Dịch vụ công trực tuyến: Chất chưa  tương ứng với lượng

2021.05.11
Dịch vụ công trực tuyến: Chất chưa  tương ứng với lượng Lễ khai trương Cổng dịch vụ công quốc gia ngày 9/12/2019
Ảnh: baochinhphu.vn

Là một trụ cột của chương trình phát triển chính phủ điện tử  (CPĐT) và được kỳ vọng sẽ mang đến nhiều lợi ích cho người dân nhưng đã hơn một năm kể từ ngày khai trương, Cổng dịch vụ công quốc gia (DVCQG) vẫn chưa giành được sự quan tâm của người dân Việt Nam. Theo báo cáo Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) công bố gần đây, chỉ có 4% người dân tham gia khảo sát trên toàn quốc biết đến và sử dụng cổng DVCQG. Vì sao có tình hình này?

Dân vẫn thờ ơ

Được khai trương vào 09/12/2019 với 8 dịch vụ công ban đầu, tính đến ngày 8/3/2021 Cổng DVCQG đã có hơn 2.800 dịch vụ công được tích hợp, cung cấp trên tổng số gần 6.800 thủ tục hành chính tại 4 cấp chính quyền. Cổng đã có hơn 116 triệu lượt truy cập, 468.000 tài khoản đăng ký; hơn 42,5 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; trên 940.000 hồ sơ thực hiện trực tuyến và hơn 67.000 giao dịch thanh toán điện tử  với tổng số tiền hơn 26,7 tỷ đồng.

Đó là báo cáo mới nhất của Văn phòng Chính phủ về những kết quả đạt được của Cổng DVCQG. Trái với những con số liệt kê dài và ngồn ngộn này, báo cáo PAPI do Cơ quan Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) công bố tháng 4/2021 lại cho thấy một bức tranh khá ảm đạm về hiệu quả thực tế của cổng trong năm 2020. Cụ thể, trong số hơn 12.000 người dân thuộc tất cả các tỉnh thành trong toàn quốc tham gia khảo sát của PAPI vào thời điểm cuối năm 2020 khi cổng DVCQG vừa tròn 1 năm hoạt động, chỉ có 4% số người được hỏi cho biết họ đã sử dụng Cổng dịch vụ công quốc gia và trong số những người đã sử dụng này, có tới 74% nói rằng họ sử dụng cổng tìm kiếm thông tin về quy trình, thủ tục làm thủ tục hành chính, phản ánh kiến nghị về thủ tục hành chính và các vấn đề khác, chỉ có 26% sử dụng cổng để làm thủ tục hành chính cho cá nhân hoặc gia đình.

Báo cáo PAPI.png
Một số kết quả khảo sát PAPI về việc người dân sử dụng cổng Dịch vụ công quốc gia trong năm 2020. Ảnh: RFA-screencapture

Thực ra không phải cho tới khi PAPI công bố những kết quả khảo sát này, người ta mới nhận ra số lượng người sử dụng cổng DVCQG còn rất khiêm tốn. Chính phủ Việt Nam không trực tiếp đề cập vấn đề này nhưng nếu để ý những mảng thông tin liên quan đâu đó hoặc liên hệ với những lĩnh vực dịch vụ trực tuyến khác mà người dân Việt Nam đang sử dụng, người ta có thể nhìn thấy phần nào tình hình thực tế hoạt động của cổng này.

