An ninh năng lượng cho Việt Nam

Kính Hòa RFA
2018.07.17
000_Hkg9777026 Một trang trại điện gió tại vùng duyên hải phía Nam Việt Nam. 5/2014.
AFP

Yêu cầu năng lượng để đảm bảo an ninh quốc gia, đặc biệt là điện, rất lớn. Trong khi đó thì nhu cầu vốn đầu tư, rồi cơ chế chính sách, nhu cầu bảo vệ môi trường,… đang là những thách thức rất lớn để chúng ta thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an toàn an ninh năng lượng của chúng ta, đặc biệt là lĩnh vực điện.”

Trên đây là phát biểu của Phó Thủ tướng Việt Nam, ông Trịnh Đình Dũng, tại buổi làm việc ngày 11/7/2018 với Bộ Công thương, nơi quản lý ngành điện Việt Nam.

Trong bài phát biểu này ông Trịnh Đình Dũng cũng có nêu lên những con số về nhu cầu năng lượng của Việt Nam trong tương lai. Ông kết luận rằng nếu không có một “cơ chế đột phá” thì sẽ không bảo đảm được an ninh năng lượng cho quốc gia.

Theo ông Trịnh Đình Dũng, sắp tới đây Việt Nam sẽ phát triển các loại năng lượng tái tạo như điện gió và điện mặt trời, và mua điện từ nước Lào láng giềng.

Nhận định về buổi họp này, Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ hiện đang sống và làm việc tại Na Uy cho rằng có vẻ như Việt Nam đang bế tắc trong chiến lược năng lượng của mình.

Quan điểm cá nhân của tôi là không xây dựng những nhà máy nhiệt điện than.
-Tiến sĩ Lê Anh Tuấn.

Trong khi đó, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, một người nghiên cứu chính trị Việt Nam từ Singapore thì cho RFA biết rằng Chính phủ Việt Nam cũng đã có những dự tính cụ thể cho việc phát triển điện năng của mình. Theo Tiến sĩ Hợp, cuối năm nay Việt Nam có thể sẽ quyết định không xây dựng những nhà máy nhiệt điện nữa từ năm 2019, trừ những nhà máy đã được lên kế hoạch. Ngoài ra, cũng theo ông Hợp, Việt Nam đã cấp giấy phép cho 31 dự án sản xuất điện gió tại vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.

Vấn đề phí tổn môi trường

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, hiện làm việc tại Trung tâm nghiên cứu biến đổi khí hậu tại Đồng bằng Sông Cửu Long, cho rằng việc tìm giải pháp để vừa đảm bảo năng lượng điện cho Việt Nam, nhưng đồng thời tránh gây ô nhiễm bởi các nhà máy điện chạy bằng than là một vấn đề rất nan giải:

Bây giờ vấn đề là cân nhắc giữ tỉ lệ điện than có thể chấp nhận được là bao nhiêu, và các loại năng lượng tái tạo khác. Và cũng phải chấp nhận giá điện cao hơn. Đây là một bài toán khó cần phải giải quyết.”

Nói về việc Việt Nam sẽ xúc tiến mua điện từ nước Lào, ông Tuấn cho rằng đây là một việc làm có thể lợi bất cập hại, vì nó sẽ thúc đẩy nước Lào phát triển thủy điện trên dòng chính của Sông Mekong, vốn đã và đang gây hại cho vùng Đồng bằng Cửu Long của Việt Nam.

Ông đề ra biện phát tiết kiệm điện, là loại bỏ những ngành công nghiệp tiêu tốn điện năng quá nhiều nhưng lại không có hiệu quả kinh tế, và gây ô nhiễm cao như là đóng tàu và luyện kim.

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, cũng như nhiều chuyên gia khác đều đồng ý rằng xây dựng những nhà máy điện chạy bằng than có điểm lợi là giá thành rẻ, tuy nhiên những phí tổn về môi trường sẽ rất lớn trong tương lai.

Những phí tổn về môi trường này có thể dẫn đến những bất ổn xã hội khó lường. Minh chứng cho điều này, nhiều nhà quan sát đã cho rằng chính những nhà máy nhiệt điện chạy bằng than ở vùng Vĩnh Tân, tỉnh Bình Thuận đã gián tiếp gây ra cuộc biểu tình bạo động đốt cháy trụ sở Ủy ban nhân dân tỉnh và đồn cảnh sát tại tỉnh này hồi ngày 10/6/2018. Lý do là vì người dân bị uất ức bấy lâu nay vì môi trường sống của họ, không khí và biển, bị khói bụi, xỉ than của những nhà máy này làm ô nhiễm tới mức không chịu nỗi.

