Đề xuất tăng phí môi trường trên nước thải sinh hoạt có hợp lý?

Trung Khang, RFA
2019.04.26
phi-xa-thai-2-630 Ảnh minh họa
Courtesy moitruong.vn

Trong dự thảo nghị định mới thay thế Nghị định 154/2016 về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, Bộ tài chính có đề xuất tăng mức phí nước thải đối với một số hộ dân có kinh doanh lên thêm 5%.

Theo quy định hiện tại, mức phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt là 10% trên giá bán của 1 m3 nước sạch chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng các hộ xài nhiều nước hay kinh doanh chịu mức phí đối với nước thải sinh hoạt 10% như cá nhân, hộ gia đình nhỏ lẻ là không công bằng. Vì vậy Bộ Tài chính đề xuất tăng thêm 5% phí môi trường đối với các hộ này.

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 24/4 liên quan vấn đề này, Tiến sĩ Hồ Long Phi, nguyên Giám đốc Trung tâm quản lý môi trường nước thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, nhận định:

Theo tôi đó là một điều nên làm, đáng lẽ còn phải làm sớm hơn, bởi vì việc bao cấp trong thoát nước và xử lý nước thải làm cho việc chủ động đầu tư và duy tu hệ thống nó không được đảm bảo.
-Tiến sĩ Hồ Long Phi

“Theo tôi đó là một điều nên làm, đáng lẽ còn phải làm sớm hơn, bởi vì việc bao cấp trong thoát nước và xử lý nước thải làm cho việc chủ động đầu tư và duy tu hệ thống nó không được đảm bảo. Việc này dẫn đến rủi ro về tài chính và khó kêu gọi các nhà đầu tư tư nhân bỏ tiền vào bởi vì họ cho là sẽ lỗ rất nặng. Thành ra việc tăng thêm 5% phí xả thải là theo một lộ trình, chứ đúng ra tăng nhiều hơn mới đủ bù đắp. Ở đây mình không nói chuyện có lãi, chỉ cần đủ chi phí là tốt lắm rồi. Hiện nay theo tôi biết là ngân sách chỉ bù đắp được từ 20 đến 30% thôi.”

Theo số liệu ngân sách nhà nước năm 2018 được đăng tải trên cổng thông tin điện tử chính phủ, tổng thu thuế bảo vệ môi trường ở Việt Nam là 18.740 tỷ đồng. Tuy nhiên chi trực tiếp cho bảo vệ môi trường năm 2018 chỉ 2.100 tỷ đồng.

Theo Tiến sĩ Hồ Long Phi nếu cứ tiếp tục thu giống như hiện nay, cứ thu nộp ngân sách, rồi chi tới đâu xin tới đó thì ông cho rằng chưa đủ tốt. Theo Tiến sĩ Phi, phải rõ ràng, giống như đi xe thì trả tiền vé, xài điện thì trả tiền điện, chứ không thu chung chung rồi trang trải lại đều, sẽ dẫn đến những bất cập.

Đồng quan điểm, Phó giáo sư, Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, thuộc học viện Tài Chính Việt Nam, cũng nhìn nhận rất khó tách bạch thu chi tiền thuế bảo vệ môi trường, vì tiền thuế bảo vệ môi trường khi thu vào thì đều nhập vô nguồn thu ngân sách nhà nước. Theo ông, hàng năm chính phủ lập ra kế hoạch chi tiêu ngân sách dựa vào tổng thu, chứ không tách riêng ra là thuế bảo vệ môi trường chỉ chi cho bảo vệ môi trường.

“Việc chi cho bảo vệ môi trường nó cũng được hiểu theo các nghĩa khác nhau, và thông thường thì các nhà kinh tế học hiểu theo cái nghĩa rộng nhất của từ bảo vệ môi trường. Trong đó nó có cả việc làm các đường giao thông, cầu cống, để từ đó giảm thiểu ách tắc giao thông thì từ đó nó cũng giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Nghĩa rộng như thế thì cũng không thể tách bạch chuyện thu cho bảo vệ môi trường thì chi cho bảo vệ môi trường.”

Ảnh minh họa việc xả nước thải sinh hoạt.
Ảnh minh họa việc xả nước thải sinh hoạt.
Courtesy vneconomy

Ngoài đề xuất mức tăng 5%, Bộ Tài chính cũng đề nghị giải pháp áp dụng chia nhỏ mức phí cố định đối với các hộ xả nước thải dưới 20m3/ngày đêm.

