Dự án đại di dân ra khỏi Kinh Thành Huế

RFA
2019.01.24
000_XN33R.jpg Hình minh họa. Kinh thành Huế
AFP

Chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế vạch ra dự án dự kiến sẽ di dời 4.200 hộ dân ra khỏi Khu vực I của di tích này với mục đích trả lại không gian nguyên vẹn cho di tích Kinh Thành Huế. Có thể nói đây là một trong những dự án lớn nhất của tỉnh Thừa Thiên Huế từ mấy chục năm nay.  Dự án được người dân trong diện di dời đón nhận ra sao?

Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, dự án di dời 4.200 hộ dân, tương đương hơn 150.000 người ra khỏi Khu vực I di tích Kinh Thành Huế được tiến hành từ năm 2019 đến năm 2025, qua hai giai đoạn: Giai đoạn 1 (2019-2022), ưu tiên di dời các hộ dân cư trú trên Thượng Thành, các Eo Bầu, hai bên Hộ thành hào, các tuyến phòng lộ…tương ứng với 2.930 hộ dân; Giai đoạn 2 (2022-2025), di dời các hộ dân sống ven các hồ Tịnh Tâm, hồ Học Hải, đàn Xã Tắc, Lục Bộ, Trấn Bình Đài, Xiển Võ Từ, Khâm Thiên Giám, hệ thống hồ thuộc 4 phường thành nội, tương ứng với 1.200 hộ dân.

Một người đàn ông buôn bán ở vỉa hè đường Hàn Thuyên cho biết, hộ gia đình ông nhận thông báo là thuộc diện phải di dời chia sẻ:

Cái này là toàn bộ 4.200 hộ nằm ở trong khu này đây, với lại hạng di tích, hạng đặc biệt ở trên khu Thượng Thành. Đợt này là di dời hết 4.200 hộ, tivi thông báo.”

Người đàn ông này cho biết thêm, hộ gia đình ông thuộc diện được Nhà nước cấp đất nên khi di dời sẽ được hưởng đền bù, các hộ dân khác nếu không có vấn đề gì cũng sẽ được hưởng đền bù tương tự.

Không. Ở đây thì họ đền bù chứ. Nói chung ai mà không có vấn đề gì thì họ đền bù.”

Dự kiến tổng kinh phí của dự án di dời dân bao gồm cả việc bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng gần 2.800 tỷ đồng được trích từ ngân sách Trung ương. Riêng tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ trích kinh phí khoảng 1.360 tỷ đồng để lo đầu tư xây dựng khu tái định cư. Ông Phan Thanh Hải- Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế, đây cũng là đơn vị chủ trì của dự án trong một lần trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ đã cho biết, tỉnh nhà sẽ trích 1/3 số tiền thu từ việc bán vé tham quan di tích Đại Nội Kinh Thành Huế cho việc di dân. Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã cho xây dựng khu tái định cư có diện tích 73ha, với 03 khối nhà chung cư tại đường Nguyễn Văn Linh, thuộc phường Hương Sơ ở phía Bắc thành phố Huế để bố trí chỗ ở mới cho các di dân.

Cũng liên quan đến dự án, vào chiều ngày 24/10/2018, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế và các ban ngành chức năng đã lưu ý nói tỉnh Thừa Thiên Huế phải dành đất đai có vị trí thuận lợi cho người dân tái định cư để họ tiếp tục sinh sống bằng nghề nghiệp cũ.

Mình cũng không biết nữa. Họp ở trên, mấy ông mới nói ở trên chứ còn ở dưới dân họ đã biết chuyện chi mô. Đây là mình nghe người ni nói người tê nói mình nghe rứa thôi… - Người dân

Tuy nhiên một cụ bà sinh sống mấy mươi năm ở gần Đại Nội Kinh Thành Huế chia sẻ:

Mình cũng không biết nữa. Họp ở trên, mấy ông mới nói ở trên chứ còn ở dưới dân họ đã biết chuyện chi mô. Đây là mình nghe người ni nói người tê nói mình nghe rứa thôi…”

Theo ghi nhận của chúng tôi, hầu hết các hộ dân sinh sống ở Thượng Thành đều có cuộc sống khá khó khăn. Họ chủ yếu là những di dân đến từ những vùng ven của Huế và phía nam tỉnh Quảng Trị, với mục đích chủ yếu ban đầu là nhằm trốn tránh bom đạn chiến tranh vào các năm 1968 và 1972. Ban đầu họ chỉ chiếm dụng những diện tích đất trống trong Kinh Thành Huế, sau đó ổn định cuộc sống, sinh con đẻ cái họ lại cơi nới thêm cho đến ngày hôm nay.