Trong một cuộc trao đổi với báo chí, lãnh đạo bộ Công an cho biết Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) của bộ này trong năm 2020 đã đưa lên cổng DVCQG ba dịch vụ là: Thu tiền nộp phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ; đăng ký xe, nộp lệ phí trước bạ điện tử đối với ôtô, xe máy và khai tờ khai đăng ký xe ôtô. Tuy nhiên, số lượng người dân sử dụng những dịch vụ được xem là thiết thân này khá hạn chế. Cụ thể, tính đến ngày 1/12/2020, mặc dù các phòng CSGT trên toàn quốc đã đưa lên cổng hơn 158.000 quyết định xử phạt vi phạm giao thông đường bộ nhưng chỉ có hơn 5.000 người sử dụng cổng DVCQG để nộp phạt (tương đương 3,1%). Èo uột không kém, từ tháng 7/2020 đến hết tháng 11/2020, Cục đã tiếp nhận hơn 1,1 triệu dữ liệu lệ phí trước bạ điện tử từ Tổng cục thuế nhưng chỉ có 7.775 trường hợp là nộp điện tử hoàn toàn (0,7%) còn lại là nộp trực tiếp tại quầy như truyền thống. Trong lĩnh vực khai đăng ký ô tô, Cục cũng chỉ ghi nhận vỏn vẹn 38 trường hợp khai qua cổng dịch vụ công và đăng ký xe trực tuyến thành công.

2007-12-15T120000Z_1739719458_GM1DWVAAPVAA_RTRMADP_3_VIETNAM-HELMETS.JPG
Cảnh sát giao thông tại TP.HCM xử phạt công dân không đội mũ bảo hiểm. Ảnh: Reuters

Nhìn tổng thể việc sử dụng các dịch vụ trên cổng DVCQG, một nhà quan sát không muốn nêu tên nói với RFA rằng, các kết quả nêu trong báo cáo của Văn phòng Chính phủ cũng không có gì là ấn tượng nếu so sánh với những dịch vụ điện tử khác mà người dân Việt Nam đang sử dụng. Ví dụ, con số 116 triệu lượt truy cập mà cổng DVCQG đạt được trong vòng 15 tháng cũng chỉ tương đương với số lượt người dân Việt Nam truy cập các sàn giao dịch điện tử ở Việt Nam trong vòng hơn 1 tháng trong năm 2020 (theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, trung bình số lượng truy cập các sàn giao dịch điện tử của Việt Nam là 3,5 triệu lượt/ngày). Nhà quan sát này cũng cho rằng, số lượng 468.000 tài khoản đăng ký sử dụng cổng DVCQG cũng chỉ bằng con số tăng trưởng khách hàng sử dụng dịch vụ e-banking của một ngân hàng cỡ trung bình của Việt Nam trong năm 2020 hay chưa bằng 1/3 số lượng tăng trưởng khách hàng trực tuyến của một ngân hàng lớn như BIDV trong năm 2020. Ông cũng cho rằng con số hơn 67 nghìn giao dịch thanh toán điện tử với tổng số tiền giao dịch đạt 26,7 tỷ đồng của cổng DVCQG cũng là những con số khởi đầu khiêm tốn.

Làm nhưng chưa tới

Một số ý kiến người dân trong phần “Phản ánh kiến nghị’ của cổng DVCQG cho thấy một số dịch vụ tuy đã được cung cấp trên cổng nhưng trong quá trình thực hiện vẫn còn nhiều sai sót hoặc thiếu đồng bộ khiến người dân không thể sử dụng. Đơn cử trường hợp nộp tiền phạt xử vi phạm giao thông của ông Ngô Xuân Hổ. Ông Hổ phán ánh rằng ông bị xử phạt vi phạm giao thông do điều khiển phương tiện đi ngược chiều vào ngày 18/6/2020 nhưng đến ngày 30/6/2020 vẫn chưa nộp được tiền phạt qua cổng. Trả lời phản ánh của ông Hổ, trong công văn số 1536/BCA_V03 ra ngày 24/7/2020, Bộ Công an cho biết thông tin về việc xử phạt ông Hổ theo biên bản vi phạm số 0013270 đã được nạp vào cổng DVCQG sau đó đúng 7 ngày (ngày 23/6/2020) như quy định nhưng khi thao tác nhập số của biên bản vi phạm vào phần mềm, cán bộ đã “nhập thiếu mất 2 ký tự “00” nên người dân không tìm được”!!! 

collage.jpg
Công văn của Bộ Công An trả lời phản ánh không nộp phạt được qua DVCQG của công dân Ngô Xuân Hổ và Nguyễn Tuấn Anh. Ảnh: RFA-screencapture

