Chống trì trệ trong đầu tư công: Cần cả chọn dự án lẫn cán bộ!

Đầu tư công (ĐTC) được kỳ vọng là một trong những bệ đỡ của nền kinh tế, góp phần tạo việc làm và phục hồi tăng trưởng, nhưng thực tế tình hình triển khai ĐTC của Việt Nam trong sáu tháng đầu năm diễn ra rất ì ạch. Trong đó, 37/63 tỉnh, thành có tỷ lệ giải ngân ĐTC là 0%; ba bộ, cơ quan trung ương giải ngân dưới 1%, 8/13 bộ ngành chưa giải ngân vốn ĐTC từ nguồn vay nước ngoài..
RFA
2021.07.19
Chống trì trệ trong đầu tư công:  Cần cả chọn dự án lẫn cán bộ! Công nhân tại một công trình mở rộng đường ở Hà Nội. Ảnh chụp 18/1/2021
Ảnh: Reuters

Sợ trách nhiệm – nguyên nhân số 1

Ngoài lý do dịch bệnh COVID bùng phát trở lại và giá cả nguyên vật liệu đầu vào cho các công trình tăng đột biến, theo TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) còn có hai nguyên nhân quan trọng khác dẫn đến sự chậm trễ giải ngân ĐTC, đó là:

“Đầu tư công trong thời gian vừa qua mặc dù có nỗ lực nhưng tình hình giải ngân chậm. Nó có liên quan tới một số yếu tố: Một là trong thời gian vừa qua có bầu lại lãnh đạo ở các tỉnh và các bộ. Lãnh đạo thay đổi thì quyết định có thể sẽ chậm hơn. Điểm thứ hai là đầu tư công vừa qua là đối tượng của việc kiểm tra, thanh tra và chống tham nhũng, tầng lớp lãnh đạo và cán bộ thấy cần phải thận trọng hơn, phải kiểm tra chặt chẽ hơn nên dẫn đến các hạn chế nhất định”.

000_8ZW3L8.jpg
Đại hội toàn quốc ĐCSVN lần thứ 13 và những vấn đề thay đổi nhân sự lãnh đạo các bộ, ngành và tỉnh thành là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ giải ngân đầu tư công giảm. Ảnh: Quốc hội Việt Nam

Theo các chuyên gia kinh tế mà RFA có dịp trò chuyện, nguyên nhân thứ hai mà TS Lê Đăng Doanh chỉ ra là vấn đề Việt Nam cần tập trung giải quyết vì đây là trở ngại đáng kể đối với ĐTC trong những năm gần đây.

Bàn sâu về vấn đề này, chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh cho rằng trong bối cảnh luật pháp liên quan tới ĐTC của Việt Nam khá chặt chẽ và phức tạp, khi nỗ lực chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng được đẩy mạnh thì tỷ lệ giải ngân bị chững lại.

“Tốc độ giải ngân trong vòng năm năm trở lại đây khá là thấp, thường chỉ giải ngân được 1/3 số vốn thôi. Cái vướng mắc cơ bản là liên quan tới Luật Đầu Tư công và các quy định hướng dẫn khá chặt chẽ nên các địa phương và chủ dự án khó khăn trong [triển khai – PV] vốn đầu tư công. Họ quy trách nhiệm cho chủ dự án và chủ đầu tư khi triển khai các dự án. Nếu có sai phạm thì người chủ dự án và chủ đầu tư đó phải chịu trách nhiệm. Không thực hiện nghiêm thì bị pháp luật xử lý nên họ đang chững lại trong việc triển khai dự án” – ông nói với RFA.

TS Vũ Đình Ánh đơn cử, Luật ĐTC đưa rất nhiều yêu cầu đối với các dự án ĐTC như: Phải được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, phải chuẩn bị đủ nguồn vốn tài chính để triển khai dự án, phải thực hiện nghiêm túc quy định của Luật Đấu thầu… Rất nhiều dự án mặc dù đã được phê duyệt nhưng chưa hội tủ đủ các điều kiện như vậy nên người lãnh đạo chần chừ trong việc thực hiện dự án.

Theo ông, luật Phòng chống Tham nhũng (PCTN) có hiệu lực từ 1/7/2019 và cuộc chiến chống tham nhũng diễn ra mạnh mẽ trong những năm gần đây đã làm gia tăng tâm lý thận trọng, e sợ của các cán bộ công chức có trách nhiệm liên quan tới ĐTC.

