Phát triển cảng cá có thể giúp gỡ thẻ vàng khai thác IUU?

RFA
2022.04.11
Phát triển cảng cá có thể giúp gỡ thẻ vàng khai thác IUU? Một sĩ quan Cảnh sát biển Hoàng gia Thái Lan bắt giữ các ngư dân Việt Nam trên thuyền của họ ở tỉnh Narathiwat, miền nam Thái Lan. Cảnh sát biển Hoàng gia Thái Lan đã bắt quả tang hai tàu cá Việt Nam và thủy thủ đoàn đánh bắt trái phép trên vùng biển Thái Lan vào ngày 18 tháng 4 năm 2020.
AFP PHOTO

Tổng cục Thủy sản Việt Nam vừa đề nghị các địa phương quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng cảng cá, và cho rằng đây là tiền đề then chốt để gỡ thẻ vàng khai thác IUU (đánh cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không kiểm soát).

Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản - Trần Đình Luân đưa ra đề xuất vừa nêu khi làm việc tại Cảng cá Ninh Cơ, thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu, Nam Định mới đây.

Ngoài đề nghị xây dựng cảng cá hiện đại để gỡ thẻ vàng của EU, ông Trần Đình Luân cũng đề nghị các địa phương tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền ngư dân về chống khai thác IUU. Vị Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản đề xuất ngư dân phải mang theo toàn bộ hồ sơ tàu thuyền; thực hiện nghiêm túc việc khai báo trước một giờ khi tàu đến, rời cảng; ghi nhật ký hành trình đánh bắt, đánh bắt tại các vùng đánh bắt được chấp nhận, nhằm tạo điều kiện cho việc truy xuất nguồn gốc...

Tôi nghĩ nói theo Tổng cục Thủy sản là không đúng. Bởi vì việc phát triển cảng cá chỉ là một phương tiện để giúp ngư dân và giúp cho chính phủ kiểm soát tốt hơn mà thôi, chứ không quan trọng trong việc gỡ thẻ vàng.
-Trần Văn Lĩnh

Khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 11/4, ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội Nghề cá Thành phố Đà Nẵng, nhận định:

“Tôi nghĩ nói theo Tổng cục Thủy sản là không đúng. Bởi vì việc phát triển cảng cá chỉ là một phương tiện để giúp ngư dân và giúp cho Chính phủ kiểm soát tốt hơn mà thôi, chứ không quan trọng trong việc gỡ thẻ vàng. Việc này phụ thuộc rất nhiều điều, trong đó nền kinh tế Việt Nam thì thủy hải sản chỉ chiếm phần tương đối trong tổng GDP. Việt Nam hiện vẫn chưa phát triển đủ nhu cầu hạ tầng, ngay cả trên bộ vẫn chưa làm hết, cho nên việc phát triển cảng cá nó chỉ trong chừng mực mà nền kinh tế cho phép, chứ không thể hy sinh cái để phát triển cảng cá không... để gỡ thể vàng.”

Ông Trần Văn Lĩnh cho rằng, Chính phủ sẽ phải cân nhắc rất thận trọng, tùy theo nền kinh tế cần kích thích điểm nào để phát triển thì sẽ đầu tư... chứ không thể đem hết tiền xây cảng cá khắp nơi được.

Vào ngày 23 tháng 10 năm 2017, Ủy Ban Châu Âu (EC) đã quyết định cảnh cáo thẻ vàng đối với hải sản Việt Nam, vì không cải thiện kịp thời và đầy đủ các yêu cầu của EC trong công tác chống hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Theo thuật ngữ quốc tế, IUU (Illegal, Unrepoted and Unregulated Fishing) nghĩa là hoạt động đánh bắt cá trái phép, không báo cáo và không được quản lý. Quy định này bao gồm 3 tiêu chuẩn với những hải sản nhập khẩu vào EU. Nếu tỷ lệ vi phạm các quy định này thấp thì không sao, nhưng nếu tỷ lệ cao thì EU sẽ kiểm tra toàn bộ lô hàng của nơi xuất xứ trong vòng ít nhất 6 tháng, hay còn gọi là phạt “thẻ vàng”.

ba47006b-21d3-43b9-9e58-309bea59ada4.jpeg
Các quan chức Thái Lan kiểm tra một ngư dân Việt Nam bị bắt giữ tại cảng cá Narthiwat ở tỉnh Narathiwat, miền nam Thái Lan vào ngày 22 tháng 8 năm 2020, sau khi chiếc thuyền này bị phát hiện đánh bắt trái phép trong vùng biển Thái Lan. Madaree TOHLALA / AFP.

Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Việt Thắng khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do liên quan vấn đề này nhận định:

“Quá trình vừa rồi hội chúng tôi nhận thấy, tất cả trường hợp vi phạm đánh bắt ở nước ngoài đã giảm rõ rệt, và các đáp ứng của nhà nước để truy xuất nguồn gốc, đảm bảo không đánh bắt bất hợp pháp đã được các địa phương làm tốt. Còn mức độ tốt như thế nào thì tôi cho rằng để trở về con số không có một trường hợp nào vi phạm ở nước ngoài chẳng hạn, thì mình chưa thể đạt được.”

Nghị định 26/2019 NĐ - CP của Chính phủ quy định từ ngày 1/4/2020, tất cả tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên phải lắp thiết bị giám sát hành trình mới được cấp giấy phép. Điều này đồng nghĩa với việc, nếu không có thiết bị này, tàu cá sẽ phải nằm bờ. Tuy nhiên, lượng tàu cá dưới 15 mét nhưng vẫn đánh bắt xa bờ của Việt Nam là không hề nhỏ.

Một ngư dân không muốn nêu tên vì lý do an toàn, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do cho biết thiết bị định vị mà Nhà nước bắt buộc phải trang bị mới được ra khơi:

“Mở điện thoại lên thì biết được vùng biển ngư dân Việt Nam được quyền đánh bắt. Nếu trong vùng biển Việt Nam thì nó sẽ hiện lên màu xanh dương là vùng biển ngư dân tự do đánh bắt, còn phía đường ranh bên kia là màu vàng. Khi tàu có giám sát hành trình, mà tàu của mình qua khỏi làn ranh, là nó kêu như báo động, thì mình biết là đang xâm phạm lãnh hải của nước khác.”

Ranh giới của Việt Nam với một số nước lân bang thì cũng còn chồng lấn tranh chấp. Do đó ai cũng vẽ bản đồ theo quan điểm quốc gia mình, điều này khiến ngư dân Việt Nam vẫn có thể bị bắt khi đánh bắt ở vùng biển đó.
-Trần Văn Lĩnh

Ông Nguyễn Tử Cương, Trưởng ban phát triển thủy sản thuộc hội Nghề cá Việt Nam, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do trước đây cho biết, việc kiểm soát ngư dân khai thác ở ngoài khơi đang gặp nhiều khó khăn, vì lực lượng kiểm soát của Việt Nam ít và hệ thống thông tin liên lạc giữa tàu và đất liền chưa thật sự đầy đủ. Trong khi biển Việt Nam thì tới 3.260 cây số chiều dài và vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế Việt Nam, rộng tới cả triệu cây số vuông.

Tuy Việt Nam đã cố gắng rất nhiều trong việc tìm cách gỡ thẻ vàng của EU như việc quy định không đánh bắt gần bờ để tái tạo nguồn cá, trang bị cho hầu hết tàu thuyền thiết bị định vị, cũng như ban hành bản đồ số gắng kèm để cảnh báo khi tàu cá đi nhầm vào vùng biển nước khác, nhưng ông Trần Văn Lĩnh cho biết vẫn còn một số hạn chế:

“Trong quá trình thực hiện vẫn có thể dẫn tới ngư dân vi phạm, như quy định vùng gần bờ và xa bờ, thì trong thực tiễn chỉ là tương đối. Ví dụ họ đánh bắt xa bờ, nhưng luồng cá cận bờ thì họ vẫn phải theo luồng cá rồi vi phạm. Mặc khác, ranh giới của Việt Nam với một số nước lân bang thì cũng còn chồng lấn tranh chấp. Do đó ai cũng vẽ bản đồ theo quan điểm quốc gia mình, điều này khiến ngư dân Việt Nam vẫn có thể bị bắt khi đánh bắt ở vùng biển đó. Ngoài ra cũng có trường hợp ngư dân vì lý do kinh tế cố tình tắt định vị để đánh cá và bị bắt.”

Do đó theo ông Trần Văn Lĩnh, dù có nhiều cố gắng nhưng tình trạnh vi phạm chống khai thác thủy sản bất hợp pháp vẫn còn xảy ra, dù rằng đôi khi ngư dân không cố tình vi phạm.

Từ ngày Ủy Ban Châu Âu (EC) quyết định cảnh cáo thẻ vàng IUU đối với hải sản Việt Nam đến nay đã hơn bốn năm và EC đã nhiều lần qua Việt Nam kiểm tra. Dù Việt Nam đã đưa ra nhiều giải pháp, tuy nhiên ‘thẻ vàng’ hiện vẫn chưa được EC gỡ bỏ.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.