Vì sao Bộ trưởng Công An gặp các tân trưởng đại diện Việt Nam ở nước ngoài?

Thanh Trúc
2020.07.31
   Hình minh hoạ. Bộ trưởng Công an Tô Lâm phát biểu tại buổi gặp các trưởng đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài hôm 27/7/2020 tại Hà Nội
Báo Quốc Tế

Buổi họp mặt hôm 27/7 do bộ trưởng Bộ Công An Tô Lâm chủ trì, khách mời được báo Công An gọi là “các đồng chí Trưởng Cơ Quan Đại Diện Việt Nam ở nước ngoài vừa được chủ tịch nước bổ nhiệm cho năm 2020”.

Tin nói ngoài bộ trưởng Tô Lâm còn có sự hiện diện của Thượng tướng Bùi Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Thiếu tướng Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; ông Lê Hoài Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao.

Phát biểu tại cuộc gặp, Bộ trưởng Công an Tô Lâm, ngoài chúc mừng những người mà theo ông vừa được Đảng, Nhà Nước và Nhân Dân tin tưởng giao trọng trách làm đại diện cho Việt Nam tại nước ngoài, còn nhấn mạnh việc thực hiện đường lối của Đảng là chủ động hội nhập quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình và tạo điều kiện thuận lợi để ổn định đất nước.

Đối ngoại và  hợp tác quốc tế là nhiệm vụ hết sức quan trọng, ông Tô Lâm nói tiếp, Bộ Ngoại Giao nói chung và các Cơ Quan Đại Diện Ngoại Giao  của Việt Nam ở nước ngoài nói riêng, với sự phối hợp tham mưu của  Đảng, Nhà Nước, mà thành quả là chủ trương chính sách ngoại giao phù hợp, đưa đất nước hội nhập sâu rộng với quốc tế, góp phần bảo đảm an ninh trật tự và bảo vệ công dân Việt Nam ở nước ngoài.

Bộ trưởng công an Tô Lâm, ủy viên Bộ Chính trị lại phụ trách an ninh thì tất nhiên phải giao vấn đề an ninh cho những ông đại diện Việt Nam ở nước ngoài thì chuyện ấy là bình thường - Kỹ sư Trần Bang

Kỹ sư Trần Bang, một nhà hoạt động tại Sài Gòn, cho rằng việc họp mặt như vậy là chuyện bình thường ở Việt Nam, có điều lần này khiến dư luận chú ý bình phẩm là vì những  chuyện không hay trong ngành ngoại giao 3 năm trở lại đây:

Ở đây rõ ràng là Bộ Công An nắm cả an ninh và nắm cả cảnh sát. Trong an ninh thì có an ninh nội bộ và an ninh đối ngoại, mà an ninh đối ngoại thì chắc chắn phải nhở đến các đại sứ quán rồi”.

“Ở Việt Nam thì ngoại giao của đất nước thực sự là ngoại giao của đảng cộng sản Việt Nam, thế thì các đại diện Việt Nam, các đại sứ Việt Nam ở nước ngoài phải nắm công tác an ninh quốc phòng. Bộ trưởng công an Tô Lâm, ủy viên Bộ Chính trị lại phụ trách an ninh thì tất nhiên phải giao vấn đề an ninh cho những ông đại diện Việt Nam ở nước ngoài thì chuyện ấy là bình thường thôi”.

Cách đây mấy năm, ông Đặng Xương Hùng - một cựu đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài đã có một bài viết nói về mối quan hệ giữa an ninh và ngoại giao của Việt Nam.

Tác giả bài,  nguyên là viên chức ngoại giao nay định cư ở Thụy Sĩ, viết rằng: “Trong chế độ công an trị, việc an ninh xen vào mọi ngõ ngách của đời sống chính trị - xã hội tại Việt Nam là điều dễ hiểu. Ngay từ thời Nhân văn Giai phẩm đã có một câu quy gọn cực đắt, đó là : Bục công an đứng giữa trái tim người. Hầu hết các bộ ngành ở Việt Nam đều có sự hiện diện của an ninh chìm. Bài viết này xin khoanh nhỏ vào nội dung « hợp tác » giữa Bộ Ngoại Giao và Bộ Công An Việt Nam”.

Theo nhà báo Võ Văn Tạo,  quan chức và nhân viên ngoại giao phải nghe bộ trưởng công an lên lớp là chuyện thường, có điều ngôn từ hết sức to lớn trước một cử tọa hết sức nặng ký nhằm phản ảnh chủ trương của đảng cộng sản Việt Nam từ nào đến giờ:

Ai cũng biết trong lịch sử ngoại giao  thế giới chứ không cứ gì Việt Nam, rõ ràng ngoại giao và tình báo luôn gắn bó với nhau, mấy Tòa Đại Sứ là những ổ gián điệp, luôn luôn có những sĩ quan an ninh hoặc công khai hoặc trá hình”.