Cùng trong công văn này, Bộ Công an cũng trả lời trường hợp ông Nguyễn Tuấn Anh vi phạm lỗi đội mũ bảo hiểm không đúng quy định nhưng không nộp phạt được vì dịch vụ thu phạt hành chính trong giao thông đường bộ trên cổng DVCQG “mới chỉ áp dụng với trường hợp vi phạm thuộc thẩm quyền cấp Đội và Trạm CSGT, chưa triển khai ở cấp chiến sĩ Công an nhân dân”.  Một số kiến nghị khác trên cổng DVCQG lại cho thấy người dân không thể nộp tiền phạt vì dịch vụ này không chỉ chưa được áp dụng ở cấp chiến sĩ mà còn ở cả một số đội và trạm CSGT như trong phản ánh ngày 22/2/2021 của ông Đỗ Thành Hưng. Ông Hưng cho biết ông không nộp được bởi Cổng chưa có thông tin của Đội SCGT số 2 / Phòng CSGT _ CA Tỉnh Bình Thuận – nơi lập biên bản xử phạt ông. Như vậy, chỉ nhìn riêng vào lĩnh vực nộp phạt vi phạm giao thông, có thể thấy dịch vụ được cung cấp trên cổng DVCQG hiện vẫn còn rất lỗ chỗ, thiếu đồng  bộ và còn những sai sót, gây khó khăn cho người sử dụng.

Theo thống kê trên Cổng DVCQG, tính đến ngày 17/3/2021, hiện còn 18/63 tỉnh thành và 16/20 bộ ngành của Việt Nam có tỷ lệ sai mã thủ tục hành chính, cơ quan giải quyết chưa cập nhật địa chỉ, sai mã hồ sơ thủ tục hành chính trên 5% hoặc có dưới 10.000 hồ sơ đồng bộ lên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Đáng chú ý, Bộ Công an có 60.975 hồ sơ thì tất cả đều sai mã, Bộ Tư pháp có 170.781 bộ hồ sơ thì tất cả đều chưa được cập nhật địa chỉ và tỉnh Long An có 48.021 hồ sơ thì gần một nửa (22.258) bị sai mã thủ tục hành chính. 

Trong một trao đổi với RFA, bà Cao Hương, một nhà hoạt động xã hội, cho rằng Cổng DVCQG đã đưa ra được nhiều lĩnh vực dịch vụ gần gũi với người dân như: Cư trú và giấy tờ tùy thân, đất đai nhà ở, sức khỏe….Tuy nhiên, bà vẫn chưa thấy cổng thực sự hữu ích vì trong rất nhiều lĩnh vực, Cổng mới chỉ dừng ở việc cung cấp thông tin về thủ tục hành chính, mẫu giấy tờ, thời gian và chi phí thực hiện mà chưa có được nhiều dịch vụ mức độ 4 (cấp độ cao nhất hiện nay), nghĩa là cho phép người sử dụng có thể tiến hành luôn việc nộp hồ sơ, nộp lệ phí và nhận kết quả ngay tại nhà.

Nếu vào các trang của Chính phủ điện tử, sẽ thấy có rất nhiều thông tin nhưng phần lớn mới chỉ dừng lại ở cung cấp thông tin thay vì mình có thể thực hiện một cái đăng ký, giao dịch online. Vậy thì nó có khác gì một cái website đâu?” –bà Hương nói. Bà cho rằng Việt Nam cần phải đẩy nhanh việc hoàn thiện các dịch vụ trên Cổng vì với mức độ như hiện nay, người dân vẫn phải chạy đến cơ quan công quyền mỗi khi cần xác nhận, xác minh giấy tờ, vừa mất thời gian, tiền của và vẫn tiếp tục ở thế “người đi xin” trong mối quan hệ với cơ quan công quyền. Bà cũng cho rằng với khả năng đáp ứng của Cổng DVCQG như hiện nay thì tỷ lệ người dân sử dụng thấp như trong khảo sát của PAPI là điều dễ hiểu.

Tính đến hết năm 2020, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trung bình của Việt Nam là 30,86%. Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị các bộ, ngành, địa phương đặt mục tiêu cung cấp 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4 trong năm 2021. 

