Biểu tình chống CT Tập Cận Bình tại Washington DC

Thanh Trúc, phóng viên RFA
2015.09.26
bieu-tinh-tcb-622.jpg Biểu tình chống chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình bên ngoài Nhà Trắng sáng 25 tháng 9 năm 2015.
RFA

Cuộc biểu tình chống ông Tập Cận Bình, chủ tịch nước Trung Quốc, chỉ thực sự bắt đầu vào lúc 10 giờ là khi ông Tập Cận Bình tiến đến Nhà Trắng và được tổng thống Barack Obama tiếp kiến tại Nhà Trắng sáng 25 tháng 9 bằng những nghi thức ngoại giao long trọng nhất.

Yêu cầu tổng thống Obama đừng im lặng

Tuy nhiên, từ 9 giờ sáng thì cả trăm người Tây Tạng với cờ, biểu ngữ, hình ảnh những tu sĩ tự thiêu, những sinh viên Tây Tạng bị bắt giữ, những nhà bất đồng chính kiến Tây Tạng bị giam cầm, đã hiện diện sẵn tại khu vực cho phép trên công viên La Fayette hướng vào Nhà Trắng bắt đầu hô khẩu hiệu chống Trung Quốc.

Cô Pema Yoko, quyền giám đốc tổ chức Sinh Viên Vì Một Tây Tạng Tự Do, nói rằng cô đến đây biểu tình vì đất nước Tây Tạng không có tự do và nhân quyền, người Tây Tạng lưu vong phản đối Trung Quốc chiếm đóng Tây Tạng với một chính sách thống trị, tước đoạt mọi quyền căn bản của nhân dân Tây Tạng, kể cả quyền đương nhiên là quyền được thần phục và tôn kính Đức Đạt Lai Lạt Ma.

Chúng tôi đến đây để chống ông Tập Cận Bình, yêu cầu tổng thống Obama đừng im lặng mà hãy công khai cất tiếng cho nhân quyền của Tây Tạng.
-Cô Pema Yoko

Cô Pema Yoko nói tiếp: “Chúng tôi đến đây để chống ông Tập Cận Bình, yêu cầu tổng thống Obama đừng im lặng mà hãy công khai cất tiếng cho nhân quyền của Tây Tạng.”

Có mặt cùng lúc với đoàn người biểu tình Tây Tạng nhưng đứng riêng một góc là khoảng gần 100 người Hoa mặc áo thun màu đỏ và giương cao lá cờ Trung Quốc, nói rằng họ tới để bày tỏ sự ủng hộ đối với chủ tịch Tập Cận Bình. Ông Leung Gang, một kiến trúc sư, phát biểu rằng: “Ông là người Trung Quốc, có mặt để cùng mọi người tiếp đón chủ tịch nước Trung Quốc, hãnh diện vì sự cố gắng làm việc và vươn lên của Trung Quốc, tự hào vì ông Tập Cận Bình đến Nhà Trắng và được tổng thống Mỹ tiếp đón. Trung Quốc và Hoa Kỳ là bằng hữu, ông nói, người Trung Quốc phải làm việc siêng năng và chịu thương chịu khó mới có được mối bang giao tốt đẹp với Mỹ.

Được hỏi ý kiến về cuộc biểu tình chống Tập Cận Bình mà ông thấy quanh đây, ông Leung Gang từ chối không trả lời.

Đến 10 giờ sáng, khi chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến Nhà Trắng, số người biểu tình bên ngoài tăng lên cả ngàn người với một rừng cờ gồm cờ vàng của cộng đồng Việt Nam, Đài Loan, Uighua, Mông Cổ, lôi kéo sự chú ý đặc biệt của hàng trăm khách du lịch tản bộ quanh đó:

“Tôi tên là Yang Jianli, chủ tịch của tổ chức có tên Khởi Xướng Cho Trung Quốc, hôm nay chúng tôi đến đây như một liên minh các đoàn thể nhằm phản đối ông Tập Cận Bình, một nhà lãnh đạo tồi tệ nhất của Trung Quốc trong vòng 25 năm trở lại đây, không những vi phạm nhân quyền của người dân Trung Quốc một cách trầm trọng mà còn phát động một chiến dịch triệt hạ và truy bức những người bất đồng chính kiến, những nhà hoạt động dân chủ và những người can đảm dám làm trái lời ông ta.

Chúng tôi cũng kêu gọi tổng thống Obama phải yêu cầu Trung Quốc cải thiện hồ sơ nhân quyền tồi tệ của họ đối với nhân dân Trung Quốc, Tây Tạng, Uighurs, Mông Cổ và Đài Loan.”

Cộng đồng người Việt ở Mỹ biểu tình chống chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình bên ngoài Nhà Trắng sáng 25 tháng 9 năm 2015. RFA PHOTO.
Cộng đồng người Việt ở Mỹ biểu tình chống chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình bên ngoài Nhà Trắng sáng 25 tháng 9 năm 2015. RFA PHOTO.

Với đoàn biểu tình Việt Nam, những vấn đề trên biển Đông, sự bành trướng và bồi đắp các bãi cạn trên Biển Đông là điều quan trọng cần phải lên tiếng với hành pháp Obama. Ông Đoàn Hữu Định, chủ tịch Cộng Đồng Việt Nam vùng Virginia, Maryland và Washington DC:

“Từ sáng đến giờ nhiều phái đoàn của Pháp Luân Công, Tây Tạng, Đài Loan... mà có thể đến cả ngàn người. Chúng tôi biểu tình chống Tập Cận Bình vì sự lấn chiếm Việt Nam của Trung Cộng là điều không thể chấp nhận được.”

