Dân oan – Những con giun không ngừng bị giày xéo

Do những sai sót, thiếu minh bạch trong quá trình giải phóng mặt bằng, thu hồi đất của các dự án trải dài từ Nam ra Bắc đã đẩy ngày càng nhiều người dân vào con đường trở thành “dân oan khiếu kiện”.
Khánh An, phóng viên RFA
2012.11.01
trnsi-305.jpg Một trong sáu nông dân ở xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên bị 20 người mặc thường phục ập đến tấn công hôm 12-07-2012.
Citizen photo

Đã vậy, những người dân đã mất đất mất nhà trong thời gian gõ cửa tìm công lý vẫn liên tục bị ức hiếp khiến nhiều người không còn chút lòng tin vào đội ngũ lãnh đạo đất nước.

Truy quét, đánh đuổi

Thời gian gần đây, mỗi khi có các sự kiện quan trọng diễn ra ở thủ đô Hà là người ta thấy xuất hiện những nhóm dân oan khiếu kiện. Tiếp đó là màn truy quét, đánh đuổi và đôi lúc giật cướp đồ của lực lượng chức năng đối với những người dân khốn khổ cùng đường.

Những ngày Quốc hội vừa qua cũng thế, trên các trang thông tin mạng liên tục xuất hiện “tin nóng” rất ngắn gọn kèm theo hình ảnh của những nhóm dân oan từ nhiều tỉnh thành với các dải băng rôn đòi hỏi quyền lợi tập trung ở khu vực mà các đại biểu đang nghị hội.


Nó dự định là vô lôi em ra đường, nhấn xuống nước, nó còng tay trói ra sau lưng, đè đầu mình xuống xình, uống nước xình, nước thúi luôn đó chị.

Chị Thắm

Tất cả những diễn biến có tính chu kỳ trên đương nhiên luôn được các lực lượng chức năng lưu tâm và lên kế hoạch đối phó. Bởi thế mà thường trước và trong những ngày các lãnh đạo nghị triều cũng chính là những ngày dân oan khiếu kiện phải chạy như chạy bão vì bị đánh đuổi khỏi nơi cư trú quen thuộc là vườn hoa Mai Xuân Thưởng.

Bà Phan Ánh Ngọc, 65 tuổi, một người dân oan đến từ tỉnh Bình Phước cho biết bà đã từng bị công an đến cắt võng khiến bà rớt xuống đất, giật lấy tấm bạt che, xoong nồi và thức ăn của bà trong một đêm mưa bão, còn lúc tập trung đi khiếu kiện mà bị đánh đuổi là chuyện đương nhiên. Bà Ngọc cho biết bà vốn là một thương binh mà cũng không được nương tay:

“Tui bị thương đầu, mình mẩy tan nát hết trơn, 27 năm đánh giặc mà, đâu có còn nguyên vẹn. Gia đình tui liệt sĩ hết, còn có một mình tui, bây giờ mấy ổng cứ thoải mái cướp thôi. Tui là bộ đội, đánh giặc 27 năm, nay Đảng đền ơn tui là thế đấy. Đưa đơn thì nó không cho vô, mà nếu ấy là nó cho người đánh, cướp của tụi tui, kể cả tui là thương binh mà nó vẫn đuổi trong cơn mưa đến nỗi tui bị xỉu.”

Hàng ngàn công an, cảnh sát cơ động, bộ đội được huy động đến xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên hôm 24-04-2012 để cưỡng chế 70 hecta đất xây dựng khu đô thị Ecopark. Citizen photo.
Hàng ngàn công an, cảnh sát cơ động, bộ đội được huy động đến xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên hôm 24-04-2012 để cưỡng chế 70 hecta đất xây dựng khu đô thị Ecopark. Citizen photo.
Bà Ngọc may mắn được các thầy chùa Bồ Đề cứu và cho tá túc trong lúc bệnh tật. Bà cho biết những người dân oan khác muốn tụ tập trước trụ sở họp Quốc hội để kêu cứu cũng đã bị đánh đuổi đi, phải chạy xuống khu vực bờ sông cạnh chùa Bồ Đề để lánh nạn tạm thời.

Bỗng dưng trở thành “dân oan”

Trên thực tế hiện nay cho thấy ngày càng nhiều người dân bỗng dưng trở thành “dân oan” vì những bất hợp lý, thiếu minh bạch trong quy định và thực tế thi hành việc trưng dụng đất dẫn đến cưỡng chế lấy đất.

