Không công bố danh tánh các thí sinh gian lận thi cử: Nhân văn hay bao che?
2019.03.25
Bộ Giáo dục và Đào tạo vào cuối tuần trước đã công bố kết quả xử lý sai phạm trong kỳ thi Trung học Phổ thông quốc (THPT) quốc gia tại Sơn La. Có 44 thí sinh với 95 bài thi trắc nghiệm và 2 bài thi Ngữ văn có điểm chấm thẩm định thấp hơn so với điểm thi đã công bố trước đây. Tuy nhiên danh tánh các thí sinh và phụ huynh gian lận vẫn không được công bố.
Khi trả lời báo chí trong nước hôm 25/3, ông Hoàng Tiến Đức - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Sơn La cho biết, đã nhận được văn bản chỉ đạo của Bộ GDĐT về việc chấm thẩm định và xét lại tốt nghiệp với 44 thí sinh bị phát hiện gian lận trong kỳ thi THPT quốc gia 2018. Tuy nhiên ông Đức cho biết chưa thể thực hiện ngay, vì phải chờ hướng dẫn của Bộ GDĐT về cách thức thực hiện, vì chưa rõ sẽ cập nhật điểm thật của các thí sinh như thế nào, cũng như có công bố danh sách này hay không.
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do qua e-mail hôm 25 tháng 3 năm 2019, về việc này Luật sư Đặng Đình Mạnh, viết rõ:
Công chúng thật sự phẫn nộ khi cơ quan quản lý giáo dục lại có dấu hiệu bao che cho các hành vi sai trái này dưới mỹ từ “nhân văn”!
-Luật sư Đặng Đình Mạnh
“Thật không ngờ tình trạng gian lận điểm thi trong giáo dục đã đến mức phổ biến tràn lan, thậm chí, xảy ra tại nhiều tỉnh thành trong cùng một thời điểm gây nên sự bất bình, lo lắng rất lớn trong xã hội. Nhưng không dừng ở mức lo lắng, mà công chúng thật sự phẫn nộ khi cơ quan quản lý giáo dục lại có dấu hiệu bao che cho các hành vi sai trái này dưới mỹ từ “nhân văn”!
Theo Luật sư Đặng Đình Mạnh, việc che dấu danh tính của những người vi phạm đã phủ nhận nguyên tắc “Mọi người bình đẳng trước pháp luật”, mà theo đó, mọi sự biện minh cho điều mờ ám đều là ngụy biện, kể cả biện minh bằng “nhân văn”.
Các thí sinh đều đã ở tuổi trưởng thành, mà theo quy định của pháp luật thì người trưởng thành chịu trách nhiệm đầy đủ về các hành vi của mình. Trong sự việc gian lận điểm thi, các thí sinh tham gia vào quá trình ấy là một cách chủ động, có ý thức, cố ý tham gia vào hành vi sai trái thì phải bị chế tài của pháp luật hoặc của công luận là lẽ thường - Luật sư Đặng Đình Mạnh nhận xét.
Thầy Đỗ Việt Khoa, người từng nhiều lần lên tiếng đấu tranh chống tiêu cực trong thi cử, thì cho rằng lỗi này là do Bộ Giáo dục Đào tạo gây ra, đã quá tin tưởng giao quyền cho các địa phương, tin tưởng ở con người, nên đã xảy ra gian lận và tôi chắc chắn đã gian lần nhiều năm chứ không riêng năm nay. Theo ông, những kẻ tham gia này đa số là quan chức, con cái của quan chức, họ rất sợ bị đưa sự việc lên báo chí do đó họ tìm đủ mọi lý do, để không công khai danh tính người vi phạm. Ông nói tiếp:
“Theo tôi đã là sai phạm thì phải công bố công khai cho nhân dân biết. Đặc biệt những học sinh dự kỳ thi này đã vượt qua tuổi 18 rồi, đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Chúng chắc chắn đã cung cấp thông tin thí sinh cho cha mẹ chúng chạy chọt mua điểm. Khi mua điểm các học sinh này cũng đã đồng lõa, im lặng, chấp nhận sự giả dối mà người lớn sắp đặt cho mình, để mình có lợi… chúng không thật thà! Vì vậy càng không đáng tha thứ và che giấu.”
Trước đó vào ngày 26/7/2018, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Sơn La đã khởi tố vụ án hình sự lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Hội đồng thi Trung học phổ thông Quốc gia tỉnh Sơn La năm 2018. Các bị can bị khởi tố gồm: Trần Xuân Yến - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Sơn La; Nguyễn Thị Hồng Nga - Chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng; Đặng Hữu Thủy- Hiệu Phó trường THPT Tô Hiệu; Cầm Thị Bun Sọn- Phó phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD-ĐT Sơn La; Lò Văn Huynh, Trưởng phòng khảo thí - quản lý chất lượng giáo dục. Trong đó, 3 bị can: Nguyễn Thị Hồng Nga, Đặng Hữu Thủy, Lò Văn Huynh bị bắt tạm giam.
