Tự do biểu đạt hay nhạo báng tôn giáo?

Hòa Ái, phóng viên RFA
2017.10.10
22406303_1454647161271086_6465613789422983702_n.png Hình ảnh buổi trình diễn thời trang bị cho là xúc phạm Công giáo, diễn ra vào tối ngày 08/10/2017, tại Fame Club, Hà Nội.
Courtesy: Facebook Thanh Niên Công Giáo

Một buổi biểu diễn thời trang tại Fame Club, ở Hà Nội vào gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của cộng đồng Công giáo và dư luận vì bị cho là có hành vi xúc phạm tôn giáo một cách nghiêm trọng.

Phỉ báng tôn giáo

Buổi trình diễn thời trang vào tối ngày 8 tháng 10 tại Fame Club, ở quận Hòan Kiếm, Hà Nội do một nhóm thanh niên nam nữ biểu diễn với trang phục hở hang kèm theo các biểu tượng của Công giáo. Họ đeo chuỗi mân côi, đội khăn giống nữ tu, nhưng phô bày thân thể trong trong các bộ đồ nội y, thậm chí có “người mẫu” nam đính hình cây Thánh giá bên phần hông trái, ngay cạnh bộ phận nhạy cảm của cơ thể.

Đài RFA ghi nhận rất nhiều giáo dân Công giáo lẫn cư dân mạng bày tỏ sự phẫn nộ trước những hình ảnh trong buổi trình diễn thời trang vừa nêu vì họ cho rằng đây là một sự khiêu khích và nhục mạ trắng trợn đối với những người có niềm tin vào Thiên Chúa.

Linh mục Giu-se Đinh Hữu Thoại từ Sài Gòn cho biết sự phẫn nộ của dư luận bởi lẽ:

Đối với niềm tin của họ thì thánh giá và các tu phục của người tu hành là những cái thiêng liêng, không thể nào đem ra đùa giỡn được. Còn ở đây, họ không chỉ đùa giỡn mà họ còn phỉ báng bằng cách là họ cố tình sử dụng các biểu tượng của Ki-tô giáo... Những hình ảnh như vậy không thể nào chấp nhận được
-Linh mục Đinh Hữu Thoại

“Rõ ràng ngay cả những người không phải Ki-tô giáo cũng phẫn nộ với những hình ảnh đó; huống chi là những người theo đạo Ki-tô. Đối với niềm tin của họ thì thánh giá và các tu phục của người tu hành là những cái thiêng liêng, không thể nào đem ra đùa giỡn được. Còn ở đây, họ không chỉ đùa giỡn mà họ còn phỉ báng bằng cách là họ cố tình sử dụng các biểu tượng của Ki-tô giáo: thánh giá, chuỗi mân côi và các phẩm phục của tu sĩ nam nữ. Cái lúp của các soeur thì họ đội trên đầu, nhưng áo thì họ mặc với kiểu bikini rất phản cảm rồi còn nhảy nhót. Những hình ảnh như vậy không thể nào chấp nhận được.”

Trên các trang mạng xã hội, nhiều giáo dân Công giáo kêu gọi chính quyền phải xử lý vụ việc đến nơi đến chốn. Vì nếu như không thì đó là bằng chứng của bước tiếp theo nhà cầm quyền Hà Nội sử dụng hình thức tấn công nhắm vào Công giáo bằng tư tưởng và văn hóa sau các đợt côn đồ mang danh “Cờ Đỏ” gây rối, đập phá, đe dọa các linh mục, nhà thờ và giáo xứ như ở Giáo hạt Đông Tháp, tỉnh Nghệ An hay Giáo xứ Thọ Hòa, tỉnh Đồng Nai. Cựu tù nhân lương tâm Trần Minh Nhật, một giáo dân Công Giáo viết trên Facebook rằng “Việt Nam đã ký kết vào Công ước Quốc tế và có các điều luật chống việc xâm phạm quyền tự do tôn giáo tín ngưỡng. Tuy nhiên, trong thực tế thì tình trạng kỳ thị và hạn chế quyền tự do tâm linh lại phổ biến đến mức được bảo kê”.

