Công an lại bắt giữ cựu tù nhân Cấn Thị Thêu

Gia Minh, PGĐ Ban Việt ngữ RFA
2016.06.10
can-thi-theu-622 Chị Cấn Thị Thêu, ảnh minh họa chụp trước đây.
File photo

Cựu tù nhân Cấn Thị Thêu, người cương quyết giữ đất sản xuất tại phường Dương Nội, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội hôm nay 10 tháng 6 bị công an đến tại nhà ở Hòa Bình bắt đưa đi.

Công an bắt với cáo buộc ‘gây rối’!

Việc bắt giữ bà Cấn Thị Thêu được gia đình cho biết xảy ra vào lúc sáng sớm ngày 10 tháng 6 khi cả nhà đang còn ngủ.

Anh Trịnh Bá Tư, người con thứ của bà Cấn Thị Thêu, chứng kiến việc bắt giữ mẹ anh thuật lại sự việc:

“Khi gia đình đang ngủ thì công an Hà Nội phối hợp với công an tỉnh Hòa Bình huy động một lực lượng khoảng 60-70 người bao gồm cảnh sát cơ động, an ninh và công an mang theo súng trường, dùi cui điện và các công cụ hỗ trợ, mặc áo giáp chống đạn đến khống chế gia đình tôi, đọc lệnh và còng tay bắt mẹ tôi đưa đi.

Lệnh bắt theo điều 245 Bộ Luật Hình sự, tội gây rối trật tự công cộng.”

Nhận định

Một lực lượng khoảng 60-70 người bao gồm cảnh sát cơ động, an ninh và công an mang theo súng trường, dùi cui điện và các công cụ hỗ trợ, mặc áo giáp chống đạn đến khống chế gia đình tôi, đọc lệnh và còng tay bắt mẹ tôi đưa đi.
-Anh Trịnh Bá Tư

Một người dân Dương Nội khác là cụ Hào, 80 tuổi, sau khi nghe tin bà Cấn Thị Thêu bị bắt đưa ra nhận định của bản thân bà về chuyện bắt giữ đó như sau:

“Từ khi ra tù đến nay Thêu không đến phường, không ra Đống Đa, không gây rối gì cả.

Mục đích (bắt) là do phường, quận Hà Đông đến ngày thanh tra Nguyễn  Hồng Điệp và (Dương văn) Huế nói đến ngày đối chất với bà con. Gần đây bà con giục và thế nào cũng phải đối chất. Theo tôi thì họ họ bắt người biết nói đúng lý, đúng tình. Họ làm thế (bắt chị Thêu) trước hết để không có người đối chất, thứ hai để lung lạc những người ‘không dứt khoát’ với chính quyền. Có thể sẽ ‘rụng’ một vài người như đợt vừa rồi chúng tôi cương quyết không đi bầu! Những người bị lung lạc sẽ nhận tiền.

Nhưng Thêu nói dù có chết (mà bố mẹ của cô ta cũng chết ở tuổi 53-54 thôi), mà nay cô ta củng 54 rồi. Tôi bảo không được nói thế vì còn hai đứa con chưa lo được. Thế nhưng Thêu nói mẹ cứ yên tâm!”

Kiên quyết giữ đất

Như lời của cụ Hào thì bà Cấn Thị Thêu có thể được xem là người luôn tiên phong và nắm rõ vụ việc thu hồi đất tại Dương Nội để làm dự án đường Lê Trọng Tấn. Hiện nay cơ quan chức năng lại kêu gọi người dân Dương Nội đi nhận tiền đền bù giải tỏa đất; nhưng việc làm này cũng bị người trong cuộc phản đối bởi không muốn mất đất là tư liệu sản xuất của họ.

Anh Trịnh Bá Tư cho biết một số thông tin liên quan việc này:

“Dạo này nhà cầm quyền Hà Nội có sự nhượng bộ; nhưng nhượng bộ không chính danh tức là họ ngấm ngầm tăng diện tích mà bà con được đền bù lên so với thực tế, ghi khống diện tích bị thu hồi để tăng thêm tiền khiến dân nhận tiền. Tuy nhiên đa phần bà con đều muốn giữ đất chứ không muốn nhận tiền. Lý do vì nếu lấy tiền mà không có công ăn việc làm thì khoản tiền đó tiêu chẳng mấy chốc cũng hết nên bà con kiên quyết giữ lại đất để sản xuất, sinh sống.

