Giảm giấy khen tràn lan, có giảm được bệnh thành tích trong giáo dục?

RFA
2020.09.11
000_FV66Y Ảnh minh họa: Học sinh một trường Phổ thông Cơ sở ở Hà Nội trước đây.
AFP

Theo qui định mới trong dự thảo Thông tư khen thưởng và kỷ luật áp dụng với học sinh sắp được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành, một điều đáng chú ý là học sinh tiên tiến sẽ không được nhận giấy khen nữa, chỉ học sinh hoàn thành xuất sắc nội dung học tập, rèn luyện và đạt học lực giỏi mới được nhận giấy khen cuối năm.

Ông Bùi Văn Linh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh - sinh viên thuộc Bộ GD&ĐT khi trả lời báo chí trong nước hôm 10/9 cho biết, việc chỉ tặng giấy khen những học sinh giỏi, xuất sắc, mà không tặng giấy khen cho học sinh tiên tiến, là để tiến tới giảm bệnh thành tích trong giáo dục.

Có giảm bệnh thành tích?

Thầy Đỗ Việt Khoa, giáo viên trường Trung học Phổ thông Thường Tín ở Hà Nội, người có nhiều thành tích đấu tranh chống tiêu cực trong giáo dục, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do hôm 11 tháng 9 nam 2020, liên quan vấn đề này nhận định:

Theo tôi các cấp thừa sức xử lý bệnh thành tích, dù hơi tốn kém và mất thời gian. Ví dụ như đi khảo sát từng trường, cho học sinh các địa phương thi cùng một đề thi học kỳ, sẽ xuất hiện ngay địa phương nào bệnh thành tích.
-Thầy Đỗ Việt Khoa

“Chuyện khen thưởng cũng khó, hiện nay nhiều trường mắc bệnh thành tích lắm, nên điểm cho học sinh cao lắm, cả lớp tiên tiến, có khi cả lớp giỏi hết, cái đấy nó tràn lan hết, bây giờ khắc phục cái đấy mới khó. Riêng chuyện khống chế tỷ lệ học sinh khá giỏi cũng không dễ, có những trường đầu vào tốt, học sinh toàn khá giỏi. Nhưng cũng có trường toàn học sinh yếu kém, học sinh không chăm chỉ, việc ta khoán một tỷ lệ khá giỏi rồi hạn chế giấy khen thì cũng không dễ, có khi mỗi trường làm một kiểu. Theo tôi cái này chỉ có thể vận động giáo viên để làm thế nào tương đối với các học sinh thôi, chứ cái này rất khó.”

Một bạn trẻ ở Sài Gòn, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do, cho biết ý kiến của mình:

“Thật ra, mấy cái họ đề ra chẳng là phát minh gì đâu, chẳng qua là hồi đó đến giờ người ta không nói... ví dụ như ‘nói không với gian lận thi cử’... rồi ‘nói không với bệnh thành tích’... cái đó đúng ra phải nói từ 1.000 năm nay rồi. Chẳng qua nói ra cái điều mà người ta không nói thôi, chứ em không thấy cái gì mới.”

Tuy nhiên theo Thầy Đỗ Việt Khoa, các cơ quan chức năng trong ngành giáo dục thật ra có rất nhiều cách để giảm bệnh thành tích trong ngành này, quan trọng là có thật tâm làm hay không? Thầy nói tiếp:

“Theo tôi các cấp thừa sức xử lý bệnh thành tích, dù hơi tốn kém và mất thời gian. Ví dụ như đi khảo sát từng trường, cho học sinh các địa phương thi cùng một đề thi học kỳ, sẽ xuất hiện ngay địa phương nào bệnh thành tích. Vì trên thực tế có trường học sinh kém, nhưng hiệu trưởng sỉ diện, ép giáo viên cho 70% học sinh là khá giỏi như trường Vân Tảo cũ của tôi. Ngược lại, có nhiều trường như trường PTTH Thường Tín của tôi hiện nay, hiệu trưởng không bao giờ ép giáo viên như thế, học bao nhiêu thì cho bao nhiêu, mỗi trường một kiểu, tùy theo cái tâm của anh hiệu trưởng.”

Ảnh minh họa chụp tại trường Marie Curie ở Hà Nội hôm 4/5/2020.
Ảnh minh họa chụp tại trường Marie Curie ở Hà Nội hôm 4/5/2020.
Manan VATSYAYANA / AFP

Từ nhiều năm nay, nhiều chuyên gia cho rằng bệnh thành tích trong ngành giáo dục không giảm mà còn có chiều hướng gia tăng, dẫn đến chất lượng giáo dục không thực chất.

Một nhóm do Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Phú, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký, Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Việt Nam dẫn đầu, trong công bố hôm 10/9 cho biết đã thực hiện khảo sát, nghiên cứu về “Bệnh thành tích” trong giáo dục, ở 8 trường trên địa bàn 4 tỉnh, thành phố đã cho ra kết quả 97,7% người khẳng định có “bệnh thành tích” trong giáo dục.

Một phụ huynh khi trả lời Đài Á Châu Tự Do, cho biết bà nghi ngờ về về kết quả học tập của con bà trước đây:

“Con làm bài để mà ôn thi kiểm tra chất lượng giữa học kỳ II với cuối học kỳ II đó, bé toàn là bị điểm kém thôi... nhưng đến lúc mà đi thi đó, thì không hiểu sao may mắn hay là do cái tình trạng mà thi đua của các giáo viên trong trường với nhau, để đạt danh hiệu, đâm ra là bé được đạt học sinh giỏi.”