Do sống trên đất di tích nên các hộ dân này không được chính quyền chứng nhận quyền sử dụng đất, không được sửa chữa, xây dựng nhà cửa kiên cố mà phải giữ nguyên hiện trạng theo luật Di sản. Cuộc sống của các hộ dân là tạm bợ, lụp xụp kéo dài suốt mấy mươi năm qua hết sức khổ cực. Mùa mưa bão thì họ sợ sập nhà, mùa nắng thì ngột ngạt, không khí ô nhiễm, dịch bệnh….

Một cụ ông sinh sống ở đường Hàn Thuyên, cách không xa khu vực Thượng Thành chia sẻ về điều này:

Đây thuộc dạng khó khăn chứ không phải giỡn

Cũng nằm trên diện phải di dời, nhưng nhiều hộ dân ở các Eo Bầu lại có cuộc sống ổn định, khá giả hơn so với các hộ dân ở Thượng Thành cho nên khi nghe đến dự án di dời dân để trả lại không gian nguyên vẹn cho di tích Kinh Thành Huế thì họ lại chẳng mấy mặn mà như lời của cụ bà sống gần Đại Nội Kinh Thành Huế nói với chúng tôi:

Thì có nhiều người khó khăn, có nhiều người giàu có chứ đâu phải ai cũng giàu hết, ai cũng nghèo hết mô. Đi chỗ nào cũng vậy, có người giàu người nghèo.”

Kinh thành Huế
Kinh thành Huế

Cụ bà này nói thêm, dự án tỉnh đưa ra là để bảo tồn di tích Kinh Thành Huế là đúng nhưng phải có sự đồng thuận của người dân. Người dân lo lắng về nơi ở mới sẽ bị ảnh hưởng đến công việc làm ăn, lo lắng chính sách giải tỏa đền bù có hợp lý hay không? An ninh –trật tự chổ ở mới có bảo đảm hay không?…là hoàn toàn chính đáng, không có gì sai cả.

Có nghe. Có nghe và có nhiều người họ cũng bàn tán, có  nghe.  Chuyện ấy cũng phải từ trên xuống dưới họp cho tới dân có đồng ý hay là không đã chứ. Chứ còn đó mới chỉ mấy ông trên nói, còn dưới dân chịu hay không đã chứ. Chắc dân họ cũng không chịu đâu vì nhà ở xưa nay đến giờ, từ nhỏ đến giờ mua cái nhà đâu phải xíu tiền anh, ví dụ nhà trị giá một tỷ đồng nếu bồi thường vài tỷ thì may ra họ chịu”

Người đàn ông buôn bán ở vỉa hè đường Hàn Thuyên cũng bày tỏ lo lắng cho những khó khăn mà gia đình phải đối diện khi di dời đến chổ ở mới vì phải chấp hành chủ trương của Nhà nước và Chính phủ đưa xuống.

Khó khăn nhiều chứ. Mình ở thành phố giờ đi ra, nghe đi ra xa. Nghe nói đi ra ngoài phía Bắc (gần Bến xe phía Bắc thành phố Huế). Khó khăn nhiều.”

Vì vậy, số đông người dân khi kết thúc chia sẻ với chúng tôi đều nói, nếu bắt buộc họ phải di dời thì họ mong muốn được các cấp chính quyền bố trí chỗ ở mới ổn định, đừng quá xa nội thành.

Nguyện vọng của người dân mình thì rõ ràng là họ phải bố trí chổ nào đó cho mình ở là xong thôi”- Lời của cụ ông ở đường Hàn Thuyên.

Trong giai đoạn từ năm 1996-2018, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế đã cho di dời khoảng hơn 1000 hộ dân ở các di tích Lầu Tàng Thơ, đàn Âm Hồn, đàn Xã Tắc, các eo bầu và khu vực Thượng Thành ở phía nam Kinh Thành.

Nếu việc di dời 4.200 hộ dân này thành công sẽ trả lại không gian nguyên vẹn của Kinh Thành Huế cổ xưa, làm thay đổi tích cực bộ mặt đô thị và đồng thời sẽ làm động lực phát triển mạnh hơn nữa ngành dịch vụ du lịch. Tuy nhiên, không phải người dân nào cũng có điều kiện tiếp cận trực tiếp, đầy đủ thông tin về dự án, rất nhiều người chủ yếu là nghe truyền miệng.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.