Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới sẽ tiến hành giải phóng mặt bằng rộng hơn phạm vi dự án để người dân trong diện giải tỏa được tái định cư tại chỗ, bao gồm cả người có đất trong phạm vi hạ tầng và người có đất kề bên hạ tầng.
Nội dung vừa nêu nằm trong Đề án “Quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh” được Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Lê Hòa Bình ký quyết định phê duyệt.
Đề án được nói đưa ra như một giải pháp gỡ vướng cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng hiện đang gặp khó khăn tại thành phố lớn nhất phía Nam Việt Nam hiện nay.
Theo nội dung được báo chí trong nước trích dẫn và đăng tải trong hai ngày 21-22/2, "mỗi người bị thu hồi đất đều được nhận lại một diện tích đất nhỏ hơn tỷ lệ nghịch với giá đất tăng thêm do hạ tầng mang lại. Thành phố sẽ quy hoạch lại hai bên hạ tầng và phần đất dôi dư được bán đấu giá để thu tiền phục vụ triển khai thực hiện."
Đề án đưa ra để thu hồi đất hai bên là hoàn toàn phù hợp, thực chất rất công bằng, dự án hoàn toàn chuẩn xác. - PGS. TS. Ngô Trí Long
Từ Hà Nội, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả Bộ Tài Chính giải thích rõ hơn về nội dung này:
“Đề án đưa ra để thu hồi đất hai bên là hoàn toàn phù hợp, thực chất rất công bằng, dự án hoàn toàn chuẩn xác.
Thực chất đây là thu chênh lệch địa tô để tái định cư. Địa tô chênh lệch có nghĩa là hình thức quy hoạch nào mà giá trị đất tăng. Theo đề án này thì biện pháp xử lý giá trị đất đai hiện nay khi đấu giá phát triển là thu hồi đất liền kề để thu lại bán với giá cao hơn.”
Vẫn theo PGS. TS. Ngô Trí Long, mỗi lần dự án xây dựng đường mới được tiến hành, những người có nhà đất bị giải tỏa mặt bằng không được hưởng lợi; trong khi đó, người có nhà đất cạnh những con đường sắp xây sẽ là người được hưởng lợi nhiều nhất, việc này cũng gây ảnh hưởng rất lớn.
Vì vậy, bây giờ Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khi bắt đầu dự án đường giao thông thì sẽ thu hồi đất ở hai bên đường mới để đem bán đấu giá, nhưng đồng thời trả cho dân phần tiền hoặc phần đất bằng với giá trị ban đầu của dân.
Ông nêu ra ví dụ điển hình:
“Ví dụ giá trị ban đầu của dân 1m2 là 10 triệu nhưng do có đầu tư hạ tầng cơ sở vào nên làm giá trị chỗ đất của dân tăng gấp ba lần là 30 triệu. Nếu bây giờ nhà nước không thu hồi cái đó và dân được hưởng thì vô hình chung là dân được lời 30 triệu mà cái đó không phải do tự dân tạo ra mà do sự quy hoạch đầu tư của nhà nước.”

Do đó, người có đất bị thu hồi trong dự án hạ tầng sẽ được tái định cư tại chỗ với diện tích đất trên thực tế là bán đấu giá có được.
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh, ông Lê Hoàng Châu, khi trả lời phỏng vấn của VTC News cũng đồng ý rằng đề xuất Ủy ban Thành phố vừa ban hành là phương án đúng đắn và nên làm từ rất lâu.
Ông Châu cho rằng tái định cư tại chỗ sẽ mang lại lợi ích cao nhất cho người bị thu hồi đất khi bù đắp được quyền lợi và có giá trị gia tăng khi dự án được đầu tư.
Tuy nhiên, ông cũng nêu lên những bài học rõ ràng trên các tuyến đường lớn từ “những kinh nghiệm không đúng của thành phố”.
Đài RFA vào tối 22/2 có trao đổi với Luật sư Đặng Trọng Dũng, Đoàn Luật Sư thành phố Hồ Chí Minh và được ông cho biết ý kiến đối với đề án mới như sau:
“Về mặt đất đai tôi cũng đã làm nhiều vụ về dự án đất đai mà người dân không được hỏi ý kiến đúng như quy định của pháp luật, việc người dân không hiểu biết đầy đủ về cách thức thông qua một dự án như vậy. Do đó tôi chỉ có thể nói những điều ghi ở trong luật như vậy thường không được các cơ quan chính quyền hoặc chính quyền địa phương tôn trọng.”
Xác nhận thực tế vừa nêu, ông Cao Thăng Ca, một dân oan ở Thủ Thiêm có nhà đất bị cưỡng chế, bày tỏ:
“Thành phố Hồ Chí Minh đề ra những dự án có vẻ mị dân, việc lấy đất của dân đi làm đường sá rồi bây giờ tính toán thế này thế kia. Anh muốn lấy đất của dân thì cứ đền bù cho dân, lấy của người ta bao nhiêu mét thì trả lại cho người ta bấy nhiêu. Sao lại đề ra dự án thế này thế kia, nói tới nói lui hoài rốt cuộc cũng kết luận là muốn lấy đất của dân để kinh doanh.”
Tôi cũng đã làm nhiều vụ về dự án đất đai mà người dân không được hỏi ý kiến đúng như quy định của pháp luật, việc người dân không hiểu biết đầy đủ về cách thức thông qua một dự án như vậy. Do đó tôi chỉ có thể nói những điều ghi ở trong luật như vậy thường không được các cơ quan chính quyền hoặc chính quyền địa phương tôn trọng. – LS. Đặng Trọng Dũng
Sau khi thông qua đề xuất, đề án này sẽ được đưa ra lấy ý kiến cộng đồng những người bị thu hồi đất. Nếu kết quả đạt được với đa số đồng thuận từ cộng đồng vừa nêu thì phương án được phê duyệt.
Thiểu số người dân không đồng ý có hai lựa chọn gồm chấp thuận phương án hoặc bị Nhà nước thu hồi đất.
PGS. TS. Ngô Trí Long cho rằng đây là một điều kiện khá rõ ràng, ông nói thêm:
"Không có gì tuyệt đối. Nếu 2/3 số hộ dân đồng ý thì thực thi biện pháp đó, còn nếu 2/3 không đồng ý thì coi như không thực thi, nhưng theo quan điểm của tôi thì chắc chắn người dân sẽ đồng ý."
Trong khi đó, Luật sư Đặng Trọng Dũng đưa ra lời khuyên:
“Một người dân ở địa phương nào đó bị hỏi ý kiến về những trường hợp như vậy thì cách tốt nhất là tìm ngay đến một vài luật sư chứ không phải một luật sư để họ giúp đỡ bảo vệ người dân trong những trường hợp như vậy. Còn chính quyền bằng cách này hay cách khác tôi không tin là làm đúng theo pháp luật.”
Còn theo ông Cao Thăng Ca, ông hoàn toàn không tin vào những đề án mà phía lãnh đạo thành phố đưa ra nhằm giải quyết những vướng mắc trong việc giải tỏa, đền bù đất đai sau hàng chục năm đi khiếu kiện về dự án Thủ Thiêm.
“Người ta nói để tuyên truyền là chăm lo tốt cho đời sống người dân, nói này nói kia rồi cũng dân là người chịu thiệt nhất.”