Kết quả phiên tòa xét xử 12 người chống cưỡng chế đất ở Long An

Gia Minh, biên tập viên RFA, Bangkok
2015.09.16
Do bị CA chặn đường không thể về Thạnh Hóa (Long An) tham dự phiên tòa, chị Trần Ngọc Anh cùng nhiều dân oan khác đã bất ngờ xuất hiện tại trung tâm Sài Gòn để tuần hành và giơ cao những biểu ngữ đòi trả tự do cho 12 Dân Oan Do bị CA chặn đường không thể về Thạnh Hóa (Long An) tham dự phiên tòa, chị Trần Ngọc Anh cùng nhiều dân oan khác đã bất ngờ xuất hiện tại trung tâm Sài Gòn để tuần hành và giơ cao những biểu ngữ đòi trả tự do cho 12 Dân Oan
Nguyentuongthuy

Mười hai người chống cưỡng chế đất tại huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An bị tòa án đưa ra xét xử sơ thẩm và kết án tù trong phiên xử kéo dài từ ngày hôm qua 15 tháng 9 đến trưa nay 16 tháng 9.

Bản án

Kết quả phiên xử được thông báo cụ thể như sau: bà Mai Kim Hương: 3 năm 6 tháng tù, ông Nguyễn Trung Can ( chồng bà Mai Kim Hương) 3 năm, ông Nguyễn Trung Tài 3 năm; ông Mai Văn Tưng 3 năm; bà Phùng Thị Ly 3 năm; ông Phùng Văn Tuân 2 năm; ông Mai Văn Đạt  2 năm; ông Mai Quốc Hẹn 2 năm tù treo, 4 năm thử thách; ông Nguyễn Văn Tôi 2 năm tù treo, 4 năm thử thách; bà Nguyễn Thị Thắng 2 năm 6 tháng tù treo, 5 năm thử thách. Những người này bị kết tội ‘chống người thi hành công vụ’. Còn hai ông Mai Văn Phong 3 năm 6 tháng tù ; ông  Nguyễn Trung Linh 3 năm 6 tháng, buộc bồi thường 17 triệu đồng cho người bị thương tích vì bị kết án ‘cố ý gây thương tích’.

Ngay sau khi phiên xử kết thúc, cháu Nguyễn Mai Thảo Vy, con gái của hai ông bà Nguyễn Trung Can và Mai Kim Hương cho biết:

“Mẹ cháu bị 3 năm 6 tháng và ba cháu 3 năm tù giam. Mới đầu mọi người trong gia đình cháu không ai nhận tội nhưng sau một buổi nghỉ trưa không biết họ dùng thủ đoạn gì mà đến chiều mọi người đều nhận tội hết.

Luật sư bào chữa đúng thực tế, nêu lên việc cưỡng chế hôm đó sai, có xịt pháo cay làm mọi người trong nhà bị tổn hại đến sức khỏe. Nhưng tòa không đề cập gì đến chuyện đó, họ chỉ giải quyết theo họ là gia đình cháu sai, chứ họ không sai. Cháu thấy bản án này oan cho gia đình.”

Bản án của mẹ là 3 năm tù ở. Theo cháu là quá nặng vì luật sư nói mẹ có thể trắng án, vì khi phát loa để nói lên tâm tư, suy nghĩ của mình cho mọi người biết thì không cấu thành tội ‘chống người thi hành công vụ’. Bản thân cháu thấy rất vô lý vì trong Hiến pháp Việt Nam điều 25 qui định người dân có quyền tự do biểu tình, quay phim...

Cháu Dương thị Ngọc Châu

Con gái của bà Phùng Thị Ly, cháu Dương thị Ngọc Châu cũng trình bày ý kiến về bản án và phiên xử được nói là công khai nhưng bản thân cháu không được vào tham dự tòa:

“ Bản án của mẹ là 3 năm tù ở. Theo cháu là quá nặng vì luật sư nói mẹ có thể trắng án, vì khi phát loa để nói lên tâm tư, suy nghĩ của mình cho mọi người biết thì không cấu thành tội ‘chống người thi hành công vụ’. Bản thân cháu thấy rất vô lý vì trong Hiến pháp Việt Nam điều 25 qui định người dân có quyền tự do biểu tình, quay phim, theo dõi chính quyền làm đúng hay sai; nhưng họ ép buộc mình không cho nói; vậy qui định để làm gì!

Mẹ cháu mong có được bản án nhẹ nhàng, thế thôi!”

Theo các luật sư bào chữa cho biết thì 12 dân oan sẽ tiếp tục kháng cáo lên tòa phúc thẩm.

Cưỡng chế lấy đất

Vụ việc được người trong cuộc cho biết diễn ra bảy, tám năm nay rồi. Chính quyền địa phương thu hồi đất của hai gia đình nhưng bồi thường không thỏa đáng. Gia đình đi kiện nhưng vẫn không được giải quyết. Trước lần cưỡng chế vào ngày 14 tháng 4 vừa qua, gia đình của hai ông bà Nguyễn Trung Can- Mai Kim Hương giăng biểu ngữ tuyên bố sẽ ‘quyết tử’ để giữ đất. Thế nhưng lực lượng cưỡng chế vẫn tràn vào và người trong cuộc đã đốt lều tạm giữ đất, ném bom xăng, tạt axit và nổ bình hàn gió đá khiến chừng 20 người trong lực lượng cưỡng chế bị thương từ nặng đến nhẹ.

