Kiến nghị khởi tố vụ hành hung trẻ 12 tuổi: sức ép từ công luận?

0:00 / 0:00

Báo trong nước ngày 16/12 loan tin trích văn bản của Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho biết cơ quan này nhận được thông tin phản ảnh từ các cơ quan báo chí về vụ việc ông Trần Đức Hà, người bị tố hành hung cháu bé 12 tuổi tại khu đô thị Ciputra ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Từ đó quyết định ra văn bản đề nghị khởi tố ông Hà về hành vi ‘cố ý gây thương tích với người dưới 16 tuổi’, gây hậu quả nghiêm trọng tới thể chất và tinh thần cháu bé.

Trước khi cơ quan chức năng và báo chí lên tiếng, cư dân mạng cũng mạnh mẽ lên án vụ việc và kêu gọi phải có biện pháp đối với người xuống tay với con trẻ cũng như thách thức gia đình cháu bé.

Theo đơn phản ảnh của bà Trịnh Thị Hải Yến, mẹ cháu bé bị hành hung, vào ngày 6/11 ông Hà nghi ngờ cháu N.A. lấy vợt cầu lông của con mình nên đã ‘túm cổ cháu bé, đấm vào thái dương, ngực và đá vào chân cháu.’

Ông Hà còn bị cáo buộc đã thóa mạ cháu bé, ép cháu cầm vợt cầu lông để quay video và đe dọa nếu không làm theo sẽ ‘đánh chết’ và sẽ tung video lên mạng để ‘bỏ tù’ khi cháu bé 18 tuổi.

Việt Nam từ xưa đến nay những vụ việc như vậy không được chú trọng, không được giải quyết theo đúng luật pháp. Không chỉ riêng lần này mà những lần khác được đưa lên công luận và công luận phản đối mạnh mẽ để đưa ra xử thì đó cũng là một điều tốt, tốt hơn so với trước đây. - TS. Phạm Quỳnh Hương

Văn bản đề nghị khởi tố ông Trần Đức Hà của Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam khẳng định hành vi của ông Hà có tính chất côn đồ, thể hiện ông Hà không biết hành vi của mình là sai, sẵn sàng dùng vũ lực và lời đe dọa để giải quyết sự việc, coi thường pháp luật.

Sự việc này sau đó nhanh chóng được chia sẻ trên mạng xã hội cùng với lời kêu gọi biện pháp trừng trị thích đáng với ông Hà.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu – Chủ tịch Trung tâm trọng tài Luật gia Việt Nam đưa ra mức hình phạt mà luật định nếu ông Trần Đức Hà bị khỏi tố:

“Khi mình đánh trẻ em như vậy thì theo hướng dẫn mới đây của Tòa án Nhân dân tối cao là phải xử lý hình sự tùy theo mức độ để truy cứu mức độ hình sự ở khung nào. Tội này xử rất nặng, phải truy cứu trách nhiệm hình sự về tội ‘Cố ý gây thương tích’. Người hành hung đó phải bị xử lý theo Luật hình sự của Việt Nam ban hành năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Tôi thấy hành vi này bắt đầu xử lý nghiêm minh so với trước đây.”

Trao đổi với đài Á Châu Tự Do, Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương – Nhà nghiên cứu xã hội học hiện đang công tác tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam nhìn nhận:

“Việt Nam từ xưa đến nay những vụ việc như vậy không được chú trọng, không được giải quyết theo đúng luật pháp. Không chỉ riêng lần này mà những lần khác được đưa lên công luận và công luận phản đối mạnh mẽ để đưa ra xử thì đó cũng là một điều tốt, tốt hơn so với trước đây. Trước đây thường những tiếng nói công luận không có trọng lượng nhiều lắm nhưng bây giờ thì có trọng lượng nhiều hơn.”

Dưới góc nhìn cá nhân, bà Võ Thị Cẩm Nhung – cựu cán bộ Ủy ban Dân số kế hoạch hóa gia đình và Bảo vệ bà mẹ, trẻ em tỉnh Khánh Hòa lại nghĩ rằng không phải do áp lực dư luận mà vụ việc đưa ra khởi tố:

“Nhiều khi dư luận có suy nghĩ là có sự bao che sẽ không khởi tố nhưng mình thấy việc xâm phạm trẻ em công khai như thế thì chẳng ai có thể bao che được hành vi đấy. Nó đã sai quy định của pháp luật thì phải chịu sự trừng phạt của pháp luật.”