Số tiền đền bù cho từng mét vuông không thay đổi, thế nhưng nhà cầm quyền Hà Nội ghi khống diện tích thu hồi lên. Trung bình họ tăng lên khoảng 100-200 mét/một sào hay hơn 1 sào. Tùy từng gia đình, theo sự cân nhắc của an ninh có đấu tranh mạnh, thì họ tăng theo.

Dạo này nhà cầm quyền Hà Nội có sự nhượng bộ; nhưng nhượng bộ không chính danh tức là họ ngấm ngầm tăng diện tích mà bà con được đền bù lên so với thực tế, ghi khống diện tích bị thu hồi để tăng thêm tiền khiến dân nhận tiền.
-Anh Trịnh Bá Tư

Còn doanh nghiệp Nam Cường, sau đó là Geleximco cấu kết với nhà cầm quyền Hà Nội để thu hồi với một giá rẻ mạt. Việc làm của doanh nghiệp với nhà cầm quyền Hà Nội thì rất mờ ám và người dân không được thông tin gì cụ thể.”

Cụ Hào cho biết tiến độ của cái mà chủ đầu tư nói là dự án đường Lê Trọng Tấn xây dựng trên đất Dương Nội:

“Họ nói là dự án đường Lê Trọng Tấn, nhưng chỗ mà tôi bị ‘mất’ hơn 400 mét là gần bãi tha ma thì vẫn còn bỏ không, chưa đổ đất. Còn chỗ mà trước đây họ bắt Cấn Thị Thêu thì đã quây tôn, đổ đất. Họ chỉ làm đường rồi bỏ đó thôi chứ chưa làm cái nhà nào. Tất cả đất Dương Nội họ chưa xây được cái nhà nào, chỉ xây được mấy cài trụ rồi bỏ đó.

Vừa rồi tôi nói với công an tội của họ gấp trăm, ngàn lần địa chủ ngày xưa. Địa chủ ngày xưa không giết người; họ vẫn mướn người ta làm hay cho cấy rẻ.”

Tin tức cho biết lực lượng công an sau khi đọc lệnh bắt và còng tay bà Cấn Thị Thêu thì họ đưa bà đến trụ sở tại huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình. Sau đó bà lại bị đưa về quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.

Một số nhà hoạt động tại khu vực Hà Nội loan trên mạng xã hội facebook việc bà Cấn Thị Thêu bị bắt. Họ cũng lên tiếng kêu gọi cơ quan chức năng phải trả tự do ngay cho bà này.

Bà Cấn Thị Thêu bị bắt trong đợt cưỡng chế đất Dương Nội vào ngày 25 tháng 4 năm 2014 và sau đó bị tòa tuyên án 15 tháng tù với cáo buộc ‘gây rối trật tự công cộng’ theo điều 245 Bộ Luật Hình sự Việt Nam. Tuy nhiên tin nói rõ bà bị bắt đi đang đứng trong một chòi để quay cảnh lực lượng đến cưỡng chế đất. Chồng bà là ông Trịnh Bá Khiêm cũng bị bắt trong lần cưỡng chế đó.

Sau khi mãn án tù, bà Cấn Thị Thêu cho biết tiếp tục khiếu kiện giữ đất không để cho chính quyền thu hồi đất mà theo bà cũng như những người khác thì việc thu hồi có nhiều khuất tất, không theo đúng qui định của luật pháp Việt Nam.

Vụ thu hồi đất Dương Nội cho doanh nghiệp làm dự án cũng tương tự như nhiều vụ khác tại khắp các tỉnh thành trong cả nước. Những người có đất thu hồi phản đối phải khiếu kiện đến tận cơ quan trung ương Đảng và chính phủ tại Hà Nội. Thế nhưng hầu như các vụ việc đều không được giải quyết thỏa đáng, thuyết phục khiến người dân ngày càng bức xúc.

Hiện nay tại cơ quan tiếp dân  của trung ương đảng và chính phủ ở Hà Nội và Sài Gòn luôn có người dân khiếu kiện. Một số trường hợp bị công an bắt và sau đó bị truy tố tội danh ‘chống người thi hành công vụ’ và bị án tù; tuy nhiên những tù nhân đó luôn khẳng định họ làm đúng luật pháp Việt Nam trong quá trình khiếu kiện.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.