Hỏi ý dân việc tặng huân chương cho ông Nguyễn Đức Chung về chống COVID-19?

Diễm Thi, RFA
2020.07.01
000_1LR2U6.jpg Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung
AFP

Trong danh sách những cá nhân, tổ chức có thành tích xuất sắc trong việc chống dịch COVID-19 được Hội đồng Thi đua - khen thưởng Hà Nội công bố lấy ý kiến nhân dân trước khi tặng thưởng huân chương, có Chủ tịch thành phố Nguyễn Đức Chung. Cá nhân ông Nguyễn Đức Chung được xét tặng Huân chương Lao động hạng nhất trong vai trò trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của thủ đô.

Việc xét tặng huân chương lần này lại được đưa ra lấy ý kiến nhân dân trong 7 ngày trước khi đề nghị tặng thưởng. Tuy vậy, trong thực tế lâu nay, đảng và chính quyền Việt Nam từng tự ý quyết định nhiều việc hệ trọng ảnh hưởng đến người dân và cả đất nước gây hậu quả nặng nề. Đơn cử như dự án bauxite Tây Nguyên mà khi đưa ra được giới nhân sĩ trí thức góp ý, gửi thư cho đảng và chính phủ nhưng bị phớt lờ.

Dự án này được Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam thông qua từ năm 2001. Đến đầu tháng 11 năm 2007, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định phê duyệt quy hoạch phân vùng, thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng bauxite từ giai đoạn 2007-2015, có xét đến năm 2025.

Nhiều nhà khoa học, nhân sĩ trí thức gửi kiến nghị để nghiên cứu, xem xét việc khai thác bauxite Tây Nguyên một cách toàn diện. Cụ thể, ngày 5 tháng 1 năm 2009, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi thư tới Thủ tướng Dũng đề nghị dừng triển khai dự án khai thác bauxite này, nhưng tại cuộc họp báo đầu năm diễn ra vào ngày 4 tháng 2 năm 2009, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng nói việc khai thác bauxite tại Tây Nguyên là 'chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước' cho dù dự án này gặp phản đối từ nhiều phía.

Cái chuyện này nó rất là khôi hài bởi vì bao nhiêu chuyện quan trọng họ có hỏi ý kiến dân đâu, tự nhiên chuyện này lại đi hỏi. - Giáo sư Mạc Văn Trang

Một dự án nữa ở Hà Nội ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống người dân mà người dân không hề đươc hỏi ý kiến, là dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông. Ngoài chuyện đội vốn lên gần gấp đôi, công trình bị chậm tiến độ kéo dài quá lâu khiến người dân mất niềm tin. Bên cạnh đó là mảng cây xanh bị chặt với lý do phát triển đường sắt trên cao này khiến thành phố thêm nóng bức khi mùa hè đến.

Nghệ sĩ Kim Chi, người từng từ chối làm hồ sơ đề nghị Thủ tướng khen thưởng vì không muốn trong nhà có chữ ký của một người mà bà cho là ‘kẻ đang làm nghèo đất nước, làm khổ nhân dân’, bật cười khi nghe tin Hà Nội trưng cầu dân ý về việc tưởng thưởng cho chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung. Theo bà, tất cả những hành động đó đều giả dối, bởi nếu cơ quan chức năng một lòng nghe nhân dân thì không thể có những vụ việc như án tử hình cho Hồ Duy Hải, cuộc tấn công giết cụ Lê Đình Kình ở  Đồng Tâm và nhiều vụ khác… Nghệ sĩ Kim Chi cho rằng, huân chương chỉ là thứ phù du, không quan trọng.

Còn với Giáo sư Mạc Văn Trang, ông gọi việc Hà Nội lấy ý kiến dân trong việc tặng huân chương cho Chủ tịch thành phố này là ‘chuyện khôi hài’. Ông giải thích:

“Cái chuyện này nó rất là khôi hài bởi vì bao nhiêu chuyện quan trọng họ có hỏi ý kiến dân đâu, tự nhiên chuyện này lại đi hỏi. Ví dụ 3 anh công an chết ở Đồng Tâm, vừa chết hôm trước hôm sau đã được tặng huân chương chiến công, có hỏi dân đâu? Cứ tự tặng huân chương rồi phong danh hiệu cho nhau có bao giờ mà hỏi dân? Chuyện môi trường, chặt bao nhiêu cây, làm đường sắt trên cao cũng chẳng hỏi ý dân."

