Công an xử phạt Facebookers loan tin virus Corona có đúng luật?

RFA
2020.01.30
000_1OJ7XQ_960.jpeg Hình minh họa. Nhân viên y tế đứng cạnh quầy ở khu vực cách ly tại Viện các bệnh nhiệt đới ở Hà Nội hôm 30/1/2020
AFP

Những ngày gần đây, báo trong nước liên tục loan tải thông tin một số Facebookers bị mời làm việc và phải đóng phạt do đăng trên tài khoản mạng xã hội những thông tin về dịch bệnh coronavirus đang lây lan mạnh mẽ.

Báo trong nước vào ngày 30/1 loan tin dẫn nguồn từ công an thành phố Hải Phòng cho biết đã xử phạt hành chính 10 triệu đồng đối với chị Vũ Thị N.T với lý do đã đăng tải thông tin sai sự thật về số người nhiễm virus Corona ở địa phương.

Trước đó, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thừa Thiên Huế ngày 29/1 đã ra quyết định xử phạt Facebooker Nhàn Lê số tiền 12.500.000 đồng vì đưa tin Huế đã có 1 trường hợp dịch cúm Corona là người Vũ Hán đang nằm cách ly tại Bệnh viện Trung ương Huế.

Việc người dân có ý kiến về bệnh dịch Corona thì rất có thể họ nói quá sự thật nhưng điều đó xét về phương diện pháp lý thì không có gì sai đến mức độ bị chế tài hoặc bị bắt giữ. - LS. Đặng Đình Mạnh

Tại các tỉnh thành phía nam, Công an thành phố Phan Thiết vào ngày 28/1 cũng đã triệu tập một phụ nữ tên Nguyễn Thị Liên Dung, 33 tuổi, cư ngụ tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận do đăng tin có 6 người Trung Quốc bị nhiễm virus corona nhập viện tại Bệnh viện An Phước.

Cùng ngày, Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã mời anh Trần Văn Tùng đến để chất vấn về thông tin mà anh Tùng đăng trên tài khoản mạng xã hội liên quan dịch bệnh coronavirus. Đến ngày 30/1, anh Tùng bị phạt hành chính 15 triệu về cáo buộc tung tin hai người Trung Quốc nhiễm virus Corona phải điều trị ở Bệnh viên Lê Lợi, thành phố Vũng Tàu.

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, Luật sư Đặng Đình Mạnh cho rằng những biện pháp mà phía công an thực hiện đối với những facebooker vừa nêu là không đúng luật:

“Thật ra việc người dân có ý kiến về bệnh dịch Corona thì rất có thể họ nói quá sự thật nhưng điều đó xét về phương diện pháp lý thì không có gì sai đến mức độ bị chế tài hoặc bị bắt giữ. Còn về phương diện xã hội thì với bệnh dịch nguy hiểm như Corona có thể gây chết người, ảnh hưởng đến rất nhiều mặt đối với một quốc gia, xã hội thì nếu có việc nói khống, nói quá lên thật ra mang yếu tố rất tích cực, giúp người dân để tâm, để ý sâu sắc hơn đối với bệnh dịch này. Sự để tâm của họ có thể giúp cho số đông người dân sa vào hoàn cảnh mà họ lây nhiễm và vô tình không biết.”

Còn Nhà báo tự do Ngô Nhật Đăng lại cho rằng đây là một kịch bản được chính phủ Hà Nội đưa ra đưa ra để cảnh cáo người khác vì hiện nay trên mạng xã hội lan tràn tin có tính chất nghiêm trọng hơn rất nhiều nhưng những người đăng tải vẫn không bị chính quyền đụng đến.

Viết trên Facebook cá nhân, bà Phạm Đoan Trang – cựu phóng viên báo Pháp luật, hiện đang làm Biên tập Luật Khoa tạp chí đưa ra nghi vấn khi gần như tất cả những người bị bắt đều có chung phản ứng theo công thức:

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thông báo có thể toàn dân VN phải đeo khẩu trang để phòng dịch nCoV (hình minh họa)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thông báo có thể toàn dân VN phải đeo khẩu trang để phòng dịch nCoV (hình minh họa)
AFP

“Quá trình điều tra, biết việc làm của mình là không đúng nên đã lập tức xóa bài trên mạng, đồng thời xin lỗi những người bạn trên mạng vì thông tin thất thiệt do mình đưa ra”.

Theo bà Đoan Trang, đây là văn phong của công an khi trả lời phỏng vấn và đã được báo trong nước đưa nguyên nội dung vào bài.

