Công an đòi lấy cửa nhà cụ Kình có phải để tẩu tán bằng chứng?
2020.02.14
Bà Dư Thị Thành, vợ góa Cụ Lê Đình Kình ở Đồng Tâm, trong những ngày qua bị Công an đến nhà yêu cầu giao những tấm cửa bị đạn bắn vào rạng sáng ngày 9 tháng 1 cho họ cũng như yêu cầu bà đi làm việc. Lí do vì sao đến giờ phía công an mới yêu cầu những việc này và tình hình Đồng Tâm hiện nay ra sao?
Nguyên nhân?
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, Luật sư Đặng Đình Mạnh cho rằng việc công an điều tra cần lấy mẫu vật để điều tra hiện trường sự việc là điều bình thường, nhưng với trường hợp xảy ra ở Đồng Tâm thì đây lại là một chuyện lạ. Ông giải thích:
Công an đến như thế rất có thể bị người dân nghi là họ muốn tẩu tán bằng chứng. Đó là hành động rất đáng lên án. Cũng may họ không lấy được gì cả vì gia đình đã tháo những tấm kính ra rồi. - TS. Nguyễn Quang A
“Đã qua giai đoạn điều tra hiện trường, họ thực hiện việc này vào ngày ngay sau khi xảy ra sự việc, thậm chí hoàn toàn không có sự chứng kiến của bất kỳ người dân nào kể cả những người trong gia đình cụ Thành. Bây giờ họ làm những việc này lẽ ra phải có thông báo trước để gia đình cụ Thành có sự chuẩn bị. Ví dụ như chuẩn bị luật sư để giám sát sự việc điều tra của công an chẳng hạn. Nhưng họ cứ tự tiện xộc đến và yêu cầu thực hiện ngay những việc đó cho thấy có gì đó rất mơ hồ trong việc này.”
Dưới góc nhìn cá nhân, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhà hoạt động xã hội dân sự theo dõi sát sao vụ việc ở Đồng Tâm lý giải nguyên nhân:
“Công an đến như thế rất có thể bị người dân nghi là họ muốn tẩu tán bằng chứng. Đó là hành động rất đáng lên án. Cũng may họ không lấy được gì cả vì gia đình đã tháo những tấm kính ra rồi.”
Diễn biến
Trả lời cuộc gọi của RFA vào tối ngày 14/2, bà Dư Thị Thành, vợ góa Cụ Lê Đình Kình ở Đồng Tâm tường thuật lại sự việc công an đến nhà bà trước đó:
“Chiều ngày 12, 5-6 anh công an cùng 1 cô văn thư ở xã đến bảo cho cắt lấy 1 ít cánh cửa vì công an nhặt được một số kim loại vụn nên giờ xin một miếng trong cánh cửa để xem kim loại ngoài hay kim loại trong cửa rơi ra. Tôi bảo không được cắt cửa nhà tôi vì chỉ còn cửa xếp, cửa nhôm kính bị bắn tan nát nên đem vứt rồi.
Người ta bảo chắc nhà tôi cất đi, rồi lập biên bản bảo tôi ký vào. Tôi nói không biết ký và không biết đọc. Người ta có đọc cho nghe nhưng tôi không nghe được. Sau đó họ nói tôi không ký được thì cho con gái ký. Tôi nói con gái đi lấy chồng ở nơi khác, không có trách nhiệm ở nhà tôi, việc này ở nhà tôi nên tôi không ký được thì mời ông nhà tôi ra ký. Người ta dần dần bỏ về.
Đến ngày 13 người ta mang giấy triệu tập ra mời lên thành phố, tôi nói tôi chẳng đi đâu, chỉ ở nhà. Họ nói nếu không đi thì họ lập biên bản và tôi phải ký vào, nhưng tôi không ký và bảo chẳng lập gì cả nên họ đi về.”
Vẫn theo bà Thành, từ lúc đó đến tối ngày 14/2 thì bà vẫn chưa nhận thêm thông tin gì.
Vi phạm pháp luật
Vào rạng sáng ngày 9/1 vừa qua, lực lượng chức năng hơn 3.000 quân tấn công vào thôn Hoành, Xã Đồng Tâm và hệ quả là cụ Lê Đình Kình bị bắn chết, 3 chiến sĩ công an thiệt mạng, 27 người dân đang bị bắt giam.
Vụ việc này xảy ra khi tranh chấp đất đai giữa người dân đang trong giai đoạn căng thẳng. Phía Công an cho rằng Cụ Lên Đình Kình là chủ mưu chống đối việc xây dựng tại đất quốc phòng Sân bay Miếu Môn. Do đó lực lượng chức năng được huy động đến để tiêu diệt các phần tử phản động.
