QUAD: Bối cảnh mới của an ninh quốc gia của Việt Nam

RFA
2022.08.27
QUAD: Bối cảnh mới của an ninh quốc gia của Việt Nam Thủ tướng Australia Anthony Albanese, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vẫy tay chào giới truyền thông trước cuộc họp Quad tại văn phòng của Thủ tướng Kishida ở Tokyo, ngày 24/5/2022.
AFP

bài trước, RFA trao đổi với TS. Nagao Satoru ở Hudson Institute về chiến lược bành trướng của Trung Quốc. Nhà nghiên cứu Nagao đã làm sáng tỏ chiến lược "lấp đầy khoảng trống quyền lực" của Trung Quốc để bành trướng lãnh thổ. 

Rõ ràng, những quốc gia và khu vực yếu kém trong khả năng tổ chức hệ thống an ninh sẽ không thể đối phó với chiến lược bành trướng của Trung Quốc. Trong bài thứ 2 này, nhà nghiên cứu Nagao Satoru chia sẻ với độc giả RFA về tổ chức Đối thoại Tứ giác An ninh (The Quadrilateral Security Dialogue - QUAD) gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ. Đây là một mô hình an ninh đối phó với chính sách bành trướng của cường quốc quân sự đang trỗi dậy này.  

Vì sao QUAD ra đời? 

Trả lời câu hỏi của RFA về chiến lược đối phó với chính sách bành trướng của Trung Quốc, TS. Nagao chỉ ra rằng chiến lược của các quốc gia QUAD là lấp đầy những khoảng trống quyền lực để Trung Quốc không thể trám vào, bằng cách duy trì sự cân bằng quân sự. 

Để làm được điều này, họ cần tăng ngân sách quốc phòng nhưng tăng ngân sách là một nhiệm vụ không dễ dàng. Do đó, họ thực hiện cách tiếp cận khác là tổ chức lại hệ thống an ninh của chính mình. 

Nagao-photo--scaled.jpg
TS. Nagao Satoru, Hudson Institute

Đây thực sự là một chiến lược quan trọng. Nhà nghiên cứu Nagao giải thích về mô hình an ninh “trục bánh xe-và-nan hoa” lâu nay của Mỹ và đồng minh. Mô hình “trục bánh xe-và-nan hoa” là cách sắp xếp mạng lưới giống như chiếc bánh xe đạp, trong đó có một trục và các nan hoa đan với nhau để giữ cho bánh xe vững chắc khi chuyển động. 

“Trong một thời gian dài, Mỹ và đồng minh duy trì trật tự ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương bằng hệ thống an ninh theo mô hình “trục bánh xe-và-nan hoa” (“hub and spoke” system). Trong hệ thống theo mô hình “trục bánh xe-và-nan hoa” này, trục bánh xe là Hoa Kỳ và các nan hoa là những đồng minh của Hoa Kỳ như Nhật Bản, Úc, Đài Loan, Philippines, Thái Lan và Hàn Quốc ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. 

Một đặc điểm của hệ thống hiện tại là nó phụ thuộc rất nhiều vào Mỹ. Bởi vậy, mặc dù Nhật Bản và Úc đều là đồng minh của Hoa Kỳ, nhưng không có liên minh Nhật-Úc. 

Những hành động khiêu khích gần đây của Trung Quốc cho thấy rằng hệ thống hiện tại đã không hiệu quả để ngăn cản chiến lược bành trướng của họ. Như đã đề cập ở trên, trong giai đoạn 2011-2020, Trung Quốc đã tăng chi tiêu quân sự lên 76% và Mỹ giảm chi tiêu 10%. 

Ngay cả khi chi tiêu quân sự của Hoa Kỳ lớn hơn gấp ba lần so với Trung Quốc, hệ thống “trục bánh xe-và-nan hoa” hiện tại vẫn sẽ không đủ.”

Theo nhà nghiên cứu Nagao, bởi mô hình an ninh hiện tại không hiệu quả, một hệ thống an ninh dựa trên những mối liên kết mới đang hình thành. Các đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ hợp tác với nhau và chia sẻ gánh nặng an ninh với Hoa Kỳ và với nhau. 

Nhiều thỏa thuận hợp tác song phương, ba bên, tứ giác hoặc đa phương khác, chẳng hạn như Mỹ-Nhật-Ấn, Nhật-Ấn-Úc, Úc-Anh-Mỹ, Ấn-Úc-Indonesia, Ấn-Úc-Pháp và Mỹ-Ấn- Israel-UAE, đang tạo ra một mạng lưới hợp tác an ninh mới. 