“Nên khuyến khích động viên học sinh chưa giỏi”

Cũng theo ông Vụ trưởng Vụ Giáo dục Bùi Văn Linh, khen tràn lan khiến người học không có động lực... tuy nhiên quy định còn có các hình thức tuyên dương khác, việc này do hiệu trưởng quy định và có sự thống nhất của hội đồng, thầy cô...

Để tìm hiểu thêm, Đài Á Châu Tự Do hôm 11 tháng 9 nam 2020 liên lạc Cô Bích Ngọc, một giáo viên tiểu học ở tỉnh Vĩnh Long, và được Cô cho biết ý kiến liên quan việc khen thưởng này:

“Nói chung giấy khen cho học sinh tiên tiến để cũng tốt, tại vì để khuyến khích cho học sinh cố gắng học, vì nhiều em ở quê cũng học dở dữ lắm... Từ đó đến giờ học sinh tiên tiến không có lãnh thưởng, chỉ có một tờ giấy khen à em... đâu có lãnh thưởng, chỉ có học sinh giỏi mới có phần thưởng thôi. Nên Chị thấy tờ giấy khen đó để cũng được chứ đâu có gì đâu.”

Cũng trong Dự thảo Thông tư khen thưởng và kỷ luật áp dụng với học sinh sắp được Bộ GD&ĐT ban hành, ngoài vấn đề khen thưởng, còn có quy định gây chú ý, đó là quy định xoá bỏ hình thức đuổi học.

Nói chung giấy khen cho học sinh tiên tiến để cũng tốt, tại vì để khuyến khích cho học sinh cố gắng học, vì nhiều em ở quê cũng học dở dữ lắm...
-Cô Bích Ngọc

Liên quan vấn đề này, Thầy Đỗ Việt Khoa cho biết thầy rất ủng hộ:

“Về cơ bản nên ủng hộ điều đó, bởi vì đó là tính nhân văn có tính tôn trọng trẻ em. Đại bộ phận học sinh là trẻ em, trừ học sinh bậc trung học phổ thông thì là vị thành niên, nên chúng ta cũng nên mềm mỏng, uốn nắn các em khéo léo, tôn trọng nhân phẩm các em, chứ không phải hành xử, xử phạt, vì vậy tôi ủng hộ không nên có các biện pháp kỷ luật học sinh nặng nề như đuổi học, đình chỉ học 1 tuần, bêu học sinh trước tập thể, trước chào cờ. Những cái đó phản giáo dục lắm, tôi đồng ý bỏ các biện pháp cũ.”

Theo Thầy Khoa, nhiều nơi thời gian qua đuổi học sinh rất tùy tiện, chỗ đuổi 1 tháng, chỗ thì 1 tuần, có chỗ đuổi hai tháng... Thầy cho biết, theo thông tư 08 của Bộ giáo dục, chưa bao giờ cho phép đuổi học học sinh quá 7 ngày. Nhưng các trường không thực hiện đúng, mỗi trường một luật rừng. Thầy hy vọng năm nay Bộ Giáo dục sẽ thống nhất chứ không phải mỗi nơi làm một kiểu như trước đây.

Cần tăng cường giáo dục đạo đức học đường

Tuy nhiên Cô giáo Bích Ngọc ở tỉnh Vĩnh Long, không tán thành lắm về những quy định kỷ luật học sinh mà giáo viên không được phép:

“Theo như Chị dạy 25 năm rồi, Chị thấy học sinh vi phạm mà vi phạm nhiều mới đưa lên Hội đồng nhà trường. Còn nếu học sinh vi phạm một hai lần, thì chỉ mức độ kỷ luật của giáo viên chủ nhiệm hoặc tổng phụ trách thôi, chứ không đưa lên sinh hoạt giữa cờ cả trường. Mà nếu bỏ đi các hoạt động đó thì học sinh càng ngày càng không có đạo đức. Ngày xưa đi học, giáo viên còn có hình phạt này nọ, còn bây giờ giáo viên giống như đi làm vô làm hết bổn phận, chứ học sinh vi phạm thì cũng không có quyền hành la rầy.”

Theo Cô Ngọc, vì bây giờ giáo viên phạt học sinh mọi hình thức gì thì cũng bị coi là vi phạm đạo đức nhà giáo, cho nên cũng không ai dám làm gì, dẫn đến ngày càng có nhiều trường hợp học sinh vô đạo đức:

“Ngày xưa học sinh đâu có dám đâm lộn, chém lộn nhau đâu... bây giờ không có đạo đức, học sinh giờ có nhiều em rất suy đồi, không tôn trọng thầy cô, khi đến lớp không thuộc bài, hay không làm bài, giáo viên không thể dùng biện pháp gì để xử lý được. Tại vì bây giờ giáo viên mà cho học sinh quỳ gối cũng không được luôn, hay bắt học sinh phạt đứng khoanh tay cũng không được luôn, bất cứ mọi hình thức gì cũng không được.”

Cô giáo Bích Ngọc cho rằng, tình trạng đạo đức xuống cấp trong học sinh, sinh viên, là do giáo dục thiếu tính răn đe hợp tình hợp lý như hồi Cô đi học trước đây.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.