Ý kiến quanh đề xuất miễn học phí cho con giáo viên

Diễm Thi, RFA
2024.10.14
Ý kiến quanh đề xuất miễn học phí cho con giáo viên Trẻ em vùng núi phía Bắc. Ảnh minh họa.
AFP

Bộ Giáo dục và Đào tạo mới đây đưa ra đề xuất chi 9.200 tỷ đồng miễn học phí cho con ruột và con nuôi hợp pháp của nhà giáo đang công tác.

Đề xuất này nhận được sự đồng tình của một số người với lý giải, đây là một chính sách thể hiện sự quan tâm của xã hội đối với nhà giáo, cũng là một cách thu hút và giữ chân giáo viên.

Cũng có ý kiến khác cho rằng, nghề giáo không nên có đặc quyền riêng so với các ngành nghề khác, và nếu Bộ có chính sách miễn học phí thì nên dành cho những hoàn cảnh thực sự khó khăn, thay vì miễn cho toàn bộ con cái của giáo viên.

Chống đặc quyền, đặc lợi

Góp ý về vấn đề này, nhà giáo Đỗ Việt Khoa, chia sẻ với RFA quan điểm của ông:

“Cá nhân tôi phản đối đề xuất miễn học phí cho con giáo viên, bởi ngành nào cũng có những đặc quyền đặc lợi của mình như thế thì đất nước này loạn luật. Chẳng hạn ngành y bảo miễn viện phí cho con bác sĩ; ngành công an miễn án tù cho con công an; ngành điện lực miễn tiền điện cho con nhân viên ngành điện…

Những giả thiết bi hài đó mà xảy ra thì đất nước đúng là loạn luật. Trong khi đó, đối với phân cấp lao động xã hội thì giáo viên cũng là một nghề, đó là nghề dịch vụ. Vậy còn vô số nghề khác rất cần thiết cho xã hội, đóng góp cũng rất lớn như công nhân, nông dân hay những lao động khác với rất nhiều hoàn cảnh khó khăn cần được miễn học phí. Nếu miễn thì miễn hết. Chúng ta phải làm việc tuân theo hiến pháp và pháp luật”.

Ông Liêu Thái, một phụ huynh có con trong độ tuổi đến trường, cho biết suy nghĩ của ông:

“Theo tôi, miễn học phí cho nhóm nào thì mừng cho nhóm đó. Việc đó nó giống như một động thái kích cầu cho ngành sư phạm vậy. Lâu nay người ta vẫn nói “chuột chạy cùng sáo mới vào sư phạm”, nghĩa là hết đường rồi mới vào sư phạm. Từ nguồn nhân lực đầu vào cho đến vấn đề lương cho người đang thực thi công việc đều khó, nên đây có lẽ là một cách làm cho người đi dạy có điều kiện tốt hơn để chuyên tâm hơn cho việc dạy học, đỡ phải lo lắng về cơm áo gạo tiền.

Cũng mừng thôi, nhưng mà còn một vấn đề cần xem xét. Đó là một giáo viên, đồng thời là một doanh nhân thì tính đó là gia đình sư phạm hay doanh nhân? Hay một thầy giáo có vợ là doanh nghiệp ngoài xã hội thì những đứa con sẽ là con doanh nhân hay con giáo viên?

Vấn đề này còn rất lủng củng, rất khó để phân biệt cho rạch ròi từng trường hợp”.

Thực tế, có rất nhiều trường hợp “nghèo giả” bị báo chí phanh phui qua các bài viết như “Lộ diện hộ cận nghèo “giả” là họ hàng với lãnh đạo xã” trên báo Văn Hóa, cơ quan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; “Nhiều gia đình khá giả lọt vào hộ cận nghèo” trên báo Thanh Niên; “Phát hiện nhiều hộ khá giả có sổ hộ cận nghèo là người thân cán bộ xã, thôn” trên báo Tuổi Trẻ … Những bài viết trên “vạch” ra sự thật rằng có một số hộ mang danh nghĩa là cận nghèo nhưng gia đình lại được trang bị với đầy đủ tiện nghi. Vài trong số “cận nghèo” đó còn có nhà lầu, có xe tải và có người thân đang là viên chức…

Chính vì vậy, theo ông Liêu Thái, việc miễn học phí là tốt nhưng các cơ quan chức năng cần thực hiện sao cho công bằng, không để xảy ra tiêu cực là điều người dân quan tâm.

---------------

Giải pháp nào cho vấn nạn thiếu giáo viên bậc phổ thông?

Thực tế lương giáo viên có cao như lời ĐBQH?

--------------

Cần đánh giá công bằng

Con giáo viên được miễn học phí là một đề xuất mới nhất được Bộ Giáo dục & Đào tạo công bố. Trước đó, một số ngành nghề khác cũng đã có những ưu tiên tương tự. Cụ thể như trong nội dung Nghị định số 86/2015/NĐ-CP quy định, trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông là con của hạ sĩ quan và binh sĩ, chiến sĩ đang phục vụ có thời hạn trong lực lượng vũ trang nhân dân là trường hợp được miễn học phí.

Hoặc như trong Nghị định số 27/2016/NĐ-CP quy định, con ruột, con nuôi hợp pháp của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ được miễn, giảm học phí khi học tại cơ sở giáo dục phổ thông công lập, ngoài công lập. Như vậy, con ruột, con nuôi hợp pháp của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ được miễn, giảm học phí khi học tại cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập, ngoài công lập.