Đầu tư cho quản trị và con người

Theo TS Đặng Hoàng Giang, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Cộng đồng (CECODES), người đã nhiều năm tham gia thực hiện khảo sát PAPI cho rằng kết quả khảo sát trong năm 2020 cho thấy những nỗ lực xây dựng cổng DVCQG nói riêng và Chính phủ điện tử nói chung của Việt Nam “vẫn còn chưa đủ”. Theo ông, với sự phát triển nhanh chóng của ngành viễn thông mang đến độ phủ internet rộng, chi phí hòa mạng ngày càng giảm và số lượng người sử dụng internet ngày một cao là tiền đề tốt cho việc phát triển CPĐT. Tuy nhiên, để chuyển đổi một bộ máy nhà nước từ cách làm việc truyền thống sang môi trường mạng, cần có sự thay đổi quy trình làm việc, sự đầu tư vào quản trị và đào tạo nguồn nhân lực. Ông cho rằng đây là vấn đề nhiều quốc gia đã gặp khó khăn và cũng là trở lực lớn đối với Việt Nam.

Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, trong năm 2020 tỷ lệ người Việt Nam dùng internet  là 70,37%, tăng khá cao so với năm 2018 là 46,5%. Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, trong năm 2019, tỷ lệ dân số được phủ sóng di động của Việt Nam là 99,7%, trong đó tỷ lệ người dân được phủ sóng di động 4G là 95,3%; tỷ lệ hộ gia đình có kết nối internet là 47%; thuê bao điện thoại di động với 136,74 thuê bao/100 dân. 

000_Hkg1806714.jpg
Năm 2020, tỷ lệ người Việt Nam dùng internet đạt 70,37%. Ảnh: AFP

Những điều kiện cần cho chính phủ điện tử chúng ta đã làm rất tốt. Chỉ có những vấn đề liên quan tới bộ máy quản trị, bộ máy hành chính bị tụt hậu lại phía sau”– ông Giang nói với RFA và cho rằng nguồn nhân lực Việt Nam không thiếu nhưng cần được đào tạo để có thể làm chủ công nghệ và cung cấp dịch vụ một cách chuyên nghiệp và chất lượng.

“Xây dựng chính phủ điện tử không phải chỉ là mua máy, để đấy và hy vọng người dân sẽ dùng đến. Phải làm một cách có chuyên môn, có khoa học, không phải làm theo hình thức” – ông nói và cho rằng cho dù cung cấp dịch vụ ở cấp độ nào cũng cần đầu tư chất xám để bảo đảm chất lượng cao nhất. Ông cũng gợi ý rằng để có được sự tin tưởng của người dân, thay vì làm dàn trải một lúc gần 7.000 dịch vụ như hiện nay, Việt Nam có thể cân nhắc tập trung vào những dịch vụ thiết thực nhất rồi sau đó mới nhân rộng.

Chúng ta không nhất thiết phải đưa hết 7.000 thủ tục đó lên trên mạng mà có thể xem 7 thủ tục hành chính nào có số lượng người sử dụng lớn nhất thì đưa lên mạng và làm tốt thì đó đã là một sự tiết kiệm tài nguyên vô cùng lớn cho xã hội rồi”– ông Giang nói. Ông cho rằng từ kinh nghiệm của ngành ngân hàng và hàng không hay gần đây là trong lĩnh vực thương mại điện tử, có thể thấy người dân Việt Nam sẵn sàng thay đổi thói quen sử dụng các dịch vụ trực tiếp sang trực tuyến nếu các dịch vụ đảm bảo chất lượng, bảo mật và tiết kiệm thời gian.

“Chúng ta đã có thể có những giao dịch rất lớn trên mạng mà an toàn, không bị nhầm lẫn  nên không có lý do gì mà chúng ta không thể làm được giấy khai sinh, khai tử hay đăng ký tạm trú, tạm vắng ở trên mạng cả” – ông Giang nhận định.

