Đội Sao đỏ nhà trường: “ảo giác quyền lực” từ nhỏ?

RFA
2023.07.17
Đội Sao đỏ nhà trường: “ảo giác quyền lực” từ nhỏ? Học sinh một trường trung học cơ sở ở thành phố Hà Nội
AFP

Đội Sao đỏ là một trong những hoạt động của công tác Đội thiếu niên trong trường tiểu học và trung học cơ sở. Kết thúc một tuần học, đội Sao đỏ dưới sự hướng dẫn của thầy cô trực ban tổng kết xếp loại thi đua các lớp để thông báo trong buổi chào cờ đầu tuần tới. Số liệu báo cáo đó được dùng làm căn cứ cho kết quả thi đua và đánh giá công tác chủ nhiệm lớp của giáo viên chủ nhiệm, tập thể lớp vào cuối năm học.

Đội Sao đỏ cho đến nay vẫn được coi là một “thế lực” trong nhà trường, bởi nó có khả năng làm ảnh hưởng điểm thi đua của lớp học và cả giáo viên chủ nhiệm. Nhiều người cho rằng, Sao đỏ làm mất nhân cách trẻ, tạo cho trẻ ảo giác về “chức-quyền” từ quá sớm.

Cô giáo Huỳnh Thị Xuân Mai, một giáo viên trung học từng bị Hiệu trưởng ép nghỉ việc với lý do “có hành vi bất minh, lợi dụng trang mạng xã hội để phát tán thông tin xấu”, từ năm 2014, nói về đội Sao đỏ hiện nay:

“Hồi đầu nó là đội “Cờ đỏ”, sau này nó biến tướng thành “Sao đỏ”. Đội sao đỏ này trực tiếp do tổng phụ trách quản lý, mà tổng phụ trách là giáo viên đảng viên. Nó tệ là do nó chạy theo thành tích. Đội Sao đỏ lập ra để theo dõi các bạn học cùng lớp.

Những em đó được coi như lực lượng hậu bị cho những người cộng sản, bởi chế độ cộng sản phải có những người cộng sản, mà những người cộng sản là những người rình rập đồng đội mình, đồng nghiệp mình rồi tranh giành quyền lực, cấu xé nhau…”

Đã có nhiều ý kiến bàn luận về việc có nên giữ lại hình thức Sao đỏ trong trường học như hiện nay hay không, bởi sự tồn tại của đội Sao đỏ bị cho là mang tính phản giáo dục, dạy các em thành những đứa trẻ chuyên đi rình rập bạn bè.

Nói về hoạt động Sao đỏ thì nó chỉ có hai tính năng thôi. Đó là soi mói và đấu tố. Điều này còn dẫn đến tình trạng tiêu cực nngay trong tiểu học. Ví dụ hôm nay lớp 3A làm sao đỏ thì nó sẽ ưu tiên lớp nó không bị gì hết, nó sẽ đi những lớp khác ghi chép từ những chuyện cỏn con, vì có sao đỏ là có thi đua rồi đem kết quả ra trước buổi chào cờ. Y như một hình thức đấu tố từ lúc còn thơ.  -  Nhà thơ Liêu Thái

Nhà thơ Liêu Thái có con nhỏ đang học phổ thông lo ngại về sự tồn tại của đội Sao đỏ. Ông phân tích:

“Nói về hoạt động Sao đỏ thì nó chỉ có hai tính năng thôi. Đó là soi mói và đấu tố. Điều này còn dẫn đến tình trạng tiêu cực nngay trong tiểu học. Ví dụ hôm nay lớp 3A làm sao đỏ thì nó sẽ ưu tiên lớp nó không bị gì hết, nó sẽ đi những lớp khác ghi chép từ những chuyện cỏn con, vì có sao đỏ là có thi đua rồi đem kết quả ra trước buổi chào cờ. Y như một hình thức đấu tố từ lúc còn thơ.  

Điều này rất nguy hiểm. Nó làm méo mó và ảnh hưởng nhân cách trẻ. Làm trẻ mất tính tự chủ ngay từ nhỏ. Đứa trẻ không tôn trọng sự tự chủ của người khác thì nó sẽ không thấy sự tự chủ của chính nó. Nó không thấy tính dân chủ trong mỗi con người.

Hơn nữa, sao đỏ nó tạo ảo giác quyền lực. Khi đứa trẻ sao đỏ cầm cuốn sổ, cây bút trên tay thì nó được quyền định giá trị đạo đức của người khác luôn. Nhưng nếu nói một cách nghiêm túc thì chính những em sao đỏ cũng là nạn nhân của một cơ chế giáo dục thiếu khoa học. Cần phải loại bỏ ngay.”