Trường hợp của gia đình chị Cao Hồng Thắm ở Cần Thơ là một ví dụ điển hình. Chị cho biết quy định của chính phủ đưa ra lúc đầu trong việc thu hồi đất làm đường là 34 met. Tuy nhiên sau đó chính quyền địa phương lại thông báo lấy 40 met và bây giờ là đòi lấy hết căn nhà của chị. Chị Thắm kể:

“Lộ là làm 34m chính phủ đưa ra, mà bây giờ nó đòi lấy 40m, rồi lấy trắng luôn. Cưỡng chế mà mới đưa tờ giấy thông báo cưỡng chế vào ngày 16 hay gì đó, mời em mới lên họp có một lần. Nó nói là 40m, em nói “Bây giờ dân ở đây ngu dốt, nếu 40m thì phải đưa lệnh của chính phủ ra đi, rồi dân người ta sẽ dỡ theo 40m.”

Thế nhưng yêu cầu đơn giản của chị Thắm đã chỉ được đáp ứng bằng đội quân hùng hậu gồm công an, cảnh sát cơ động… xông thẳng vào nhà chị đúng vào ngày quốc tế Phụ nữ. Chị kể:


Gia đình tui liệt sĩ hết, còn có một mình tui, bây giờ mấy ổng cứ thoải mái cướp thôi. Tui là bộ đội, đánh giặc 27 năm, nay Đảng đền ơn tui là thế đấy.

Bà Ngọc

“Cưỡng ngay trong ngày 20/10. Nhà không ai nói cho người này người kia nghe tại vì không ai nghĩ là nó dám cưỡng chế trong ngày 20/10 hết, vì ngày 20/10 là ngày Phụ nữ mà làm sao lại cưỡng chế nhà của phụ nữ được?! Ức ói luôn! Mẹ già em bảy mươi mấy tuổi mà nó xịt khói cay đầy nhà mà không cứu mẹ em để cho mẹ em bất tỉnh.”

Chị Thắm cho biết cả nhà chị gồm mẹ, một anh bị tâm thần và đứa em đều phải đi bệnh viện sau trận cưỡng chế của lực lượng chức năng mà chị mô tả là còn “tàn ác hơn là chiến tranh ngày xưa”:

“Nó dự định là vô lôi em ra đường, nhấn xuống nước, nó còng tay trói ra sau lưng, đè đầu mình xuống xình, uống nước xình, nước thúi luôn đó chị. Tại vì phía trước nhà em nó có tính toán sẵn, nó móc một cái hố để cho bà con vô cứu không được. Hình sự, lính, công an đầy đường hết trơn, nó không cho dân vô, nếu vô cũng không cứu được. Người ta muốn vô cũng không được.”

Con đường chung của những người dân oan mất đất là kéo nhau ra Hà Nội, tìm đến các lãnh đạo cấp cao với ước mong gặp được “Bao Thanh Thiên” giữa đời thường. Với những người dân khốn khổ này, ước mơ của họ cũng hồn nhiên như hành động khi bị cưỡng chế. Chị Cao Hồng Thắm nói tiếp:

“Nhà em với dân ở đó oan ức quá đi. Oan ức quá nên mới đi tìm “Bao Thanh Thiên”, đi lên TPHCM, ra Trung ương tìm những ông phó thanh tra, tổng thanh tra gì đó để vô đây minh oan cho. Dân người ta khóc luôn, nghĩ là mình ôm ảnh Bác Hồ, treo cờ Bác Hồ, mình cầu cứu ngày 20/10… vẫn là vô dụng luôn!”

Thực tế của chuyện giải quyết khiếu kiện đã khiến cho đa số người dân oan mất hoàn toàn lòng tin đối với đội ngũ lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Chị Nguyệt, dân oan Cần Thơ, bức xúc nói:

“Ông Phan Văn Khải ra quyết định bồi thường và nói là ổng thu hồi đất của dân không mất một cọng cỏ. Nhưng mà chị nói thiệt, không có mất cỏ nhưng mà mất đất của dân, cướp nhà của dân, chứ cỏ thì không có mất! Bởi vậy bây giờ mà Cộng Sản nói là dứt khoát chị không nghe, từ thằng lớn tới thằng nhỏ, chị không nghe thằng nào hết. Chị muốn nói với em rằng thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói là “xin lỗi dân”, cướp của của dân là trả cho dân chứ không có xin lỗi gì hết trơn. Mình là thằng cướp rồi, là tổ chức cướp rồi thì bây giờ không xin lỗi gì hết, cướp của người ta thì phải trả cho người ta.”

Những bức xúc của chị Nguyệt cũng là bức xúc của hàng ngàn người dân oan trên khắp đất nước ngày đêm đi bới rác, bán vé số để kiếm sống, Họ lấy đất làm giường, lấy trời làm màn để mong một ngày thấy được công lý. Có lẽ đối với họ, người lãnh đạo xứng đáng chỉ đơn giản là hãy trả lại những gì đã lấy của người khác.

 

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.