Ý kiến quanh việc vẽ cờ lên mái nhà là thể hiện lòng yêu nước

RFA
2024.08.19
Ý kiến quanh việc vẽ cờ lên mái nhà là thể hiện lòng yêu nước Một người bán hàng rong đi ngang qua một cửa hàng tạp hóa với quốc kỳ Việt Nam và Đảng Cộng sản Việt Nam, tại Hà Nội vào ngày 22 tháng 5 năm 2024.
AFP

Theo truyền thông Nhà Nước, việc nhiều bạn trẻ vẽ lá cờ đỏ sao vàng trên tường và mái nhà, cửa sổ rồi đăng tải lên mạng xã hội đã tạo nên một trào lưu thể hiện tình yêu nước, lòng tự hào dân tộc và mong muốn lan tỏa tình yêu quê hương đất nước.

Trong khi đó, cũng là thể hiện lòng yêu nước, nhưng nhiều người đã thể hiện bằng cách biểu tình phản đối Trung Quốc xâm chiếm biển đảo; phản đối Formosa hủy hoại môi trường; phản đối cho Trung Quốc thuê đất 99 năm… thì lại bị bắt, bị bỏ tù.

Làm sao mới gọi là yêu nước?

Nhà báo Nguyễn Khắc Toàn nêu quan điểm của ông với RFA về việc bày tỏ lòng yêu nước bằng cách vẽ cờ lên mái nhà:

“Đây là quan niệm của Nhà nước, của Ban tuyên giáo, của chế độ, của bộ máy tuyên truyền mà thôi, chứ lòng yêu nước không phải thể hiện bằng cách sơn thật nhiều lá cờ lên mái nhà. Có thể mói đó là hiểu biết rất nông cạn, phiến diện và không đúng chút nào.

Thể hiện lòng yêu nước chân chính và thật sự là phải băn khoăn, trăn trở sao đất nước vẫn còn tụt hậu. Mấy chục năm mở cửa mà vẫn còn đì đẹt, kinh tế yếu kém. Các quyền con người vẫn còn chưa được tôn trọng, chưa được tự do. Khi Trung Quốc thường xuyên gây hấn chủ quyền biển đảo mà người dân đứng lên biểu tình thì bị bắt bị đánh đập…

Yêu nước là phải thấy đau xót trước tình cảnh thất nghiệp nhiều, bất công xã hội còn nhiều, oan trái trong xã hội còn chồng chất và phải đi tìm nguyên nhân vì sao. Thế mới gọi là yêu nước!”

Theo nhà báo Nguyễn Khắc Toàn, Nhà nước không khuyến khích người dân yêu nước bằng cách đòi hỏi tự do, dân chủ để phát triển đất nước, vì cách này ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ.

Thể hiện lòng yêu nước chân chính và thật sự là phải băn khoăn, trăn trở sao đất nước vẫn còn tụt hậu. Mấy chục năm mở cửa mà vẫn còn đì đẹt, kinh tế yếu kém. Các quyền con người vẫn còn chưa được tôn trọng, chưa được tự do. Khi Trung Quốc thường xuyên gây hấn chủ quyền biển đảo mà người dân đứng lên biểu tình thì bị bắt bị đánh đập… - nhà báo Nguyễn Khắc Toàn

Đó cũng là lý do tại sao các thành viên của Câu lạc bộ Nhà báo Tự do, Việt Nam Thời báo, Nhật ký yêu nước…, đã bị bắt, bị kết án tù vì thể hiện lòng yêu nước bằng cách cổ vũ cho tự do dân chủ ở Việt Nam. Những phiên tòa như thế, qua góc nhìn nhận của các nhà phân tích tình hình chính trị Việt Nam, cho rằng “đó là những phiên tòa kết tội lòng yêu nước” (?!).