Một phụ huynh ở Tây Ninh hiện đang có 2 con nhỏ qua Facebook Messenger cho biết chị đồng ý việc sức ép của dư luận đang góp phần thúc đẩy công bằng xã hội tuy nhiên vẫn có hạn chế:

Xe đưa đón học sinh Trường quốc tế Gateway chiều 7/8.
Xe đưa đón học sinh Trường quốc tế Gateway chiều 7/8. (Photo gateway.edu)

“Dư luận thì dư luận nhưng nếu là quan chức có quyền 1 chút, có tin khởi tố thì vài hôm nữa cũng được tại ngoại chờ điều tra, còn nếu quan chức cấp cao thì kéo dài cho qua rồi im luôn như vụ Gateway.”

Liên quan đến vụ việc xảy ra ở trường Gateway mà vị phụ huynh ở Tây Ninh vừa nhắc đến, một bé trai 6 tuổi đã phát hiện tử vong do bị để quên trên xe đưa đón của trường vào ngày 6/8.

Sự việc ngay lập tức gây xôn xao dư luận khi hầu như mọi người đều nhìn thấy những điểm vô lý trong cái chết của cháu bé qua thông tin báo chí đăng tải.

Dư luận tiếp tục lên tiếng khi một ngày sau đó, báo cáo của trường Gateway ngay buổi họp báo tại UBND quận Cầu Giấy, Hà Nội cho hay, xe của trường đón 13 học sinh tiểu học vào khoảng gần 7 giờ sáng hôm 6/8. Trong số các học sinh được đón có bé trai tên Long, 6 tuổi, ngồi ở hàng ghế sau cùng. Khi các bé xuống xe, ông Phiến – người lái xe và người đón trẻ là bà Quy không kiểm tra nên không biết cháu Long còn trên xe. Sau đó, ông Phiến đưa xe về bãi trông giữ.

Vào sáng ngày 27/8, bà Nguyễn Bích Quy, người phụ trách đưa đón trẻ trường Gateway, đã bị khởi tố bị can về tội ‘Vô ý làm chết người’ và bị bắt tạm giam 3 tháng.

Đến ngày 3/9, tài xế Doãn Quý Phiến, người lái chiếc xe cháu bé bị bỏ quên cũng bị khởi tố bị can về tội ‘Vô ý làm chết người’. Tuy nhiên ông được tại ngoại nhưng lại bị cấm đi khỏi nơi cư trú.

Sang ngày 15/10 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an quận Cầu Giấy đã tống đạt quyết định khởi tố bị can đến Nguyễn Thu Thủy, chủ nhiệm lớp của bé trai đã tử vong.

Nhận xét về việc bắt giữ này, bà Võ Thị Cẩm Nhung cho rằng:

Nhiều khi dư luận có suy nghĩ là có sự bao che sẽ không khởi tố nhưng mình thấy việc xâm phạm trẻ em công khai như thế thì chẳng ai có thể bao che được hành vi đấy. Nó đã sai quy định của pháp luật thì phải chịu sự trừng phạt của pháp luật. - Võ Thị Cẩm Nhung

“Mình nghĩ nó không chỉ liên quan cô giáo chủ nhiệm mà liên quan cả mô hình đó và người đứng ra tổ chức mô hình đó chứ cô giáo chủ nhiệm chẳng phải là gì để bao che. Mọi cái hình thành theo kiểu có sự chuẩn bị trước, che đậy trước. Cái vụ khởi tố cô giáo không phải là áp lực của dư luận mà khởi tố cô giáo vì cô giáo chủ nhiệm chưa phải là gì để có vai trò cần che giấu trong vụ đó, chỉ giống như bà Quy, một trong những mắt xích trong quá trình thừa hành để xảy ra sai sót. Cái quan trọng hơn là cả một cơ chế, quy trình chưa rõ ràng mà mọi người cần biết nhiều hơn mà người nào chịu trách nhiệm trong vụ việc đấy.”

Dưới góc nhìn của nhà quan sát xã hội, Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương rút ra kết luận chung cho cả hai vụ việc nêu trên:

“Có những vụ tiếng nói công luận mạnh hơn phía bên kia, có vụ phía bên kia mạnh thì tiếng nói công luận chỉ ở mức độ nào đấy và người ta cũng đưa ra những giải pháp tạm thời thôi. Phải đợi để xem sau này việc xử lý đi đến đâu nữa thì phải theo dõi.”

Do dó, Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương bày tỏ hy vọng trong thời gian tới tiếng nói của công luận sẽ ngày càng được chú ý hơn, và việc xử lý các nghi phạm vi phạm pháp luật sẽ được công tâm hơn.