Vụ án Vũ Nhôm, điển hình về cái bóng công an trong hoạt động kinh tế tại Việt Nam

Kính Hòa RFA
2019.01.28
000_VK4GP Ông Phan Văn Anh Vũ (áo trắng) thượng tá tình báo công an Việt Nam bị xử tội tham nhũng. 2017.
AFP

Công an là lực lượng quan trọng bậc nhất trong các thể chế nhà nước theo mô hình cộng sản. Ngoài lực lượng chính qui công an còn có những tổ chức bán chính thức, những tổ chức chỉ điểm trong dân chúng.

Theo số liệu của Tiến sĩ Cynthia M Horn, Đại học Western Washington, Hoa Kỳ thì trong xã hội Đông Đức trước kia cứ 8 người dân thì có một người hợp tác với công an.

Theo một số đánh giá thì ngân sách giành cho những lực lượng công an của Trung Quốc cao hơn cả ngân sách giành cho quân đội nước này.

Theo tìm hiểu của Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ, hiện sống tại Na Uy, lực lượng công an, hay bán công an tại Việt Nam cũng rất đông:

Có rất nhiều loại công an, công an chìm công an nổi, công an kinh tế,… không có con số chính xác, nhưng theo một số nhà nghiên cứ đưa ra những con số có tính xấp xỉ thì ở Việt Nam cứ 10 người dân là có một công an.”

Lực lượng khổng lồ này đòi hỏi một ngân sách rất lớn dành cho nó.

Từ khi Việt Nam bắt đầu cải cách kinh tế vào giữa thập niên 1980, bắt đầu có những doanh nghiệp gọi là doanh nghiệp đời sống của các cơ quan công an và quân đội.

Hình minh họa. Một cửa hàng của Viettel trên đường phố Hà Nội
Hình minh họa. Một cửa hàng của Viettel trên đường phố Hà Nội
AFP

Các doanh nghiệp này kinh doanh đủ thứ như bất kỳ một doanh nghiệp nào khác, chỉ có khác là chúng được những người công an quản lý, lợi nhuận được chia cho các viên chức trong ngành công an.

Theo những thông tin được báo Công an Đà Nẵng đưa ra vào năm 2016, Bộ Công an có 10 doanh nghiệp với tổng số vốn là 1200 tỉ đồng, kinh doanh từ viễn thông, xây dựng, cho đến đóng tàu biển. Thậm chí họ có cả những khu công nghiệp tại Hà Nội (Hoài Đức) và Sài Gòn (Nhà Bè.)

Trong vụ án Vũ Nhôm người ta thấy có hai công ty do viên thượng tá công an này đứng tên kinh doanh bất động sản là Bắc Nam 79 và Nova Bắc Nam.

Tuy nhiên có vẻ như so với người anh em của Bộ Công an là Bộ Quốc phòng, thì bên phía quân đội có những công ty có bề thế hơn nhiều, nổi tiếng nhất là công ty Viettel kinh doanh viễn thông, và mới đây người đứng đầu nó là thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng được cất nhắc lên làm Bộ trưởng Bộ thông tin và truyền thông.

Vì lý do đó, cách đây vài năm có lời đồn đại cho rằng ngành công an mong muốn có được sự kinh doanh phát triển như bên quân đội, sau khi báo chí chính thống lên tiếng khá mạnh mẽ về chuyện không nên cho quân đội làm kinh tế.

Một lực lượng đúng ra là để bảo vệ pháp luật, duy trì sự công bằng của pháp luật mà lại đi làm kinh tế, bằng cách dựa vào cái quyền uy của mình thì nó sẽ bóp méo nền kinh tế thị trường đi.
-Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ.

Nhà quan sát Phạm Chí Dũng, từng làm việc trong ngành Nội Chính Đảng nói với RFA vào năm 2017:

Đó chỉ là một dư luận nhất thời thôi, vào kỳ họp quốc hội giữa năm 2017, được khuấy động bởi những thế lực bên trong ngành công an đưa ra vì họ thấy quân đội làm kinh tế dữ dội quá, chẳng lẽ công an không được làm?”