Đài Á Châu Tự Do cũng ghi nhận trong mấy ngày qua, rất nhiều người lên tiếng đề nghị yêu cầu cơ quan chức năng xử lý hành vi phỉ báng tôn giáo như thế của nhóm thanh niên “người mẫu” trong buổi biểu diễn vào tối ngày 8 tháng 10 tại Fame Club.

Đâu là tự do biểu đạt?

Báo Phụ Nữ Online vào ngày 10 tháng 10 dẫn lời của Giám đốc Sở Văn hóa-Thông tin Hà Nội, ông Tô Văn Động cho biết đã nắm được thông tin vụ việc và hiện đang chờ báo cáo kết quả kiểm tra nơi xảy ra sự việc. Ông Tô Văn Động nói rằng nếu như buổi trình diễn thời trang đúng như những hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội thì Sở Văn hóa-Thông tin Hà Nội sẽ xử lý thỏa đáng và nghiêm khắc.

Mặc dù Sở Văn hóa-Thông tin Hà Nội nhanh chóng phản hồi trước sự bức xúc của cộng đồng giáo dân Công giáo cũng như của dư luận, một số người quan tâm thông tin vụ việc cho rằng không ủng hộ Sở Văn Hóa-Thông tin Hà Nội xử lý hành chính đối với hành vi này, một khi có kết quả điều tra xác đáng. Facebooker Phạm Lê Vương Các đăng tải chia sẻ trong ngày 10 tháng 10 trên tài khoản cá nhân, với bài viết có tựa đề “Đâu là ranh giới giữa tự do biểu đạt và sự phỉ báng tôn giáo?”, đã nhấn mạnh chức năng “thẩm định tư tưởng và cấp phép hoạt động nghệ thuật” của các cơ quan quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật tại Việt Nam bị lên án do trái với tiêu chuẩn của quyền tự do, vì thế không nên áp dụng “tiêu chuẩn kép” yêu cầu Sở Văn hóa-Thông tin Hà Nội tiếp tục dùng chức năng “thẩm định và cấp phép” để bảo vệ quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng qua vụ việc liên quan buổi trình diễn thời trang tại Fame Club.

Dù rằng họ được sự cho phép muốn làm gì thì làm, nhưng họ phải dựa theo tiêu chuẩn chung; đó là đảm bảo mỹ quan, thuần phong mỹ tục và tôn trọng đối với tín ngưỡng của người khác
-Cô giáo nghỉ hưu Mai Nguyễn

Facebooker Phạm Lê Vương Các viết rằng hy vọng vụ việc này sẽ có những tranh luận mạnh dạn, bình đẳng và cởi mở trên tinh thần dân chủ, không chỉ trên cộng đồng mạng mà ở cả tòa án, nhằm taọ nên một tiền lệ tốt trong việc đặt ra ranh giới rõ ràng hơn giữa quyền tự do biểu đạt và quyền tự do tôn giáo.

Một số những linh mục và giáo dân mà RFA tiếp xúc cũng có đồng quan điểm với Facebooker Phạm Lê Vương Các. Họ tin rằng tiếng nói của các tổ chức tôn giáo phản đối hình thức biểu diễn xúc phạm nghiêm trọng đến tín ngưỡng, tâm linh sẽ được mạnh mẽ hơn bằng việc khởi kiện các buổi biểu diễn nghệ thuật như thế.

Trong khi đó, không ít người theo dõi vụ việc khẳng định với Đài Á Châu Tự Do họ ủng hộ quyền tự do biểu đạt, đặc biệt trong tự do tư tưởng biểu diễn nghệ thuật, nhưng cần phải tuân thủ tiêu chuẩn chung của văn hóa Việt, như ý kiến của một cô giáo nghỉ hưu:“Dù rằng họ được sự cho phép muốn làm gì thì làm, nhưng họ phải dựa theo tiêu chuẩn chung; đó là đảm bảo mỹ quan, thuần phong mỹ tục và tôn trọng đối với tín ngưỡng của người khác.”

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.