Quốc hội đề nghị cấm hút thuốc nơi công cộng

Quốc hội Việt Nam trong kỳ họp thứ 3, khóa XIII mới đây tại Hà Nội đưa ý kiến cấm hút thuốc nơi công cộng.
Đỗ Hiếu, phóng viên RFA
2012.05.30
000_GYI0064960326-305.jpg Ảnh minh họa một người đang hút thuốc.
AFP photo

Thiết thực cho xã hội

Ông Lê Văn Cuông cựu đại biểu quốc hội đơn vị Thanh Hóa nhiệt liệt ủng hộ đề nghị được xem là ích lợi và thiết thực cho xã hội:

“Tác hại của thuốc lá thì không những ở Việt Nam mà cả thế giới đã biết rồi, cũng có nhiều biện pháp tuyên truyền và hạn chế số lượng người hút thuốc lá để đảm bảo sức khỏe, nòi giống của con người và còn làm giảm ô nhiễm môi trường. Việt Nam cũng là một trong những nước xếp hạng cao về số người hút thuốc lá, là một trong 15 nước dẫn đầu thế giới về số đông người hút thuốc lá. Việc chính phủ và quốc hội Việt Nam xây dựng và ban hành luật phòng chống chuyện hút thuộc lá là cần thiết, đáp ứng được nguyện vọng của cử tri và nhân dân cả nước.”

Từ Liên bang Úc Châu, ông Đoàn Việt Trung kể về việc cấm hút thuốc và tinh thần chấp hành quy định này tại quốc gia ấy:

“Luật ở Úc, từ nhiều năm nay, đã cấm không được hút thuốc ở một số nơi công cộng, chẳng hạn như trên xe lửa, trong nhà hàng…luật đó rất nghiêm minh. Tất cả mọi nơi mà tôi đã đến ở Úc này thì thấy mọi người đều rất tôn trọng luật cấm hút thuốc, bởi vì những người xung quanh sẽ nhìn những người hút thuốc lá với con mắt rất khó chịu, nên người hút thuốc cũng tự mình bỏ ra ngoài.

Gần đây tôi có dự một bữa cơm rất đông người, đó là đại hội tổng liên đòan lao động ở Úc, ít nhất là năm trăm người. Ngoài mấy chục bàn trong một nơi rất lớn, thì có vài bàn ở xa, bên ngoài, cách cửa chừng mười mét, đó là bàn dành cho những người muốn hút thuốc. Trong đại hội tổng liên đoàn lao động Úc Châu có nhiều nhân vật cao cấp trong chính quyền từ bà thủ tướng đến hai ông tổng trưởng và những người lãnh đạo đương thời, hoàn toàn không ai trong những người đó hút thuốc cả. Tôi mường tượng là nếu họ có hút thuốc thì những người chung quanh nhìn họ, rồi họ cũng phải bỏ ra ngoài, ai nấy đều phải tôn trọng luật pháp đó.”

Từ nước láng giềng Canada, ông Đặng Văn Tường cho biết người dân triệt để tôn trọng những quy luật chung được áp dụng:

“Dường như bên Canada không cấm hẳn nhưng trong tất cả những Mall (trung tâm thương mại) những cửa hàng, lối đi đều cấm hút thuốc, kể cả những quán ăn, nếu hút thuốc thì phải ra ngoài, có để thùng rác với đồ gạt tàn thuốc.”

Việc chính phủ và quốc hội Việt Nam xây dựng và ban hành luật phòng chống chuyện hút thuộc lá là cần thiết, đáp ứng được nguyện vọng của cử tri và nhân dân cả nước.
Ông Lê Văn Cuông

Trên các phương tiện vận chuyển và chuyên chở công cộng, lệnh cấm hút thuốc cũng được áp dụng nghiêm khắc:

“Đi xe cá nhân, hút thuốc là chuyện của mình, còn trên xe bus, xe lửa, máy bay thì không được hút rồi.”

Tuy nhiên theo ông rải rác vẫn có những vụ vi phạm tùy thói quen hay mức độ tự giác của từng người:

“Có khi người ta biết luật nhưng cứ làm đại, không ai thấy thì thôi, nên chuyện hút lén ngoài trời vẫn có, nhưng giữa công cộng thì không bao giờ dám.”

Còn trong gia đình, việc hút thuốc lá cũng chưa thật sự chấm dứt hẳn:

“Trong gia đình nhiều người vẫn hút thuốc, cũng gặp sự phản đối, nhưng không dám hút thuốc trong nhà, muốn hút thì ra ngoài hè, vì trong nhà không ai hút thuốc, vì khói thuốc cũng làm người không hút một khi hít khói vô, còn bị ảnh hưởng nặng hơn người hút thuốc lá.”

