Giáo dục: Dự giờ giáo viên giỏi hay diễn?

Trung Khang, RFA
2019.01.15
truong-tieu-hoc-le-hong-phong-960 Trường tiểu học Lê Hồng Phong, Hải Phòng.
Courtesy haiphong.gov.vn

Thời gian qua, nhiều vụ việc đã xảy ra khiến ngành giáo dục Việt Nam ngày càng bị đánh giá xấu. Không chỉ học sinh sai phạm như gian lận trong các kỳ thi, ngay cả giới giáo chức cũng có sai phạm… Điển hình là vụ bắt học yếu kém ở nhà khi thi giáo viên giỏi. Dư luận nói gì về việc này?

Bệnh thành tích

Theo báo Dân Trí loan tin ngày 14 tháng 1 năm 2019, cách nay hơn một tuần, một tin nhắn của một giáo viên Trường tiểu học Lê Hồng Phong, Hải Phòng, gửi cho các phụ huynh với nội dung như sau: “Thứ 4 (9/11) đến thứ 6 (11/1), Sở GD&ĐT tổ chức hội thi giáo viên giỏi thành phố tại trường. Học sinh được giáo viên chủ nhiệm lựa chọn tham gia các tiết dạy của giáo viên dự thi có mặt tại trường theo sự dặn dò của giáo viên chủ nhiệm. Học sinh khác nghỉ học. Trân trọng!”

Một lần nữa, căn bệnh thành tích của ngành giáo dục Việt Nam lại được nhắc đến.

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 15 tháng 1 năm 2019, Phó Giáo sư - Tiến Sĩ Mạc Văn Trang, người từng có hơn 30 năm công tác ở Viện Khoa học Giáo dục trước khi về hưu vào năm 2002, cho biết:

Các giáo viên dạy một giờ gọi là thao diễn thì họ thường soạn giáo án rất là cẩn thận; Có khi họ còn diễn tập đi, diễn tập lại, sau đó họ mới dạy cho học sinh. Đôi khi, họ còn luyện tập trước cho học sinh.
-PGS. TS. Mạc Văn Trang

“Tình trạng này xảy ra trong ngành giáo dục từ lâu lắm rồi mà ngày xưa ông Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân gọi là bệnh thành tích. Các giáo viên dạy một giờ gọi là thao diễn thì họ thường soạn giáo án rất là cẩn thận; Có khi họ còn diễn tập đi, diễn tập lại, sau đó họ mới dạy cho học sinh. Đôi khi, họ còn luyện tập trước cho học sinh để đến khi các đoàn đến dự thì học sinh dễ phát biểu ý kiến trúng nội dung của bài, giơ tay đồng loạt rất là sôi nổi. Tất cả những trò này họ đã làm trong ngành giáo dục từ lâu rồi. Họ không muốn những học sinh kém ở đấy vì lỡ khi nó phát biểu thì lại sai.”

Tuy nhiên điều đáng nói là vụ việc này lại xảy ra ngay sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam vào ngày 27 tháng 12 năm 2018, công bố Chương trình giáo dục phổ thông mới được mô tả là theo hướng hiện đại, đảm bảo chất lượng…

Chưa rõ hiệu quả thế nào, nhưng chương trình này có thể được coi là một điểm sáng cho giáo dục Việt Nam sau một năm xảy ra nhiều vụ bê bối như vụ cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy trừng phạt học sinh bằng cách yêu cầu các học sinh cùng lớp tát mỗi người 10 cái vào mặt, hay chuyện gian lận điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông ở các tỉnh phía bắc và gần đây nhất là vụ hiệu trưởng Đinh Bằng My dâm ô hàng chục nam sinh…

Việc một số học sinh phải ở nhà, do không được lựa chọn để tham dự lớp học thi giáo viên giỏi cấp thành phố khiến nhiều người bất bình.

