Kiến nghị Quốc Hội Việt Nam hành động phản đối Luật Hải cảnh của Trung Quốc
2021.02.04
Luật Hải cảnh mới nhất của Trung Quốc vừa được Quốc Hội nước này thông qua ngày 22 tháng 1 làm dấy lên làn sóng phản đối từ các quốc gia trong khu vực Biển Đông và Biển Hoa Đông. Luật Hải cảnh cho phép cảnh sát biển của Trung Quốc bắn vào các tàu thuyền nước ngoài hoạt động trong vùng biển mà Bắc Kinh đòi chủ quyền, cho phép họ được quyền phá hủy các cấu trúc do nước khác xây dựng, và được phép lập các khu vực ngăn cấm sự đi lại của tàu thuyền các nước đi vào các vùng biển này.
Ông Lê Thân, chủ nhiệm Câu Lạc Bộ Lê Hiếu Đằng nói, đối với ông luật mới này là một sự gây hấn nghiêm trọng của Trung Quốc trong yêu sách áp đặt chủ quyền của họ trên khu vực.
“Phản ứng đầu tiên của tôi là cảm nhận họ sẽ leo thang chiến tranh. Hay nói thẳng, một cách cụ thể hơn, là họ có một cái quyết liệt hơn trong việc khẳng định chủ quyền của họ ở trên Biển Đông. Mà điều đó vi phạm luật pháp quốc tế, xâm chiếm lãnh thổ, lãnh hải cũng như chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông”.
Từ đó, ông Thân cùng một số bằng hữu đã khởi động ý tưởng phải đòi hỏi chính quyền Việt Nam nhất quyết phải có phản ứng và hành động. Ngày 2 tháng 2, họ bắt đầu phổ biến “Kiến nghị Quốc hội ra Nghị quyết về tình hình Biển Đông”. Trong vòng hai ngày, có hơn sáu tổ chức và hơn 30 cá nhân, nhiều nhà trí thức, học giả đồng ký tên.
Kiến nghị ghi rằng, “Chúng tôi, những người Việt Nam yêu nước, nhận thấy việc Trung Quốc ban hành Luật Hải cảnh đã bổ sung thêm những mối đe dọa nghiêm trọng và nguy cơ đối với môi trường sinh tồn của dân tộc Việt Nam tại Biển Đông.”
Cụ thể, kiến nghị ghi rõ : 1. Luật Hải cảnh hợp thức hóa (một cách phi pháp) cho các hành vi của cảnh sát biển Trung Quốc đang diễn ra hiện nay: bắn giết ngư dân, đánh chìm tàu thuyền, phá hủy ngư cụ của ngư dân Việt Nam... 2. Luật Hải cảnh hợp thức hóa (một cách phi pháp) cho các hành vi của cảnh sát biển Trung Quốc hộ tống các hoạt động thăm dò, khai thác tài nguyên mà Trung Quốc tiến hành tại các vùng Biển Đông thuộc chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam theo Công ước Quốc tế về Luật Biển....3. Luật Hải cảnh hợp thức hóa (một cách phi pháp) cho các hành vi trấn áp, dùng vũ lực để khiêu khích, trấn áp các lực lượng chấp pháp của Việt Nam ... v.v.
Ông Thân nói tiếp: “Từ nhận thức đó, cho nên bây giờ bằng mọi giá, phải nói thẳng với Quốc Hội rằng đây là dịp anh phải làm, anh không thể không làm được. Cho nên yêu cầu Quốc Hội, anh phải ra nghị quyết. Vì trước giờ Việt Nam chỉ nói hàng hai thôi, chứ chưa nói hàng một. Thí dụ như lâu lâu cho phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao nói những câu mà nó cũ kỹ, không có cái gì rõ ràng. Rồi báo chí mình cũng có Báo Nhân dân, Quân đội Nhân dân đăng hàng hai, cái đó là không được”.