“Tôi là Nguyễn Văn Tánh, hiện tại là chủ tịch ủy ban điều hợp cuộc biểu tình chống Tập Cận Bình. Hiện tại bây giờ có phái đoàn từ New York đến, phái đoàn từ Florida đến, phái đoàn từ North Carilina, South Carolina và Chicago Illinois đến, và phái đoàn DC, Maryland, Virginia. Chúng tôi biểu tình chống Tập Cận Bình chiếm lãnh thổ và lãnh hải của Việt Nam.”

“Tôi là Đinh Quang Trung, phát ngôn nhân của Lực Lượng Cứu Quốc. Hôm nay chúng tôi có đăng một thư ngỏ trên tờ Washington Times để yêu cầu tổng thống Obama đặt vấn đề Biển Đông và vấn đề Trung Quốc đang có dã tâm bành trướng tại Biển Đông. Đây là một nguy cơ rất lớn cho thế giới vì cái lộ trình hàng hải ở đó rất quan trọng trong khu vực. Nếu mà chúng ta không có thái độ thích hợp thì Trung Quốc sẽ dần dần lấn chiếm nguyên vùng Biển Đông mà hiện nay họ đã đơn phương tuyên bố 80% vùng Biển Đông là của họ.”

Người biểu tình tự chế và kỷ luật

Đoàn biểu tình của người Uighurs, được coi là dân tôc thiểu số theo đạo Hồi ở Tân Cương, thường cáo buộc Bắc Kinh đàn áp và muốn xóa bỏ nền văn hóa truyền thống của họ. Bà Rebiya Kadeer, một nhà tranh đấu nổi tiếng được người Uighurs phong tặng danh hiệu chiến sĩ tự do. Qua lời người thông dịch, bà Rebiya Kadeer phát biểu:

Chúng tôi kêu gọi tổng thống Obama yêu cầu ông Tập Cận Bình chấm dứt chính sách đàn áp có hệ thống và qui mô đối với dân tộc Duy Ngô Nhĩ chúng tôi, yêu cầu ông ta ngưng những vụ bắt bớ và xử phạt tùy tiện, trả tự do cho những người dám chống lại sự đàn áp.
-Bà Rebiya Kadeer

“Chúng tôi kêu gọi tổng thống Obama yêu cầu ông Tập Cận Bình chấm dứt chính sách đàn áp có hệ thống và qui mô đối với dân tộc Duy Ngô Nhĩ chúng tôi, yêu cầu ông ta ngưng những vụ bắt bớ và xử phạt tùy tiện, trả tự do cho những người dám chống lại sự đàn áp, tra tấn và hành xử bất công của chính quyền Bắc Kinh. Ngày nào nhà nước Trung Quốc còn muốn cai trị chúng tôi bằng vũ lực thì ngày đó người dân Duy Ngô Nhĩ tiếp tục tranh đấu để bảo vệ quyền lợi và sự sống còn của mình.”

Một đại diện của đoàn biểu tình người Mông Cổ, ông Enghebatu Togochog:

“Tôi ở mạn Nam Mông Cổ, còn được biết đến dưới tên Nội Mông, vùng đất giáp Tây Tạng và Pakistan mà Trung Quốc đã chiếm đóng lâu nay. Dưới sự cai trị hà khắc của người Trung Quốc thì chúng tôi phải tiếp tục lên tiếng chống lại, phải phản đối chế độ do ông Tập Cận Bình lãnh đạo. Chúng tôi lên tiếng yêu cầu người dân Hoa Kỳ và tổng thống nước Mỹ đòi hỏi chính phủ Trung Quốc tôn trọng nhân phẩm và quyền con người của những quốc gia họ đang thống trị như Mông Cổ, Tây Tạng, Uighurs và kể cả Hoa Lục.”

Nguyện vọng của người dân Đài Loan phải được Trung Quốc tôn trọng, hãy để người dân Đài Loan tự quyết định tương lai của mình, hãy chấm dứt sự can thiệp vào chuyện của Đài Loan, là phát biểu của ông Ming Hong Xiao, chủ tịch Hiệp Hội Đài Loan Mỹ Châu:

“Bởi vì Đài Loan là một nước độc lập và tự do, rằng Trung Quốc không có lý do nào để có thể tuyên bố là Đài Loan thuộc về Trung Quốc, không có lý nào vì Đài Loan hoàn toàn là một quốc gia độc lập đã mấy chục năm qua.

Và hiện tại, ông nói tiếp, hàng trăm hỏa tiễn Trung Quốc đang chĩa về phía Đài Loan, một điều không thể chấp nhận và chúng tôi gọi đó là sự khủng bố.”

Cuộc biểu tình chống ông Tập Cận Bình trước Nhà Trắng sáng thứ Năm vừa qua thật rầm rộ với số người đến càng lúc càng đông, đắc biết là phái đoàn Tây Tạng với ước lượng trên 300 người.

Từng đoàn biểu tình của từng nước tụ lại thanh từng nhóm riêng rẽ nhưng đã có lúc những màu cờ khác nhau hòa lẫn với nhau và mọi người cùng hô chung khẩu hiệu đả đảo ông Tập Cận Bình.

Đã có một lúc cao điểm là khi đoàn biểu tình Tây Tạng tiến đến và đối mặt với đoàn ủng hộ Trung Quốc. Hai bên lời qua tiếng lại, không khí trở nên căng thẳng khiến cảnh sát phải ra mặt vãn hồi trật tự, yêu cầu mọi người bước dồn ra phía sau.

Những người biểu tình đã chứng tỏ thái độ tự chế và kỷ luật nên không có chuyện đáng tiếc xảy ra.

Thanh Trúc tường trình từ Washington DC.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.