‘Bao biện’ của cán bộ chạy điểm cho con và mức độ xử phạt

RFA
2019.04.18
nang-diem-cong-an.jpg Danh sách phụ huynh là cán bộ công chức có con em được nâng điểm.
RFA Edited

Ngay sau khi vụ việc bị phát hiện và truyền thông đưa tin mạnh mẽ, Ông Triệu Tài Vinh, bí thư tỉnh Hà Giang vào ngày 19/7/2018 có khẳng định với báo Dân Trí rằng không việc gì ông phải đi xin điểm cho con mình.

Trích nguyên văn phát biểu của ông rằng “Con gái tôi học ở trường chuyên của tỉnh. Cháu học như thế nào thì trường biết, lớp biết và mọi người biết cả. Cháu học giỏi, đứng top đầu của lớp. Cháu nó học như thế nào thì báo chí có cách để nắm thông tin cơ mà…Con gái tôi nằm trong danh sách bị nâng điểm 2 môn thì tôi không biết thế nào. Có thể họ lợi dụng việc đó để đưa con lãnh đạo vào tròng thì sao?”

Khi danh tính của một số cán bộ đương chức, người thân của các cán bộ Nhà nước, doanh nhân bị nêu ra, một số phản bác. Trường hợp người thân Ông Vũ Trọng Lương, Phó phòng Khảo Thí & Kiểm Định Chất Lượng, Sở Giáo dục Đào tạo tỉnh Hà Giang có con em được nâng điểm phát biểu rằng họ cảm thấy sốc và cho rằng ông Lương làm vậy là ‘hại chết em nó rồi. ‘

Dư luận xã hội phản ứng cho rằng những lập luận của các vị này chỉ mang tính đánh lừa dư luận mà thôi.

Anh Nguyễn Lân Thắng một nhà hoạt động xã hội dân sự tại Hà Nội cho chúng tôi biết, người dân từ lâu đã quá quen với những lời phát biểu và bạo biện như thế rồi.

“Từ lâu người dân cũng đã quá quen với những lời bao biện dối trá trong rất nhiều vấn đề của các quan chức Việt Nam và đây cũng không phải là lần đầu tiên, sự việc này có gây ra sự phẩn uất rất là lớn không chỉ những người vốn quan tâm đến tình hình chính trị xã hội như các nha hoạt động mà ngay cả trong giới bình dân, người bình thường, ai cũng có con em cũng có trẻ con đang đi học nhưng khi có đối tượng được nâng điểm như thế này thì đó là một sự bất công vô cùng lớn và ăn cướp đi sức lao động vô vàng của các em học sinh khác, mất đi cơ học học hành cũng như sự phấn đấu của các em khác.”

Thầy giáo Đỗ Việt Khoa trao đổi với chúng tôi rằng, những lời nói đó chỉ là chữa cháy và thủ đoạn của những người làm lãnh đạo khi bị phát hiện. Cứ nhìn là thấy rõ toàn bộ trong danh sách đó có trường hợp nào là con em nông dân hay dân thường, mà đa phần là con em công chức có vai vế chức sắc rõ ràng.

Thầy còn chia sẻ thêm rằng:

“Có một điều không lạ là từ trước đến nay ở đâu có báo động có tiếng ồn thì Bộ Giáo dục mới vào cuộc để làm còn không Bộ biết cũng mặc kệ. Những sai phạm đã xảy ra hơn một năm nay như thế mà đến nay các cơ quan chức năng mới trả lời chính thức dư luận trong khi các em học sinh đã học gần một năm học rồi thì đó là một sự khá chậm trễ, sự bảo thủ, bao che sai phạm và xử lý không đến nơi đến chốn, bất chấp những quy chế mà ngành giáo dục đưa ra, rất là phổ biến từ xưa đến nay như thế.”

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
AFP

Vào ngày 18/4, dư luận mạng xã hôi lan truyền danh sách 44 thí sinh được nâng điểm mà trong đó đa phần là vào các trường công an và an ninh. Truyền thông nhà nước trước đó cũng loan tin việc bắt giữ và truy tố các cán bộ liên quan vụ nâng điểm; rồi biện pháp buộc thôi học đối với các thí sinh được nâng điểm.

Luật sư Võ An Đôn, người được biết đến qua việc bào chữa cho những nhà hoạt động cũng như dân nghèo rồi bị Liên đoàn luật sư Phú Yên rút thẻ hành nghề và xóa tên khỏi danh sách đoàn luật sư, nhận định rằng việc khởi tố vài người như thế cũng chỉ là hình thức và xoa dịu dư luận mà thôi.

“Vừa rồi tại Sơn La cũng đã khởi tố rồi nhưng chẳng qua cũng chỉ khởi tố vài người chỉ mang tính hình thức thôi nhưng thật ra phải khởi tố những người đưa là những phụ huynh và những quan chức liên quan đến vụ này. Việc khởi tố vài người như vậy mục đích cũng để xoa dịu dư luận mà thôi nhưng thật ra người ta không muốn làm hết đâu vì nhiều phụ huynh là những người có chức có quyền nên đụng tới rất là khó.”

Nhà báo Nguyễn Vũ Bình từ Hà Nội thì có ý kiến cho rằng, việc xử lý là buộc học sinh thôi học như báo chí đưa tin được xem là quá giới hạn đối với Việt Nam rồi. Nhà báo giải thích

“Thứ nhất nhưng người có trách nhiệm nâng điểm lên mà tố những người phụ huynh là đưa tiền ra lệnh các thứ mà những người này họ cứ từ chối đi thì cũng khó trong việc xử và thứ hai nếu mà xử đồng loạt thì đối với nhà nước nó sẽ gây ra một sự xáo trộn nào đó mà họ không muốn cho nên đối với vụ này tôi thấy việc đuổi học sinh là nó đã lên quá giới hạn của nó rồi và có cùng lắm cũng chỉ khiển trách, cảnh cáo cha mẹ mà thôi.”

Còn đối với thầy Đỗ Việt Khoa thì vụ nâng điểm này không còn là gian lận mà phải hình sự hóa vụ việc. Trường hợp nhận tiền, dùng tiền để nâng điểm thì mắc tội hối lộ, trường hợp nào tự ý nâng điểm thì mắc tội lợi dụng chức vụ quyền hạn mà Việt Nam các quy định pháp luật đều có đủ cho các tội đó.

Tuy nhiên, thầy cũng không hy vọng về việc đưa vụ việc ra ánh sáng vì các người có chức có quyền họ đủ khả năng để vô hiệu hóa luật pháp và luật pháp chỉ được dùng cho người dân chứ không được tôn trọng bởi các lãnh đạo.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.