Tại Hà Nội, do không có điều kiện về địa điểm xử án nên dân oan Cấn Thị Thêu đã cùng dân oan ba miền tập trung tại trụ sở Bộ công an đưa biểu ngữ kêu gọi trả tự do cho các bị cáo biểu thị sự hiệp thông.
Tại Hà Nội, do không có điều kiện về địa điểm xử án nên dân oan Cấn Thị Thêu đã cùng dân oan ba miền tập trung tại trụ sở Bộ công an đưa biểu ngữ kêu gọi trả tự do cho các bị cáo biểu thị sự hiệp thông.
Nguyentuongthuy

Cháu Dương thị Ngọc Châu cho biết lại tình hình đất đai của gia đình như sau:

“ Gia đình khiếu kiện đất vì họ nói gia đình cháu lấn sông, lấn lộ; nhưng thực tế gia đình sống ở đây đã rất lâu, từ trước chiến tranh, trước năm 65. Họ nói lấn sông, lấn lộ nên chỉ bồi thường cho gia đình 30 ngàn một mét vuông đất thôi. Sau này do mẹ con tranh đấu, kiện tụng họ tăng lên được 45 ngàn một mét vuông, sau này lên được 300 ngàn một mét vuông. Trong khi đó miếng đất đối diện nhà cháu được qui hoạch thành khu đô thị mới, bây giờ lên đến 22 triệu một mét vuông. Một mét vuông đất nhà con không mua được một phần ngàn miếng đất kia nữa! “

Họ nói lấn sông, lấn lộ nên chỉ bồi thường cho gia đình 30 ngàn một mét vuông đất thôi...sau này lên được 300 ngàn một mét vuông. Trong khi đó miếng đất đối diện nhà cháu được qui hoạch thành khu đô thị mới, bây giờ lên đến 22 triệu một mét vuông

Cháu Dương thị Ngọc Châu

Chuyện dài đất đai

Vụ việc của hai gia đình ông Nguyễn Trung Can- Mai Kim Hương và bà Phùng thị Ly như vừa nêu cũng tương tự rất nhiều trường hợp khác tại các tỉnh thành của Việt Nam lâu nay.

Hiện nay rất nhiều người dân bị chính quyền địa phương thu hồi đất đai, ruộng vườn mà theo họ không đúng luật và bất công. Những người trong cuộc cho biết khoản tiền bồi thường cho họ rất thấp, trong khi đất thu hồi lại được rao bán với giá gấp rất nhiều lần. Điều này khiến họ phẩn nộ và khiếu kiện bao lâu nay vẫn không được cơ quan nào giải quyết.

Một vụ việc gây chấn động dư luận tại Việt Nam là trường hợp cho nổ súng hoa cải và bình ga của gia đình Đoàn Văn Vươn tại Cống Rộc, Tiên Lãng, Hải Phòng vào tháng giêng năm 2012. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kết luận biện pháp cưỡng chế của cơ quan chức năng địa phương là sai; tuy nhiên sau đó hai anh em ông Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý vẫn bị bắt, bị tuyên án tù 5 năm mỗi người.

Vào ngày 31 tháng 8 hai anh em ông này được cho ra tù trước thời hạn; tuy nhiên sau khi ra tù ông Đoàn Văn Vươn tuyên bố sẽ tiếp tục theo đuổi những vụ kiện chưa được giải quyết lâu nay về vấn đề đất đầm nuôi thủy sản của gia đình ông.

Một người đấu tranh vì đất đai kiên cường khác là bà Cấn Thị Thêu tại phường Dương Nội, quận Hà Đông. Mới vào tối ngày 15 tháng 9, bà cùng nhiều người dân khác phải ngủ ngay ngoài cổng cơ quan Thanh Tra Bộ Công an để ngày hôm sau được gặp người phụ trách vì ngày trước đó khi đến Bộ Công an họ bị xua đuổi.

Ngay sau khi mãn án 15 tháng tù vào tháng 7 vừa qua, bà Cấn Thị Thêu cũng thẳng thắn cho biết:

“ Đối với tôi từ khi bị bắt cho đến nay và kể từ khi ra tòa, lúc họ cho tôi nói lời cuối cùng, tôi cũng đã nói với họ rằng tôi thề còn hơi thở nào tôi vẫn còn tiếp tục đấu tranh để đòi lại đất đai, tài sản của gia đình tôi và của nhân dân chúng tôi. Tôi quyết tâm đấu tranh chống lại quân cướp đất đến cùng. Khi họ gây ra quá nhiều tội ác, đàn áp, đánh đập chúng tôi, chính họ mới là người thúc đẩy lòng căm thù, đấu tranh của chúng tôi vùng lên đấu tranh chống lại họ. Với hiện tại bây giờ không còn gì để sống, nhân dân chúng tôi như nước vỡ bờ quyết vùng lên để đòi lại những gì chúng tôi đã mất.”

Thực tế cho thấy số người bị cưỡng chiếm đất đai phải đi khiếu kiện lên đến các cơ quan trung ương tại Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh ngày một đông.

Nhiều người trong số họ chưa bị đi tù như trường hợp bà Cấn Thị Thêu hay anh em bà con nhà Đoàn Văn Vươn. Tuy nhiên có những người bị bắt đi một cách bất minh và sẽ phải ra tòa rồi bị tuyên án tù như 12 người ở Thạnh Hóa, Long An vào ngày 15 và 16 tháng 9 vừa qua chỉ vì dám chống lại lực lượng cưỡng chế bằng lời nói và hành động mạnh mẽ.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.