Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc vào ngày 1/3 ký ban hành Nghị định 14/2021 xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi, sẽ được áp dụng từ ngày 20/4 tới đây.
Theo Nghị định, hành vi đánh đập, hành hạ tàn nhẫn đối với vật nuôi sẽ bị phạt tiền từ 1-3 triệu đồng.
Trong đó, vật nuôi trong nghị định bao gồm cả động vật có vú bốn chân như chó, mèo và các loài gia cầm hai chân như gà, vịt.
Ngoài ra, hành động tra tấn động vật được định nghĩa là dùng vũ lực để đánh đập, trói và nhốt chúng, hoặc để chúng chết đói và không được chăm sóc.
Trao đổi với RFA tối 4/3, bạn trẻ Khánh Hòa từ Sài Gòn bày tỏ:
“Có được vậy là quá mừng vì có nhiều người nuôi không phải thương yêu mà để giữ nhà, để chó ngoài nắng ngoài mưa mà không cho nước, đánh đập… nên nếu có nghị định đó em ủng hộ liền.
Không phải quy chụp tất cả mọi người phải đối xử tốt với chó mèo nhưng ít ra không nuôi thì để người khác nuôi chứ nuôi mà hành hạ vậy thôi em thấy là đừng nuôi.”
Có được vậy là quá mừng vì có nhiều người nuôi không phải thương yêu mà để giữ nhà, để chó ngoài nắng ngoài mưa mà không cho nước, đánh đập… nên nếu có nghị định đó em ủng hộ liền. - Khánh Hòa
Không chỉ riêng với vật nuôi, nội dung Nghị định 14/2021 cũng ghi rõ cơ sở giết mổ tập trung sẽ bị phạt tiền từ 3-5 triệu đồng nếu vi phạm trong việc không có nơi lưu giữ vật nuôi đảm bảo vệ sinh trước khi giết mổ, đánh đập vật nuôi trước khi giết mổ, hay không có biện pháp gây ngất vật nuôi trước khi giết mổ.
Mức phạt sẽ tăng gấp đôi đến 6 triệu đồng đối với các tổ chức có hành vi vi phạm tương tự.
Bên cạnh đó, nghị định mới cũng quy định mức phạt đối với hành vi đưa vật thể lạ, bơm nước cưỡng bức hoặc các chất khác vào cơ thể động vật trên cạn trước khi giết mổ.
Cụ thể, đối với trường hợp tổng khối lượng động vật vi phạm dưới 100 kg có mức phạt 5-10 triệu đồng, từ 100-500 kg có mức phạt 10-20 triệu đồng, 500-1.000 kg phạt từ 20-30 triệu đồng và từ 1.000 kg trở lên phạt 30-50 triệu đồng.
Ông Bùi Hoàng Trí, chủ một cơ sở giết mổ động vật ở Bình Chánh Đông, Tam Bình, Tiền Giang, từng ký cam kết không sử dụng thuốc an thần và bơm nước vào gia súc nhận định:
“Nói thẳng ra không hiệu quả đâu tại vì ở đây giết mổ lậu cả đống mà xã, huyện không hoạt động, (nên được) bán công khai. Tôi làm lò (mổ) bây giờ tôi bức xúc tôi ra tới huyện la um sùm ngoài đó mà người ta không làm thì làm sao, tôi đâu có quyền hành gì.

Đối xử nhân đạo nếu là lò giết mổ thì không được bơm nước, phải chích điện cho nó chết từ từ mới xử lý những khâu tiếp theo. Nhưng ở ngoài người ta vẫn làm đầy tràn, người ta bơm nước vô, cho bán công khai ngoài chợ.”
Trước tình trạng như vừa nêu, ông Bùi Hoàng Trí cho rằng chủ trương thì có nhưng không ai làm được gì trong vấn đề vi phạm giết mổ. Ông kể:
“Lên tới huyện, huyện nói trường hợp nếu bắt được thì cách chức ông Chủ tịch xã. Hôm rồi chính cô Chi cục Thú y tỉnh nói cách chức nói một mặt vậy chứ đào tạo ra một ông chủ tịch 9-10 năm giờ nói cách chức là cách hay sao? Vậy bây giờ mấy ông không hành động, ngồi dự bệ ăn lương thì mình làm sao?
Thật sự tôi bức xúc dữ dội, giờ mà ông Thủ tướng về đây tôi cũng đi kiếm gặp, nói một vài câu rồi tôi nghỉ cũng được. Ông là Thủ tướng ông ký mà dân không làm, cũng lính của ông là chủ tịch, bí thư mà bây giờ không làm thì làm được gì mấy ông đó?”
Theo ông Bùi Hoàng Trí, chính vì cách xử lý của cơ quan có chức quyền như vừa nêu mà người dân là người lãnh chịu nhiều nhất:
“Người dân chịu, những cơ sở giết mổ thiệt thòi chịu. Như tôi bây giờ, nếu làm như vậy thì cơ sở của tôi giết mổ một đêm 30, 40, 50 con được, nhưng giờ một đêm chỉ có 11, 12 con.”
Truyền thông Nhà nước Việt Nam dẫn lời Đại diện Cục chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết khái niệm đối xử nhân đạo đối với động vật vẫn còn mới mẻ đối với người dân nên mức phạt sẽ không quá nặng, chỉ nhằm mục đích nâng cao nhận thức về vấn đề này.
Thật sự tôi bức xúc dữ dội, giờ mà ông Thủ tướng về đây tôi cũng đi kiếm gặp, nói một vài câu rồi tôi nghỉ cũng được. Ông là Thủ tướng ông ký mà dân không làm, cũng lính của ông là chủ tịch, bí thư mà bây giờ không làm thì làm được gì mấy ông đó? - Bùi Hoàng Trí
Theo quan điểm cá nhân, bạn Khánh Hòa cho rằng nếu chính phủ đưa ra nghị định đó phải đăng tin trên tivi hoặc trên mạng truyền thông để nhiều người nắm, còn không người dân lại đổ thừa không biết.
Vẫn theo Khánh Hòa, Nghị định 14 sẽ có hiệu lực vào ngày 20/4 tới đây phần nào đó cũng răn đe những người có thói quen hành hạ động vật, tránh những sự việc đáng tiếc xảy ra:
“Đợt rồi trên mạng có thằng treo chó, siết cổ treo lên rồi đánh, quay clip lại, cộng đồng mạng cũng tìm tới nhà nó rồi đánh nó. Em thấy cái đó cộng đồng mạng làm cũng sai nhưng nếu có nghị định vừa nói có thể giảm được một số hành động quá khích của mấy người thương chó.
Khi có pháp luật xử lý thì mình ghi hình ảnh, có chứng minh thì những người đó bị phạt, mình không phải mang tiếng cộng đồng mạng vô văn hóa.”
Dù vậy, Khánh Hòa vẫn cho rằng cần phải có những biện pháp chế tài và Chính phủ phải giao cho một cơ quan chính quyền đứng ra đảm nhận nhằm hạn chế tình trạng luật được ban hành nhưng không được áp dụng
“Giờ con người đây còn nhiều vụ chưa giải quyết được, huống chi động vật không biết có ai xử không.”