Hôm 10/10/2024, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga khi trả lời báo chí nhà nước cho biết, lương giáo viên hiện nay rất cao so với viên chức ngành khác, thậm chí cao nhất trong thang bảng lương.

Trong khi đó, qua khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, bà Phạm Thị Thu Lan, Phó Viện trưởng Viện Công nhân công đoàn, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam công bố với báo chí vào tháng 8 năm 2023 cho thấy, hơn 75% người lao động có lương và thu nhập không đủ sống, nhiều người phải vay tiền để trang trải các chi phí sinh hoạt.  

Qua con số báo cáo trên, dư luận cho rằng, mức lương giáo viên thực tế có thể không cao nhưng không đến nỗi con cái họ được nhận đặc quyền miễn học phí vì sẽ không công bằng so với con cái của nhiều lao động khác. Ngoài ra, nhiều độc giả của VnExpress nhận xét rằng, cần có sự phân loại rõ ràng để có chính sách miễn học phí phù hợp cho từng đối tượng. Vì thực tế, có nhiều giáo viên thành thị thu nhập hàng trăm triệu do dạy thêm, còn những giáo viên vùng sâu vùng xa, dạy các môn phụ thì thu nhập rất “èo ẹp” thì như thế nào. Đó là câu chuyện gây tranh cãi… Hoặc một độc giả cũng bình luận rằng, nghề của các công nhân vệ sinh môi trường đầy độc hại và nguy hiểm thì có cơ quan chức năng nào quan tâm không?

Báo VnExpress từng dẫn lời đại biểu Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội rằng:

“Chúng ta không thể chuyển sự bất công này sang một bất công khác. Ngành nghề nào cũng đáng được trân trọng và ưu tiên như nhau. Đề xuất của Bộ dễ bị đánh giá là lợi ích nhóm”.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Minh Râu
15/10/2024 07:47

Tại sao lại miễn học phí cho con em giáo viên? Nếu lương GV thấp không đủ lo cho con cái đi học thì nên xem lại vấn đề lương GV. Và nói rộng ra, phải xem lại vấn đề lương bổng cho người lao động sao cho hợp lý, bởi có phải chỉ có GV là lương thấp đâu, nhưng còn rất nhiều thành phần lao động khác trong xã hội cũng có mức thu nhập thấp như hoặc hơn cả GV. Vậy thì con em của những người này sẽ ra sao?

Duy Huu, USA
15/10/2024 11:50

Bao nhiêu năm qua, bao nhiêu năm nay, chưa có năm nao, chưa có bao giờ... toàn dân ta có toàn quyền tự do... tự do cử, ứng cử,
tự do bầu, tụ do chọn... tất cà Đại biểu Quộc hội... trong ngàn ngàn nhân tài, thiên tài, hiền tải... có tài, có đức, có tầm, có tâm phục vụ toàn dân ta... trong toàn dân ta... của toàn dân ta, do toàn dân ta, vì toàn dân ta, vì các quyển và các quyền lợi chính đáng, chính danh, chính nghia, chính đạo của toàn dân ta... của các thê hệ trẻ Viêt Nam, tương lai của nước nhà Việt Nam ta.

Toàn dân ta muốn các thế hế trẻ, con em của tất cả cac giai cấp xã hội Việt Nam phải có toàn quyền ăn học miễn phi như tất cả các thế hệ trẻ của tất cả các giai cấp của toàn dân các đất nước văn minh, tiến bộ, phát triển... Đài Loan, Đại Hàn, Nhật...

Toàn dân ta Đựng Dậy, Đứng Lên, Lên Tiêng... đòi hỏi lấy tiền thuế cua nhân dân gia tăng... 500 %... 5000 %... ngân sách Bộ Giáo dục và Đào tao,... gia tăng 500 %... 5000 % lực lượng cô giáo, thầy giáo, giáo viên, giáo sư... và tăng lương tháng cho... phú quý, sinh lương tri lễ nghĩa, có hành vi nghĩa lễ, dạy dỗ học sinh lễ nghĩa Việt Nam.

Và để có đủ tiền, đòi hỏi cắt giảm 50 % ngân sách Bộ Công an Búa Liềm, cắt giảm 50 % lực lượng công an Búa Liểm, ăn hại, đái nát, ngồi mát ăn bát vàng, ăn lương tháng bần cùng, sinh lương tri đạo chích, có hành vi đạo tặc, tham nhũng, tham ô, tham ăn hối lộ... làm nhà nước Búa Liềm, nước nhà Việt Nam bần cùng, sinh đầy đạo tặc, dao búa, Búa Liềm... cháu ngoan " cụ Hổ ".

Vô danh
15/10/2024 13:01

Tại sao lại duy trì mức lương đói nghèo cho đội ngũ giáo viên rồi dùng giải pháp miễn học phí cho con của họ. Chính sách tiền lương của VN như thế nào mà tạo ra bất bình đẳng trong thu nhập như thế! Tại sao xem giáo dục là quốc sách hàng đầu mà lương giáo viên thực sự không đủ sống? Như vậy chúng ta có thể hiểu vì sao chất lượng giáo dục, đạo đức của người VN xuống cấp trầm trọng như thế! Và điều đó dẫn đến hệ luỵ là nền móng xã hội bị mục ruỗng như thế nào!