Những người đồng ký tên kiến nghị yêu cầu Quốc Hội Việt Nam “hành động và ban hành”: thứ nhất là nghị quyết chính thức phản đối và bác bỏ giá trị pháp lý của Luật Hải cảnh của Trung Quốc, khẳng định chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với các đảo Hoàng Sa, Trường Sa, các vùng biển, vùng trời của Việt Nam. Thứ nhì, là ban hành nghị quyết về việc khởi kiện Trung Quốc ra cơ quan tài phán quốc tế. Và cuối cùng là ban hành nghị quyết kêu gọi các quốc gia thành viên Công ước Liên Hiệp quốc về Luật Biển đặc biệt lưu ý về khả năng đổ vỡ trật tự pháp lý tại Biển Đông.
Nhà báo Huỳnh Sơn Phước, một trong những người ký trong kiến nghị nói Quốc hội Việt Nam cần phải hành động vì quyền sống của người dân Việt Nam đang bị đe dọa:
“Các tàu thuyền dân sự họ chỉ có một việc là tung lưới, chài và đánh cá thôi. Họ đâu có cái gì tự vệ. Đối với những người làm ăn trên vùng biển của mình là không ai được quyền xâm phạm đến sự an toàn của họ hết. Luật đó có khác gì là tuyên bố rằng, anh luôn luôn đứng trước mũi súng của tôi. Trong khi anh tung chài, anh đánh cá, là anh đứng trước nòng súng chúng tôi. Một người đang phải làm ăn mà luôn có họng súng chỉ vào mặt thì đó là một sự thách thức mà tôi cho rằng quá nghiêm trọng. Quyền sống, quyền làm ăn, sinh sống, mưu cầu hạnh phúc của công dân của mình trên vùng biển của mình mà bị xâm phạm, bị đe dọa, thì tôi nghĩ điều đó mà không có một cơ quan quyền lực nào thực hiện trách nhiệm của mình để bảo vệ? Quốc Hội thì phải bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng và hợp pháp của công dân chứ”.
Ông Vũ Quốc Ngữ, Giám đốc tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền (Defend the Defenders), tham gia ký tên vào bản kiến nghị, đồng quan điểm với nhà báo Huỳnh Sơn Phước, ông Ngữ nhân xét, nhu cầu cần có những hành động quyết liệt hơn có thể bao gồm cả việc kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài Quốc tế (PCA):
“Bây giờ phải có những hành động mạnh mẽ hơn, chẳng hạn như là triệu tập đại sứ, đưa ra công hàm phản đối mạnh mẽ hơn, phải có những bước pháp lý, như là mang Trung Cộng ra tòa án quốc tế để kiện, như Philippines đã làm. Có thể Trung Cộng không công nhận tính pháp lý của Tòa án PCA của năm 2016. Nhưng việc ta làm thì ta cứ phải làm để chứng tỏ rằng Việt Nam có những biện pháp mạnh mẽ để bảo vệ chủ quyền của mình ở biển Đông”.
Ông Ngữ cũng ghi nhận Trung Quốc thông qua Luật Hải Cảnh chỉ hai ngày sau khi tân Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden nhậm chức:
“Có thể đây là một cái kế hoạch lâu dài, nhưng cũng có thể là đòn nắn gân đối với chính quyền mới của Tổng thống Biden của Hoa Kỳ, vì trước giờ Hoa Kỳ là một trong số những nước rất mạnh mẽ trong việc đòi hỏi quyền tự do hàng hải và không phận ở biển Đông, cũng như phản đối một số những đòi hỏi vô lý của Trung Cộng”.
Đối với ông Ngữ kiến nghị gửi đến nhà cầm quyền CSVN có thể sẽ bị tảng lờ như nhiều kiến nghị khác trước đây, nhưng ông nói, mục tiêu sự lên tiếng này không chỉ nhắm vào chính quyền Việt Nam mà còn là một lời kêu gọi người dân hãy quan tâm hơn đến tình hình biển đảo của đất nước.