Đặc biệt Luật PCTN có rất nhiều thứ liên quan đến vấn đề về ĐTC. Rất nhiều người có liên quan e sợ vi phạm luật PCTN khi triển khai các dự án ĐTC. Vấn đề nữa cũng rất quan trọng hiện nay hàng loạt các vụ án liên quan tới PCTN lại dính dáng đến các dự án ĐTC đã triển khai trước đó. Nghĩa là bây giờ có vấn đề hồi tố nên càng làm những người có trách nhiệm liên quan tới ĐTC e ngại trong triển khai” – TS Vũ Đình Ánh nói.

Còn theo TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung Ương, ở Việt Nam đang đồng thời diễn ra hai xu hướng: Mong muốn đẩy nhanh tốc độ và hiệu quả giải ngân ĐTC và nỗ lực chống tham nhũng, thất thoát lãng phí, ông giải thích:

Rõ ràng đây là vấn đề lo ngại sự an toàn của cán bộ công chức làm trong lĩnh vực đó, các cấp TW, địa phương. Giữa một bên đẩy nhanh và an toàn thì tôi cứ chọn an toàn mà làm. Không phải ngẫu nhiên, Đại hội [Đại hội toàn quốc ĐCSVN lần thứ XIII-PV ] vừa rồi có nói là phải biết bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì cái chung. Nhưng cơ chế nào cho họ? Vấn đề phải chống thất thoát và tham nhũng, thất thoát là đúng thôi nhưng bên cạnh đó làm sao để công chức an tâm làm, dám làm?”.

2014-04-08T120000Z_480201593_GM1EA481EED01_RTRMADP_3_VIETNAM-TRANSPORT-RICE.JPG
Một con đường tại ngoại ô thành phố Hà Nội. Ảnh chụp ngày 8/4/2014. Ảnh: Reuters

Giải pháp để đẩy nhanh đầu tư công? 

Dù có hàng loạt các lý do khiến việc đẩy nhanh đầu tư công bị trì trệ những năm gần đây,  TS Võ Trí Thành cho rằng Việt Nam nên đẩy mạnh ĐTC vì đây là hình thức đầu tư ít chịu ảnh hưởng của dịch bệnh hơn (ĐTC tập trung chủ yếu vào phát triển cơ sở hạ tầng như đường sá, cầu cống, sân bay…) trong khi đó ĐTC sẽ mang lại những hiệu quả lan tỏa tốt như giúp tạo việc làm, thúc đẩy hồi phục kinh tế … Để khẳng định ý kiến của mình, TS Thành đưa ra các lý do cụ thể:

Lý do thứ nhất là mức độ miễn nhiễm với dịch cao hơn lĩnh vực khác. Hai là dư địa cho ĐTC cao hơn, tỷ lệ trần nợ công giảm nhiều, thâm hụt ngân sách, nguồn lực còn khó khăn nhưng ít nhiều không lớn như trước đây. Ba là lĩnh vực ĐTC là lĩnh vực hệ số lan tỏa tương đối tốt, kéo theo rất nhiều ngành nghề khác. Thứ nhất, đầu vào, sắt thép xi măng, nhân lực rất nhiều. Như vậy nó là tăng trưởng, công ăn việc làm. Thêm nữa, hạ tầng không chỉ là ngắn hạn mà là vấn đề cho phát triển dài hạn”.

"Đầu tư công chính trong tình hình hiện nay là kênh đầu tư giúp nền kinh tế khôi phục, nó tạo ra cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng để thu hút đầu tư nước ngoài và đầu tư tư nhân. Tôi thực sự mong với kênh đầu tư công sắp tới sẽ góp phần giúp kinh tế sẽ hồi phục” – TS Lê Đăng Doanh. 

Theo TS Thành, thúc đẩy ĐTC không chỉ là vấn đề nên làm mà còn là vấn đề cần phải làm vì tỷ lệ giải ngân chậm không chỉ không phát huy được khả năng đóng góp của cho nền kinh tế của ĐTC mà còn tạo thêm tăng áp lực vay nợ cho Nhà nước vì ngoài ngân sách Nhà nước, một phần nguồn vốn ĐTC là do Chính phủ đi vay thông qua phát hành trái phiếu. Vốn ứ đọng, không sử dụng được thì Chính phủ vẫn phải trả lãi của các khoản vay. Do đó ông nhận định:

“Nhiều năm vừa qua, bây giờ cũng thế, khi anh huy động mà anh không đầu tư được ngay thì anh mất chi phí cơ hội rất lớn” – TS Thành nói.

