Cho dân giám sát CSGT – Tưởng dễ mà lại khó!
2019.10.10
Trong Dự thảo Thông tư lần 3 về quy chế dân chủ trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, Bộ công an đã bổ sung đề nghị người dân được giám sát hoạt động của cảnh sát giao thông (CSGT) bằng máy ghi âm, quay phim hoặc quan sát trực tiếp. Thủ trưởng cơ quan Công an có cán bộ, chiến sĩ được nhân dân góp ý, nhận xét phải có trách nhiệm xem xét, xử lý kịp thời theo đúng quy định của pháp luật.
Câu hỏi chúng ta cần đặt ra là với Bộ Công an, có những cơ chế gì để bảo vệ cho những người dân khi giám sát cơ quan công quyền, cụ thể đây là CSGT? - Nhà báo Ngô Nhật Đăng
Dân được quyền giám sát CSGT
Đây là thay đổi so với Thông tư 54/2009 đang áp dụng và Dự thảo lần 2. Nếu dự thảo này được thông qua, Thông tư sẽ có hiệu lực vào cuối năm 2019.
Nhận xét về việc này, Luật sư Đặng Đình Mạnh cho rằng ý kiến mới này của Bộ Công an rất nên khuyến khích. Ông tiếp lời:
Xác nhận lời Luật sư Mạnh, bạn Trang, hiện đang ở Sài Gòn cho biết qua Facebook Messenger như sau:
“T ủng hộ. Vì như vậy CSGT mới làm đúng trách nhiệm và minh bạch. Nhưng dĩ nhiên dân cũng không được làm lố. Kiểu người ta phạt đúng tội thì không nên lạm dụng quay phim chụp hình.”
Còn theo anh Minh, ở góc nhìn của anh, đề xuất này thực chất chẳng có tác dụng gì rõ rệt vì thói quen sợ phiền phức của người Việt hiện nay:
“Ra đường bị công an giao thông bắt vô, nói chung ai cũng tâm lý muốn đi nhanh cho rồi thành ra mới có tình trạng cảnh sát giao thông ăn hối lộ. Còn thời gian móc máy ra quay thì mọi chuyện đã khác rồi.”
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, từ Hà Nội, nhà báo Ngô Nhật Đăng, lại cho rằng những đề xuất này người dân đã yêu cầu từ lâu rồi và đây là lúc chính phủ cần thay đổi. Ông lý giải:
“Kể cả ở những nước khác, đều có cơ chể để những người tuân luật giám sát người thực thi pháp luật để xã hội có kiểm soát và tránh trường hợp những người thực thi luật pháp vượt quá quyền hạn của mình.”
Vẫn theo nhà báo Ngô Nhật Đăng, dư luận còn vấn đề cần quan tâm nhiều hơn khi Bộ Công an đưa ra đề này. Ông nói:
“Câu hỏi chúng ta cần đặt ra là với Bộ Công an, có những cơ chế gì để bảo vệ cho những người dân khi giám sát cơ quan công quyền, cụ thể đây là CSGT? Một vấn đề nữa là liệu những người kiểm tra, giám sát những hành động của cảnh sát giao thông có được bảo vệ hay không và những phản hồi của người dân khi lên các cơ quan chức năng bên trên khi phát hiện sai phạm kỷ luật của CSGT sẽ được xử lý như thế nào?”
Giám sát ra sao để không phạm luật?
Trở lại sự việc từ đầu tháng 10 và cuối tháng 9 vừa qua khi báo Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh đăng tin cho biết ông Lê Công Nam bị công an thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) đã xử phạt vi phạm hành chính 7,5 triệu đồng, vì ông Nam đã dùng điện thoại di động ghi hình khi bị Đội Cảnh sát Giao thông Công an thị xã Hoàng Mai kiểm tra, lập biên bản vi phạm lỗi “lắp bánh không đúng kích cỡ”. Ông Nam cũng bị cáo buộc là đã dùng lời lẽ xúc phạm danh dự và nhân phẩm lực lượng CSGT.
Ông Nguyễn Tiến Sỹ, người chia sẻ video này cũng bị phạt 7,5 triệu đồng. Theo công an, ông Sỹ và ông Nam đã có hành vi xúc phạm danh dự, uy tín của lực lượng CSGT, vi phạm điểm g khoản 3 Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP. Cả hai đều bị yêu cầu gỡ bài.
Trước đó, hôm 27/9, anh Nguyễn Hữu Đức ở tỉnh Bình Phước cũng bị yêu cầu nộp phạt 7,5 triệu đồng khi đưa thông tin bị công an phạt lên mạng xã hội mà công an cho rằng xúc phạm danh dự, uy tín của họ. Ông Đức cũng phải gỡ thông tin đã đăng tải.
Từ những trường hợp vi phạm như trên, nhiều người đang tỏ ra hoang mang, vậy giám sát ra sao để không phạm luật?
