Chất lượng thực phẩm: kêu cứu!
2009.08.28

Kém an toàn
Thực phẩm kém chất lượng, thiếu an toàn là vấn đề chính được Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bùi Bá Bổng nhấn mạnh tại Hội nghị đẩy mạnh công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm vừa mới được tổ chức tại Tp.HCM.
Cũng tại Hội nghị về công tác An toàn Vệ sinh Thực phẩm lần này ông Bùi Bá Bổng đã ví von, chỉ với thực tế 3% rau xanh ở Việt Nam có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép, thì đã có trên 2 triệu người Việt Nam hàng ngày phải ăn rau không an toàn.
Đại diện của Cục Bảo vệ Thực vật cho biết khi kiểm tra tại các tỉnh phía Nam, với 35 mẫu rau, đã phát hiện tới 54% mẫu có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, có những nơi dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cao gấp nhiều lần mức cho phép có thể gây ngộ độc cho người sử dụng.
Những loại rau củ ấy là khổ qua, dưa leo, đậu cove, cà chua, hành lá… nói chung là những loại rau có mặt hàng ngày trong bửa ăn gia đình.
Mới đây trong năm tại một cuộc họp bàn về vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm các đại biểu Qúôc hội đã bức xúc trước tình trạng thực phẩm kém chất lượng tràn lan trên thị trường.
Việc quản lý các chất phụ gia thực phẩm, chất bảo quản rất lỏng lẻo, hầu như không kiểm soát được.
Đại biểu quốc hội Võ Thị Dễ
Theo Đại biểu Võ Thị Dễ của tỉnh Long An: “Việc quản lý các chất phụ gia thực phẩm, chất bảo quản rất lỏng lẻo, hầu như không kiểm soát được. Tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận, chỉ cần ra chợ hóa chất Kim Biên, muốn mua bao nhiêu chất bảo quản thực phẩm cũng có và giá cực rẻ.”
Cảnh báo rau quả TQ
Nguồn thực phẩm trong nước còn chưa kiểm soát nỗi, lại thêm tình trạng thực phẩm kém chất lượng tràn qua biên giới vào nội địa khá nhiều trong thời gian qua, do quy định hiện nay của Bộ Y tế là rau, củ, quả, thực phẩm trao đổi giữa cư dân biên giới với nhau không thuộc danh mục phải kiểm tra An Toàn Vệ Sinh Thực Phẩm, càng dấy lên nhiều mối quan ngại về thực phẩm kém chất lượng lưu thông ngoài thị trường.
Về các mặt hàng thủy-hải sản, theo ông Nguyễn Phước Trung, Phó Giám đốc Sở Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn Thành phố Hồ Chí Minh, “hiện cơ quan chức năng chỉ quản lý được chất lượng các mặt hàng này ở các chợ đầu mối; còn tại các chợ lẻ, người bán dùng phân urê để bảo quản thì không kiểm soát nổi.”
Đối với các loại trái cây của Trung Quốc, Thái Lan để vài ba tháng vẫn không hư, không cơ quan chức năng nào kiểm soát được.
Còn đối với thịt thì sao? Theo Cục trưởng Cục Thú y Bộ Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn, ông Bùi Quang Anh, cho biết:
Thời gian qua, việc quản lý sản phẩm động vật đông lạnh nhập khẩu còn buông lỏng. Việc giết mổ tập trung ở một số địa phương rất yếu kém; tình trạng giết mổ lậu, không bảo đảm vệ sinh còn phổ biến.
Ô. Bùi Quang Anh
“Thời gian qua, việc quản lý sản phẩm động vật đông lạnh nhập khẩu còn buông lỏng. Phối hợp giữa các cơ quan thú y chưa chặt chẽ nên không xử lý triệt để một số lô hàng kém chất lượng. Việc giết mổ tập trung ở một số địa phương rất yếu kém; tình trạng giết mổ lậu, không bảo đảm vệ sinh còn phổ biến.”
Theo Cục Thú Y, mỗi năm, Việt Nam nhập hơn 100.000 tấn thực phẩm động vật tươi sống, đông lạnh từ các nước về tiêu thụ nhưng không ít trong số lượng thực phẩm này bị nhiễm bẩn, nhưng lại được tuồn ra tiêu thụ ngoài thị trường.
Ấy là còn chưa kể thịt nhập lậu, theo đường tiểu ngạch bị phát hiện nhiễm khuẩn. Và tại thị trường trong nước, thịt bẩn cũng tràn lan từ nguồn giết mổ lậu.
Vấn đề của toàn xã hội
Bộ trưởng Cao Đức Phát đã từng nhận định rằng: “Cần xác định được trọng tâm kiểm tra và đối tượng kiểm tra mới có thể xử lý tận gốc được vấn đề, còn những giải pháp đưa ra và thực hiện thời gian qua chưa có tính hệ thống và chưa thấy lời giải thích đáng cho vấn đề kiểm soát Vệ Sinh An Toàn Thực Phẩm.”
Biện pháp tổ chức “Tháng Hành động vì Chất lượng Vệ sinh An toàn Thực phẩm” chỉ mang tính chất phong trào, nó luôn được nhắc đi nhắc lại như một điệp khúc nhưng kết quả thì còn quá ít.
Anh Nguyễn Thanh Tùng, một giáo viên ở TPHCM nói: “Đây là một vấn đề cả xã hội phải cùng có trách nhiệm. Mỗi người phải có ý thức, ví dụ người buôn bán phải giữ vệ sinh. Phần nữa là nhà nứơc cần có một đội ngũ đi kiểm tra thường xuyên, còn nếu chỉ làm từng đợt thì hể có kiểm tra thì người ta làm tốt còn không thì thôi.”
Trái với sự phong phú về số lượng văn bản, bộ máy quản lý Nhà nước về An Toàn Vệ Sinh Thực Phẩm còn quá khiêm tốn.
Theo báo cáo của Chính phủ, từ tháng 7-2008 trở về trước, cả nước không có hệ thống quản lý chuyên ngành thống nhất từ Trung ương xuống địa phương, chưa có hệ thống thanh tra chuyên ngành An Toàn Vệ Sinh Thực Phẩm mà chỉ có thanh tra y tế kiêm nhiệm.
Nhiều năm nay vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm luôn là nỗi lo cho toàn xã hội. Nhưng có một nghịch lý là các cơ sở sản xuất thức ăn hầu như không có cán bộ kỹ thuật qua đào tạo phụ trách việc giám sát quy trình bảo đảm vệ sinh và chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm. Trong khi sinh viên khoa công nghệ thực phẩm hàng năm được đào tạo rất nhiều để... thất nghiệp!
Vệ sinh An toàn Thực phẩm là một vấn đề vô cùng quan trọng vì nó liên quan và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của người dân. Nhưng qua những con số công bố ở trên về chất lượng những thực phẩm mà hàng ngày mọi người dân đang dùng.
Hầu hết đều không an toàn cho người sử dụng. Điều này thật sự gây sốc… cho nhiều người. Về phía các cơ quan chức năng cũng không thể cứ mãi đổ lỗi cho cơ chế mà làm ngơ trứơc tình trạng thực phẩm đang mất vệ sinh nghiêm trọng.