Đáng lo ngại

Nhà quan sát tình hình chính trị trong nước, Luật sư Đặng Đình Mạnh cho rằng, xu hướng sơn cờ đỏ lên mái nhà là điều đáng lo ngại, nhất là khi chế độ coi đây là động thái yêu nước. Ông Mạnh phân tích:

“Phải chăng chế độ chưa thấy hết những tác hại lâu dài của nó đối với xã hội? Khách quan, sự cổ võ thái quá cho những giá trị thuộc về biểu tượng của chế độ (như cờ đỏ) đều là sự biểu hiện cho chủ nghĩa dân tộc cực đoan, trong đó, bao hàm tư tưởng dân tộc hẹp hòi, gây chia rẽ, kích động thù hằn dân tộc trong nội bộ các quốc gia và cũng là tiền đề có khả năng gây bất ổn, tạo nguy cơ xung đột, nội chiến hoặc chiến tranh trên bình diện quốc tế. Thậm chí, điều đó vẫn không nên cổ võ kể cả khi dân tộc đã đạt được những thành tựu đáng kể, đáng hãnh diện đúng như khẩu hiệu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh”. 

Thế nhưng, khẩu hiệu vẫn chỉ là khẩu hiệu, là những giá trị mà chế độ mong muốn xây dựng mà thôi, nó chưa phải là những giá trị đã xây dựng thành tựu. Trong bối cảnh đó, khi đất nước, dân tộc không có điều gì đáng hãnh diện ngoài sự tan hoang, thì sự cổ võ cho những biểu tượng của chế độ là để làm gì? Chúng không hề mang đến ích lợi gì cho đất nước trong giai đoạn hiện nay cả ngoài sự tiềm tàng của những bất ổn”. 

Sự hòa hợp, hòa giải giữa người Việt khác chính kiến vẫn là nan đề chưa từng giải quyết được sau cả nửa thế kỷ. Tôi nghĩ chế độ trong nước nên có biện pháp cấm đoán ngay xu hướng tai hại này vì lợi ích lâu dài của đất nước, của dân tộc. - Luật sư Đặng Đình Mạnh

Nhìn về nước Đức, vị luật sư này phân tích thêm rằng, những thành tựu vượt bậc về khoa học kỹ thuật của nước Đức trong thập kỷ ba mươi của thế kỷ trước cũng trở thành đống đổ nát khi chính quyền Đức theo đuổi chủ nghĩa dân tộc cực đoan, huống chi Việt Nam bây giờ vẫn còn là một đất nước nghèo nàn, tụt hậu về mọi phương diện. Luật sư Mạnh kết luận:

“Sự hòa hợp, hòa giải giữa người Việt khác chính kiến vẫn là nan đề chưa từng giải quyết được sau cả nửa thế kỷ. Tôi nghĩ chế độ trong nước nên có biện pháp cấm đoán ngay xu hướng tai hại này vì lợi ích lâu dài của đất nước, của dân tộc”.

Trong khi những nhà đấu tranh, nhà hoạt động coi việc lên tiếng phản biện là yêu nước, chỉ ra những sai lầm trong việc điều hành đất nước nhằm góp phần phát triển đất nước là yêu nước, thì phía nhà nước lại coi đây là những người lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và kết án họ theo Điều 331. Mới đây là trường hợp ông Nguyễn Chí Tuyến.

Đánh tráo khái niệm

Nhà hoạt động Trần Anh Quân ở Sài Gòn cho rằng, lòng yêu nước được hiểu là tình cảm yêu thương, gắn bó sâu sắc với đất nước và tinh thần trách nhiệm bảo vệ và xây dựng đất nước. Ông nói với RFA:

Vẽ cờ lên mái nhà, tường nhà để gọi là yêu nước nó cũng giống như lên mạng khoe cha mẹ mùa vu lan để câu like, mà lại không hiếu thuận hiếu thảo với cha mẹ ở nhà. Tôi nghĩ, yêu nước là phải nỗ lực hành động. Không phải cứ khoác chiếc áo màu cờ, tự hào mình là người Việt Nam mà lại sống vô văn hóa, vô ý thức, nói xấu những nước tiên tiến, thiếu trách nhiệm với quê hương đất nước. Như thế chỉ càng làm hình ảnh người Việt xấu xí trong mắt quốc tế.

Còn việc người dân xuống đường phản đối Trung Quốc, bày tỏ lòng yêu nước mà bị bắt bớ thì đó là chuyện quản lý xã hội của nhà nước. Đảng cộng sản đã đánh tráo khái niệm yêu nước với yêu đảng. Họ thuần phục Trung Quốc nên bắt dân kính trọng kẻ thù. Người dân yêu nước, đem lá cờ đi biểu tình phản đối Trung Quốc vẫn bị bắt như thường. Nghịch lý chỗ đó.”

