Biểu tình yêu cầu Việt Nam thay đổi chính trị, cải thiện nhân quyền
“Trong cuộc gặp ngày hôm qua giữa Tổng thống Biden và ông Phạm Minh Chính, thì tôi thấy ông Chính có vẻ rất là vui mừng đứng cạnh ông Biden chụp hình, thì mình thấy là các nhà độc tài cuối cùng họ cũng muốn đi gần với Hoa Kỳ. Họ cũng muốn làm sao cho nước Việt Nam có thể có đời sống tiến bộ như một nước Hoa Kỳ. Nhưng mà rõ ràng là không thể nào có sự tiến bộ nếu không có sự thay đổi về chính trị, về nhân quyền. Cho nên tôi nghĩ là nếu mà đất nước Việt Nam muốn vươn lên thì thật sự phải có sự thay đổi về chính trị, phải cải thiện về nhân quyền, phải tôn trọng dân chủ.”
Ông Hoàng Tứ Duy, người phát ngôn của đảng Việt Tân, phát biểu như vậy trong cuộc biểu tình phản đối Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính sang Hoa Kỳ dự Hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Hoa Kỳ.
Cuộc biểu tình diễn ra lúc 10 giờ sáng ngày 13/5 với khoảng 100 người, tập trung trước Nhà Trắng tại Thủ đô Washington DC, Hoa Kỳ. Mọi người mang theo cờ Việt Nam Cộng Hoà, chân dung của những tù nhân lương tâm đang bị cầm tù tại Việt Nam, cùng hàng chục băng rôn, biểu ngữ với nội dung hầu hết là phản đối Chính quyền Hà Nội đàn áp nhân quyền, bóp nghẹt tiếng nói tự do trong nước và bắt bỏ tù hàng trăm người đấu tranh cho tự do, nhân quyền ở Việt Nam.
Có mặt trước khu vực Nhà Trắng từ lúc sáng sớm, ông Nghị đến từ Bang Philadelphia cho biết nguyên do ông tham dự cuộc biểu tình này:
“Nữa nay nghe nói là ông Phạm Minh Chính tới đây để tham dự Hội nghị Asean thì mình cũng phải tới đây để chứng tỏ cho những người Cộng sản thấy rằng là người Việt Nam vẫn còn có một số rất đông những người yêu chuộng tự do, không chấp nhận sự độc tài.
Ở đây, mình chỉ yêu cầu họ tôn trọng nhân quyền, tôn trọng quyền tự do để cho người dân quyết định ai xứng đáng là lãnh đạo của đất nước, chứ không thể nào tự cho rằng họ là người lãnh đạo của đất nước, rồi cha truyền con nối, cứ tiếp tục như vậy thì chẳng khác nào là một chế độ phong kiến dưới một bộ mặt mới.”
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam hôm 12/5 (giờ Hoa Kỳ) phát biểu trước các doanh nghiệp Mỹ trong buổi làm việc do Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC) và Phòng Thương mại Mỹ (USCC) tổ chức, rằng:
“Tôi sẵn sàng đối thoại bất cứ ai trên thế giới về kinh tế Việt Nam, về dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam. Chúng ta cởi mở, chân thành để làm việc. Khi hợp tác với nhau thì lợi ích hài hoà mà rủi ro phải cùng nhau chia sẻ”
Đáp lại tuyên bố “sẵn sàng đối thoại” của ông Phạm Minh Chính, Bác sỹ Võ Minh Hữu có mặt tại cuộc biểu tình đặt câu hỏi:
“Theo Phóng viên không biên giới, những thống kê cho thấy Việt Nam luôn tồi tệ nhất về nhân quyền, hạng 174/180. Việt Nam đã bắt giữ 41 nhà báo và hiện giờ có trên 100 người đang bị giam cầm vì đối kháng với nhà nước. Với những bằng chứng như vậy từ những cơ quan quốc tế thì ông (Phạm Minh Chính - PV) trả lời như thế nào?
Ông không thể nào chối cãi về những hành động đó và chúng tôi sẵn sàng đối chất bất cứ lúc nào, bất cứ nơi nào về những hành vi vi phạm nhân quyền và tự do tôn giáo tại Việt Nam.”
Ông Hoàng Tứ Duy bình luận về phát ngôn của ông Chính rằng trước tiên, ông Phạm Minh Chính nên đối thoại với chính những người bị bỏ tù vì đấu tranh cho tự do, nhân quyền của Việt Nam:
“Ở đây, chúng tôi đang cầm hình của anh Lê Đình lượng và Trần Hoàng Phúc là hai tù nhân lương tâm, và trong cuộc biểu tình này cũng có những hình ảnh và biểu ngữ của rất nhiều tù nhân lương tâm khác mà có mong muốn, khát vọng cho dân chủ, nhân quyền thì ông Phạm Minh Chính nên đối thoại với những người đó, bằng cách trả tự do và cho họ có được một tiếng nói bình thường trong xã hội Việt Nam.
Trong những ngày qua có một số tù nhân lương tâm đã được thả như là anh Hồ Đức Hòa, chị Trần Thị Thúy. Đầu tiên, đáng lẽ là những người này không bị bắt bởi vì họ không làm điều gì sai cả. Tuy nhiên, điều mình nhìn thấy là áp lực quốc tế nó cũng có hiệu quả và trong chuyến đi này thì có vẻ như là nhà nước Cộng sản Việt Nam muốn tạo một hình ảnh là họ bắt đầu cải thiện nhân quyền. Tôi nghĩ chúng ta phải tiếp tục vận động cho tất cả các tù nhân lương tâm ở trong nước.”
Hai người đấu tranh cho nhân quyền là ông Hồ Đức Hoà, bị tuyên án 13 năm tù giam vào năm 2013, và bà Trần Thị Thúy, từng thụ án tám năm tù giam và mãn án hồi năm 2018 cùng được sang Hoa Kỳ dưới sự bảo trợ của đảng Việt Tân.
Chị Bùi Duyên, đến từ Hawaii cho rằng việc Hà Nội thả hai người vừa nêu cùng thời điểm chuyến đi của ông Phạm Minh Chính là kết quả của sự vận động, lên tiếng của tất cả những người Việt Nam hải ngoại:
“Đó là do vận động quốc tế, hải ngoại làm việc chung với Chính phủ của Mỹ biết bao lâu nay. Nó nói lên những đóng góp của cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại, chung với nhau, góp sức nhau để lên tiếng, lên án cho mọi người biết. Vì vậy đã có những người được thả. Nếu thực sự quan tâm về nhân quyền thì Cộng sản hãy trả tự do cho các tù nhân lương tâm hiện nay, trước khi nói chuyện về nhân quyền, đó là bước đầu.”
Ngoài thủ đô Washington DC nơi ông Phạm Minh Chính tham gia Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN-Hoa Kỳ, tại những nơi khác ông sẽ đến trong chuyến làm việc trên đất Mỹ, cộng đồng người Mỹ gốc Việt đều có những cược biểu tình phản đối sự hiện diện của ông và phái đoàn. Những người biểu tình lên án tình trạng vi phạm nhân quyền, đàn áp tiếng nói bất đồng, cũng như không theo xu hướng tiến bộ của thế giới, đơn cử trong vấn đề cuộc chiến Nga xâm lược Ukraine hiện nay.