Với kinh nghiệm bản thân, nhà báo Ngô Nhật Đăng cho rằng việc ‘thú tội’ này nằm trong một kịch bản hoàn toàn quen thuộc:

“Đối với những người bất đồng chính kiến hoặc những người làm việc với công an trên đồn công an, cả bản thân tôi cũng đã trải qua, họ dùng những thủ thuật lấy cung, ép cung, có thể không tra tấn nhưng bằng những hình thức khác như không cho nghỉ ngơi, bằng những câu hỏi làm mình không còn sự tỉnh táo và sẵn sàng chấp nhận hết tất cả những điều họ viết như nhận tội, xin lỗi, cải chính thông tin, thậm chí có những người tù lương tâm phải lên tivi nhận tội. Người ta bị ép buộc trong tình trạng tâm lý không bình thường, theo tôi những người tuyên bố trong đồn công an với áp lực như thế đều không có giá trị.”

Phát biểu, trao đổi với báo chí trong nước, các lãnh đạo nhà nước Việt Nam thường xuyên kêu gọi người dân nên cẩn thận thông tin từ thế lực thù địch, phản động như trong công điện Bộ Công an gửi Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được báo Vietnamnet trích dẫn:

“Lợi dụng diễn biến phức tạp của dịch bệnh, một số đối tượng phản động, chống đối trong và ngoài nước đã đăng tải, phát tán lên không gian mạng các thông tin không đúng sự thật, xuyên tạc tình hình liên quan đến dịch bệnh tại Việt Nam, gây hoang mang trong dư luận người dân; tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh, trật tự.”

Nhiều người bày tỏ thắc mắc, tại sao các vị lãnh đạo không chỉ đơn thuần nhắc nhở người dân cẩn thận trước những thông tin giả về dịch bệnh do virus Corona gây ra mà phải nhắc đến thế lực thù địch, phản động?

Nhận xét về hành động này của những người đứng đầu bộ máy nhà nước, Luật sư Đặng Đình Mạnh cho rằng chính quyền đang đặt lệch chức năng quản lý, xây dựng nhà nước của mình:

“Dường như những quan chức phát biểu như vậy họ chỉ nghĩ đến khía cạnh chính trị hơn sự an toàn cho người dân. Với bệnh dịch nguy hiểm như vậy lẽ ra nên có những khuyến cáo cho người dân về việc phòng tránh hoặc có những chính sách để bảo đảm an toàn sức khỏe người dân hơn là đi nhăm nhăm nhằm chế tài, hạn chế người dân nói về bệnh dịch.”

Dưới góc nhìn cá nhân, Nhà báo Ngô Nhật Đăng nhận định đây là thái độ không thể chấp nhận được trong lúc này. Ông giải thích:

Chính sự bưng bít thông tin đó mới làm cho virus lan truyền rộng rãi và qua mất ‘thời gian vàng’ để dập tắt dịch bệnh. Đáng lẽ chính phủ Việt Nam phải nhìn thấy đó là bài học và có những thông tin kịp thời, thật sự minh bạch về dịch bệnh. - Ngô Nhật Đăng

“Có bài học ngay ở Trung Quốc, một chế độ nổi tiếng về bưng bít thông tin thời gian gần đây cũng phải công bố những thông tin kể cả từ người dân, nhà báo độc lập và cả trên mạng xã hội. Ta thấy rằng chính sự bưng bít thông tin đó mới làm cho virus lan truyền rộng rãi và qua mất ‘thời gian vàng’ để dập tắt dịch bệnh. Đáng lẽ chính phủ Việt Nam phải nhìn thấy đó là bài học và có những thông tin kịp thời, thật sự minh bạch về dịch bệnh. Ở Việt Nam cơ sở hạ tầng y tế rất kém, các bệnh viện khi chưa có dịch bệnh bùng phát đã quá tải 2, 3 người bệnh một giường, nếu không có thông tin minh bạch, thậm chí có thể nguy cơ lây lan trong thực tế phải cảnh báo người dân cảnh giác và có biện pháp phòng ngừa nhưng đây lại ngược lại. Họ chính trị hóa tất cả mọi vấn đề trong xã hội hoặc tất cả những gì họ nghĩ rằng ảnh hưởng tới quyền lực của họ thì họ coi đấy là những thế lực thù địch.”

Tuy nhiên, nhà báo Ngô Nhật Đăng cũng đưa ra một nhận xét về mặt tích cực khi truyền thông trong nước vào ngày 30/1 loan tải thông tin cho biết Việt Nam xác nhận có thêm 3 bệnh nhân nhiễm virus Corona.

Trong đó, 1 người Thanh Hóa đang điều trị ở bệnh viện địa phương, 2 người ở khu vực Đông Anh (Hà Nội) đang điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương.

Như vậy, cộng với 2 trường hợp người Trung Quốc xác nhận nhiễm virus nCoV trước đó, Việt Nam tính đến nay có tổng cộng 5 trường hợp dương tính với virus Corona. Trong số này 1 trường hợp đã được chữa khỏi.

Hiện dịch nCoV đã xuất hiện ở 18 quốc gia với tổng số người mắc tăng mỗi ngày lên đến 7.819 người. Được biết, dịch nCoV có khả năng lây lan nhanh và chưa có vaccine cũng như thuốc điều trị. Do đó, theo thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, có thể sắp tới toàn dân Việt Nam phải đeo khẩu trang để phòng bệnh.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.