000_9C773A.jpg
Công nhân làm việc tại một dự án xây dựng cầu tại Hà Nội ngày 15/6/2021. Ảnh: AFP

Làm thế nào đẩy nhanh ĐTC trong lúc này? Theo TS Võ Trí Thành, ngoài việc kiên quyết cắt bỏ các dự án chưa cần thiết hay dàn trải, lãng phí, Việt Nam cần tìm ra giải pháp loại bỏ tâm lý e sợ của cán bộ, khuyến khích họ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Ngoài ra, Chính phủ cần có cái nhìn linh hoạt trong vấn đề chống tiêu cực và cởi mở với những ý tưởng mới. Ông phân tích: 

“Về mặt pháp lý có hai cách - một cách là đi tìm cái tiêu cực để trị nó. Nhưng xã hội rất linh hoạt uyển chuyển, thị trường rất đa dạng, nhiều ngõ ngách, nếu chỉ đi chống, thì không bao giờ chống hết được. Thứ hai anh chặn từ quy trình, từ benchmark [tiêu chuẩn-PV] thì lại không tạo sự linh hoạt vì rất nhiều điều anh chưa biết. Làm thế nào để pháp luật chống được tiêu cực nhưng thế nào thúc đẩy được phát triển, làm thế nào để phát triển trở thành cái động lực, cái đa số. Đây là câu chuyện lớn. Bây giờ phải đi tìm cơ chế bảo vệ người dám nghĩ dám làm dám chịu trách nhiệm vì cái chung. Có thể họ không hoàn toàn đúng quy trình. Hay chúng ta có những tư tưởng cơ bản là đúng nhưng rất nhiều điều mình chưa biết nhưng không thể chờ biết hết mới làm?”

Ngoài ra, TS Thành cũng cho rằng Việt Nam cần sớm thúc đẩy việc xây dựng những nhưng khung pháp luật thí điểm (sandbox), tạo động lực cho công chức đưa ra và thử nghiệm những ý tưởng mới. Bên cạnh đó, Việt Nam có thể tham khảo cách làm của một số nước tiên tiến, trong đó có Singapore.

Singapore là một bài học, ngoài hệ thống động lực lương, họ có những phần thưởng cho những sáng tạo của công chức. Việt Nam cũng đang nghĩ đến [việc áp dụng – PV] sandbox để bảo vệ công chức. Giữa cái làm sáng tạo mà động lực lại thiếu, mà nguy cơ  rủi ro là nhiều thì tôi chọn cái an toàn. Động lực không chỉ là lương thưởng mà còn là sự thăng quan tiến chức, đánh giá môi trường, cái nhìn của xã hội...”  - ông nói.

Ngoài những giải pháp TS Thành vừa nêu thì TS Vũ Đình Ánh cho rằng Việt Nam vẫn có thể đẩy nhanh tỷ lệ giải ngân nếu tăng cường giải quyết ách tắc cho từng dự án cũng như quan tâm nhiều hơn công tác chọn lọc cán bộ.

“Rõ ràng phải xử lý từng dự án vì mỗi một dự án lại vướng ở một vấn đề rất cụ thể mà nó không phải liên quan tới quy định chung nên phải xử lý theo từng dự án. Cái thứ hai nữa là không chỉ quá trình lựa chọn dự án có hiệu quả mà gắn vào đó sự phân cấp và trách nhiệm của những người phải chịu trách nhiệm cá nhân về việc triển khai dự án đó. Như vậy sẽ phải kết hợp cả vấn đề chọn lọc các dự án với vấn đề chọn lọc cán bộ. Những cán bộ nào tham nhũng đã “đi” một phần rồi thế nhưng kể cả những cán bộ sợ trách nhiệm không dám triển khai thì cũng phải loại bỏ thì mới đẩy nhanh được tiến độ đầu tư công. Bây giờ với tình trạng như thế này thì sẽ không thể đẩy nhanh được” – TS Vũ Đình Ánh nhấn mạnh.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.