“Hệ thống CPĐT mà tốt, thì không cần vận động, người dân và các chính phủ nước ngoài cũng sẽ sử dụng rất nhiều!” – TS Hà Hoàng Hợp, Viện nghiên cứu Đông Nam Á Singapore (ISEAS)

Cần làm tốt hơn, nhanh hơn

TS Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu Việt Nam thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á Singapore (ISEAS) cho rằng chương trình xây dựng CPĐT của Việt Nam cần được làm tốt hơn và nhanh hơn nữa. Theo ông, chương trình khởi đầu từ Chương trình tin học hóa chính phủ vào năm 1999, đến nay sau 22 năm, việc việc xây dựng CPĐT đã đạt một số kết quả bước đầu, người dân đã bắt đầu làm quen với một số dịch vụ công trực tuyến nhưng thực tế cho thấy các tiến bộ đạt được còn “rất chậm”. Ông cho rằng mặc dù  Chính phủ Việt Nam đã ban hành chiến lược xây dựng chính phủ điện tử gắn với Chương trình Cải cách hành chính từ năm 2006, nhưng Việt Nam vẫn tiến “khá ì ạch” trên bảng xếp hạng Chính phủ điện tử của Liên Hiệp Quốc. Cụ thể, trong 10 năm từ 2010 đến 2020, xếp hạng của Việt Nam chỉ tăng bốn bậc vị trí 90 lên vị  trí 86.  Theo ông với đà phát triển hiện nay, Việt Nam có thể đạt được mục tiêu lọt vào top 70 quốc gia trên thế giới dẫn đầu về CPĐT trong bảng xếp hạng này vào năm 2025 tuy nhiên tốc độ này không đủ để giúp Việt Nam đạt được mục tiêu trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045 như Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc khóa XIII đề ra.

“Việt Nam đang đi quá chậm, không thể đáp ứng nổi kế hoạch năm 2045, đưa Việt Nam thành nước có thu nhập cao! Do đó, cần đưa Việt Nam lên nhóm 40 hoặc thậm chí nhóm 35” – ông Hợp nói.

LHQ ranking.jpg
Việt Nam xếp thứ 86 trong bảng xếp hạng 193 quốc gia về chính phủ điện tử của Liên Hợp Quốc năm 2020. Ảnh: RFA-screencapture

"Mấy năm đầu của thập kỷ 2000, ở Việt Nam người ta đã nói rất nhiều về ‘kinh tế tri thức’, nhưng thực tế Việt Nam chưa hề xây dựng được gì gọi là thuộc về kinh tế tri thức. Giờ đây, một số đông các quan chức và chuyên gia lại hô hào về ‘công nghiệp 4.0’. Tôi hy vọng mọi người bớt hô hào đi, tập trung vào những việc cụ thể để có CPĐT hiện đại, toàn diện, an toàn, nhanh và ổn định” – TS Hà Hoàng Hợp, Viện nghiên cứu Đông Nam Á Singapore (ISEAS)

Ông cho rằng hiện chương trình xây dựng CPĐT của Việt Nam còn một số điểm yếu cơ bản như: Thiếu nền tảng công nghệ thông tin – truyền thông hiện đại, thiếu các trung tâm dữ liệu hiện đại và phù hợp, thiếu các công cụ bảo mật dữ liệu tốt đồng thời chưa có đủ nguồn nhân lực chất lượng cao.

Ông gợi ý, ngay trong năm 2021, Chính phủ Việt Nam nên tập trung vào một số việc quan trọng như: Hoàn thành việc xây dựng một số trung tâm dữ liệu quốc gia cho hệ thống CPĐT, trong đó có cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để giảm một khối lượng lớn thủ tục hành chính cho xã hội đồng thời tạo nền tảng thúc đẩy kinh tế số, xã hội số. Bên cạnh đó ông cũng cho rằng cần sớm làm mới hệ thống CPĐT cho thành phố Hà Nội vì hệ thống hiện tại, do công ty Nhật Cường triển khai với nhiều sai phạm và trục trặc được phát hiện trong thời gian gần đây, hoạt động không ổn định, làm ảnh hưởng tới việc sử dụng dịch vụ của người dân.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.