Sau Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 12, đầu năm 2016, có đến bốn viên tướng công an nằm trong số 19 ủy viên Bộ chính trị, cơ quan quyền lực cao nhất Việt Nam. Ngoài ra trong số gần 200 thành viên Trung ương Đảng, cũng rất đông đảo các viên chức công an.

Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ bình luận về việc công an làm kinh tế:

Một lực lượng đúng ra là để bảo vệ pháp luật, duy trì sự công bằng của pháp luật mà lại đi làm kinh tế, bằng cách dựa vào cái quyền uy của mình thì nó sẽ bóp méo nền kinh tế thị trường đi.”

Trong vụ án Vũ Nhôm người ta thấy ông này dựa vào thẻ công an tình báo của mình để được mua những lô đất đắt tiền với giá rẻ, bán lại kiếm lời, nhưng trên danh nghĩa là tạo vỏ bọc cho hoạt động an ninh.

Các viên tướng công an ra tòa cùng ngày 28/1 với ông Vũ Nhôm công nhận một điều là các ông ấy đã ký những văn bản để thúc đẩy những hoạt động kinh tế của ông Vũ Nhôm được thuận tiện. Trong số những viên tướng này có ông Bùi Văn Thành, vào năm 2016 giữ chức vụ Trưởng ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp Bộ Công an.

Các viên tướng công an cũng khai rằng họ thành lập những công ty như kiểu các công ty của ông Vũ Nhôm để che đậy cho hoạt động nghiệp vụ của ngành công an.

Bình luận về việc này, luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên chánh văn phòng Quốc hội Việt Nam cho biết:

Họ lập công ty để cài cắm người thì theo tôi ở nước nào cũng có, nhưng ở đây họ lại lợi dụng đặc quyền đặc lợi này để kinh doanh bất động sản, mua bán, chẳng biết có mua bán ma túy trong đó không nữa. Những ông tướng bị ở tù là như thế, và tôi cho là phải xử rất nghiêm.

Họ lập công ty để cài cắm người thì theo tôi ở nước nào cũng có, nhưng ở đây họ lại lợi dụng đặc quyền đặc lợi này để kinh doanh bất động sản, mua bán, chẳng biết có mua bán ma túy trong đó không nữa. - LS. Trần Quốc Thuận

Trong số các sĩ quan cao cấp của Bộ Công an bị đưa ra tòa trong vụ Vũ Nhôm, có hai người là thứ trưởng, một người làm phó của cục tình báo Bộ Công an nay đã giải tán, một người chuyên theo dõi các hoạt động của các doanh nghiệp ngành công an.

Trả lời câu hỏi liệu có nên chấm dứt hoạt động kinh tế của ngành công an, Luật sư Trần Quốc Thuận nói tiếp:

Việc công an và quân đội không được làm kinh tế nữa là một chủ trương được đem ra nói nhiều năm nay rồi, cũng được đem ra bàn ở Quốc hội. Có những lĩnh vực không được làm nữa như là kinh doanh thuần túy, còn những lĩnh vực liên quan đến an ninh quốc phòng thì có thể nên tiếp tục chẳn hạn như sản xuất vũ khí chẳn hạn.

Tuy nhiên về phương diện luật pháp, Luật sư Trần Quốc Thuận cho biết là ông cũng chưa thấy điều luật nào được đưa ra để hạn chế công an và quân đội làm kinh tế.

Theo quan sát của Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, vào năm 2017, sau khi có nhiều dư luật về việc nên tách hoạt động kinh tế ra khỏi an ninh và quốc phòng, thì không thấy nói đến nữa, thậm chí một số quan chức còn đưa ra ví dụ thành công của một số công ty quốc phòng để làm minh chứng cho việc kinh doanh thành công.

Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ cho rằng nhà nước do Đảng Cộng sản lãnh đạo hiện nay không thể nào tách hoạt động kinh doanh ra khỏi công an và quân đội vì những khoảng lợi ích quá lớn, mà Đảng Cộng sản lại dựa rất nhiều vào các lực lượng này để duy trì chế độ.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.