Trong bối cảnh đó, QUAD chỉ là một trong số nhiều ví dụ về cách thức các quốc gia hợp tác với nhau và chia sẻ gánh nặng an ninh khu vực, khi đối phó với một cường quốc quân sự đang nổi lên.

QUAD hoạt động như thế nào?

QUAD có thể làm gì để ngăn cản sự bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc? Nếu các nước QUAD phối hợp tốt, họ có thể buộc Trung Quốc phải phòng thủ nhiều mặt trận cùng một lúc. Nhà nghiên cứu Nagao giải thích:

“Trong một kịch bản như vậy, Trung Quốc sẽ cần đồng thời thực hiện nhiều khoản chi tiêu quốc phòng chống lại Mỹ và Nhật Bản ở phía Thái Bình Dương cũng như chống lại Ấn Độ ở phía biên giới Ấn Độ - Trung Quốc. Loại hợp tác này sẽ cung cấp một cách thức duy trì sự cân bằng quân sự ngay cả khi chi tiêu quân sự của Trung Quốc đang tăng với tốc độ nhanh chóng.

Khả năng tấn công là bí quyết chủ chốt. Trong một thời gian dài, không có quốc gia nào ngoại trừ Mỹ có đủ khả năng tấn công Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ đều sở hữu khả năng tấn công tầm xa, thì khả năng tổng hợp của họ sẽ buộc Trung Quốc phải phòng thủ trên nhiều mặt trận. 

Ngay cả khi Trung Quốc quyết định mở rộng lãnh thổ ở biên giới Ấn Độ - Trung Quốc, họ vẫn cần phải chi một lượng ngân sách và lực lượng quân sự nhất định để tự vệ trước một cuộc tấn công tiềm tàng từ Mỹ và Nhật Bản. 

Hiện tại, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia đều đang có kế hoạch sở hữu các khả năng tấn công tầm xa 1000-2000 km như tên lửa hành trình và máy bay phản lực F-35 với bom lượn (glide bomb). 

Và trên thực tế, Đài Loan, Việt Nam, Philippines và Hàn Quốc cũng đang tăng cường kho vũ khí tấn công bằng tên lửa đất đối đất. Những động thái này có thể rất quan trọng.”

Vào tháng 9 năm 2021, Australia, Anh và Mỹ thông báo thành lập AUKUS, một thỏa thuận an ninh ba bên ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trong liên minh này, Mỹ và Anh sẽ hỗ trợ Australia mua và duy trì 8 tàu ngầm hạt nhân. 

Ông Nagao cho rằng nếu Australia sở hữu tàu ngầm hạt nhân với khả năng tấn công tầm xa, lực lượng hải quân Australia có thể hoạt động ở một khu vực rộng lớn hơn ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và có khả năng chống lại mối đe dọa của Trung Quốc trong khu vực đó. Australia cũng sửa đổi tàu ngầm thông thường của họ để phóng tên lửa hành trình Tomahawk.

Chiến lược bành trướng của Trung Quốc và sự hình thành những mạng lưới an ninh mới trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương để đối phó với cuộc bành trướng đó đã tạo ra một bối cảnh mới về an ninh mà các nước Đông Nam Á phải tìm cách thích ứng. Phần cuối của loạt bài này, RFA sẽ phỏng vấn TS. Nagao Satoru về vị trí của Đông Nam Á trong đó có Việt Nam trong mạng lưới an ninh đang tiến triển trong khu vực. 

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Duy Hữu, USA
27/08/2022 21:31

Có thực sự như thế không... có nên như thế không...
có cần như thế không... có thành công như thế không ?

Hoa Kỳ đang theo đuổi đường lối, chiến lược làm... " Trung tâm điểm cái bánh xe đạp " ?
Các nước thế giới tự do theo đuổi, theo đuôi chiến lược cứ ỷ lại để cho Hoa Kỳ làm... " Trung tâm điểm cái bánh xe đạp " ?

Để đối phó, đối nghịch, đối đầu với tham vọng, bá vương, bá đạo, bá quyển làm... " Trung tâm điểm của cả thế giởi ", của Trung Cộng, của tập đoàn nhà nước Trung Cộng, của tập đoàn đảng viên Búa Liềm, do tập đoàn đảng viên Búa Liềm, vì đặc quyền,
đặc lợi, tư lợi đỏ, tư lợi đen của tập đoàn đảng viên Búa Liềm, của các tập đoàn tài phiệt, độc tài, độc quyền Trung Cộng ?