Cụ thể, đối với các hộ có tổng lượng nước thải từ 10m3/ngày đêm đến dưới 20m3/ngày đêm sẽ phải đóng phí 2 triệu đồng/năm. Nước thải từ 5m3/ngày đêm đến dưới 10m3/ngày đêm phải đóng phí 1,5 triệu đồng/năm. Còn các hộ có tổng lượng nước thải dưới 5m3/ngày đêm phải đóng phí 1 triệu đồng/năm.

Liên quan vấn đề này, chúng tôi hỏi chuyện một chủ quán ăn giấu tên ở Hóc Môn, Sài Gòn, và được bà cho biết như sau:

“Quán tôi từ xưa đến giờ chỉ đóng tiền thuế thôi, bây giờ phải đóng rất nhiều phí, phí nước thải 10%, phí vệ sinh an toàn thực phẩm… đóng rất nhiều thứ… thí dụ xài 2 triệu tiền nước thì bây giờ phải đóng thêm 200 ngàn tiền nước thải… giờ mà tăng thêm, đóng nhiều quá sao chịu nổi.”

Còn một chủ nhà hàng khác giấu tên ở Gò Vấp thì cho rằng, dù giá tăng thì các doanh nghiệp vẫn phải đóng khi có hóa đơn đến vì họ không còn lựa chọn nào khác:

“Nhà hàng tôi ở Gò Vấp, khu này ăn nhậu nhiều lắm, hồi xưa thì chưa có mấy cái phí đó, sau này nó làm khó làm dễ… dính đến môi trường nó mới xử lý mấy cái đó… chứ hồi đó làm gì có chuyện nước thải gì đâu… Nếu chủ trương của nhà nước thì phải làm theo thôi, làm nhà hàng phải chấp nhận cái nước thải… nhiều hay không nhiều phải chấp nhận cái phí đó à… Nếu có đưa vô hóa đơn tiền nước thì phải đóng thôi chứ biết làm sao?”

Khi trả lời báo chí trong nước hôm 23/4, Phó giáo sư, Tiến sĩ Bùi Xuân An, chuyên ngành môi trường, Trường Đại học Hoa Sen cho rằng, hiện nay có nhiều loại thuế, phí, những loại thuế, phí này ảnh hưởng khá nhiều đến cuộc sống người dân. Nếu muốn tăng phí môi trường, nên tính toán một cách chi tiết như xả thải như thế nào, mức độ ô nhiễm ra sao mới quyết định là có tăng hay không và tăng bao nhiêu… Nếu không có cơ sở để tăng phí thì khó tránh khỏi sự không đồng thuận.

Nếu chủ trương của nhà nước thì phải làm theo thôi, làm nhà hàng phải chấp nhận cái nước thải… nhiều hay không nhiều phải chấp nhận cái phí đó à… Nếu có đưa vô hóa đơn tiền nước thì phải đóng thôi chứ biết làm sao?
-Một chủ nhà hàng

Một người dân (muốn giấu tên vì lý do tế nhị) tại Sài Gòn cho cho rằng, không ai muốn phát sinh thêm chi phí.

“Nhà nước mà tăng các chi phí đó lên thì họ phải có những biện pháp khắc phục cho người dân tốt hơn. Ví dụ họ thu phí người dân thì phải làm gì để bù lại cho người dân. Nếu nhà nước tăng phí mà không làm gì cho dân thì đó là một điều không nên. Người ta cứ tăng phí mà chưa thấy cái phí đó phát huy được tác dụng gì đó. Nhà nước nên sớm minh bạch vấn đề này.”

Khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do trước đây, Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, từ trước đến nay nhà nước không hề công bố thuế môi trường đã được dùng vào việc gì:

“Thuế danh nghĩa là bảo vệ môi trường đã được sử dụng như thế nào mà không khắc phục được các vấn đề môi trường như thế. Nếu chưa chứng minh được là sử dụng tốt thuế môi trường thì không có lý do gì mà thu thêm của người dân.”

Theo chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Ngô Trí Long, tuy đây mới là đề xuất thôi, nhưng tất nhiên khi mỗi một loại thuế đặt ra thì cần phải xem xét hết sức thận trọng.

Theo Luật Thuế bảo vệ môi trường Việt Nam, đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường gồm 08 nhóm hàng hóa: Xăng dầu, than đá, dung dịch HCFC sử dụng trong thiết bị lạnh, túi nilo, thuốc diệt cỏ, thuốc trừ mối, thuốc bảo quản lâm sản, thuốc khử trùng… Gần đây nhất là phí xả thải xe gắn máy. Bây giờ lại đưa thêm thuế phí môi trường thì liệu người dân có bức xúc?

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.