Bạn Trang tại Sài Gòn bày tỏ:
“Quay phim chụp ảnh để làm bằng chứng cho những vụ việc ko làm đúng pháp luật thì đúng. Nhưng khi chia sẻ thì cũng phải dùng lời lẽ chừng mực. Không được lạm dụng để chửi bới kích động xuyên tạc. Bây giờ anh hùng bàn phím nhiều lắm. Luật không chặt là loạn.”
Giải thích rõ hơn, Luật sư Đặng Đình Mạnh cho rằng đây là điều mà những “người giám sát” nền cần biết:
Quay phim chụp ảnh để làm bằng chứng cho những vụ việc ko làm đúng pháp luật thì đúng. Nhưng khi chia sẻ thì cũng phải dùng lời lẽ chừng mực. Không được lạm dụng để chửi bới kích động xuyên tạc. Bây giờ anh hùng bàn phím nhiều lắm. - Trang
“Cái yêu cầu của Bộ Công an đi kèm theo ý kiến đó cứ xem một cách bình tĩnh thì thật ra nó sòng phẳng và nó đúng đắn để bảo đảm rằng những clip quay phim hay chụp ảnh, ghi âm là trung thực, không bị cắt xén vì nếu cắt xén đi thì làm sai lệch hoàn toàn nội dung băng ghi âm hay ghi hình. Thế thì việc post (phốt) thông tin cho công chúng biết hoặc tố cáo thì người phốt phải chịu trách nhiệm.”
Báo mạng VnExpress vào ngày 8/10 có đăng tin ghi rõ “các chuyên gia luật cũng cho rằng hiện không có quy định cấm quay phim, chụp ảnh cán bộ, chiến sĩ song luật có nêu rõ cấm phát tán bừa bãi. Nếu người dân cố ý "quay phim, chụp ảnh" nhằm đưa thông tin phiến diện, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của cá nhân người bị đăng tải... sẽ xử phạt theo Luật An ninh mạng hoặc Bộ luật Hình sự.”
Do đó, nhà báo Ngô Nhật Đăng cho rằng thực chất đề xuất mà Bộ Công đưa ra để răn đe xã hội chứ không phải có cơ chế thoáng để người dân có quyền hành hơn:
“Ngoài chuyện người dân chưa kịp mừng là đã có những cơ chế để xã hội có thể kiểm soát được những người thực thi luật pháp thì lại có ngay một quy định đi kèm theo sau mà mũi nhọn lại chĩa thẳng vào người dân. Tôi cho rằng người ta sẽ nghĩ nhiều đến chuyện không phải khuyến khích người dân làm nữa mà để đe nẹt người dân khi đưa những việc làm sai trái của lực lượng cảnh sát giao thông.”
Còn theo Luật sư Đặng Đình Mạnh, đề xuất của Bộ Công an về việc giám sát hoạt động của CSGT vẫn là một điểm mới mà mọi người cần ủng hộ. Tuy nhiên, nếu gán ghép việc cấm người dân phát tán và có nguy cơ bị xử phạt theo Luật An ninh mạng là điều vô lý. Ông nhận định:
“Luật an ninh mạng hầu như là một biện pháp bịt miệng mọi người và cái phạm trù để nói là phát biểu ý kiến cá nhân hoặc có ý xúc phạm, bôi nhọ cơ quan nhà nước thật ra ranh giới của nó rất mù mờ, không có gì để xác định vấn đề này. Nếu trong tường hợp cơ quan nhà nước nào đó muốn xử lý người dân thì họ chỉ việc đẩy qua khía cạnh có sự xúc phạm, lập tức người phát biểu trở thành người vi phạm.”
Vì thế, Luật sư Mạnh cũng đưa ra đề xuất để điều luật được hoàn chỉnh và cân bằng hơn cho hai phía chính quyền và người dân:
“Để bảo đảm quyền được phát biểu của người dân đối với những vấn đề hệ trọng của đất nước, kể cả vấn đề phản biện để xây dựng đất nước thì nên bỏ luật An ninh mạng và những điều khoản nằm trong Bộ luật hình sự. Ví dụ như điều người dân hay bị là Điều 117 chẳng hạn, tức là khi họ phát biểu hoặc nói chuyện với nhau mà chính quyền cho rằng họ tuyên truyền, những câu nói hoặc quan điểm của họ khác ý với chính quyền thì rất dễ phạm tội 117 Bộ luật Hình sự.”
Từ năm 2013, việc người dân có được phép quay phim cảnh sát giao thông hay không đã được Bộ công an đưa ra bàn thảo nhiều lần.
Đến cuối tháng 6 vừa qua, Bộ Công an công bố Dự thảo lần 2 và đã bỏ nội dung người dân được phép ghi âm, ghi hình, quan sát trực tiếp hoạt động của cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân. Điều này khiến người dân tiếp tục phản ứng và chính vì vậy, trong dự thảo lần này Bộ Công an đưa trở lại đề xuất trên.