Có thể... không thực sự như thế... có thể không nên như thế... có thể không cần như thế... có thể không thành công như thế.

Tại sao các nước chỉ là những cái tăm xe đạp của cái bánh xe đạp... chỉ muốn làm những cái tăm xe đạp của cái bánh xe đạp ?

Nguyễn Văn
28/08/2022 01:17

QUAD là một liên minh gồm 4 nước Mỹ, Nhật, Úc, và Ấn, chỉ mới nhen nhóm hình thành để đối trọng lại sức mạnh quân sự đang gia tăng của Tàu Cộng trong khu vực. Nhưng QUAD không có sự ràng buộc cam kết về quân sự như NATO. Bốn nước này chỉ liên minh tạo thêm vũ khí để răn đe và cân bằng cán cân quân sự phòng ngăn ngừa chiến tranh. Nói chính xác là xây dựng một lực lượng liên minh đủ mạnh để tự vệ chung về quân sự, đặc biệt là để bảo vệ lợi ích chung chỉ ở trên và dưới biển, không nói gì tới trên đất liền như là biên giới Ấn và Trung. QUAD thành lập mục đích là để bảo vệ lợi ích trên biển, vậy liệu liên minh này có giống như NATO là khi một thành viên bị tấn công coi như là cả khối bị tấn công hay chỉ là một liên minh để canh chừng vùng biển tự do Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương?

Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là lợi ích của Mỹ nên Mỹ phải bảo vệ. Các nước khác chỉ hưởng theo. Từ trước tới nay Tàu Cộng luôn dùng chiến thuật vết dầu loang, tạo ra những vùng xám, không đủ lý do để xảy ra chiến tranh rồi chiếm giữ. Tàu Cộng chưa nhắm tấn công đánh cụ thể một nước nào trong khu vực hoặc trong nhóm QUAD thì nhiệm vụ của QUAD là gì, nếu không bị Tàu Cộng tấn công trước thì liệu QUAD có đủ lý do để gây hấn và đánh trước? Điều này sẽ khó mà xảy ra vì tất cả đều né tránh chiến tranh. Sẽ chẳng có nước nào dám hành động trước nếu lợi ích riêng chưa bị va chạm. Chỉ có Mỹ là dám nhưng để 3 nước còn lại tham chiến thì e rằng chỉ khi nào chính nước họ bị tấn công trước mà thôi.

Nhưng nếu Tàu Cộng không đánh trước thì khó mà Mỹ tìm được sự ủng hộ hoàn toàn của các đồng minh. Dù là đồng minh chí cốt, luôn sát cánh về quân sự, nhưng các đồng mình này của Mỹ vẫn giữ một khoảng cách vì còn muốn làm ăn kinh tế với nước Tàu. Tổng thống Nam Hàn vừa qua không tiếp đón khi bà Pelosi tới thăm để làm vừa lòng Tàu là một ví dụ. Chỉ trừ khi chính nước họ bị tấn công thì Mỹ sẽ phải nhảy vào, nhưng nếu không, các nước có thể sẽ đứng ngoài để mặc Mỹ lo liệu tranh giành ảnh hưởng với Tàu. Vì đây là vấn đề của Mỹ chứ không phải của các nước khác mặc dù là lợi ích chung. Họ không đủ sức chống Tàu Cộng và cũng không dám chống. Các nước nhỏ không muốn chọn phe nhưng luôn mong muốn có sự bảo vệ và che chở của Mỹ, nhưng nếu thấy Mỹ không bảo vệ được họ thì họ phải có một lựa chọn và lúc đó sẽ thấy họ thà chấp nhận chịu thua còn hơn là chiến tranh với một nước Tàu to lớn mạnh hơn họ mọi mặt mà Mỹ chưa chắc vì các nước nhỏ mà sẵn sàng đối đầu với nước Tàu.

