Công an xã bắn dân không khởi tố hình sự vì “sự kiện bất ngờ”?

RFA
2020.05.29
3c6f45e8-1085-4ba8-9b62-fee9148647d4 Ảnh minh họa. Công an Việt Nam thử súng.
AFP

Không khởi tố vì nổ súng là “sự kiện bất ngờ”

Báo mạng Thanh Niên, vào hôm 20/5 dẫn lời của anh Trần Quốc Công cho biết Thượng tá Đặng Hoàng Huynh, Phó thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Công an tỉnh Long An vừa gửi thông báo với nội dung là không khởi tố hình sự đối với Thiếu tá Đặng Văn Em, Trưởng Công an xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh.

Hồi tháng 10/2019, anh Trần Quốc Công và Luật sư Nguyễn Văn Hòa đã gửi đơn tố cáo đến Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh Long An về vụ việc Thiếu tá Đặng Văn Em, sau khuya mùng 3, sáng mùng 4 tháng 10 đã bắn thủng bụng anh Công. Đơn tố cáo của anh Trần Quốc Công yêu cầu Công an tỉnh Long An điều tra và khởi tố hình sự vì anh Công bị bắn thương tích 14%.

Vào thời điểm anh Trần Quốc Công được chuyển tiếp đến Bệnh Viện Chợ Rẫy, ở Sài Gòn để mổ và điều trị vết thương sau khi xảy ra vụ việc, anh Công thuật lại rằng anh cùng một người khác tên Toàn đi soi chuột trên một chiếc vỏ lãi tầm 12 giờ khuya. Khi đang chạy trên kinh 750 quẹo về hướng kinh 79 thì có một chiếc vỏ lãi khác cũng có các dụng cụ đi soi chuột, chích cá giống như của anh chạy theo.

Anh Công khẳng định không biết chiếc vỏ lãi chạy theo là của công an và anh cho rằng những người đi soi chuột, chích cá giống anh muốn gây sự do có thể có hiềm khích.

Anh Công mô tả chi tiết lúc chiếc vỏ lãi của anh dừng lại trước nhà dân thì bất thình lình bị người đàn ông trên chiếc vỏ lãi chạy theo cầm vợt cá đánh vào đầu. Cả anh Công và anh Toàn phản xạ bằng cách cầm dầm đưa lên đầu đỡ. Sau đó, người đàn ông mặc áo khoác đã đánh anh Công và anh Toàn bất thình lình rút súng ra. Anh Công trình bày về thời khắc xảy ra nổ súng:

“Mình là dân thì thấy súng là sợ lắm rồi. Rồi em giơ tay thẳng đứng lên, mình đầu hàng vô điều kiện đó. Thật sự thấy súng là mình sợ rồi. Sau đó thì mũi của vỏ lãi bên kia tới ngay mũi vỏ lãi của tôi và bắn một cái đùng vô mũi vỏ lãi. Tôi thấy sợ quá nên mới ngồi xuống và tôi ôm tay vô bụng. Anh cầm súng lúc đó tiến sát gần vỏ lãi và chĩa súng bắn thẳng vào bụng trổ viên đạn ra sau lưng. Khi đó tôi bị văng xuống sông. Rồi tui lòm còm bò lên và nói rằng ‘Mấy anh bắn trúng tôi rồi. Bây giờ các anh phải đem tôi đi nhà thương, chứ không tôi mất máu tôi chết’. Tôi vừa bò và vừa nói như vậy. Nhưng người cầm cây súng bắn tôi đã xô cái vỏ lãi ra và chạy vỏ lãi bỏ đi.”

Trưởng công xã không có lỗi vì trong luật còn có ‘sự kiện bất ngờ’. Hành vi vi phạm ở đây, tôi nghĩ rằng có hành vi vi phạm theo nguyên tắc sử dụng vũ khí quân dụng. Sự kiện bất ngờ xảy đến thì không cấu thành tội gây thương tích cho người khác trong khi thi hành công vụ. Việt Nam có một luật gọi là ‘Luật quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ’, trong đó mà không gây hậu quả thì không cấu thành tội phạm mà chỉ xử lý về mặt hành chính thôi. Cho nên có lẽ người công an đó phải bị kiểm điểm và xử lý theo quy định
-Luật sư Nguyễn Văn Hậu