Nhiệm vụ của đội Sao đỏ là theo dõi và chấm điểm mọi hoạt động của các bạn cùng lớp và khác lớp về mọi thứ liên quan đến nội quy của trường, từ việc đeo khăn quàng đỏ, giờ giấc vào lớp cho đến trang phục, cư xử… dẫn đến việc giáo viên cũng “sợ” Sao đỏ và tìm cách dạy học trò lớp mình cách đối phó với Sao đỏ lớp khác.

Trong khi đó, việc quản lý học sinh trong trường là trách nhiệm của giáo viên và người lớn, chứ không phải của những đứa trẻ Sao đỏ, được coi là đầy quyền lực như thế.

Nhà báo Nguyễn Ngọc Già nêu quan điểm của ông với RFA:

“Phải gọi tên nó là một vấn nạn nghiêm trọng vì nó tạo cho con nít một thói quen rình mò, soi mói, tạo ra những hành vi có thể hèn hạ, côn đồ. Ngoài ra, nó dạy cho con nít một sự huyễn hoặc về quyền lực một cách quái dị, bởi nó chỉ biết làm sao cho đẹp lòng thầy cô và nhà trường thôi. Nó sẽ ảnh hưởng trầm trọng đến quá trình hình thành nhân cách của trẻ.

Thứ hai, vấn nạn sao đỏ là một cái sai lạc về cứu cánh giáo dục của nền giáo dục Việt Nam. Bởi vì giáo dục phải tạo ra một học trò có nhân cách và tri thức, chứ không thể tạo ra một anh công an chìm con nít. Vô tình, điều này nó sự một sư thu nhỏ của một xã hội toàn trị, dùng dân trị dân.

Tóm lại, một nền giáo dục không tạo ra được nhân cách cho trẻ mà tạo ra nhiều thế hệ chỉ biết tuân thủ tuyệt đối trong một cái suy nghiệm một chiều. Và tôi gọi đó là vũng lầy của giáo dục Việt Nam hiện nay.”

Nhà báo Nguyễn Ngọc Già kết luận, đội ngũ Sao đỏ tồn tại cho thấy tính vô trách nhiệm của những người trong ngành giáo dục. Họ không tạo được một môi trường học đường đúng nghĩ để giáo dục con trẻ, đẩy con trẻ vào môi trường lúc nào cũng lo lắng những đứa bạn bên cạnh mình có thể báo cáo việc mình làm cho thầy cô một ngày nào đó.

Cách quản lý “lấy học trò trị học trò” có bị coi là một trong những nguyên nhân dẫn tới bạo lực học đường hay không? Báo Tổ Quốc hôm 26 tháng 11 năm 2016 có bài viết “Quyền uy của “sao đỏ” có là “mầm mống” của bạo lực học đường?” phân tích đề tài này.

Phải gọi tên nó là một vấn nạn nghiêm trọng vì nó tạo cho con nít một thói quen rình mò, soi mói, tạo ra những hành vi có thể hèn hạ, côn đồ. Ngoài ra, nó dạy cho con nít một sự huyễn hoặc về quyền lực một cách quái dị, bởi nó chỉ biết làm sao cho đẹp lòng thầy cô và nhà trường thôi. - Nhà báo Nguyễn Ngọc Già

Bài báo có đoạn viết: “Một học sinh tiểu học trong trường tiết lộ, rất nhiều học sinh lớp 1,2 gọi “đội sao đỏ” là “đội khủng bố”. Lý do là mỗi lần “đội sao đỏ” xuất hiện là mỗi lần học sinh lớp bé hơn “sống trong sợ hãi”; bài chưa thuộc cũng bị sao đỏ lấy thước đánh, tay chưa sạch cũng bị sao đỏ lấy thước vụt…

Khi các em lớp nhỏ hơn bị ăn đòn sẽ sinh ra ấm ức, hoặc thấy chưa thỏa đáng, có tâm lý trả thù… sẽ tìm mọi cách can thiệp từ phụ huynh, nhóm bạn bè, hoặc anh chị lớp lớn hơn.  Và đây có thể là mầm mống của bạo lực học đường mà chính người lớn “vô tình” tạo ra cho các em mà không hay biết.”

Khi những đứa trẻ còn non nớt chưa có đầy đủ nhận thức mà được trao “quyền lực” như Sao đỏ hiện nay thì không có gì chắc chắn chúng sẽ sử dụng “quyền” được trao một cách công tâm.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Duy Hữu, USA
17/07/2023 22:46

Ừ thì... chỉ vì... đảng giặc cờ đỏ búa liềm Việt Cộng... đảng độc, độc đảng... độc tài, độc đoán, độc tôn... độc địa, độc ác, độc hại,
độc quyền... Giáo dục " sao đỏ " Việt Cộng và Đào tạo " sao đỏ " Việt Cộng... độc địa, độc ác, độc hại... độc tài, độc đoán, độc tôn.

Chờ đến bao giờ... toàn dân Viêt Nam mới có toàn quyền tự do... Giáo dục Việt Nam và Đào tạo Việt Nam... thế hệ trẻ Việt Nam ?