Tóm lại là QUAD hay AUKUS cũng chỉ là những liên minh mà các nước trong khối phối hợp lại để cân bằng sức mạnh quân sự trong khu vực nhưng không có một cam kết về quân sự như NATO. Nếu có cam kết thì chỉ là những cam kết đồng minh riêng với Mỹ. Và nếu một nước ngoài khối bị bắt nạt thì Mỹ và QUAD sẽ làm gì và liệu nước đó có chấp nhận sự can thiệp của QUAD để chiến tranh hay họ thà đầu hàng để tránh chiến tranh? Và lúc đó Mỹ sẽ làm gì để giữ được lợi ích của mình?
nv

Nguyễn Văn
28/08/2022 11:05

Nếu chiến tranh xảy ra, mà có lẽ phải xảy ra, vì lý do rất đơn giản là Tàu Cộng mỗi ngày càng gia tăng tham vọng muốn đẩy Mỹ ra khỏi khu vực để chiếm lấy lợi ích, thì Mỹ, chính Mỹ sẽ là bên khởi động trước chứ Tàu thì chưa dám mặc dù luôn nói Đài Loan và của mình nhưng chưa dám chiếm vì sức mạnh quân sự vẫn còn chưa bằng Mỹ. Mỹ có thể sẽ, hoặc đã và đang, cố ý gài Tàu vào thế phải chiến tranh để giải quyết khó khăn trong nước. Kinh tế Mỹ ngày một yếu kém, chính sách đối ngoại cũng yếu; sức mạnh tổng thể của siêu cường Mỹ đang đi xuống. Điều này sẽ rất nguy hiểm vì chắc chắn một điều là Mỹ sẽ không để mất vai trò số một của mình mà sẽ tìm cách gây chiến tranh khi vẫn còn đang mạnh.

Chiến tranh sẽ giải quyết tất cả mọi bế tắc và khó khăn hiện nay của một siêu cường Mỹ. Vấn đề là bao giờ, hay đang nhen nhúm? Sau vụ lùm xùm chuyện bà Pelosi ghé thăm Đài Loan. Mặc dù bị Tàu đe dọa bắn rơi máy bay nhưng bà vẫn đến; và tiếp theo sau đó là những phái đoàn thượng nghị sĩ và dân biểu Mỹ đại diện cho thương mại; rồi tiếp nối là những phái đoàn các nước khác cũng dồn dập tới "thăm" Đài Loan mặc dù không có quan hệ ngoại giao với Đài Loan; rồi Mỹ hôm nay nói cho hai tàu chiến tuần tra đi qua eo biển Đài Loan thì liệu tất cả những hành động có có phải là đang chọc giận cho Tàu Cộng nổi xung gây chiến? Như vậy có phải là trúng kế của Mỹ? Nhưng nếu Tàu Cộng vẫn ngậm bồ hòn chịu nhục không dám gây chiến với Mỹ mà chỉ bức hiếp các nước nhỏ rời xa thì Mỹ sẽ phải làm gì?

Việt Nam, chính xác hơn là cộng sản Hà Nội, vẫn còn giữ chính sách 4 Không và 1 Tùy. Dù Tàu Cộng có ăn hiếp cách ấy cũng nhịn và không muốn tiếp cận gần gũi hơn với Mỹ về quân sự. Chỉ trừ khi Tập bắt chước Đặng, dạy VN một bài học nữa thì cuộc diện địa chính trị sẽ có thay đổi, Hà Nội sẽ không còn lý do để từ khước theo Mỹ và cầu cứu đến Mỹ. Nhưng liệu tập có dám?

Gần nửa thế kỷ qua các nước sống hòa bình không xảy chiến tranh ở vùng này vì Tàu còn yếu học theo Đặng ẩn mình chờ thời, chỉ có Mỹ vẫn là một siêu cường không nước nào dám thử thách. Nhưng chiến tranh sẽ phải xảy ra khi hai bên mạnh ngang nhau tranh giành ảnh hưởng và lợi ích; hoặc sẽ điều đình, một bên từ bỏ nhượng lại lợi ích của mình cho bên kia. Liệu Mỹ sẽ nhường hay sẽ gây chiến? Câu trả lời không khó vì Mỹ sẽ không bao giờ chịu làm cường quốc hạng hai để bị tiêu diệt.
nv

Hầm Cầu Thời Báo
28/08/2022 22:34

Tấ cả các nước bị xâm phạm chủ quyền, các nước yêu Hòa bình, Công lý, Sự thật, cũng như các nước có nhu cầu đi lại trên Biển Đông thì phải tham gia Liên minh để bảo vệ Công lý, bảo vệ tuyến giao thông quan trọng của thế giới.

Trung Hoa Dân Quốc
29/08/2022 04:41

Trung Quốc muốn bá chủ toàn cầu để cai trị với những luật lệ hà khắc, man rợ, phi nhân tính, các nước phải đoàn kết ngăn chặn ngay khi còn có thể, cứu loài người khỏi thảm họa diệt chủng.