Về phía Chính quyền huyện Tân Thạnh, ông Chủ tịch Trần Văn Thước vào trung tuần tháng 10/2019 xác nhận với truyền thông quốc nội rằng người bắn anh Trần Văn Công là ông Đặng Văn Em, Trưởng Công an xã Nhơn Hòa Lập. Chủ tịch huyện Tân Thạnh cho biết theo báo cáo thì lực lượng tuần tra đã phát hiện hai người dùng vỏ lãi, bình sung điện đánh bắt thủy hải sản nên yêu cầu dừng lại kiểm tra. Do không chấp hành mà bỏ chạy nên trong quá trình truy đuổi, Trưởng Công an xã là ông Đặng Văn Em đã bắn nhiều phát chỉ thiên cảnh cáo và sau đó khi áp sát được vỏ lãi của anh Công thì đã bắn trúng bụng.

Anh Trần Quốc Công nói với Báo mạng Thanh Niên về thông báo anh vừa nhận được thì Thượng tá Đặng Hoàng Huynh cho biết việc nổ súng trúng bụng anh Công là “sự kiện bất ngờ”.

Vụ việc được ghi lại trong thông báo là tổ công tác tuần tra trên sông của Thiếu tá Đặng Văn Em gồm 4 người và khi phát hiện xuồng máy của anh Công chạy phía trước trên tuyến kinh 750 thì đã yêu cầu dừng lại kiểm tra. Đến khu vực xã Bắc Hòa, xuồng máy tổ công tác đuổi kịp xuồng máy của anh Công. Lúc này, Thiếu tá Đặng Văn Em hai tay bồng khẩu súng quân dụng AK hướng về phía xuồng của hai anh Công và Toàn đang ngồi. Nhưng anh Công cầm cây dầm bằng gỗ quơ một cái từ phải sang trái nên trúng ốp lót tay bên súng AK. Từ đó làm nòng súng di chuyển ngang người anh Công, ngón tay trỏ bàn tay phải của Trưởng công an xã-Thiếu tá Đặng Văn Em chạm vào cò gây nổ súng trúng vùng bụng anh Công.

Anh Công nói với Báo mạng Thanh Niên trong văn bản nêu rõ mặc dù kết quả giám định tỉ lệ thương tật của anh Công là 14%, nhưng không khởi tố hình sự vì hành vi của Thiếu tá Đặng Văn Em đã vi phạm nguyên tắc sử dụng vũ khí quân dụng, Luật quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ… nhưng không gây ra hậu quả, không cấu thành tội phạm, mà chỉ là vi phạm hành chính.

Chúng tôi nêu vấn đề với Luật sư Nguyễn Văn Hậu và được ông xác nhận theo quy định trong Điều 134 Bộ luật Hình sự hiện hành, về tội “Cố ý gây thương tích hay gây tổn hại sức khỏe cho người khác” mà về mặt tỉ lệ tổn thương từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một số các trường hợp (theo quy định cụ thể trong luật) thì cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Tuy nhiên, lý do phía Công an tỉnh Long An nêu ra trong thông báo như anh Công trình bày thì không sai luật. Luật sư Nguyễn Văn Hậu giải thích:

“Trưởng công xã không có lỗi vì trong luật còn có ‘sự kiện bất ngờ’. Hành vi vi phạm ở đây, tôi nghĩ rằng có hành vi vi phạm theo nguyên tắc sử dụng vũ khí quân dụng. Sự kiện bất ngờ xảy đến thì không cấu thành tội gây thương tích cho người khác trong khi thi hành công vụ. Việt Nam có một luật gọi là ‘Luật quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ’, trong đó mà không gây hậu quả thì không cấu thành tội phạm mà chỉ xử lý về mặt hành chính thôi. Cho nên có lẽ người công an đó phải bị kiểm điểm và xử lý theo quy định.”

Anh Trần Quốc Công chỉ vào chỗ bị công an bắn khi kể lại vụ việc xảy ra sau khuya mùng 3 sáng mùng 4/10/19.
Anh Trần Quốc Công chỉ vào chỗ bị công an bắn khi kể lại vụ việc xảy ra sau khuya mùng 3 sáng mùng 4/10/19.
Courtesy: Ảnh chụp màn hình video citizen
Cố ý hay vô tình vi phạm?

Về việc anh Công bị bắn rơi xuống nước và tổ công tác của Công an xã Nhơn Hòa Lập bỏ đi được giải thích trong thông báo rằng vì chưa xảy ra chết người nên Thiếu tá Đặng Văn Em và nhân viên dưới quyền không cấu thành tội “không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng”.

