Lãnh đạo báo chí phải chịu trách nhiệm về hoạt động của phóng viên: thực tiễn và tính khả thi!

RFA
2020.08.06
   Hình minh hoạ. Một sạp báo ở Hà Nội
AFP

Chỉ trong khoảng thời gian vào cuối tháng 7, có đến 5 nhà báo tại Việt Nam bị bắt giữ với cáo buộc có hành vi tống tiền, cưỡng đoạt số tiền lớn của các doanh nghiệp.

Cụ thể, hai phóng viên của Tạp chí Tài chính Doanh nghiệp là Phạm Văn Ân và Lê Doãn Tài vào ngày 20/7 đã bị Công an tỉnh Thanh Hóa khởi tố và bắt tạm giam về tội cưỡng đoạt tài sản liên quan đến vụ án tống tiền 5 tỷ đồng Phó Chủ tịch huyện Tĩnh Gia, nay là Thị xã Nghi Sơn.

Đến ngày 25/7, ông Trần Trọng Lâm, 44 tuổi,Phó trưởng ban Xã hội - Bạn đọc của Báo Sức Khỏe và Đời sống đã bị Công an tỉnh Bắc Giang phối hợp với Công an Hà Nội bắt giữ khi đang nhận 210 triệu đồng từ một cổ đông của Phòng khám đa khoa Kinh đô tại thành phố Bắc Giang.

Theo đó, ông Lâm khai đã đe dọa các cổ đông Phòng khám Đa khoa Kinh Đô chuyển tiền để bỏ qua sai phạm, nếu không thì sẽ viết bài đăng báo.

Vụ án này còn có sự tham gia của hai nữ nhà báo khác hiện cũng bị bắt giữ là Trần Tuyết Nhung, nguyên phóng viên Tạp chí Môi trường và Sức khỏe, nguyên phóng viên tập sự Tạp chí Môi trường và Đô thị; và Bùi Thị Xuân, phóng viên Tạp chí Môi trường và Sức khỏe.

Trả lời phỏng vấn của báo VietNamNet ngày 6/8 về những sai phạm vừa nêu trong ngành báo chí, ông Phan Hữu Minh, Trưởng Ban Kiểm tra thuộc Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng có không ít những tờ báo, tạp chí phải tự trang trải kinh phí. Vì vậy, nhiều tờ báo, tạp chí thiên lệch trong quá trình hoạt động, tập trung vào làm kinh tế nhiều hơn là làm báo.

Ngoài ra, hầu hết những người này không phải là những hội viên hay nhà báo được đào tạo trong nghề, chủ yếu là những người đến làm hợp đồng để với mục đích làm kinh tế.

Bên cạnh đó, ông Minh cũng nhận định rằng so với hoạt động báo chí hàng ngày của 25.000 người làm báo thì tỷ lệ những người bị bắt do tống tiền không lớn. Đồng thời ông Phan Hữu Minh cho rằng lãnh đạo báo chí phải chịu trách nhiệm về hoạt động của phóng viên.

Chúng tôi có liên lạc với ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí để hỏi về vấn đề này, nhưng nhận được trả lời:

“Không nghe rõ, nhắn đi”

Tuy nhiên, ông Phúc vẫn chưa phản hồi gì cả bằng tin nhắn hay email.

Trao đổi với RFA tối 6/8, nhà báo độc lập Ngô Nhật Đăng cho hay nếu ai có một chút hiểu biết về báo chí ở Việt Nam, nhất là những tờ báo có nhiều người đọc, có thế lực và kể cả doanh nghiệp thì không lạ gì chuyện báo chí tống tiền doanh nghiệp. Tuy nhiên đây chỉ là những quy luật bất thành văn cũng như hoạt động ngầm, trừ khi bị tố cáo, nếu không rất khó bị phát hiện.

Với ý kiến của Trưởng Ban Kiểm tra đưa ra cho rằng lãnh đạo báo chí phải chịu trách nhiệm về hoạt động của phóng viên, nhà báo Ngô Nhật Đăng cho rằng đây là chuyện không dễ:

“Những chuyện đó chúng ta đều thấy nhưng tính khả thi của nó thì tôi nghĩ rất khó. Có thể là xử lý trong nội bộ báo chí không phải báo chí tư nhân, báo chí độc lập, báo chí hoạt động theo định hướng. Chuyện xử lý hay không thì lại từ bên trên nên tôi cho rằng việc đó không khả thi so với thực trạng hiện tại của báo chí Việt Nam bây giờ.”

Bên cạnh đó, nhà báo Ngô Nhật Đăng cũng giải thích rõ về nhiệm vụ người cầm bút cũng như lãnh đạo tòa soạn:

Một sạp bán báo ở Hà Nội, ảnh minh họa chụp trước đây.
Một sạp bán báo ở Hà Nội, ảnh minh họa chụp trước đây.
AFP

“Theo nhận thức nhà báo thì tất nhiên phóng viên làm nghề đầu tiên phải chịu trách nhiệm điều mình viết ra. Sau đó in ra tờ báo có phát hành hay không là chủ yếu là tổng biên tập, tất nhiên tổng biên tập phải chịu trách nhiệm bài báo của phóng viên. Theo tôi hiểu biên tập là người được quy định bảo vệ cho phóng viên của mình.”

