Cải cách thể chế để doanh nghiệp tư nhân phát triển
2019.10.10
Theo thông tin từ Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Việt Nam vừa tăng 10 bậc lên hạng thứ 67 trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu - GCI 2019. Báo cáo GCI còn cho rằng Việt Nam là quốc gia có điểm số tăng mạnh nhất toàn cầu, nằm trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương có năng lực cạnh tranh cao nhất thế giới.
Có cải cách nhưng không rõ ràng
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khi trả lời báo chí trong nước cho rằng, việc thăng hạng này là kết quả bước đầu trong nỗ lực cải cách thể chế của Chính phủ Việt Nam thời gian qua.
Nhận định về vấn đề này, tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện quản lý Kinh tế Trung ương, khi trao đổi với RFA hôm 10/10, cho biết:
“Chính phủ đã có rất nhiều nỗ lực, và đặc biệt là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thúc đẩy rất nhiều việc cải cách thể chế, cắt giảm các giấy phép con, các điều kiện kinh doanh và thực hiện công khai minh bạch. Các bộ như Bộ Công thương, đã đi đầu trong việc cắt giảm 50% số giấy phép con. Tuy vậy, phía doanh nghiệp vẫn phản ánh rằng các giấy phép con đó không được cắt giảm thật sự, mà 3 giấy con gộp lại thành một giấy phép mới trong một văn bản mới. Cho nên chi phí ngoài pháp luật để thực hiện các giấy phép con đó vẫn còn cao, theo phản ánh của Phòng Thương mại và Công nghiệp.”
Tốc độ cải cách thể chế ở VN tuy có nhiều thay đổi, thể hiện qua việc được thăng hạng chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu, nhưng theo một số chuyên gia, hiện vẫn còn nhiều chồng chéo trong các quy định văn bản pháp luật, khiến phát sinh nhiều rủi ro cho doanh nghiệp & địa phương…
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho biết thêm:
“Hiện nay, trách nhiệm giải trình của một số cơ quan trong việc thực hiện các quyết định của mình chưa được quy định rõ ràng. Vì vậy doanh nghiệp rất dễ dàng gặp rủi ro, ví dụ mới đây có vấn đề cùng Bộ Kế hoạch & Đầu tư thì có hai luật, ‘một luật về đất đai’, ‘một luật về nhà ở’, thì luật đất đai dùng khái niệm ‘nhà đầu tư’, còn luật đất đai dùng khái niệm ‘chủ đầu tư’, thế thì hai khái niệm đó mâu thuẫn và không giống nhau, vì vậy dùng ‘nhà đầu tư’ hay ‘chủ đầu tư’ không thay thế nhau được, và nó gây ra các phiền toái cho doanh nghiệp.”
Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, trong tương lai, các nhà làm luật Việt Nam cần nâng cao chất lượng và tính tương thích giữa các luật với nhau, tránh luật này đá luật kia, luật này mâu thuẫn luật kia, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Mới đây, tại một Hội thảo đánh giá về kết quả thực hiện sắp xếp, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương – CIEM, cho rằng vì thể chế còn nhiều rủi ro, nên doanh nghiệp tư nhân cảm nhận khi mình kinh doanh quy mô càng lớn, rủi ro càng cao. Đầu tư lớn không kiểm soát được rủi ro nên cứ nhỏ dần đến mức độ nào đó không lớn nữa hoặc phải dừng lại...
Giải thích thêm về vấn đề này, ông Lê Văn Triết, nguyên Bộ trưởng Thương Mại, khi trao đổi với RFA hôm 10/10, cho biết:
“Gây cản trở cho doanh nghiệp tư nhân, thì mặc dù đến giờ cũng có một số tiến bộ, nhà nước cũng có một số chính sách để cải tiến, để mở ra, nhưng nói chung vẫn còn nhiều trở ngại. Vì vậy doanh nghiệp tư nhân còn gặp nhiều rủi ro không thể kể hết. Đặc biệt trong thời kỳ chiến tranh thương mại Trung Quốc với Mỹ, thì Việt Nam với những ảnh hưởng bên ngoài cộng với cơ chế bên trong chưa hoàn toàn cởi mở hết, làm doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đến giờ cũng chưa thể phát triển một cách bình thường, trong đó đặc biệt là vấn đề thủ tục, thuế, về những ưu đãi về mặt nhà nước, hay những chính sách về xuất nhập khẩu phải qua nhiều trung gian tầng nấc, những cái đó gây nhiều trở ngại cho doanh nghiệp.”