Một phụ huynh ở Sài Gòn xin được giấu tên cho biết:

“Là một phụ huynh tôi thấy buồn vì chuyện này, mình thấy như vậy là cô giáo đã phân biệt đối xử với con em mình. Không phải đứa trẻ nào sinh ra cũng học giỏi, ai cũng muốn con em mình học khá, học giỏi, nhưng khả năng cháu chỉ đến đó thôi. Điều này giống như giáo viên chê con mình học dở, học dốt, theo tôi nếu con mình học dở học dốt thì mới cần đến nhà trường để nhà trường dạy dỗ cho bé. Mà cô giáo nhắn tin như thế thì tôi thấy cũng hơi bị xúc phạm, rất buồn và rất ảnh hưởng đến tâm lý của đứa trẻ.”

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
AFP

Thầy giáo Đỗ Việt Khoa từ Hà Nội, người thường lên tiếng đấu tranh chống tiêu cực trong các trường học, chia sẻ:

“Đúng là việc này cũng phổ biến, nhưng theo quan điểm của tôi là do cá nhân giáo viên trường đó thôi. Chỗ trường tôi, lớp tôi nếu có thi thì mọi việc diễn ra bình thường, tất cả các cháu đều tham dự, không thay đổi gì cả. Đến ngày nay mà trường đó lại như vậy thì tôi thấy là không nên, cần phê phán. Không được phép phân biệt học sinh giỏi hay học sinh yếu. Một người thầy giỏi nếu chúng ta biến được những học sinh yếu thành học sinh khá giỏi.”

Theo Phó Giáo sư - Tiến Sĩ Mạc Văn Trang, nhiều khi việc chỉ đạo cho học sinh ở nhà khi có dự giờ không phải là chỉ đạo ở trên hay từ hiệu trưởng mà là do giáo viên tự ý làm:

“Thông thường, ở trên không mấy khi người ta chỉ đạo cái việc đó. Có khi ở trường, hiệu trưởng đôi khi cũng không nói những việc đó ra mà chỉ giao nhiệm vụ làm sao phải tổ chức giờ dạy như thế cho tốt. Và rồi, giáo viên vận động những học sinh kém, học sinh nghịch ngợm không chịu ngồi khoanh tay, không giơ tay nghiêm chỉnh, nói chuyện… ở nhà.”

Điều này giống như giáo viên chê con mình học dở, học dốt, theo tôi nếu con mình học dở học dốt thì mới cần đến nhà trường để nhà trường dạy dỗ cho bé.
-Một phụ huynh

Vị phụ huynh ở Sài Gòn kể lại những gì cô đã nghe thấy trước đây:

“Hồi xưa tôi có nghe, nếu có dự giờ mà học sinh yếu kém quá thì giáo viên gởi em đó qua lớp khác để ngồi. Đó là thời xa xưa lắm rồi, hồi những năm 1990 gì đó thì có tình trạng như vậy. Còn ngày nay theo tôi biết ở Sài Gòn thì giáo thi giáo viên giỏi thì lấy học sinh của trường khác. Do đó hiện tượng này ở Sài Gòn cũng chưa nghe có, đây là lần đầu tiên nghe ở ngoài có chuyện này.”

Theo thầy Đỗ Việt Khoa, việc đánh giá giáo viên dạy giỏi là một đánh giá phức tạp, tùy vào bối cảnh. Một hai giờ dạy giỏi chưa chắc là giỏi, mà phải cả một quá trình, và phải có cả sự đánh giá từ học sinh, từ nhiều thế hệ học sinh. Theo ông, một thầy dạy giỏi là khi nhiều thế hệ học sinh ra trường rồi vẫn được đánh giá là tốt.

Còn Phó Giáo sư - Tiến Sĩ Mạc Văn Trang thì cho biết, ông đã kiến nghị với mấy đời bộ trưởng giáo dục, nhưng chẳng thấy ai nghe. Theo ông bởi vì căn bệnh thành tích đã nằm trong toàn hệ thống chính trị. Ông kết luận:

“Từ năm 1946 đến giờ, cụ Hồ cũng đã phát động: “người người thi đua, ngành ngành thi đua”, “thi đua là yêu nước, yêu nước phải thi đua” mà thi đua thì toàn là giả dối, toàn là bịa đặt.”

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.