Ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục ngồi ghế bí thư có là ‘hạnh phúc’ cho dân tộc?
2020.05.29
“Một số đồng chí được xem là trường hợp quá tuổi, đã thể hiện rất xuất sắc trong công việc, đặc biệt là người đứng đầu, đồng chí Tổng bí thư, Chủ tịch nước. Có thể nói trường hợp đặc biệt này là hạnh phúc của Đảng, dân tộc.”
Đó là nhận định của Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Hồng Diên, khi phát biểu tại Hội nghị báo cáo viên Trung ương thông báo kết quả hội nghị lần thứ 12 Ban chấp hành Trung ương hôm 27 tháng 5 năm 2020.
Hiểu như thế nào về câu nói ông Nguyễn Phú Trọng ở lại là ‘hạnh phúc’ cho dân tộc?
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 29 tháng 5 năm 2020 liên quan cách nói này, Phó giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng, một nhà ngôn ngữ học hiện sống tại Sài Gòn, nhận định:
“Tôi thấy cách nói đó nó kỳ cục, nó kỳ cục giống như mọi sự kỳ cục đang diễn ra ở đất nước này... Cũng giống như cách đây mấy năm, có một bà ở thành phố Hồ Chí Minh cũng công khai nói trên báo chí, việc con cái của các lãnh đạo mà tiếp tục lãnh đạo cũng là hạnh phúc của dân tộc... Họ hay nói kiểu đó... kiểu đó không phải là lần đầu tiên. Họ cứ thấy là họ có thể cưỡi đầu cưỡi cổ dân tộc này càng lâu thì dân tộc đó càng hạnh phúc, thì còn gỉ để bàn nữa.”
Tôi cho rằng, ông Nguyễn Phú Trọng cũng muốn lãnh đạo tiếp, nhưng muốn mà có được hay không còn do những phe cánh trong đảng cộng sản.
-Nhà báo Lê Trung Khoa
Theo vị Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, bài học khóa 12 cho thấy, nếu thực hiện một cách xơ cứng quy định về độ tuổi thì một số cán bộ cao tuổi trong Ban chấp hành Trung ương sẽ không tái cử. Đặc biệt là người đứng đầu, đồng chí Tổng bí thư, Chủ tịch nước. Đồng chí là trung tâm đoàn kết của Ban chấp hành Trung ương để lãnh đạo tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư và quyết định nhiều vấn đề chỉ đạo điều hành của đất nước nên Việt Nam đã gặt hái được những thành quả như vậy.
Từ Đức Quốc hôm 29 tháng 5 năm 2020, nhà báo Lê Trung Khoa, chủ bút trang Thoibao.de cho Đài Á Châu Tự Do biết ý kiến của mình:
“Tôi nghĩ đây là vấn đề hết sức ngụy biện của đảng cộng sản Việt Nam, bởi vì như đại hội lần thứ 12 lần trước, ông Nguyễn Phú Trọng nói là ông ngạc nhiên vì được bầu lại. Và lần này thì là cái kiểu hình thức rao trước thông tin, rằng vẫn cần người có tuổi cao nắm giữ quyền lực và có kinh nghiệm trong lãnh đạo, điều hành... đây là sự giáo điều, rao trước của ông Nguyện Phú Trọng đối với các Ủy viên Trung ương khác. Có thể ổng vẫn ở lại làm thêm một nhiệm kỳ nữa... lòng tham của những người đứng đầu đảng cộng sản thì vô cùng lắm, nhất là về tham nhũng quyền lực, nó còn tệ hơn tham nhũng. Nó loại gần 100 triệu người dân ra khỏi việc điều hành đất nước, chỉ có một nhóm nhỏ trong đảng, họ nắm quyền lực, họ tham nhũng quyền lực.”
Theo nhà báo Lê Trung Khoa, điều này rất tệ hại vì sẽ dẫn đến đường lối không dân chủ, mất tự do và ngày càng trở nên độc tài. Như mọi người đã biết, thời gian gần đây, những người nào có tiếng nói phản biện lại chính sách của đảng đều bị khó khăn, thậm chí bị bắt giữ không lý do, kể cả những người rất già như nhà báo Phạm Thành, hay Phạm Chí Dũng, và rất nhiều cây bút khác... Theo ông, đây là điều các lãnh đạo Việt Nam muốn chặn họng người dân, để họ làm điều họ muốn, người dân thì không thể phản ứng được, nếu phản ứng thì có thể sẽ bị bắt giữ. Nhà báo Lê Trung Khoa nói tiếp:
“Tôi cho rằng, ông Nguyễn Phú Trọng cũng muốn lãnh đạo tiếp, nhưng muốn mà có được hay không còn do những phe cánh trong đảng cộng sản, liệu họ có cách nào để thay đổi những mong muốn của ổng hay không thì chúng ta cần phải đợi thêm một thời gian nữa.”
Đại hội lần thứ 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ diễn ra vào tháng 1 năm 2021. Các thay đổi nhân sự được thông qua tại đại hội đảng, thông thường sẽ nằm trong nhóm lãnh đạo chính phủ mới được thành lập ngay sau đại hội, để lãnh đạo đất nước cho đến năm 2026.