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn nói tiếp khi nghe rằng những dự án nhà máy điện than, đặc biệt là 14 nhà máy tại vùng Đông bằng Sông Cửu Long sẽ tiếp tục được thực hiện:

Quan điểm cá nhân của tôi là không xây dựng những nhà máy nhiệt điện than. Đặc biệt là những vùng nhạy cảm như Đồng bằng Sông Cửu Long. Tuy nhiên, trong những trường hợp bức bách quá, phải chấp nhận một số nhà máy với những điều kiện kỹ thuật nào đó, và phải tăng chuyện giám sát, cũng như các kỹ thuật giảm bớt sự phát thải. Phải cân nhắc rất kỹ vị trí đặt nhà máy với các vùng sản xuất xung quanh. Cái này phải có sự kiểm tra, đánh giá của các chuyên gia độc lập khác nhau.”

Nhưng để xây dựng những nguồn năng lượng tái tạo, như điện gió và mặt trời, trong tình hình hiện nay là rất tốn kém.

Tìm ở đâu nguồn vốn cho việc này?

Ông Nguyễn Huy Vũ cho rằng cần phải tư nhân hóa ngành điện, không để cho nhà nước nắm độc quyền sản xuất và phân phối điện như hiện nay để có thể tạo nên sự cạnh tranh. Ông đưa ra hai mô hình có thể áp dụng cho Việt Nam để có thể thu hút vốn vào lĩnh vực năng lượng tái tạo:

Mô hình Solar City ở Mỹ là họ có chính sách mua lại điện của người dân, công ty ký hợp đồng với người dân để lấp những tấm pin mặt trời lên mái nhà người dân, người dân dùng không hết thì bán lại điện đó. Cách thứ hai là bên Israel làm. Một công ty trong nước có thể kêu gọi một công ty nước ngoài đầu tư chung với mình. Rồi chính phủ cũng là một cổ đông. Tổ hợp đó có thể hoạt động trong vòng năm năm chẳng hạn, rồi hai công ty đó có thể mua lại cổ phần của chính phủ với giá ưu đãi. Đó là một cách gọi là Yozma bên Israel làm được mấy chục năm rồi.

Theo ông Vũ, mô hình Yozma đã giúp Israel huy động được vốn không chỉ trong lĩnh vực năng lượng mà còn trong nhiều lĩnh vực kỹ thuật cao khác.

Vấn đề an ninh

Ngoài vấn đề công suất điện phải đủ để đảm bảo nhu cầu sản xuất và tiêu dùng, an ninh năng lượng còn được hiểu như là phải đảm bảo nguồn cung cấp nhiên liệu không gián đoạn, cũng như lưới phân phối điện không bị hư hỏng.

Trong cơ chế thị trường, Việt Nam không thể cấm người Trung Quốc mua bán, nhưng Việt Nam có thể học theo cách của người Mỹ là bác bỏ những dự án nào của người Trung Quốc nếu xét thấy nó nguy hại cho an ninh quốc gia.
-Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ.

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn nói với đài RFA rằng khi Việt Nam phát triển năng lượng gió và mặt trời thì sẽ đảm bảo được an ninh như vậy, chứ không phụ thuộc vào nguồn cung cấp than đá đối với nhiệt điện, hay nguyên liệu hạt nhân cho điện hạt nhân. Một điều đặc biệt nữa, ông Tuấn nhấn mạnh là các trung tâm điện gió và mặt trời sẽ cho phép tổ chức mạng lưới điện theo mô hình phi tập trung, không hao tốn điện năng trên đường truyền tải, và trong trường hợp một trung tâm bị hư hỏng sẽ không ảnh hưởng tới những vùng khác.

Mô hình này đã được kỹ sư Nguyễn Khắc Nhẫn, một chuyên gia về điện, sống tại Pháp, đề nghi với Chính phủ Việt Nam cách đây hơn 20 năm, khi ông phản đối dự án xây dựng đường dây truyền tải 500Kv xuyên Bắc Nam.

Nhưng hiện nay lại có một vấn đề an ninh khác rất nhạy cảm được đặt ra khi Việt Nam phát triển các trang trại điện gió và mặt trời.

Đó là Trung Quốc.

Theo những thông tin của Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, hiện nay Trung Quốc đang mua nhiều những trang trại điện gió và mặt trời Việt Nam, trực tiếp và gián tiếp qua ngã Hong Kong, Thái Lan, Singapore.

Nhận xét về hiện tượng này, ông Lê Anh Tuấn và ông Nguyễn Huy Vũ cho rằng mặc dù vấn đề Trung Quốc là nhạy cảm nhưng việc họ có thể có mặt để kinh doanh điện gió và mặt trời ở Việt Nam không gây ra nhiều vấn đề an ninh năng lượng như là phụ thuộc vào nguồn cung cấp nhiên liệu từ bên ngoài.

Ông Nguyễn Huy Vũ nói rằng, trong cơ chế thị trường, Việt Nam không thể cấm người Trung Quốc mua bán, nhưng Việt Nam có thể học theo cách của người Mỹ là bác bỏ những dự án nào của người Trung Quốc nếu xét thấy nó nguy hại cho an ninh quốc gia. Ông Lê Anh Tuấn thì nói rằng mặt dù ông thấy chuyện Trung Quốc sở hữu những trang trại điện gió và mặt trời tại Việt Nam không đến nỗi nguy hại nhưng ông sẽ nêu ý kiến là không đồng tình với việc này.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.