Theo Giáo sư Mạc Văn Trang, việc chống dịch là của toàn dân nhưng người đứng đầu mà có thành tích xuất sắc thì tặng huân chương cũng được, cũng không sao nhưng đừng hỏi ý dân. Các vị trong ủy ban phòng chống COVID-19 cứ việc tự họp với nhau, tự chọn ra người để tặng thưởng cho nhau.

Ngày 10 tháng 1 năm 2020, ông Tổng bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ký quyết định truy tặng Huân chương Chiến công hạng nhất cho 3 viên công an thiệt mạng trong vụ Đồng Tâm trước đó một ngày. Lý do để trao huân chương được nói là ba người đã lập chiến công đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Lúc bấy giờ, Trung tá quân đội Đinh Đức Long cho rằng đây có lẽ là điều chưa từng có trong lịch sử phong tặng các danh hiệu cao quý, nhất là huân chương chiến công hạng nhất trong lực lượng vũ trang quân đội nhân dân Việt Nam cũng như lực lượng công an. Ông giải thích rằng, quy trình phong tặng huân/huy chương thì phải từ dưới lên. Nghĩa là phải có hội đồng thi đua khen thưởng báo cáo thành tích rồi các cấp xét duyệt. Đằng này mới chết hôm 9 tháng 1 thì ngày 10 tháng 1, Tổng bí thư - Chủ tịch nước đã ký ngay quyết định phong tặng huân chương chiến công hạng nhất cho ba chiến sĩ công an.

Theo ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Trưởng ban Dân vận Trung ương, việc lấy ý kiến nhân dân về tặng huân chương chống COVID-19 cho Chủ tịch Hà Nội là trò dối trá. Ông cho rằng nói là lấy ý kiến dân nhưng thực tế chỉ là ý kiến của những người trong ủy ban mặt trận tổ quốc, ý kiến các đoàn thể hay một vài đại diện cử tri được chọn.

Tôi muốn bảo với anh Nguyễn Đức Chung rằng, chẳng thà anh ta làm cho tử tế rồi để lại tiếng tốt trong lòng dân. Nó bằng vạn cái huân chương chứ còn cái huân chương của cộng sản này nó như ‘lá mít’ ấy mà. - Ông Nguyễn Khắc Mai

Ông Nguyễn Khắc Mai nói ông không tin và dẫn chứng ngay cả việc họp quốc hội, gặp gỡ cử tri cũng chỉ là ‘dối trá’ thì không có chuyện gì là thành thật cả. Ông cho biết đã mất lòng tin từ lâu và nói tiếp :

“Nó bày trò ra để tự khen mình nhưng trớ trêu là đám cán bộ hiện nay ‘nói như rồng leo, ăn như rồng cuốn, làm như mèo mửa’. Ăn hết của dân mà cứ đòi nhận huân chương. Cái nghịch lý là ở chỗ ấy. Cứ để chúng nó trao huân chương lẫn nhau. Cái trò ấy chỉ càng làm rõ cái sự thật là sự dối trá thôi. Tặng huân chương là cái trò cũ rích lâu nay rồi, không đáng kể. Nó muốn cho ai huân chương mà chả được.

Tôi muốn bảo với anh Nguyễn Đức Chung rằng, chẳng thà anh ta làm cho tử tế rồi để lại tiếng tốt trong lòng dân. Nó bằng vạn cái huân chương chứ còn cái huân chương của cộng sản này nó như ‘lá mít’ ấy mà.”

Theo Nghị định 91/2017/NĐ-CP, Huân chương Lao động hạng Nhất để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân đã được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhì và 05 năm tiếp theo trở lên liên tục lập được thành tích xuất sắc trong thời gian đó có 04 sáng kiến được ứng dụng mang lại hiệu quả cao, có phạm vi ảnh hưởng và nêu gương trong toàn quốc được bộ, ban, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương công nhận.

Ngoài ra, cá nhân đó phải lập được thành tích đặc biệt xuất sắc đột xuất trong lao động, học tập, công tác có phạm vi ảnh hưởng và nêu gương trong toàn quốc được bộ, ban, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương công nhận hoặc lập được thành tích đặc biệt xuất sắc đột xuất, được giải thưởng cao ở khu vực hoặc thế giới…

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.