“Hồi còn đi học Đại Học Ngoại Thương tôi cũng đã được xác định là sau này Nhà Nước gởi các em đi sang làm Tùy Viên Thương Mại hoặc Tham Tán Thương Mại thì nhiệm vụ của các em cũng như thế thôi. Từ thời sinh viên chúng tôi đã hiểu đó là nguyên tắc rồi, cho nên chuyện ông Tô Lâm muốn gặp  các Trưởng Cơ Quan Đại Diện Việt Nam ở nước ngoài cũng không có gì đáng ngạc nhiên”.

Hình minh hoạ. Cựu quan chức ngành dầu khí bị buộc tội tham nhũng Trịnh Xuân Thanh trên truyền hình Việt Nam hôm 4/8/2017
Hình minh hoạ. Cựu quan chức ngành dầu khí bị buộc tội tham nhũng Trịnh Xuân Thanh trên truyền hình Việt Nam hôm 4/8/2017
AFP

Nhà báo Lê Trung Khoa, sinh sống và làm việc tại Đức, cho rằng ngành ngoại giao bị chi phối bởi ngành công an là sự việc hiển nhiên, thế nhưng  vụ bắt cóc năm 2017  liên quan đến ông Trịnh Xuân Thanh - một cựu quan chức ngành dầu khí bị cáo buộc tham nhũng, đã kéo theo nhiều hậu quả đáng tiếc:

Rõ ràng vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh ở Đức ngày 23/7/2017 thì phía Đức đã điều tra. Một trong những bị cáo là ông Nguyễn Hải Long  bị tòa Đức kết án 3 năm và 10 tháng tù. Tôi đã chứng kiến ông ta nhận tội trước tòa rằng ông ta là mật vụ Việt Nam trong chuyện này”.

“Phiên tòa xét xử rất chi tiết, tất nhiên trong đó có nhiều cán bộ Đại sứ Quán Đức và Châu Âu cũng tham gia gián tiếp trong việc đó. Hậu  quả để lại rất nặng nề, có hai chân từ trước đến nay là đại diện Tổng Cục 5 tức tình báo của Bộ Công An có đại diện chính thức tại Đức thì bây giờ bị cắt không cho sang nữa. Chân thứ hai là sĩ quan liên lạc của Bộ Công An, trước đây đều có một người, nhưng kể từ lúc vụ bắt cóc xảy ra thì Đức không cho người này sang công tác nữa. Lòng tin giữa Việt Nam và Đức coi như phải đi lại từ đầu, đấy là cái hại cho sự phát triển giao lưu giữa hai nước”.

Lý do thứ hai để giải thích vì sao Bộ Công An phải theo sát, phải nắm bắt  tình hình công việc của quan chức và nhân viên ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài. là vì:

“Lý do có thể thấy được là Việt Nam rất lo sợ việc tự diễn biến, tự chuyển hóa, đặc biết bản thân những cán bộ Việt Nam đi ra nước ngoài, nhiều người sẽ có những sự đánh giá khác với những đánh giá mà đảng cộng sản đưa ra. Cái thứ hai, Việt Nam đang thực hiện chủ trưởng đảng vừa đưa ra là bảo vệ tổ quốc từ xa. Tức là ngay tại những vùng, những nước mà Việt Nam có Đại Sứ Quán hay có Tổng Lãnh Sự thì tại đó họ phải tìm mọi cách thao túng, vận động kiều dân sống ở nước đó ủng hộ đường lối quan điểm của đảng, đồng thời phải theo dõi phải khống chế những hội đoàn, tổ chức hay cá nhân đi ngược lại mong muốn của đảng cộng sản Việt Nam”.

Tiếp lời nhà báo Lê Trung Khoa, blogger Trần Bang  góp ý:

Nói đến sứ quán trên thế giới thì thực sự đó là những nơi hoạt động tình báo. Bản thân nước đến đặt cơ sở ngoại giao ở đây là muốn thu thập thông tin tình báo. Nước sở tại bố trí nhân viên vào đấy cũng là để thu thập thông tin ngược lại. Có điều bí mật hoặc lộ liễu như chuyện các Lãnh Sự Quán ở Houston hay ở Thành Độ là chuyện bình thường. Ai quan tâm đến hoạt động ngoại giao đều có thể thấy chuyện đó”.

Tóm lại không chỉ Việt Nam mà ngay những quốc gia khác đều có cán bộ an ninh hoặc cán bô tình báo trong cơ quan đại diện tức là Đại Sứ Quán hay Lãnh Sự Quán ở bất cứ nước sở tại nào.

Vấn đề ở đây, vẫn lời nhà báo Lê Trung Khoa, nghiệp vụ kém của những điệp viên trá hình, cộng thêm sự chỉ đạo chủ quan và bất cần luật pháp quốc tế, sẽ gây khủng hoảng song phương như trường hợp Việt Nam và Đức hồi năm 2017.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.