Trở lại với những nhận xét của tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, ông còn đưa ra thêm các dẫn dụ. Ông cho rằng trên thực tế, ở mức độ nào đó doanh nghiệp tư nhân được tự do kinh doanh, an toàn hoạt động nhưng họ vẫn cảm nhận chưa an toàn vì hệ thống pháp luật của Việt Nam chưa rõ ràng, chưa cụ thể. Công chức từ trung ương đến địa phương có quyền lớn, tuỳ ý can thiệp vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Cải cách từ nguồn gốc của sự mâu thuẫn
Thực tế có đúng như những gì tiến sĩ Nguyễn Đình Cung nói, chúng tôi đã liên lạc với ông Nguyễn Văn Mỹ, chủ tịch Hội Đồng Thành Viên Công Ty Du Lịch Lửa Việt hôm 10/10 và được ông cho biết những khó khăn trong hoạt động của doanh nghiệp ông:
“Ở Việt Nam thì mình phải chấp nhận thôi, luật ở Việt Nam thì không cụ thể, nhưng quan trọng là người thực hiện. Thí dụ người ta cố tình vạch lá tìm sâu thì phải chết thôi. Và có khi cũng là chuyện đó nhưng người ta thấy xuê xoa thì nó lại khác. Ở Việt Nam thì mình phải chấp nhận doanh nghiệp phải có mối quan hệ nhất định, nhiều khi nghĩ mình làm tốt nhưng chưa chắc đâu. Chẳng hạn lỗi nhỏ thì bị phạt, lỗi nặng nhưng có mối quan hệ thì chả sao cả. Pháp luật thì nhiều từ ngữ rất chung chung, tùy theo người cầm cân nẩy mực, họ muốn mình có tội thì có tội, cũng khó nói lắm, phải thích nghi thôi.”
Theo cách trả lời của Chủ tịch Nguyễn Văn Mỹ, thì có lẽ phần nào minh chứng được mức độ rủi ro về thể chế mà doanh nghiệp tư nhân đang gặp phải có phần xác thực với nhận xét của tiến sĩ Nguyễn Đình Cung khi ông cho rằng “doanh nghiệp tư nhân gặp rủi ro khá lớn về mặt thể chế”.
Ông còn đưa ra dẫn dụ như một dự án có thể đang triển khai bị chặn lại, một doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh tốt có thể bị thanh tra, có thể phát hiện một lỗi từ bình thường trở thành lỗi trầm trọng. Điều này tạo dư địa cạnh tranh không lành mạnh, đối thủ có thể lợi dụng tạo ra chỗ hở để cơ quan nhà nước can thiệp vào. Khi có tranh chấp, đặc biệt tranh chấp giữa nhà nước và doanh nghiệp không có toà án xử lý công bằng.
Trước những phân tích như trên, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh đưa ra ý kiến của mình, ông cho rằng có hai rào cản chủ yếu cần giải quyết hiện nay, điều thứ nhất là vấn đề công khai minh bạch, được ông nhấn mạnh:
“Phải công khai minh bạch, hiện nay phần lớn doanh nghiệp và công dân đã có kết nối internet, thì các cơ quan nhà nước nên công khai đầy đủ các quy định pháp luật, công khai người nào phụ trách vấn đề gì? Ví dụ như ở các nước khác, một doanh nghiệp có vấn đề gì đấy đưa đến một cơ quan thì lập tức nó hiện lên vấn đề này đang giao ông này, đang làm ở đây, thời gian thực hiện là bao lâu và doanh nghiệp đó có thể theo dõi được… cái đó chúng ta cần cố gắng thực hiện.”
Vấn đề thứ hai theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh là trách nhiệm giải trình, tức là người nào ký hay chịu trách nhiệm về vấn đề gì đấy thì được nêu tên lên, và người dân sẽ biết rằng người này đã có quyết định và trách nhiệm của họ về mặt hành chính, tài chính và về mặt hình sự như thế nào về các quyết định đó. Trên cơ sở đó có thể làm tăng chất lượng bộ máy nhà nước.
Đồng quan điểm với Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, ông Nguyễn Văn Mỹ nhận định:
“Mong muốn của giới doanh nghiệp chúng tôi và cũng là mong nuốn của mọi người dân, là mọi chuyện càng minh bạch càng tốt. Vì nếu minh bạch, thì mới được giám sát và có sự công bằng, và như vậy cạnh tranh giữa các doanh nghiệp cũng như giữa từng con người với nhau mới có sự công bằng để vương lên được.”
Nguyên Bộ trưởng Thương Mại, Lê Văn Triết tuy nhìn nhận thời gian qua chính phủ Việt Nam đã có những cải cách về thể chế, về chính sách và về các thủ tục… nhưng những cải cách đó theo ông, chưa đủ mức để doanh nghiệp thoải mái làm ăn mà không gặp khó khăn. Ông nói tiếp:
“Tôi cho rằng, vấn đề lớn hơn, về lâu về dài, là phải cải cách thể chế. Mà thể chế của mình mà cứ theo đường lối ‘nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa’ thì cái đó còn nhiều cái ràng buộc và chính bản thân mình tự mình mâu thuẫn trong đường lối và từ đó nó đẻ ra những vấn đề hết sức trắc trở trong thể chế.”
Cho nên, mặc dù Việt Nam cải cách có tiến bộ, nhưng Nguyên Bộ trưởng Thương Mại Lê Văn Triết cho rằng, nếu thật sự đảng và nhà nước muốn cải tiến một cách cơ bản, thì phải ưu tiên cải cách từ nguồn gốc của sự mâu thuẫn.