Ô nhiễm tiếng ồn: Bao giờ chấm dứt?
2022.09.14
Có thể nói, âm thanh đặc trưng của các thành phố lớn ở Việt Nam là một loại âm thanh hỗn độn. Nó được tạo ra bởi tiếng động cơ của các phương tiện giao thông, tiếng còi xe inh ỏi, tiếng ồn ào náo nhiệt từ các quán nhậu, và cả tiếng hát karaoke từ khắp hang cùng ngõ hẻm khắp thành phố, bất kể giờ giấc.
Việt Nam ban hành rất nhiều văn bản xử lý vi phạm về tiếng ồn, nhưng hiệu quả không cao do nhiều nguyên nhân.
Ông Nguyễn Văn Quang, một kỹ sư trong ngành cầu đường cho rằng, nguyên nhân đến từ cả người dân lẫn chính quyền. Ông phân tích với RFA sáng 14 tháng 9 năm 2022:
“Ở Việt Nam thì tiếng ồn cũng là một trong những vấn đề ô nhiễm, và nó xảy ra ở khắp nơi trên đất nước này, đặc biệt là ở các đô thị. Thứ nhất là tiếng ồn từ giao thông ở các giao lộ vào giờ cao điểm. Khi bị tắc đường thì người ta vẫn không tắt máy, những người vô ý thức lại còn bóp còi inh ỏi. Thứ hai là lĩnh vực ăn nhậu. Đa số các quán nhậu bình dân ở trên vỉa hè với âm thanh hỗn độn. Bên cạnh đó là karaoke đường phố. Những người bán hàng rong kéo theo cái loa, cộng hưởng với âm thanh quán nhậu khiến những nhà chung quanh chỉ biết đóng kín cửa ngăn tiếng ồn. Thứ ba là âm thanh ồn ào từ các nhà dân. Những người thích hát karaoke lại không ý thức, không đóng cửa nhà lại hát cho bớt ồn mà lại đem loa ra cửa hát.
Nó biểu hiện ý thức cư dân đô thị rất kém. Không biết bao giờ mới thay đổi được. Chính quyền thì bất lực hoặc có ăn chia phần trăm với các quán nhậu. Chứ tiếng ồn nó diễn ra sờ sờ ra đó mà công an và chính quyền địa phương không dẹp được. Dân nộp thuế nuôi các anh mà các anh không dẹp được thì chỉ có thể là bất tài hoặc là bảo kê.”
Từ năm 2017 chính quyền TPHCM đã có Công văn số 16475/VP-NCPC về việc tăng cường xử lý vi phạm các quy định về tiếng ồn để phòng ngừa phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh trật tự. Năm 2020 thành phố lớn nhất Việt Nam này ra Công văn số 195/VP-NCPC về việc triển khai một số biện pháp xử lý hành vi vi phạm về tiếng ồn.
Nó biểu hiện ý thức cư dân đô thị rất kém. Không biết bao giờ mới thay đổi được. Chính quyền thì bất lực hoặc có ăn chia phần trăm với các quán nhậu. Chứ tiếng ồn nó diễn ra sờ sờ ra đó mà công an và chính quyền địa phương không dẹp được. Dân nộp thuế nuôi các anh mà các anh không dẹp được thì chỉ có thể là bất tài hoặc là bảo kê. - Ông Nguyễn Văn Quang
Gần đây nhất có Nghị định 45/2022 của Chính phủ (có hiệu lực từ 25/8/2022) quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, đã quy định cụ thể mức chế tài xử phạt đối với những hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn.
Ô nhiễm tiếng ồn không chỉ ảnh hưởng xấu đến cuộc sống và sức khỏe người dân mà còn làm xấu đi không gian đô thị. Trách nhiệm của Nhà nước là mang lại cho người dân một đời sống vật chất, tinh thần đầy đủ với luật pháp nghiêm minh. Với việc ô nhiễm tiếng ồn, một số người cho rằng cơ quan chức năng chưa thực thi đầy đủ trách nhiệm của mình.