Theo nhà báo độc lập Nguyễn Vũ Bình, từng làm cho Tạp chí Cộng sản, nếu lãnh đạo phải chịu trách nhiệm cho hành động của các phóng viên thuộc cấp thì không khả thi lắm. Ông giải thích:

“Nếu trường hợp lãnh đạo bên báo chí đó không được lòng cấp quản lý như Ban Tuyên giáo hay Bộ Văn hóa – Thông tin thì không nói. Còn bình thường thì thực thi liên đới trách nhiệm rất khó. Về văn bản, nguyên tắc thì vẫn có liên đới trách nhiệm giữa cấp dưới, nhân viên của tờ báo với tổng biên tập nhưng trong thực tế rất khó. Bởi vì mỗi một nhà báo lại có tư cách độc lập của họ nên cái liên đới, ảnh hưởng có tính chất gián tiếp. Nếu việc làm của nhà báo đó tiêu cực mà được sự lãnh đạo của đơn vị báo chí đó như tổng biên tập, phó tổng biên tập hoặc ban biên tập thì họ sẽ liên đới chịu trách nhiệm. Nhưng nếu phóng viên đó độc lập tác chiến, tức làm việc độc lập thì (ban biên tập) chịu trách nhiệm gián tiếp. Đó là nguyên tắc chung trong quản lý điều hành.”

Vẫn theo nhà báo Nguyễn Vũ Bình, những tiêu cực về việc tống tiền, cưỡng đoạt tiền từ các doanh nghiệp chỉ là phần nổi trong tình hình ngành báo chí hiện nay, còn những mặt trái khác mà chỉ người trong ngành mới nhìn ra. Ông nói rõ:

“Thực trạng báo chí hiện nay vẫn như trước đây là các đơn vị tuyên truyền của đảng. Tôi không gọi đó là báo chí mà gọi là tờ tuyên truyền khổ lớn, còn các nhà báo thì gọi là tuyên truyền viên. Thực tế là vậy. còn những tờ báo thực chất là công cụ của đảng để tuyên truyền đường lối chính sách, bảo vệ quan điểm đường lối… Nếu như trong thời buổi không gian mạng mở rộng như bây giờ mà các nhà báo dung cảm lên tiếng thì người ta sẽ thay đổi được thân phận. Nhưng hầu như rất ít, có nhưng ít những nhà báo lên tiếng trung thực, khách quan và độc lập. Có trường hợp là những vụ án cụ thể thí dụ như vụ Hồ Duy Hải, vụ nọ vụ kia cụ thể thì những nhà báo có lên tiếng, nhưng không quan trọng lắm. Cái chính là quan điểm chung, tinh thần chung của báo chí tự do thì người ta không phấn đấu để đạt được điều đó. Nên gọi là nhà báo thì rất khiên cưỡng, chỉ gọi chung vậy thôi chứ không có ý nghĩa của nhà báo.”

Đồng quan điểm vừa nêu, nhà báo Ngô Nhật Đăng ví báo chí nhà nước hiện nay như phiên chợ chiều. Cụ thể, ông đưa ra dẫn chứng cho thấy những tờ báo ngày xưa lượng người đọc khủng khiếp như tờ Tuổi trẻ, có ngày in hơn cả triệu bản, nhưng giờ chỉ có từ vài ngàn đến vài chục ngàn.

“Việc đó cũng cho thấy báo chí ngày càng mất sự thu hút của người dân với tin tức, không có sự nhạy bén. Thứ hai nữa là ngôn ngữ mà cách người làm báo giật tít rất coi thường người đọc. Tôi cho là rất vô văn hóa, không xứng đáng với hai từ thiêng liêng nhà báo. Đó là tình trạng báo chí Việt Nam đang làm xấu chữ báo chí đi.”

Chính phủ Hà Nội vào giữa tháng 6 vừa qua đã khai trương Bảo tàng Báo chí Việt Nam; trong đó có những câu chuyện về công cuộc đấu tranh cho tự do báo chí dưới thời Pháp thuộc. Mục đích được nói nhằm tôn vinh nền báo chí ‘cách mạng Việt Nam’. Thế nhưng hiện nay các tổ chức quốc tế theo dõi tự do báo chí liên tục xếp Việt Nam vào danh sách các nước có nền tự do báo chí bị đàn áp.

Trong bảng xếp hạng mới nhất của Tổ chức Phóng viên không biên giới về tự do báo chí, Việt Nam vào năm 2020 vẫn bị xếp hạng 175/180, tức nằm trong nhóm cuối bảng.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.