Tuy nhiên, chỉ các ủy viên Bộ Chính trị mới được xem xét cho 4 vị trí đứng đầu đất nước, hay còn gọi là ‘tứ trụ’. Theo chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị, thời điểm tính độ tuổi tham gia các cấp trực thuộc trung ương là tháng 9/2020. Do đó, các ủy viên Bộ Chính trị hiện tại đã đủ 65 tuổi trước thời điểm tháng 9/2020 sẽ phải nghỉ hưu, ngoại trừ người được chọn để giữ vị trí tổng bí thư nhiệm kỳ tiếp theo. Vậy liệu tuyên bố của Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Hồng Diên có phải là rao trước khả năng ông Nguyễn Phú Trọng sẽ tiếp tục ở lại giữ chức Tổng bí thư?
Trả lời Đài Á Châu Tự Do hôm 29 tháng 5 năm 2020 liên quan vấn đề này, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á - Iseas, Singapore, nhận định:
“Viết thế là để người ta nịnh nhau, chứ không phải là việc gì khác đâu. Rất khó có cái chuyện là ông Nguyễn Phú Trọng sẽ làm tiếp, ổng lớn tuổi rồi, sức khỏe ông ấy yếu, làm hai khóa rồi, nếu muốn làm khóa thứ ba thì phải sửa điều lệ đảng, lần này thì không sửa điều lệ nên rất khó mà nói là ông ấy sẽ làm tiếp.”
Rất khó có cái chuyện là ông Nguyễn Phú Trọng sẽ làm tiếp, ổng lớn tuổi rồi, sức khỏe ông ấy yếu, làm hai khóa rồi, nếu muốn làm khóa thứ ba thì phải sửa điều lệ đảng, lần này thì không sửa điều lệ nên rất khó mà nói là ông ấy sẽ làm tiếp.
-TS. Hà Hoàng Hợp
Theo Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, kỳ đại hội nào cũng có người quá tuổi , khóa 11, 12 đều có... Riêng khóa 13 đã xác định là 10%. Nhưng 10% không chỉ là để cho số người trên 61 tuổi, mà cho cả số người trên 51 tuổi và 56 tuổi, cả ba độ tuổi. Những người nào hiện trong Ban chấp hành trung ương mà đạt độ tuổi 61 thì có được ở lại để ứng cử vào khóa 13 hay không, thì vẫn đang xem xét. Còn ở lại Bộ chính trị khi đã đạt 65 tuổi, thì nói rõ ra là sẽ có 7 người còn được ở lại vì dưới 65 tuổi, còn 8 người kia phải nghỉ hưu. Ông nói tiếp:
“Người ta có ghi chú là trong 7 người ở lại, có một trường hợp được đưa vào diện đặc biệt để ở lại làm Tổng bí thư, không thể nhiều hơn một người được. Chuyện nhiều hơn một người là rất khó, và một người ở lại chắc không phải là ông Nguyễn Phú Trọng. Còn từ nay đến Đại hội đảng tháng 1 năm 2021, thì còn Đại hội 13 và có khả năng là Hội nghị Trung ương 14 nữa.”
Nhưng Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp cho rằng, rất khó có khả năng là ông Nguyễn Phú Trọng ở lại, vì có những tiêu chuẩn, thứ nhất là sức khỏe, thứ hai là trình độ, thứ ba là vùng miền, thứ tư là cơ cấu và thứ năm là độ tuổi... thì dễ nhìn thấy là sức khỏe của ông Trọng không còn đủ nữa.
Nhà báo Lê Trung Khoa phân tích thêm:
“Thông thường những người tổng bí thư, như hai khóa trước chẳng hạn, họ đi lên từ chức Chủ tịch Quốc hội. Nhưng lần này Chú tịch Quốc hội bà Nguyễn Thị Kim Ngân lại là nữ, mà ở VN thì gần như chưa có tiền lệ nữ được lên làm tổng bí thư. Còn phương án thứ hai cũng rất là khả dĩ là trường hợp ông Trần Quốc Vượng, đang đứng đầu trong Ban Bí thư, là người kế cận ông Nguyễn Phú Trọng, tuy nhiên ông Vượng không có kinh nghiệm hành pháp vì không qua những bước đó, nên cũng hạn chế... như việc ông phát biểu về kinh tế hợp tác xã chẳng hạn, gây ra sự phản ứng dữ dội của người dân, nhất là các doanh nghiệp, vì không ai muốn quay lại thời bao cấp như vậy nữa.”
Nhiều chuyên gia cho rằng, Bộ Chính trị Việt Nam không nên cho phép những người quá tuổi tại vị, mà nên chuyển giao thế hệ, tìm nhân sự phù hợp sự phát triển của Việt Nam, còn những lãnh đạo lão thành nhiều kinh nghiệm vẫn có thể làm cố vấn, trợ giúp những lãnh đạo trẻ đương nhiệm.