Đề nghị mới: Vượt đèn xanh khi ùn tắc giao thông sẽ bị phạt!
2020.05.06
Tại buổi họp báo thông tin về dự án sửa đổi Luật Giao thông đường bộ 2008 của Tổng cục Đường bộ Việt Nam hôm 4/5/2020, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, sau nhiều năm triển khai vào thực tiễn, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 xuất hiện một số tồn tại, bất cập phát sinh cần được sửa đổi, bổ sung.
Chính vì vậy, với thực tiễn công tác quản lý, chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải xây dựng Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) thay thế Luật cũ năm 2008.
Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) chuẩn bị trình Chính phủ được cho biết có nhiều điểm mới so với luật năm 2008. Đặc biệt tại Điều 13 về tín hiệu đèn giao thông quy định: Tín hiệu xanh là báo hiệu được đi, trừ trường hợp hướng đi tới đang bị ùn tắc nếu tiến vào nút giao thông thì sẽ không thoát ra khỏi nút giao thông trước khi đèn tín hiệu chuyển sang báo hiệu cho hướng khác tiến vào nút giao thông.
Như vậy, nếu Dự luật được thông qua thì trường hợp nút giao thông ùn tắc, kể cả có đèn xanh các phương tiện vẫn phải dừng lại. Nếu cố vượt có thể bị xử phạt.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP. Hồ Chí Minh lên tiếng về việc này:
Nếu nội dung này kỳ vọng để giảm ùn tắc giao thông thì tôi thấy nó trái với quy định giao thông quốc tế. Đây chỉ là dự thảo, đề xuất của một Bộ thôi. Còn ý kiến các chuyên gia nữa và chúng tôi cũng sẽ có ý kiến. - Luật sư Nguyễn Văn Hậu
“Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định, tín hiệu xanh là được đi; Tín hiệu đỏ là cấm đi; Tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp. Nếu đề xuất này mà được Quốc Hội thông qua thì đèn xanh không còn có nghĩa là luôn luôn được di chuyển.
Nếu nội dung này kỳ vọng để giảm ùn tắc giao thông thì tôi thấy nó trái với quy định giao thông quốc tế. Đây chỉ là dự thảo, đề xuất của một Bộ thôi. Còn ý kiến các chuyên gia nữa và chúng tôi cũng sẽ có ý kiến. Ngoài ý kiến của Bộ GTVT thì còn ý kiến của đối tượng tác động, tức người tham gia giao thông.”
Ông Trần Trọng Nhân, một người dân tham gia giao thông, đặt câu hỏi rằng, nếu theo luật mà đèn xanh phải dừng khi thấy hướng đi tới bị ùn tắc, thì đèn đỏ có được chạy luôn nếu đường thông thoáng không?
Theo ông Nhân thì luật phải rõ ràng chứ không thể mập mờ như thế. Ông bày tỏ bức xúc:
“Tại sao phải rắc rối và khó hiểu vậy? Nếu đèn xanh phải dừng lại khi nút giao thông ùn tắc thì các phường tiện sẽ dừng mãi, mà càng dừng thì càng tắc. Vậy nên theo tôi, khi nút giao thông ùn tắc thì phải tắt đèn tín hiệu giao thông. Các phương tiện phải tuân thủ theo hiệu lệnh của người điều khiển như cảnh sát giao thông hay người có trách nhiệm điều tiết giao thông.
Theo tôi những người làm luật tại Việt Nam họ có vấn đề về tư duy hoặc họ có ý tạo ra những luật lệ mơ hồ nhằm bẫy người ta phạm luật. Vì luật không rõ ràng thì dân không biết lúc nào đúng, lúc nào sai để mà tránh. Luật pháp cần phải xây dựng dựa trên những quy chuẩn và định lượng rõ ràng cụ thể chứ không thể định tính được.”
Cũng liên quan đến những qui định không rõ ràng của cơ quan chức năng, Nghị định 100/2019/NĐ-CP được Thủ tướng Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành ngày 30/12/2019 nêu rõ mức xử phạt người lái ô tô không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông có thể bị phạt từ 3.000.000 đến 5.000.000 đồng, tước giấy phép lái xe từ 1 đến 3 tháng hoặc tước giấy phép lái xe từ 2 đến 4 tháng nếu vượt đèn vàng mà gây ra tai nạn giao thông. Người chạy xe máy có hành vi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông có thể bị phạt từ 600.000 đến 1.000.000 đồng, tước giấy phép lái xe từ 1 đến 3 tháng.
Là chủ một doanh nghiệp vận tải nhỏ, ông Võ Minh Đức nhiều lần lên tiếng trên mạng xã hội về những quy định mà ông cho là vô lý liên quan đến giao thông, như mức phạt tiền rất cao đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở. Hay việc đề nghị trang bị cho cảnh sát giao thông súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên và súng bắn đạn cao su khi làm nhiệm vụ.
Với Điều 13 Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), anh Đức nêu quan điểm của mình:
“Liệu đề xuất đó có thành hiện thực không khi tín hiệu đèn xanh xưa nay không phải là tín hiệu dừng?
Nếu không có người điều khiển giao thông thì người tham gia giao thông theo tín hiệu đèn. Dừng hay không là quyền của họ. Theo tôi, người đưa ra đề xuất này là duy ý chí và không thực tiễn một tí nào cả. Họ chỉ ngồi nghĩ ra chứ không đặt vào thực tiễn xem có áp dụng được hay không.
Nếu nó đã ùn tắc thì tắt luôn hộp đèn và đưa CSGT ra điều tiết giao thông. Nên đổi quy định phạt đó thành quy định phạt người chấp hành lệnh điều tiết giao thông.”
Theo tôi những người làm luật tại Việt Nam họ có vấn đề về tư duy hoặc họ có ý tạo ra những luật lệ mơ hồ nhằm bẫy người ta phạm luật. Vì luật không rõ ràng thì dân không biết lúc nào đúng, lúc nào sai để mà tránh. -Anh Trần Trọng Nhân
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu thì quy định mới này cũng chỉ nhằm mục đích giải quyết nạn ùn tắc giao thông trong thành phố. Nhưng nó không khả thi vì nó đi ngược nguyên tắc của cả thế giới về tín hiệu đèn giao thông. Hơn nữa, Việt Nam là nước có lương du khách ngoại quốc cao nên cần phải tuân thủ những nguyên tắc quốc tế để tránh việc khó xử phạt.
“Tôi nghĩ việc ùn tắc giao thông hiện nay có có giải pháp khác. Chúng tôi sẽ phản biện lại biện pháp này. Không nên dùng biện pháp này.”
Tình trạng kẹt xe, ùn tắc giao thông là vấn nạn của các đô thị hiện đại mà không phải nước nào cũng có thể giải quyết được. Việt Nam đất chật người đông, cơ sở hạ tầng phát triển không đồng bộ với sự gia tăng dân số và phương tiện giao thông nên chuyện ùn tắc giao thông cũng là chuyện đau đầu của các cơ quan chức năng.
Theo ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam thì tầm nhìn trong sửa Luật lần này là 15-20 năm, các loại hình phương tiện thay đổi, dự báo cho phát triển các loại xe công nghệ hiện đại trong tương lai ví dụ như: ô tô bay cũng được tiếp thu chỉnh sửa trong Luật. Vì vậy, dự thảo Luật mới đã nâng lên 150 điều thay vì 98 điều như năm 2008, bao gồm rất nhiều quy tắc giao thông mới được bổ sung.
Tuy vậy, bổ sung cần hợp lý và khả thi chứ không thể mang tính chắp vá.