Anh Trần Quốc Công khẳng định với Báo mạng Thanh Niên Online rằng không có việc anh quơ cây dầm trúng báng súng để cướp cò và công an dựng lại hiện trường đã không đúng phương tiện cũng như không đúng vị trí giữa hai xuồng máy.

Đài RFA vào ngày 29/5 liên lạc với Công an tỉnh Long An để hỏi về thông tin nội dung thông báo mà anh Trần Quốc Công chia sẻ với báo giới trong nước. Tuy nhiên, chúng tôi đã không thể kết nối qua điện thoại được.

Trong cùng 29/5, Đài RFA cũng liên lạc với Luật sư Nguyễn Văn Hòa, người đại diện pháp lý cho anh Trần Quốc Công, và được ông cho biết đã hoàn tất đơn khiếu nại và chuẩn bị gửi đến Bộ Công an và Viện KSND tỉnh Long An. Luật sư Nguyễn Văn Hòa nói với RFA rằng mọi lời khai của Trưởng Công an xã-Thiếu tá Đặng Văn Em đổ lỗi cho anh Công chống người thi hành công vụ là vu khống. Luật sư Nguyễn Văn Hòa nhấn mạnh:

“Giải trình đó không thể chấp nhận được. Tại vì nếu ông không có ý định bắn người thế thì tại sao ông để ngón tay vào nòng cò (cò súng) khi súng đã lên đạn rồi. Tôi lý luận lại rằng hai tay cầm bồng súng, một tay để trong nòng cò là có ý định bắn người. Nếu không có ý định bắn người, tại sao để tay vào nòng cò (cò súng) và để súng bị bóp cò?”

Tôi nghĩ là anh là nhân viên công lực Nhà nước và là người sử dụng vũ khí quân dụng trong lúc thi hành nhiệm vụ. Dù là vô tình hay cố ý mà anh đã gây ra một tai nạn thì anh phải có trách nhiệm, chứ không thể bỏ đi được. Anh bỏ đi tức là anh cố tình trốn khỏi hiện trường nơi xảy ra tai nạn. Lẽ ra anh phải dừng lại để lập biên bản và cấp cứu nạn nhân. Hành động đấy, nói về đạo đức, thì anh đã vi phạm 6 điều lời dạy của Bác Hồ đối với công an nhân dân. Tôi nghĩ rằng nói về đạo đức là đã làm sai. Đấy không phải ‘kính trọng, lễ phép với nhân dân’ nữa mà còn bỏ mặc nhân dân trong lúc tai nạn
-Trung tá-Bác sĩ Đĩnh Đức Long

Trung tá quân đội-Bác sĩ Đinh Đức Long cũng lên tiếng với RFA rằng vụ việc này về mặt pháp luật chưa phân định rõ ràng ai đúng ai sai như thế nào chăng nữa, tuy nhiên về mặt đạo đức thì Trưởng Công an-Thiếu tá Đặng Văn Em sai khi bỏ mặc người dân bị bắn rơi xuống nước như vậy.

“Tôi nghĩ là anh là nhân viên công lực Nhà nước và là người sử dụng vũ khí quân dụng trong lúc thi hành nhiệm vụ. Dù là vô tình hay cố ý mà anh đã gây ra một tai nạn thì anh phải có trách nhiệm, chứ không thể bỏ đi được. Anh bỏ đi tức là anh cố tình trốn khỏi hiện trường nơi xảy ra tai nạn. Lẽ ra anh phải dừng lại để lập biên bản và cấp cứu nạn nhân. Hành động đấy, nói về đạo đức, thì anh đã vi phạm 6 điều lời dạy của Bác Hồ đối với công an nhân dân. Tôi nghĩ rằng nói về đạo đức là đã làm sai. Đấy không phải ‘kính trọng, lễ phép với nhân dân’ nữa mà còn bỏ mặc nhân dân trong lúc tai nạn.”

Luật sư Nguyễn Văn Hậu nói với RFA rằng anh Trần Quốc Công có quyền khiếu nại và Bộ Công an cùng Viện KSND tỉnh Long An sẽ suy xét lại toàn bộ vụ việc đến nơi đến chốn cũng như sẽ xử lý đúng pháp luật. Bởi vì qua vụ việc này cần sự minh bạch thông tin để người dân Việt Nam an tâm về cách hành xử đúng luật của lực lượng công an.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.