Trong khi đó, người trong cuộc thì nói họ có đầy đủ giấy tờ chứng minh 59 héc ta đất Đồng Sênh là đất nông nghiệp. Họ mong được cơ quan chức năng đối thoại giải quyết thấu tình, đạt lý trong vụ tranh chấp đất đai này.
Sau khi vụ tấn công diễn ra, phía người dân cho biết đến nay chính quyền vẫn thường xuyên cho gọi họ lên để điều tra, như lời bà Dư Thị Thành cho hay:
“Hôm qua người ta gọi một ông gần 90 tuổi trong tờ đồng thuận với ông Kình lên để hỏi về chuyện mọi người bàn bạc gì trong ngày 12. Ông ấy bảo là bàn về tất cả các thứ giấy tờ, hồ sơ, biên bản đã gửi chứ chẳng bàn gì. Sau đó người ta cho ông ấy về.”
Ngoài ra, phía chính quyền vẫn chưa cung cấp thêm thông tin gì về 27 người đang bị giam giữ.
Luật sư Đặng Đình Mạnh, người được gia đình những người đang bị tạm giam ủy quyền pháp lý cho biết ông đã đến Cơ quan điều tra nhưng vẫn không có tin gì thêm:
“Tôi đã đến trực tiếp cơ quan cảnh sát điều tra để nộp văn bản đăng ký làm luật sư bào chữa vào thứ hai. Lẽ ra họ phải có sự phản hồi trong 24 tiếng rằng họ đồng ý hoặc từ chối. Nhưng nộp từ đầu tuần tới bây giờ là cuối tuần họ vẫn chưa có bất kỳ sự phản hồi nào. Đây là một trong những điều cho thấy cơ quan điều tra không minh bạch lắm trong vấn đề tiếp nhận luật sư.”
Luật sư Mạnh cũng thẳng thắn cho biết ông không rõ nguyên nhân thật sự của việc kéo dài hồ sơ này, nhưng với kinh nghiệm bản thân, ông phỏng đoán:
Tôi bảo không được cắt cửa nhà tôi vì chỉ còn cửa xếp, cửa nhôm kính bị bắn tan nát nên đem vứt rồi. Người ta bảo chắc nhà tôi cất đi, rồi lập biên bản bảo tôi ký vào. Tôi nói không biết ký và không biết đọc. - Dư Thị Thành
“Thường những vụ việc như vậy họ muốn có thời gian để họ thu xếp để gặp các bị can đang bị tạm giữ để xác nhận những người này có nhờ hay không. Trong rất nhiều trường hợp những vụ án phức tạp mà họ muốn giới hạn luật sư thì họ sẽ vận dộng, tác động những người này từ chối luật sư. Rất có thể việc trì hoãn để họ tác động cho được những người tạm giam từ chối luật sư.”
Tuy nguyên nhân vì sao phía cơ quan cảnh sát điều tra chưa hồi đáp văn bản đăng ký làm luật sư bào chữa của Luật sư Mạnh chỉ là sự phỏng đoán của bản thân ông, nhưng Luật sư Mạnh cho biết ông có thể khẳng định phía công an đã vi phạm pháp luật trong việc chậm trễ này.
“Thứ nhất là vi phạm quy định Luật Tố tụng hình sự, đó là văn bản lớn nhất. Văn bản thứ 2 mới nhất là vào ngày 10 tháng 10 năm 2019, Bộ Công an có ban hành Thông tư 46 có quy định rõ hơn vấn đề tiếp nhận thủ tục luật sư, vẫn khẳng định nguyên tắc phải giải quyết yêu cầu luật sư trong 24 giờ sau khi nhận đủ thủ tục.”
Vẫn trong ngày 14 tháng 2, Đài Á Châu Tự Do cũng đã nhận được phúc đáp của đại diện Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Hà Nội về bình luận đối với vụ việc Đồng Tâm.
Đại sứ Quán Hoa Kỳ viết rõ ‘Chúng tôi theo dõi rất sát tất cả những diễn tiến của vụ việc này và đang thu thập thông tin từ các nguồn để có thể hiểu hơn những biến cố tại Đồng Tâm. Chúng tôi đặc biệt quan ngại về việc tổn thất nhân mạng từ cả hai phía qua đụng độ giữa lực lượng an ninh và người dân Việt Nam. Điều quan trọng là tất cả các bên cần tìm cách giải quyết tranh chấp theo phương cách công khai, ôn hòa và minh bạch’.