chiếu ở các tổ chức nhân quyền, môi trường quốc tế.

RFA:  Có một kênh mà các nhóm dân sự, hoạt động dân chủ hay dùng là thông qua các tòa đại sứ phương Tây tại Hà Nội, lãnh sự tại Sài Gòn, nhóm làm phim có định như vậy không?

Nhóm làm phim: Thưa có, buổi chiếu đầu tiên sẽ mời các vị ở các sứ quán khối EU đến xem.

RFA: Theo anh thì trong thời gian qua, nhóm dân sự vì môi trường gặt hái được những gì và có trở ngại gì lớn?

Nhóm làm phim: Trong thời gian qua thì nhóm cũng chưa gặt hái được nhiều thành công, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Nguyên nhân khách quan là phía nhà cầm quyền họ đàn áp rất là mạnh, làm xã hội dân sự nói chung bị lắng xuống, các nhóm môi trường cũng bị tác động rất nhiều.

Về chủ quan thì nội bộ các nhóm cũng có sự thay đổi, cho nên gần đây nhóm cũng chưa đạt thành tựu gì đáng kể.

RFA: Theo anh thì ý thức của người dân thường Việt Nam đã đủ mạnh chưa để hình thành một phong trào dân sự mạnh về môi trường?

Nhóm làm phim: Ý thức về môi trường của người dân thì có nhưng chưa đủ mạnh.

Tôi có trao đổi với một số tổ chức quốc tế về môi trường thì họ nói những cuộc biểu tình vì môi trường vài trăm người là chưa đủ, phải có những cái cuộc biểu tình cả triệu người thì mới có ý thức về môi trường rõ rệt nhất, mới thay đổi nhiều thứ như vận động chính sách. Lúc ấy mới có sự xoay chiều, còn hiện tại thì chưa.

Các tổ chức môi trường cũng đang cố gắng bằng nhiều cách, nhiều hình thức, nhưng thực sự vẫn chưa đạt được kết quả nhiều.

Nhưng vẫn phải làm bởi vì không thể chờ được, càng khó thì càng phải có những cách làm thông minh hơn.

RFA: Chúng ta hay nói đến sự cản trở của phía chính quyền, nhưng với tư cách một nhà hoạt động dân sự thì trong vài năm qua anh có quan sát thấy họ có sự cải thiện nào không, có lắng nghe những vấn đề về nhân sinh, về dân sự như thế này?

Nhóm làm phim: Thực sự thì họ vẫn chưa thực sự lắng nghe. Nếu đôi khi do (áp lực) của mạng xã hội thì họ có điều chỉnh gì đấy, nhưng thực sự không thay đổi, tác động gì đến hoạt động dân chủ. Thật ra họ vẫn chưa có gì thay đổi lắm.

Họ ngày càng siết chặt hơn, sự tụ tập của các nhóm là không được phép, kiên quyết là như vậy.

RFA: Anh còn có điều gì nói thêm về việc thực hiện và trình chiếu bộ phim này?

Nhóm làm phim: Có một mong muốn là bộ phim này được trình chiếu quốc tế, để có một bức tranh về hoạt động xã hội dân sự Việt Nam, thấy rằng vẫn có những nhà đấu tranh vì môi trường hiện vẫn còn trong chốn lao tù.

Mong muốn đây sẽ là động lực cho những nhóm khác làm những bộ phim hay hơn, mong muốn của nhóm làm phim là như vậy.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.