Trao đổi với báo chí Nhà nước, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho hay, việc sơn cờ tổ quốc là một hành động thể hiện tình yêu nước của người dân với nhiều mặt tích cực. Đây có thể là cách bày tỏ tình cảm yêu nước, tạo ra sự đoàn kết trong cộng đồng và nhắc nhở mọi người về giá trị quốc gia và lòng tự hào dân tộc.

Tuy nhiên, theo ông Bùi Hoài Sơn, việc sơn cờ không cẩn thận có thể bị coi là thiếu tôn trọng, đặc biệt khi hình cờ tổ quốc bị phai màu, bẩn hoặc hư hại theo thời gian.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Minh Râu
20/08/2024 07:35

Chỉ có ở mấy xứ cộng sản mới những kiểu mad độc đáo như thế thôi. Tuy nhiên, chắc còn thua mấy kiểu lên cơn của Bắc Hàn.

Nguyễn Trí Tín
20/08/2024 10:17

Đây là một phong trào thiếu lành mạnh và hoàn toàn sai với ý nghĩa của sự hiện diện lá cờ tổ quốc. Các ý kiến đã nêu trong bài báo là đúng đắn, tuy nhiên ý kiến của tôi nằm ở phần khác. Đó là việc thể hiện lá cờ, cắm cờ hoặc sơn cờ trên mái nhà là để khẳng định chủ quyền, xác định vùng đất đó thuộc về nhà nước mà lá cờ đó đại diện. Có rất nhiều ví dụ sinh động về điều đó, như khi chiếm đóng hoặc khi giải phóng, khôi phục chủ quyền một vùng đất nào đó thì người ta cắm lá cờ của bên vừa chiến thắng và vứt bỏ lá cờ của kẻ thất bại; hoặc ở vùng biên cương, nơi tranh chấp giữa hai quốc gia thì nơi nào cắm cờ của quốc gia là thể hiện người dân và vùng đất đó thuộc về quốc gia đó. Nay thì những ngôi nhà nằm hoàn toàn trên lãnh thổ VN nhiều đời mà lại đi sơn lá cờ trên mái nhà và hành động đó được gọi là thể hiện lòng yêu nước thì tôi thấy điều đó hoàn toàn không thoả đáng với tôn chỉ của lá cờ. Thậm chí có nhiều bạn trẻ leo lên mái nhà để chào cờ thì quá là lố bịch, vì trước tiên nguy hiểm cho tính mạng cho một việc không ý nghĩa, thứ hai là hình ảnh đó không khác gì "giẫm đạp lên lá cờ". Ngoài ra việc sử dụng cờ còn là thể hiện mình là người của nước chiến thắng trong các cuộc đua quốc tế, ví dụ như khi đạt thành tích thi đấu thì vận động viên thường khoác lên mình lá cờ. Nay thì tự nhiên mọi người không có thành tích gì mà khoác lên nóc nhà mình lá cờ. Ý của họ là gì ngoài việc khoe khoang với mọi người với cộng đồng là mình giàu có hơn, mình chiến thắng các láng giềng. ĐIều đó không tạo ra mối quan hệ tốt đẹp hơn với hàng xóm, láng giềng, mà chỉ tạo ra sự đố kỵ. Mong rằng chính quyền và tuyên giáo nhận ra điều đúng sai để đừng ủng hộ một phong trào mà chắc chắn sẽ nhanh chóng kết thúc trong sự bẽ bàng.

Duy Hữu, USA
20/08/2024 10:21

Đảng viên Việt Cộng, Búa Liềm, độc đảng, độc tài, độc quyền, độc ngu, ngụy ngôn, ngụy biện, ngụy danh... yêu nước nhà Việt Nam,
bịt mồm, bịt tai, bịt mắt, lừa bịp nhân dân Việt Nam, bắt phải làm nô lệ da vàng, bắt phải... yêu nhà nước Việt Cộng, cờ đỏ, độc sao.

Duy Hữu, USA
20/08/2024 11:19

Đảng viên Việt Cộng, Búa Liềm, độc đảng, độc tài, độc quyền, độc ngu, ngụy ngôn, ngụy biện, ngụy danh... yêu nước nhà Việt Nam,
bịt mồm, bịt tai, bịt mắt, lừa bịp nhân dân Việt Nam, bắt phải làm nô lệ da vàng, bắt phải... yêu nhà nước Việt Cộng, cờ đỏ, độc sao.