Ngoài ra còn có hai sĩ quan công an cấp tá bị khởi tố, tước danh hiệu công an, là Thiếu tá Đinh Hải Sơn nguyên Phó Đội trưởng Phòng An ninh chính trị nội bộ và Trung tá Đỗ Khắc Hưng - cựu cán bộ công tác tại Phòng PA03 Công an tỉnh Sơn La.
Theo bản tin đăng trên báo Tiền Phong ngày 25/3, hiện nhiều phụ huynh và học sinh ở tỉnh Sơn La, mong muốn không chỉ kỷ luật, khởi tố cán bộ vi phạm, cơ quan chức năng làm rõ 44 thí sinh được nâng điểm là con cháu của ai? Những phụ huynh bỏ tiền mua điểm phải được công khai và xử lý theo pháp luật.
Trước đó, theo tin của báo Người Lao Động đăng ngày 19/7/2018, thí sinh M., con gái của Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh cũng là một trong số những thí sinh có điểm cao của Hà Giang nhưng đã bị hạ nhiều điểm. Cụ thể, điểm thi của thí sinh được công bố lần thứ nhất lần lượt như sau: toán: 9,4; văn: 7,5; tiếng Anh là 10 điểm, tổng điểm xét tuyển theo khối D1 là 26,9. Tuy nhiên, sau khi chấm thẩm định, điểm thi của thí sinh này chỉ còn là toán: 6; văn 7,5; và tiếng Anh là 8. Tổng điểm xét tuyển theo khối D1 chỉ còn lại là 21,5, giảm 5,4 điểm.
Mặc dù kết quả chấm thẩm định như vậy, nhưng ông Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh vẫn khẳng định không có chuyện ông xin điểm cho con và không biết chuyện con ông được nâng điểm.
Một sinh viên Trường Đại học Tây Bắc ở Sơn La không muốn nêu tên khi trao đổi với chúng tôi hôm 25/3/2019 cho biết:
“Em nghĩ việc công khai danh tánh các thí sinh và phụ huynh gian lận mua điểm trong kỳ thi vừa qua là cần thiết. Vì theo em nên răn đe để người ta không làm như thế nữa. Em là sinh viên và em thấy bất bình về việc này. ”
Khi mua điểm các học sinh này cũng đã đồng lõa, im lặng, chấp nhận sự giả dối mà người lớn sắp đặt cho mình, để mình có lợi… chúng không thật thà! Vì vậy càng không đáng tha thứ và che giấu.
-Thầy Đỗ Việt Khoa
Tương tự, một người dân ở Hòa Bình cũng bày tỏ sự đồng tình:
“Người thì cũng bức xúc nhưng cũng chả làm được gì… Theo tôi thì nên công bố danh tánh các thí sinh gian lận… cho mọi người được biết… cho khỏi thiệt thòi cho các em học sinh khác mà các em thi bằng điểm thật…”
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, các vụ gian lận điểm thi Trung học Phổ thông quốc gia 2018 được xác định do kẽ hở trong bảo mật, dẫn đến bị lợi dụng làm sai lệch kết quả thi. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức kiểm điểm trách nhiệm tập thể và cá nhân có liên quan, đồng thời chuyển cơ quan công an điều tra các vụ gian lận đặc biệt nghiêm trọng.
Phó Giáo sư - Tiến Sĩ Mạc Văn Trang, người từng có hơn 30 năm công tác ở Viện Khoa học Giáo dục trước khi về hưu vào năm 2002, nhận định về thực trạng này:
“Gian lận thi cử trước đây xảy ra thì cũng không có gì trầm trọng lắm, nó cũng chỉ là cái bằng phổ thông thôi, sau đó còn phải thi đại học, các trường chuyên nghiệp và các tuyển chọn khác. Thế nhưng kỳ thi 2 trong một này nó vừa cấp bằng trung học phổ thông, đồng thời các em điểm cao còn được xét vào các trường đại học, nhất là các trường ‘hot’ hiện nay như trường công an, trường y, trường dược, học viện quân sự.v.v… vì vậy các gian lận năm nay rất nguy hiểm vì nó vào thẳng đại học.”
Theo Phó Giáo sư - Tiến Sĩ Mạc Văn Trang, nếu đã làm triệt để thì những người đã tham gia vào quá trình gian lận thi cử đều phải bị xử lý hình sự, hành chính hay kỷ luật… Đối với học sinh bị phát hiện gian lận thi cử phải đưa ra khỏi trường thì như vậy mới nghiêm minh được.