Với tiếng ồn phát sinh trong khu dân cư chủ yếu do hát karaoke thì lực lượng xử lý chính là địa phương, chủ lực là công an phường, xã. Một người dân ở quận 6, TP.HCM không muốn nêu tên nói với RFA sáng 14 tháng 9:
“Công an họ chạy trốn trách nhiệm. Nếu có một vụ ẩu đả thì họ không bao giờ xuống. Nếu có xuống thì đẩy dân phòng ra giải quyết. Họ chỉ có mặt để bảo vệ an ninh của chế độ. Nghĩa là nếu ai đó làm hành động gì, nói câu gì mà thấy gây nguy hại cho chế độ thì họ xuống ngay. Ngoài ra họ không có trách nhiệm gì cả. Trách nhiệm là điều luôn thiếu vắng ở xã hội này.
Công an xuống giải quyết chỉ gặp khó khăn mà lại không có tiền. Nếu ai đó mở một quán ăn, quán cà phê mà không chung chi, không có gốc gác sau lưng thì công an xuống làm phiền hoài nếu làm ồn ào khu dân cư. Tóm lại, ngành công an để bảo vệ chế độ chứ không phải bảo vệ an ninh trật tự cho người dân.”
Luật sư Nguyễn Văn Hậu từng nêu vấn đề ô nhiễm tiếng ồn với RFA về khía cạnh luật pháp:
“Tôi thấy trong Luật bảo vệ môi trường thì việc xử lý những tiếng ồn có quy định rồi, vấn đề là mình có xử lý nghiêm hay không.
Thành phố trước mắt đề nghị các địa phương, đặc biệt là công an thành phố giao cho trách nhiệm của trưởng công an ở phường, xã, thị trấn trực tiếp chỉ đạo phòng ngừa, nếu phát hiện xử lý theo các quy định.
Nếu không kịp thời phát hiện ngăn chặn, xử lý thì sẽ xử lý cấp cán bộ ở đó và thường xuyên tổ chức thực hiện, xử lý nghiêm tiếng ồn theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường.
Đồng thời tuyên truyền người dân nếu họ gây ra tiếng ồn như vậy là vi phạm pháp luật.”
Ô nhiễm tiếng ồn được cho là kẻ sát nhân giấu mặt bởi nó gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người một cách thầm lặng. Theo thông tin từ trang web Bệnh viện Nhân dân 115, tiếng ồn gây ra sự tác động trực tiếp và gián tiếp đến sức khỏe con người như giảm thính lực, cao huyết áp, tim mạch, các bệnh đường tiêu hóa, rối loạn giấc ngủ, thay đổi chức năng miễn dịch, mất ngủ, suy sụp tinh thần và thường bị căng thẳng thần kinh…
Công an xuống giải quyết chỉ gặp khó khăn mà lại không có tiền. Nếu ai đó mở một quán ăn, quán cà phê mà không chung chi, không có gốc gác sau lưng thì công an xuống làm phiền hoài nếu làm ồn ào khu dân cư. Tóm lại, ngành công an để bảo vệ chế độ chứ không phải bảo vệ an ninh trật tự cho người dân. - Người dân
Ngoài tiếng ồn từ các phương tiện giao thông, karaoke, quán nhậu…tra tấn lỗ tai người dân, thì hệ thống loa phường ở Hà Nội được nói tới gần đây được cho là một loại ô nhiễm tiếng ồn.
Tuy vậy, chính quyền thành phố Hà Nội hôm 27 tháng 7 vừa qua khẳng định vai trò của hệ thống loa phường là không thể thay thế và chưa bao giờ bị khai tử dù đầu năm 2017, Chủ tịch Hà Nội lúc bấy giờ là ông Nguyễn Đức Chung tuyên bố “loa phường đã hoàn thành sứ mệnh”. Theo ông Chung, loa ở thời kỳ bao cấp rất có tác dụng. Còn thời đại công nghệ thông tin như hiện nay, thành phố có nhiều phương thức khác phục vụ nhân dân thì loa phường không còn phù hợp.
Vừa qua, ca sĩ Tuấn Hưng tổ chức biểu diễn ca nhạc tại ban công nhà thuộc phố Hàng Khay, Hà Nội. Hành động này bị cơ quan chức năng phạt hành chính 12,5 triệu đồng vì tổ chức biểu diễn không xin phép. Nhiều ý kiến cho rằng, show diễn của ca sĩ Tuấn Hưng đã vi phạm về “sử dụng các thiết bị, dụng cụ như loa, đài, kèn, trống để phát tán âm thanh lớn ra môi trường”.