Tinh thần tự giác

Trên các hộp thuốc lá bày bán đều ghi rõ Hút thuốc có hại cho sức khỏe. AFP photo
Trên các hộp thuốc lá bày bán đều ghi rõ Hút thuốc có hại cho sức khỏe. AFP photo
Trên các hộp thuốc lá bày bán đều ghi rõ Hút thuốc có hại cho sức khỏe. AFP photo
Ông Trần Quý Cảnh ở Bruxelles, vương quốc Bỉ, cho hay mặc dù lệnh cấm hút thuốc nơi công cộng được chính phủ Bỉ ban hành sau bên Mỹ, nhưng người dân xứ Âu Châu này luôn tuân thủ đúng mức:

“Chính phủ Bỉ đã đề ra việc cấm hút thuốc nơi công cộng được người dân tích cực tham gia và tuân theo kỷ luật tuy rằng cái lệnh cấm hút thuốc nơi công cộng ở Bỉ có sau ở Mỹ, nhưng khi lệnh cấm đặt ra rồi thì dân tôn trọng tuyệt đối. Tôi chưa gặp trường hợp nào mà người dân vi phạm cả, ngay cả trong quán cà phê chính phủ cũng cấm hút thuốc, người ta tuyệt đối tôn trọng, tránh mọi vi phạm.”

Ông kể thêm một trong những điều thú vị khi mọi người đều tôn trọng quy định cấm sử dụng thuốc lá chốn đông người:

“Tôi có những người em ở Boston qua thăm Bỉ, thì thấy tại sao ở Mỹ đã cấm hút thuốc nơi công cộng lâu rồi, mà ở Bỉ vẫn còn, đó là chuyện cách đây 15 năm, nên họ ngạc nhiên. Sau đó ít lâu, lệnh hút thuốc nơi công cộng được tiến hành và tất cả những người hút thuốc đều nghiêm chỉnh thi hành. Thích nhất là hồi trước lúc còn được hút thuốc nơi công cộng, mỗi khi dự đám cưới, mặc đồ veste thật đẹp, sau bữa tiệc về nhà, đầu cổ tóc tai, quần áo bị hôi mùi thuốc, khi đã cấm rồi thì những nơi tổ chức tiệc cưới không một người nào còn hút thuốc cả, nên quần áo của mình sạch sẽ, thơm tho như thường.”

Nhiều người bỏ được một, hai tháng rồi hút trở lại, còn áp dụng cách xử phạt thì chỉ có một giải pháp là tự người hút thuốc lá cảm thấy mình muốn ngưng thôi.
Ông Bùi Thanh Tiên, Hoa Kỳ

Ông Bùi Thanh Tiên, một người nghiện hút thuốc lâu năm từ trong nước, nay sinh sống tại Mỹ, cho rằng không biện pháp ngăn cấm, hạn chế, phạt vạ nào hữu hiệu bằng ý chí sắt đá muốn tự cai thuốc:

“Dân hút vẫn biết cái tai hại của thuốc lá nhưng khi cầm điếu thuốc phì phèo thì mới thấy sự cảm khoái của thuốc lá, thứ hai đó là thói quen bỏ không được. Nhiều người bỏ được một, hai tháng rồi hút trở lại, còn áp dụng cách xử phạt thì chỉ có một giải pháp là tự người hút thuốc lá cảm thấy mình muốn ngưng thôi.”

Sau thời gian đi tù cải tạo nhiều năm, lúc được ra về, cuộc sống quạnh hiu, con người chỉ tìm nguồn an ủi vô vọng nơi thuốc lá và rượu:

“Tù cải tạo ra, ở Việt Nam đời sống rất buồn, không có ngày mai, làm việc tất bật, khi nào rảnh rỗi một chút, ăn rồi uống rựơu đế, phì phà mấy điếu thuốc lá để giải khuây, quên lãng, nhưng lúc ấy mình thấy sức khỏe ngày càng yếu kém, biết là tai hại nhưng không cách nào hơn.”

Một dịp may bằng vàng đối với một số cựu quân nhân là được cứu xét định cư tại Hoa Kỳ, nên ông quyết bằng mọi giá nắm bắt lấy cơ hội hiếm hoi đó:

“Trời còn ngó lại nên còn cái may mắn là được kêu đi phỏng vấn HO, có mấy người được phỏng vấn trước nói phải coi chừng, nếu phổi mờ mờ thì khó được chấp thuận lắm, ở lại chỉ 6 tháng, một năm là chết thôi. Mình muốn đi Mỹ thì phải tự quyết định, chỉ còn một cách duy nhất là bỏ thuốc lá, đó là động lực mạnh nhất, đưa mình đến nơi đây.”

Theo báo chí trong nước thì nhân phiên họp vừa qua, nhiều đại biểu quốc hội nêu thắc mắc như: các thủ trưởng hút thuốc thì nhân viên có bị xử phạt hay không, cơ quan, viên chức nào có trách nhiệm xử lý vi phạm, ai phạt, phạt thế nào, tiền nộp ở đâu… Những câu hỏi thực tiễn đó dường như chưa được diễn đàn và các dân cử giải đáp thỏa đáng.

Video: Những con số trong tuần 29-05-2012

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.