Quốc hội ‘của dân’ nhưng đại đa số đại biểu là đảng viên Cộng Sản!
2021.06.14
Chuyện đại biểu Quốc hội cũng là đảng viên Đảng Cộng Sản vốn đã trở thành chuyện đương nhiên trong nền chính trị Việt Nam ở những thập kỷ gần đây, do những nỗ lực kiểm soát, thanh lọc, và tuyên truyền của đảng cầm quyền.
Dù trên thực tế, Đảng Cộng Sản đã hoàn toàn khống chế được mọi mặt của đời sống chính trị, nhưng họ đang ngày càng chú trọng vào các kỳ bầu cử Quốc hội.
Quốc hội đã từng đa nguyên đa đảng
Đảng Cộng Sản tuyên truyền rằng Quốc hội ngày nay là sự kế thừa chính thống của Quốc hội khóa đầu tiên, vốn được thành lập năm 1946 dưới thời nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Nhưng điều mà Đảng Cộng Sản cố tình không đề cập, đó là Quốc hội bây giờ và Quốc hội thời đó khác nhau rất xa.
Quốc hội năm 1946 có tổng cộng 403 đại biểu, với sự đa dạng về quan điểm và đảng phái chính trị. Mặt trận Việt Minh, một tổ chức do Đảng Cộng Sản kiểm soát, chỉ chiếm 36 phần trăm số ghế, số còn lại được chia cho các đảng phái khác. Đặc biệt, số đại biểu độc lập, không thuộc đảng chính trị nào, chiếm đến 43 phần trăm số ghế.
Trong khi hiện nay Đảng Cộng Sản không cho phép bất cứ một đảng phái chính trị nào ngoài họ được hoạt động, và đại biểu độc lập hầu như không tồn tại.
Ngoài ra, sự hiện diện của những đại biểu “ngoài Đảng” (không phải đảng viên đảng Cộng Sản), thì vốn dĩ được thừa nhận rộng rãi là để quốc hội trông có vẻ dân chủ chứ không hề có bất cứ dấu ấn nào khác.
Sử gia Dương Trung Quốc, trong lần phát biểu cuối cùng trên tư cách là một đại biểu quốc hội, nói về sự khác biệt giữa hai phiên bản quốc hội:
“Quốc hội khoá một được thành lập sau một cuộc tổng tuyển cử đầu tiền ở một nước cựu thuộc địa, phong kiến. Chúng ta đã áp dụng những giá trị hiện đại nhất. Khi đó, Quốc hội đã có một tập quán cực kỳ quan trọng, là để cho dân tiếp cận với hoạt động của Quốc hội.”
Ông Dương Trung Quốc sau đó nói về Quốc hội ngày nay với vẻ đáng tiếc rằng “ngày nay chúng ta có cả một cái toà nhà Quốc hội hoành tráng, nhưng lại vắng bóng người dân”.
Vốn được biết đến với các phát biểu thâm thuý, bao hàm nhiều ẩn ý, hẳn câu nói “vắng bóng người dân” mà ông Dương Trung Quốc sử dụng có nhiều ý nghĩa hơn là chỉ sự thiếu hiện diện của người dân ở toà nhà quốc hội.
Những nỗ lực đa dạng hoá quốc hội bất thành
Kể từ khi hai đảng Dân Chủ và Xã Hội tuyên bố giải thể vào năm 1988, Quốc hội Việt Nam đã không còn sự đa dạng về chủ thuyết và đảng phái chính trị.
Thay vào đó, Đảng Cộng Sản không những độc tôn chiếm trọn hầu hết số ghế, mà còn định đoạt những ai được phép trở thành đại biểu Quốc hội thông qua các hình thức thanh lọc tinh vi.
Tuy nhiên, kỳ bầu cử Quốc hội khoá XIV năm 2016 chứng kiến làn sóng tự ứng cử sôi nổi với hàng chục ứng cử viên độc lập đăng ký tham gia.
Sự hiện diện của các ứng cử viên tự do không chịu chi phối bởi Đảng Cộng Sản đã thổi một làn gió mới vào các cuộc thảo luận xung quanh vấn đề bầu cử, và tạo ra sự thách thức đối với truyền thống “đảng cử dân bầu” vốn tồn tại đã lâu.
Nhưng đây cũng là lúc mà bộ máy Nhà nước thể hiện được sự tinh vi của nó, với ma trận luật lệ, cách sắp xếp, và lối thực hành được một tay đạo diễn bởi Mặt trận Tổ quốc, một tổ chức của Đảng Cộng Sản.
Điển hình nhất là các vòng hiệp thương, nơi các ứng viên phải vượt qua sự bỏ phiếu tín nhiệm bởi đại diện của cử tri nơi mình sinh sống. Điểm đáng chú ý là những vị đại diện này lại được chọn bởi Mặt trận Tổ quốc, chứ không phải cứ là cử tri của địa phương thì được tham gia.
Kết quả là không một ứng viên tự do nào ngoài diện cơ cấu vượt qua được ba vòng hiệp thương, đồng nghĩa với việc không thể trở thành ứng viên trong kỳ bầu cử.
Quốc hội ngày càng một màu
Kỳ bầu cử Quốc hội khóa XV năm 2021 chứng kiến một hình thức kiểm duyệt ứng viên mới thô bạo hơn, khi chính quyền ngăn chặn người dân tham gia vào cuộc bầu cử ở ngay giai đoạn đăng ký.
Tổ chức Ân xá Quốc tế, một tổ chức nhân quyền có trụ sở chính tại Anh Quốc, đã ra một thông cáo báo chí trước thềm cuộc bầu cử Quốc hội, trong đó tố cáo Nhà nước Việt Nam mở chiến dịch đàn áp những ứng viên độc lập và những người chỉ trích.
Cũng theo tổ chức này thì có ít nhất hai ứng cử viên độc lập bị bắt và khởi tố dưới tội danh “tuyên truyền chống Nhà nước”, và nhiều người khác cũng đã bị sách nhiễu bởi công an, tất cả đều liên quan đến vấn đề bầu cử.
Câu hỏi đặt ra là tại sao Nhà nước lại trấn áp người dân và ngăn cản họ tham gia vào quá trình bầu cử, trong khi đã có sẵn các công cụ khác để loại bỏ các ứng viên mà nhà nước không muốn?
Bình luận về vấn đề này, bà Đặng Bích Phượng, một người từng tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội năm 2016, nói:
“Họ bối rối khi nhận thấy người dân bắt đầu dám thể hiện quan điểm và thực hành quyền của mình, cho nên họ tìm cách dẹp bằng cách trấn áp. Đặc biệt, nếu những người tự ứng cử lại là những người bất đồng chính kiến, thì họ lo ngại rằng việc này sẽ trở thành tiền lệ cho nên họ sẽ dập tắt bằng mọi cách”.
Hệ quả của chiến dịch trấn áp do công an thực hiện là chỉ có chín người tự ứng cử trong cuộc bầu cử Quốc hội vừa rồi, trong đó thì chỉ có duy nhất một người không phải là đảng viên Đảng Cộng Sản.
Và theo như kết quả mới được công bố, kỳ Quốc hội tới sẽ có số lượng đại biểu “ngoài Đảng” ít nhất trong lịch sử của cơ quan lập pháp này, đặc biệt là sự vắng bóng của đại biểu vừa không phải là Đảng viên vừa tự ứng cử.